RẰM THÁNG BẢY: TẾT TRUNG NGUYÊN, LỄ VU LAN VÀ MẸ
Vương Trùng Dương
Vào ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch gọi là Tết Trung Nguyên, Lễ Vu Lan… Tuy sống trên xứ người nhưng không quên vào ngày nầy.
Tết Trung Nguyên bắt nguồn từ Lễ Vu Lan của Phật Giáo, xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên - một trong mười vị đệ tử của Đức Phật - Ngài là biểu tượng tinh thần đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp trầm luân. Vì vậy, “Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn”.
Tùy vào đức tin của mỗi người theo đạo giáo nhưng với phong tục truyền thống của người Việt vào thời xa xưa, “Lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trông dân gian, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt”.
Đức Mục Kiền Liên (568-484 Trước CN), chào đời tại một ngôi làng nhỏ của vương quốc Magadha, miền Bắc Ấn Độ. Ngài đã đắc chứng quả A La Hán, dùng nhãn quang của mình để đi tìm mẹ (bà Thanh Đề), mong được cứu rỗi và trả nợ sinh thành của cha mẹ. Hình ảnh Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi cảnh trầm luân trở thành hình tượng hiếu đạo của người con từ ngàn xưa đến nay.
Mẹ của Đức Mục Liên đã được giải thoát vào Ngày Rằm Tháng Bảy. Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời và ngày nầy cũng là ngày Tết Trung Nguyên, ngày xóa tội vong nhân.
Theo truyền thống của nước ta từ thời xa xưa, Tết Trung Nguyên là dịp để con cái đoàn tụ tri ân công ơn cha mẹ. Ngày lễ về tâm linh trong cuộc sống, về đạo làm con và cũng là ngày xá tội vong nhân, ngày cúng cô hồn tỏ lòng thương xót những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa.
*
Ở Việt Nam trước đây không có Ngày Của Mẹ, Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) theo phong tục bắt nguồn từ Bắc Mỹ và châu Âu vào Chủ Nhật thứ 2 trong tháng 5 dương lịch ở đầu thế kỷ XX. Năm 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã ký sắc lệnh chính thức thành lập Mother's Day. Ngày nay, Ngày Hiền Mẫu cũng được phổ biến rộng rãi ở trong nước.
Theo truyền thống bao đời ở Việt Nam, hình ảnh người mẹ là hình ảnh thiêng liêng, cao cả. Mẹ là biểu tượng của sự hy sinh, lòng thương yêu con cái vô bờ bến từ lúc mang nặng đẻ đau, tận tâm nuôi dưỡng qua năm tháng và lúc nào cũng quan tâm đến hạnh phúc con cái khi trưởng thành và đến cuối cuộc đời.
Trong quyển Việt Nam Phong Tục của cụ Phan Kế Bính, chương V nói về Đạo Làm Con. Dẫn giải về hiếu thảo… Cách phụng dưỡng… “Hiếu với cha mẹ, chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ… Phụng dưỡng đâu có đấy, đừng để cho cha mẹ phiền lòng…”. Quyển sách cùa cụ cách nay hơn một trăm năm nhưng đã lưu lại cho hậu thế tìm hiểu về phong tục tập quán và cách cư xử trong cuộc sống.
Khác với bà Thanh Đề, theo truyền thuyết vào hai nghìn năm trăm trước ở Ấn Độ, trong các tác phẩm, bài viết, thơ, nhạc… ở Việt Nam, hình ảnh mẹ với tấm lòng bao la, rộng lượng, một lòng tận tụy cam chịu bao khổ đau để mang lại niềm vui và yên lành cho con cái.
Hơn sáu thập niên về trước, chương trình Việt Văn lớp Đệ Lục, trong ngôi trường nơi phố cổ Hội An, tuổi trẻ dù đứng hàng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng bùi ngùi, xúc động khi đọc bài Nhà Mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam:
“Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một ngươì con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi, đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác, có một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi…”
Và đoạn kết:
“Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng…
Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ của bác Lê ngồi ở vỉa hè. Con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát rồi sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết”…
Trong cuộc chiến xảy ra ở miền Nam Việt Nam, khi người trai khoác áo chiến y phải xa mẹ, dấn thân nơi bốn vùng chiến thuật… người mẹ là người cam chịu nhiều bất hạnh nhất, lo lắng nhất cho đứa con với sự sống còn trong cuộc chiến…
Sau cuộc chiến với cảnh lao tù, người mẹ một lần nữa phải sống trong hoàn cảnh bi thương, uất hận, ngậm ngùi thương con trong “đáy địa ngục” mà nhà văn Solzhenitsyn mô tả trong tác phẩm The Gulag Archipelago (Quần Đảo Ngục Tù). Chưa hết nỗi đau nầy lại đến nỗi đau khác khi đứt ruột bấm bụng xa cách con tìm đường vượt biên, vượt biển…!
Năm tháng với nghề báo, tôi đã đọc nhiều bài viết và phổ biến trong các tờ báo. Mỗi bài mỗi hoàn cảnh, nghịch cảnh khác nhau trong “cảnh đoạn trường” đó nhưng hình ảnh người mẹ là mẫu số chung của người con nổi trôi theo vận mệnh đất nước!
Với bản thân, trước đây đã viết về hình ảnh mẹ và trong Ngày Hiền Mẫu cũng viết về mẹ. Nay đã 32 năm nơi xứ người, trước khi đi Mỹ, tôi mới về cố hương được phục tang mẹ và cả gia đình đeo băng tang trên ngực xa quê hương!.
Có lẽ hình ảnh người mẹ cũng là hình ảnh chung của thế hệ chúng tôi. Trái tim và tâm hồn của mẹ đã “nhập” vào bốn người chị ruột và chị dâu. Các cháu nói bà ngoại, bà nội là “bản sao” của mẹ các cháu.
Tôi mất mẹ nhưng hình ảnh song thân ngoài bàn thờ, hình mẹ đặt trên màn hình của cái PC nên lúc nào cũng cảm thấy gần gũi với bóng hình thương yêu cao quý.
Little Saigon, Vu Lan 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét