Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

TÌNH TUYỆT VỌNG

TÌNH TUYỆT VỌNG

Khái Hưng

Bài TÌNH TUYỆT VỌNG là bài thơ dịch của nhà văn Khái Hưng. Bài này vốn không tên, viết theo thể thơ sonnet của Ý, thường được gọi là Sonnet d'Arvers (bài sonnet của Arvers) hay Un secret (Điều bí mật). Một số sách ở Việt Nam có ghi tựa là Tình tuyệt vọng. Bài thơ được trích trong tập Mes heures perdues (Thời gian đánh mất, 1832). Đây là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông và văn học Pháp đã xem Arvers là "nhà thơ của một bài thơ duy nhất".
▪︎ Dư luận thời ấy đã phỏng đoán người phụ nữ trong bài thơ là cô Maria Nordier, con của ông Charles Nodier (Viện sĩ Hàn lâm Pháp). Cô có chồng năm 1833 và trở thành bà Maria Mennessier Nodier. Có lẽ Arvers đã quen cô với mối tình đơn phương trong thời gian này.
▪︎ Bài thơ này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, người dịch đầu tiên ra tiếng Việt là Khái Hưng, đăng trên báo Ngày nay, trước năm 1940. Ngoài Khái Hưng, còn nhiều người khác cũng dịch bài thơ này
☆ Nguồn : Thi viện

TÌNH TUYỆT VỌNG
Felix d'Arvers
Khái Hưng dịch.

Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi, người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân ?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi ?

Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình !

Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng,
"Người đâu ta ở mấy dòng thơ đây ?


Không có nhận xét nào: