LUẬN VỀ KHOA BẢNG.
Trần Xuân Thời
Giáo dục nhân-bản, dân-tộc và khai-phóng giúp cho con người trở nên lương thiện nhân ái, để kiến tạo một quốc gia vĩ đại là sách lược duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.
Hội Nghị Giáo Dục VNCH năm 1958 đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng nền giáo dục Việt-Nam:
“Nền giáo-dục Việt-Nam phải là một nền giáo-dục nhân-bản, tôn-trọng giá-trị thiêng-liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh và như vậy nhằm mục- đích phát-triển toàn-diện con người.
Nền giáo-dục Việt-Nam phải là một nền giáo-dục dân-tộc, tôn-trọng giá-trị truyền thống, mật-thiết liên-quan với những cảnh huống sinh-hoạt như gia-đình, nghề-nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu-hiệu cho sự sinh-tồn, phát-triển của Quốc gia.
Nền giáo-dục Việt-Nam phải có tính các khai-phóng, tôn-trọng tinh-thần khoa- học, phát-huy tinh-thần dân-chủ và xã-hội, thâu thái tinh-hoa của các nền văn-hoá thế-giới.”
Sơn hạ hồng trần Nam Thoán lộ
Bất tri quan đái kỷ nhân hồi.
Dịch nghĩa:
Dưới núi, bụi hồng, đường Nam Thoán
Không biết có bao nhiêu người lãnh áo mão cân đai trở về.
Hai câu thơ này thể hiện sự cam go của sĩ tử phải phấn đấu, thi thố tài năng qua trường thi trận bút, hầu mong đỗ đạt để được tiến cử ra làm quan từ thời nhà Hán, cách đây hơn hai ngàn năm về trước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào vẫn có vấn đề "Học tài thi phận". Thế nên, mặc dầu vào thời nhà Hán một số người Việt khoa bảng như (*) Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng đã đỗ đạt, vinh quy bái tổ và được Hán triều bổ nhiệm ra làm quan, mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, Tú Xương than thở vì thi mãi vẫn chưa hết phạm trường quy, hoặc dù có khoa bảng nhưng không được đãi ngộ tương xứng.
Đau quá đòn hằn
Rát hơn lửa bỏng
Tủi bút tủi nghiên
Hổ lều hổ chõng.
Thi hỏng liên tiếp, Tú Xương đã thất vọng.
Ngày mai tớ hỏng, tớ đi ngay!
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mầy.
“Cống hỉ”, “mét xì” thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.
Cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã trải qua những âu lo khắc khoải của cuộc đời khoa hoạn, mãi đến tứ tuần mới đỗ Cử Nhân và được đề cử ra làm quan. Đối với Nguyễn tiên sinh đỗ đạt ví như: "Bẻ cành đơn quế cho rồi liền tay" chẳng những để khỏi: "Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ. Nay thét mai gầm rát cổ cha" mà còn đạt đến ước nguyện (self- actualization) của cuộc đời. Đắc chí, hay đạt được lý tưởng vì được liệt vào hàng "Kẻ sĩ".
Theo triết gia Maslow, nhân thế có 5 nhu cầu chính yếu:
Nhu cầu về sinh vật lý (physiological needs) như đói ăn, khát uống…
Nhu cầu được sống an toàn (security needs) không bị đe doạ, áp bức, kỳ thị;
Nhu cầu hội nhập (belonging needs), nhu cầu kết hợp, nhóm họp, thân hữu;
Nhu cầu được tôn trọng (respect needs) và
Nhu cầu thực hiện được lý tưởng của mình (self-actualization needs).
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chỉ tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý.
Ghi chú:
* Giai Thoại Văn Chương: Năm đó, Lê Quý Đôn còn nhỏ đi tắm trần truồng. Vào nhà thấy thân phụ có bạn tới chơi, Lê Quý Đôn đứng dang chân dang tay đố bác là chữ gì. Ông khách nói chữ "Đại", Lê Quý Đôn nói không phải, đây là chữ "Thái" vì có thêm dấu "phẩy"(cu). Hai ông già đều khen Lê Quý Đôn thông minh nhưng thân phụ phạt tội tinh nghịch, bê tha, phải làm bài thơ nói về tội rắn đầu (cứng đầu). Lê Quý Đôn không cần suy nghĩ, đọc bài thơ thất ngôn, câu nào cũng có một con rắn.
"Chẳng phải Liêu Điêu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẻ không tha
Thẹn đèn Hổ Lửa đau lòng mẹ
Nay thét Mai Gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo (rắn ráo)
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba (hổ ngựa)
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét