Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

NĂM KIỂU NGƯỜI NÀY SẼ CÓ ĐƯỢC CUỘC SỐNG TỐT NHẤT VÀ HƯỞNG PHÚC LÀNH LỚN NHẤT

NĂM KIỂU NGƯỜI NÀY SẼ CÓ ĐƯỢC CUỘC SỐNG TỐT NHẤT VÀ HƯỞNG PHÚC LÀNH LỚN NHẤT

Viên Minh biên dịch

Tục ngữ có câu: “Tam phần thiên chú định, thất phần kháo đả bính” – cuộc sống con người có tốt đẹp, viên mãn hay không thì 3 phần do trời định, 7 phần do cố gắng. Tính cách và thói quen của một người sẽ quyết định số phận trong đời này của họ.
Sau đây, chúng tôi xin nêu ra 5 kiểu người sẽ có được cuộc sống tốt nhất và hưởng phước lành lớn nhất.
1. Người sạch sẽ, tâm thanh sạch
Chekhov đã từng nói: “Những thứ thuộc về con người từ ngoại hình, trang phục cho đến tâm hồn và quan niệm, tất cả đều phải thật gọn gàng và sạch sẽ”.
Một người ăn mặc giản dị nhưng trang phục luôn sạch sẽ, phòng ốc gọn gàng, tác phong nghiêm chỉnh luôn đem lại cảm giác dễ chịu cho bản thân cũng như người xung quanh.
Sạch sẽ không chỉ là thể hiện ở vẻ bề ngoài mà còn ở thế giới nội tâm của họ. Người có trái tim trong sạch, cảnh giới tư tưởng thuần tịnh thì những việc làm hằng ngày cũng vô cùng giản dị, nhẹ nhàng, không có sự loạn bậy, xấu bẩn.
Lúc rảnh rỗi, họ thường dành thời gian thưởng trà, chăm hoa, chơi cờ, viết thư pháp, vẽ tranh. Kể cả khi bận rộn thì họ cũng làm việc trong trật tự, không gây tiếng ồn ảnh hưởng chung quanh.
Khi ở bên cạnh những người này, bạn sẽ luôn có cảm giác thoải mái, an toàn và tin cậy khiến cho nhiều người hơn nữa muốn đến gần, muốn xã giao, thậm chí là muốn kết thân với họ.
Chính vì lẽ đó, con người không chỉ là sạch sẽ ở bề ngoài mà còn phải thanh sạch từ trong tâm hồn để cuộc sống thêm phần tươi đẹp. Nếu như vậy, may mắn chắc chắn sẽ tự tìm tới.
2. Người chú trọng sức khỏe
Cuộc đời là một dãy số. Sức khỏe là con số 1, nếu bạn vượng tiền tài thì bạn được thêm một con số 0 phía sau, nếu bạn có sự nghiệp thành công thì bạn được thêm một con số 0 nữa, nếu tình duyên của bạn suôn sẻ thì xin chúc mừng bạn lại được một con số 0, nếu bạn có gia đình làm điểm tựa thì quả thật bạn quá may mắn, tặng bạn thêm một con số 0 nữa.
Nhưng chỉ cần sức khỏe bạn suy sụp, con số 1 bị lấy mất đi thì tất cả sẽ chẳng còn gì, chỉ là những con số 0 tròn trĩnh.
Sức khỏe là nền tảng quan trọng của con người. Nếu không có sức khỏe thì tất cả những gì bạn có, cuối cùng cũng chẳng còn lại gì cả.
Người biết quan tâm đến sức khỏe bản thân luôn giữ sinh hoạt điều độ, vừa phải. Dù công việc vất vả đến đâu cũng không đánh cược sức khỏe của mình.
Ngoài ra, còn phải biết quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Đọc báo chí, xem ti vi, đọc sách có chọn lọc để đưa vào đầu não những kiến thức bổ ích. Tránh xa những tin tức giật gân, loạn bậy khiến tinh thần sa sút, thân – tâm mệt mỏi.
Chỉ khi có sức khỏe tốt, bạn mới có thể tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc và phúc phận mà mình đáng có.
Cuộc đời là một cuộc chạy marathon, cuộc thi không phải dành cho ai chạy nhanh nhất mà là dành cho ai chạy lâu nhất. Chỉ những người khỏe mạnh mới có thể chạy dài và xa hơn trên đường đời.
3. Người thích đọc sách
Những người hời hợt thường so sánh vẻ ngoài, người sâu sắc lại chú trọng kiến thức. Một người có đầu óc, hiểu biết rộng thường được tôn trọng hơn và có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi việc.
Chính vì vậy, khi bạn muốn mở mang trí óc, thâu nạp kiến thức thì chỉ có đọc sách là phương pháp tốt nhất.
Sau khi đọc sách xong, ắt hẳn chúng ta sẽ thấy bản thân khác biệt hẳn lúc chưa đọc: Có kinh nghiệm hơn, có cái nhìn khách quan hơn, có kiến thức tiêu chuẩn để đối chiếu với sự hành xử của bản thân và người khác – từ đó biết phân biệt đâu là tốt và đâu là không tốt.
Những kiến thức trong sách báo có thể chưa khởi tác dụng ở hiện tại nhưng biết đâu được, vào một tình huống khẩn cấp nào đó, nó sẽ giúp bạn rất nhiều.
4. Người có tâm “Nhẫn”
Sự nhẫn nại là điều vô cùng cần thiết trong đời người. Nó là một trong những tiêu chuẩn để đo lường người tốt, kẻ xấu.
Người biết nhẫn nhịn, giữ được tâm thái bình thản, nhún nhường lùi bước thường sẽ có một tương lai an bình, bất kỳ tác động xấu nào cũng không lay động được họ.
Hầu hết các cuộc cãi vã và tranh đấu giữa người với người đều xuất phát từ sự bất bình, không hài lòng về đối phương. Chỉ có Nhẫn mới hòa hoãn được cơn nóng giận, bình tâm suy xét thấu đáo vấn đề thì mới tránh được những điều đáng tiếc này.
Nếu bạn cứ muốn tranh giành mọi thứ, mãi đấu đá hơn thua thì cả cuộc đời sẽ rất thống khổ vì gây thù chuốc oán.
Trong tác phẩm “Thái Căn Đàm” có câu: “Lùi chính là tiến, cho chính là được”.
Trong cách đối nhân xử thế, có thể nhẫn nhường thì đó chính là phương pháp cao minh vì lùi mà nhường một bước chính là bậc thang để tiến một bước. Đối đãi với người khác khoan dung rộng rãi thì đó là người có phúc vì đồng thời với việc tạo thuận tiện cho người cũng chính là đặt nền móng để thuận tiện cho mình.
Nhẫn là tiêu chuẩn tâm tính để phúc chưa đến mà họa đã tránh xa.
5. Người sống tình nghĩa, biết ơn
Con người trong kiếp nhân sinh cần sống cho trọn đạo lý. Với mọi người thì cần tương thân tương ái, vui khi người khác có được hạnh phúc, biết ơn những người đã từng giúp đỡ mình, trân trọng những hiền nhân hay làm việc tốt.
Người cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương, kẻ có phúc thì phúc sẽ tự đến.
Chỉ khi bạn sống biết cảm kích ân nghĩa, ghi lòng tạc dạ sự giúp đỡ của ân nhân thì mọi người xung quanh mới có thể tin tưởng để giúp đỡ bạn lúc khó khăn, giúp đỡ không tính điều kiện, không có so đo. Đó chính là quả ngọt mà bạn nhận được vì lối sống có tình có nghĩa.
Tấm lòng trọng ân nghĩa là bản chất quý hơn cả kim tiền, vàng bạc. Người sở hữu đức tính này chính là người giàu có nhất, không vật chất ngoài thân nào có thể so sánh được. Biết ơn chính là một mỹ đức, mỹ từ đẹp nhất trong cuộc sống này.
Cổ nhân có câu nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người trọng nghĩa, cảm ân thì Trời Thần đều nhìn thấy, chắc chắn tương lai phúc lành sẽ đến.
Những người có năm phẩm chất trên chắc chắn rằng sẽ có được một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Cho dù chỉ có một phẩm chất cũng đủ để con người sống an nhiên tự tại rồi.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

TẾT CỦA MỘT GIA ĐÌNH TRẺ TỊ NẠN TẠI MỸ

TẾT CỦA MỘT GIA ĐÌNH TRẺ TỊ NẠN TẠI MỸ
Thạch Thảo

Người ta hay nghĩ rằng thế hệ tị nạn cộng sản rồi sẽ mờ dần và chất Việt trong thế hệ thứ 2 rồi sẽ mất đi; “tre tàn” nhưng “măng mọc” là những cây măng Mỹ mỗi ngày mỗi xa lìa nguồn cội. Thực tế không hẳn. Nếu có một gia đình trẻ nào đó ý thức giữ gìn nguồn cội của mình là điều thật đáng ca ngợi. Đó là gia đình của đôi vợ chồng trẻ Pierre Phạm và Hoàng Yến.

Thành quả  trên nón lá của mẹ Thiên Hương và con gái Helen Thuỳ Vân, sinh viên trường Đại học Houston. Ảnh: TT          

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, là người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại đất nước Hoa Kỳ ai cũng đều háo hức đón Tết. Ðặc biệt, tái hiện phong tục ngày Tết truyền thống không phải là điều đơn giản đối với các thế hệ trưởng thành trên đất Mỹ, thế nhưng đã có một gia đình bạn trẻ ở thành phố Cypress, Houston, Texas đã cố gắng làm điều này.

Khách và chủ nhà Pierre chụp hình Tết - Ảnh: TT

Chưa Tết mà ngôi nhà  của đôi vợ chồng trẻ Pierre Phạm và Hoàng Yến đã đầy sắc xuân làm mọi khách mời hôm đó ngạc nhiên thích thú.

Pierre hiện là founder/CEO of REVOLUTION NETWORKS, theo gia đình vượt biên qua Mỹ khi mới 4 tuổi và định cư ở thành phố Madison, Wisconsin.

Niềm vui Hoàng Yến & Pierre trước bàn thờ gia tiên - Ảnh: TT 

Pierre không nói lưu loát tiếng Việt nhưng tình yêu với Hoàng Yến, một cựu thành viên của vũ đoàn Hoài Hương khiến anh tham gia các sinh hoạt Cộng đồng rồi thích thú tìm  hiểu nhiều hơn về văn hoá Việt Nam và học tiếng Việt để được lấy cô gái xinh đẹp gốc Sài Gòn này làm vợ. Còn Hoàng Yến là cư dân tại Houston từ 1996, đã tốt nghiệp đại học UH Bachelor of Science in Civil Engineering.

Cùng thực tập gói bánh Tét, bánh Chưng.  Ảnh: TT 

Hoàng Yến cũng như người chồng, cả hai tuy hấp thụ, ảnh hưởng nền văn hóa Mỹ nhưng rất yêu mến cội nguồn của mình. Năm nay cả hai bỏ công tìm hiểu, mua sắm vật liệu để tái tạo hình ảnh một cái Tết cổ truyền trong ngôi nhà của mình với những hoạt cảnh gợi lại ý nghĩa của ngày Tết như gói bánh tét, mâm cỗ, chơi tôm cua bầu cá, lì xì, múa lân…

Vẽ trên nón lá để tạo một chiếc nón mùa xuân - Ảnh: TT

Nhiều bạn bè đã dẫn con cháu của họ đến ngôi nhà Pierre cùng tham gia tích cực. Cô bé sinh viên khả ái Helen Thùy Vân, đang học ngành dược tại University of Houston, phụ trách vật liệu, hướng dẫn gói bánh tét. Em cũng cùng mẹ là Thiên Hương bày cách vẽ trên nón lá, một sáng kiến được yêu thích hôm đó.

Hàng xóm được mời thưởng thức món ăn Tết và nghe giải thích phong tục VN - Ảnh: TT 

Nhà thiết kế Huỳnh Lợi, hiện định cư tại Houston, là gương mặt nổi tiếng về thiết kế thời trang, áo dài hoa hậu… là người lãnh phần trang trí bàn thờ gia tiên. Bạn Cẩm Vân lo mâm Cơm truyền thống như canh khổ qua, thịt kho trứng, dưa món. Bạn Judy Nguyễn chuẩn bị Bánh Tét, Bánh Chưng, Dưa Hấu, trái cây cúng Ông Bà cùng sự góp sức từ các chị em khác.

Mâm cơm chuẩn bị ngày Tết truyền thống - Ảnh: TT

Chia sẻ với phóng viên Trẻ, cô Dr. Nancy Mai, đồng Giám đốc hệ thống Apple Dentist và ABTV 21.12 là khách tham dự cho rằng: “Tôi thực sự cảm động khi được tham dự buổi tiệc Tất niên ý nghĩa như vậy, đã cho thấy các thế hệ xa xứ vẫn luôn nhớ đến cội nguồn. Tuy ai cũng có công việc khác nhau nhưng đây là một dịp để chúng ta được họp mặt thật vui”.

Mại dzô! Bầu Cua Cá Cọp đây! - Ảnh: TT 

Thanh Vy, khuôn mặt quen thuộc trong hoạt động truyền thông chia sẻ: “Khi đến đây, em được cảm giác ấm áp như đoàn tụ đón Xuân với gia đình như ở quê hương. Không ngờ người Việt mình mặc dù bận rộn vẫn gắng giữ gìn truyền thống Việt Nam dù sống ở nơi nào”.

Từ trái, khách mời: Judy Nguyễn, Hà Hoa, Cẩm Vân, thành viên các nhóm biểu diễn thời trang, nghệ thuật tại Houston - Ảnh: TT

Riêng Bradley Trương, 22 tuổi, sinh ra tại Mỹ, hiện làm việc trong ngành Tài chính đầu tư ở Austin đã thốt lên khi theo mẹ tham dự: “Quá tuyệt vời, lần đầu tiên con thấy được cách gói Bánh Tét thế nào, các chú mặc áo dài quốc phục, các cô mặc áo bà ba đẹp quá. Lại vẽ nghệ thuật trên nón lá thật là hay nữa… Con cảm ơn chủ nhà cùng tất cả các Cô Chú đã cho con biết thêm về văn hóa quê của Mẹ. Thật là Awesome!”

Lân vào nhà xông đất và được Lì xì - Ảnh: TT 

Hình ảnh những người trẻ trong bài này cho chúng ta thấy rằng những sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo và nhất là gia đình đã lưu giữ tính chất cội nguồn của lớp trẻ để khiến họ yêu thích và hãnh diện.

Thế hệ lớn lên tại Mỹ đang tìm hiểu về Tết Việt Nam. Ảnh: TT


 

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

SỨ THẦN GIANG VĂN MINH

SỨ THẦN GIANG VĂN MINH
Lê văn Quy sưu tầm

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của nhà sử học Ngô Sỹ Liên, Giang Văn Minh sinh năm 1573 tại xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Ông được mệnh danh sứ thần “Bất nhục quân mệnh” - không để nhục mệnh vua - vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình nhà Minh.
Vốn là người có tài trí hơn người, thông minh từ nhỏ, ông đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) trong kỳ thi Đình đời Lê Thần Tông.
Vì khoa thi này không có ai đỗ trạng nguyên hay bảng nhãn, ông là người đỗ cao nhất. Không lâu sau đó, ông lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631).
Ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ ba (1637), Giang Văn Minh và Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua Lê cử làm chánh sứ cùng 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh.
Trong chuyến đi này, ngoài giai thoại về việc đối đáp nổi tiếng của Giang Văn Minh với triều đình phương Bắc, ông còn đấu tranh buộc nhà Minh bỏ lệ cống người vàng hàng năm trước đó.
Theo sách Các sứ thần Việt Nam, vào ngày khánh thọ của vua Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (Sùng Trinh), hoàng đế nhà Minh rất bất bình bởi sứ giả các nước đã tề tựu đông đủ mà sứ thần Việt không đến. Hoàng đế nhà Minh liền truyền cho thị vệ đến nhà công quán hỏi nguyên do.
Khi đến nơi, đám lính thấy sứ thần Giang Văn Minh đang nằm trên giường ôm mặt khóc. Chúng bắt buộc ông phải vào triều.
Trả lời câu hỏi vì sao không vào triều, Giang Văn Minh nghẹn ngào nói: "Thần tự biết vắng hôm nay là phạm vào trọng tội, xin hoàng đế lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần đi sứ xa quê, nhà cửa cố hương vốn neo đơn, ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ!".
Nói xong, ông lại ôm mặt khóc ầm lên. Hoàng đế nhà Minh thấy vậy liền bật cười nói rằng: "Tưởng sao chứ như thế thì việc gì ngươi phải khóc! Khá khen cho nhà ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được, chứ ông tổ xa xôi như vậy có gì phải băn khoăn cho lắm. Người khuất đã xa đến mấy đời thì cũng có thể miễn nghị”.
Ngay lúc đó, đột nhiên Giang Văn Minh ngừng khóc rồi đứng dậy lau nước mắt và ngẩng đầu lên nói rằng: "Muôn tâu, lời dạy của hoàng đế thật quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời có lắm chuyện xa xôi mà vẫn không được miễn nghị. Chẳng hạn, việc thiên triều bắt nước Nam phải cống người vàng để trả nợ Liễu Thăng cách đây đã 200 năm.
Nay được lời hoàng đế ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với ngày khánh tiết này. Cúi xin hoàng đế từ đây miễn nghị cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu".
Nghe xong, hoàng đế nhà Minh biết mình đã mắc lừa sứ thần nước Nam, nhưng lời đã nói ra cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà gật đầu ra lệnh cho bãi bỏ lệ cống người vàng.
Chuyện cũng kể rằng trong buổi thiết triều này, lấy lý do "vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ" để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, vua Minh còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục", nghĩa là
“Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc”.
Câu này có hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", nghĩa là
“Bạch Đằng thuở trước máu còn loang”.
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của thiên triều và sứ bộ các nước. Phần vì tức giận, phần vì lo sợ trước tài năng của sứ thần Giang Văn Minh, vua Minh đã gạt bỏ thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, trả thù hèn hạ bằng cách hại Giang Văn Minh.
Giang Văn Minh mất ngày mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1638), khi 65 tuổi. Dù nghĩa vụ đi sứ dở dang, đoàn sứ bộ do thám hoa Giang Văn Minh dẫn đầu đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người dân Đại Việt không khuất phục trước ách đô hộ của triều đình phương Bắc.
Thương tiếc và cảm phục một sứ thần tài trí, dũng cảm, không chịu khuất phục trước uy vũ kẻ thù để bảo vệ danh dự của Tổ quốc, vua Lê Thần Tông đã đến bái kiến linh cữu ông, đồng thời ban tặng đôi câu đối: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng", nghĩa là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng danh anh hùng thiên cổ và truy tặng ông “Công bộ tả thị lang Minh quận công”.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

MÂY XƯA

MÂY XƯA

Thơ: Trần Quốc Bảo

Nhạc: Trần Chương Lương

Hòa âm: S Tuyền Linh

Tiếng hát: Ca sĩ Giáng Hương

Video: Tấn Vinh


Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

NGÀY TẾT XEM TRANH ĐÔNG HỒ

NGÀY TẾT XEM TRANH ĐÔNG HỒ

Bùi Phạm Thành


Bùi Phạm Thành

Trong văn hoá của dân tộc Việt Nam thì ngày Tết là quan trọng nhất. Phong tục ngày Tết đã có từ thời cổ đại, như chuyện bánh dầy bánh chưng, được cổ sử ghi là từ thời vua Hùng Vương thứ Sáu (trị vì 1712 - 1632 TCN). Trong ca dao cũng nhắc đến Tết và cày cấy, rất đặc trưng của quốc gia nông nghiệp:
Tháng giêng ăn tết ở nhà.
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già;
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò;
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm.
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta.
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ-ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa trổ đòng-đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Trong bài "Xuân Nhật Ngẫu Hứng" cụ Tú Xương có tả cảnh Tết:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột.
Om thòm trên vách bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giầy dép.
Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Với bốn câu trên cụ Tú Xương đã cho chúng ta thấy khái quát khung cảnh của ngày Tết:
  1. Đốt pháo
  2. Trong nhà được trang trí đẹp đẽ, treo tranh Đông Hồ vẽ đàn gà tượng trưng cho sự sung túc, con cháu đông vui
  3. Mang giầy dép mới (với ngụ ý là mặc quần áo mới)
  4. Câu cuối xem ra quan trọng hơn cả là dù gia cảnh có như thế nào chăng nữa, thì cũng cố gắng sắm sửa để vui chơi ba ngày Tết.
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ. Đây là những bức tranh được in qua bản khắc trên gỗ (tranh mộc bản), với màu sắc tươi sáng. Tranh Đông Hồ có nhiều thể loại, trong đó thể loại "Chúc Tụng" thường được dùng để trang trí trong ngày Tết.
Trước thềm năm mới Quý Mão, chúng ta thử xem lại một số tranh Đông Hồ thường được ông bà ta dùng để trang trí trong nhà vào dịp Tết, như lời chúc tụng, cầu mong cho gia đình.

Gia Đình Đông Đúc, Thuận Hoà, Ấm No, Sung Túc

Tranh Đàn Gà Mẹ Con: Tượng trưng cho mái ấm gia đình, như câu thành ngữ: “Nhà đông con là nhà có phúc”.

Tranh Đàn Lợn Âm Dương: Tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, đông con nhiều cháu; hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự hoà hợp âm dương, sinh sôi, nảy nở.

Tiền Của, Chức Tước


Tranh Tiến tài - Tiến lộc: Để thay lời chúc Tết thông thường: "Làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức", trên mỗi bức tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư tượng trưng cho việc học hành, tay kia cầm cây gậy biểu tượng quyền hành. Tranh Tiến Tài có chữ “Tài hằng nguyên chi” tượng trưng cho của như nước nguồn, tranh Tiến Lộc có chữ “Lộc vị cao thăng” tượng trưng cho lộc ngày càng tăng. 

Học Hành, Đỗ Đạt


Tranh Vinh Quy Bái Tổ: Tuy thành ngữ có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", thế nhưng thói thường ai mà chẳng có ước vọng rằng con cái sẽ học hành, đỗ đạt, để có ngày “Vinh Quy Bái Tổ”, rạng rỡ tông đường, và các cô thì cũng
"Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ"
Trên thực tế thì các cô ngày xưa tận tuỵ, đêm năm canh ngày sáu khắc, nuôi anh đồ để mong có ngày đỗ đạt:
Canh một dọn cửa, dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Chứ có cô nào muốn nuôi một anh "Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" đâu.
Tranh Đám Cưới Chuột: Đây là bức tranh ngụ ý con gái thì cũng sẽ "nên bề gia thất" rộn ràng trong ngày "Vu Quy" lên kiệu hoa về nhà chồng. Thế nhưng bức tranh này đã gây nhiều bàn luận, bởi vì đã trình bày hai cảnh tượng, bên dưới là cảnh "vu quy", nhưng bên trên lại là cảnh chuột mang quà đi biếu hay "hối lộ kẻ quyền thế". Xem ra thì việc này vẫn tồn tại trong nước cho đến ngày nay, hễ cứ dịp Tết đến là cả đoàn nhân viên tụ tập trước cửa nhà quan để dâng lễ lộc, chúc Tết, với ước nguyện gì thì xem ra cũng dễ hiểu, bởi thành ngữ có câu "Bánh ít đi, bánh quy lại." 
"Mừng quan con cá con chim
Sang năm nhờ cậy quan thêm chức giùm."

Tựu chung, ngoài ước muốn của cha mẹ, thì ước mong của thanh niên, thiếu nữ cũng vẫn là "Ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau." Đó là căn bản của gia đình, xã hội.
Phong Tục Ngày Tết
Trong nhà thì ước mơ, ngoài đường thì có những phong tục ngày Tết cũng đáng được chú ý.



Ngoài chuyện Múa Lân, Múa Rồng còn những thú vui chơi khác

Trò chơi "Bịt Mắt Bắt Dê" mang lại niềm vui cho mọi người từ già đến trẻ. Người tham dự và con dê đều có mang lục lạc (cái chuông nhỏ) để người bị bịt mắt nghe theo đó để tìm. Trai gái tham dự, bắt được con dê hay vồ được nhau đều là cảnh tượng thú vị trong một cuộc vui.

Trò chơi "Đánh Đu": Đây là trò chơi ngày Tết đã được bà Hồ Xuân Hương khiến trở nên bất tử:
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
Ngoài những trò chơi thanh tao, còn có những trò chơi lỗ mãng, nhưng cũng được xem là thú vị:
Đấu Vật: Đây có lẽ là một trò chơi cổ xưa nhất, cái thuở "nam trọng, nữ khinh" của thời nông nghiệp "chăn trâu, cầy ruộng", sức khoẻ của nam giới định đoạt chuyện an lành, sung túc. 

Chọi Trâu: không hiểu bắt nguồn từ đâu và với ý nghĩa gì, thế nhưng chọi trâu cũng là một trò chơi dân gian, với một buổi lễ riêng biệt, đôi khi cũng vào những ngày trước Tết. Có lẽ đây là cái cớ để giết con trâu làm thịt ăn Tết, bởi vì trong thời buổi nông nghiệp con trâu là con vật quý giá nhất, nếu không vì lễ hoặc Tết, thì chẳng ai dám giết đi một con trâu khỏe mạnh.
Ngoài việc treo tranh Đông Hồ, ông bà ta còn có tục lệ treo câu đối. Các cụ nhà nho thì tự viết lấy câu đối Tết, còn người dân thường thì tìm mua câu đối của các ông đồ. Bài thơ "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên là một tuyệt tác:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Câu đối thường mang ý nghĩa chúc tụng hay mong ước. Thuở còn hàn vi, cụ Nguyễn Công Trứ đã viết:
“Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà”
Đôi khi câu đối lại có ý trêu ghẹo người, như câu đối của cụ Nguyễn Khuyến tặng ông Bảng Long, là một quan võ cùng triều nhưng bị chột một mắt:
"Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi"

Nhân đây, tôi xin nhại bài "Tết Dán Câu Đối" của cụ Tú Xương để ngỏ đôi lời:

Đã đi học chắc cũng thông vài chữ
Chẳng hay ho cũng viết thử một đôi lời
Bởi ít ra cũng qua bậc tú tài
Đầu năm mới cũng phải có vài câu đối

Đối rằng:

Chiều ba mươi nhuộm tóc cạo râu, nhìn ra dáng tài tử văn nhân
Sáng mùng một áo quần tề chỉnh, trông có vẻ giang hồ khí cốt

In chữ lớn dán ngay lên cột
Hỏi: Em ơi anh dốt hay hay?
Rằng: Hay cũng chẳng bằng may,
Chẳng may sao có được ngày hôm nay
Bấy nhiêu mà vẫn ... "khoe" hoài !
(BPT)

oOo

Thưa quý vị, đó là chuyện của một thời thái bình xưa cũ, những phong tục dân gian đã mờ dần theo thời gian. Bây giờ, trong những ngày đầu Xuân Quý Mão, "Ra giêng ngày rộng tháng dài", xin quý vị cùng chúng tôi bàn rộng ra một chút về chuyện con mèo.

Mèo là con vật đứng hàng thứ tư trong mười hai con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), đồng thời cũng là con vật gần gũi với dân gian, thế nhưng lại là con vật ít được nhắc đến trong văn chương, nghệ thuật. Không những thế, nó còn bị mang tiếng xấu như việc đàn ông "có mèo" thì xem ra là việc không tốt      
"Nửa đêm nghe tiếng mèo gào, 
Chàng nằm bên vợ cồn cào nhớ ai?"

Đúng ra thì con mèo là con vật có ích, vì đã trừ được chuột. Trong thời nông nghiệp, chuột là loài ăn hại thóc gạo, thế cho nền hầu như nhà nào cũng nuôi mèo, "nuôi mèo giữ thóc, nuôi chó giữ nhà."

Năm nay là năm Quý Mão, năm con mèo. Chữ "Quý" là chữ cuối cùng trong Thập Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Theo Phong Thuỷ thì Quý thuộc về Âm, hành Thuỷ (trong ngũ hành: Kim Mộc Thuỷ, Hoả Thổ), hướng Bắc. Chẳng hiểu quan niệm Đông Phương như thế nào, nhưng hai chữ "Phong Thuỷ" đủ cho thấy Thuỷ (Nước) và Phong (Không khí để thở) là những yếu tố quan trọng, bởi vì cả hai đều có Oxygen, ký hiệu hoá học là O, và nước thì là H₂O, yếu tố căn bản cho đời sống. Vả lại trong khoa học thì "nơi nào có nước là nơi đó có sự sống," vì nước sẽ thả ra Oxygen để thở. Thế cho nên khoa học ngày nay cố tìm trong vũ trụ xem hành tinh nào có sông biển, có nước, như quả đất này hay không? Với hằng hà xa số hành tinh trong vũ trụ thì chắc là có, nhưng bao xa và bao giờ tìm thấy thì vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Chữ "Quý" thì như thế, còn chữ Mão thì sao? Mão là con mèo. Như đã nói ở trên, con mèo không được đánh giá đúng mức trong văn hoá Đông-Tây; thế nhưng với văn hoá Ai Cập thì con mèo, nhất là mèo đen, lại là con vật được xem là linh thiêng. Vị thần Bastet có hình dạng của một phụ nữ với đầu mèo. Trong truyền thuyết, hơn ba ngàn năm trước Công Nguyên, thì một con mèo đen đã giết chết con rắn độc để cứu vị vua (Pharaoh) đầu tiên của Ai Cập.

Trái lại trong văn chương Âu tây, đặc biệt là Mỹ, thì con mèo đen lại được (hay bị) dùng làm hình ảnh tượng trưng trong các truyện, phim ảnh liên lệ tới ma quái, hoặc điềm xấu. 

Như thế thì xấu tốt đều tuỳ thuộc vào văn hoá, quan điểm của con người, và địa dư; bởi vì "chân lý bên này dãy núi, chưa chắc đã có giá trị gì ở bên kia dãy núi." Trong kinh Hoa Nghiêm có lời dạy của Đức Phật dành cho các môn đệ là “Nhất thiết duy tâm tạo“ hoặc "Vạn vật duy tâm đạo". Câu nói này thường được hiểu theo nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng trên đời đều do tâm, ý nghĩ, tạo thành. Bởi vậy, năm Quý Mão, tốt hay xấu là tuỳ ở cá nhân mà thôi. Bàn về chuyện tương lai thì chẳng khác chi là chuyện "người mù sờ voi."

Vả lại, con người ta thường có ý nghĩ rằng trên cõi đời này luôn luôn có những điều trái ngược (nhị nguyên) như âm dương, nóng lạnh, trái phải, trên dưới, trong ngoài, đúng sai, đồng tiền có hai mặt, bàn tay có xấp ngửa ... Tuyệt đối (nhất nguyên), quan điểm khoa học là "big bang", xem ra không dễ đạt được. Chi bằng chúng ta hãy chấp nhận "nhị nguyên", chấp nhận rằng trong đời sống sẽ có điều xấu và điều tốt. Điều quan trọng là nhận thức được điều xấu để tránh và điều tốt để noi theo. Quan niệm xấu tốt, một cách tương đối, thì xem ra không quá khác biệt qua văn hoá, địa dư, hay thời gian.

Để thay lời kết luận, cho dù chuyện "cầu mà được, ước mà thành" xem ra không dễ; nhưng thuận theo phong tục, truyền thống của người Việt Nam, chúng tôi xin chúc quý vị có một cuộc sống an lành, vui vẻ, mạnh khoẻ trong năm mới cũng như trong những tháng năm tiếp theo của đời người.