Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

AMANDA NGUYỄN, MỘT HIỆN TƯỢNG NGƯỜI VIỆT

 AMANDA NGUYỄN, MỘT HIỆN TƯỢNG NGƯỜI VIỆT!

Nguồn: Rạng Đông - Nam California

Inline image

Một bảng thành tích ấn tượng. Amanda Nguyễn, 28 tuổi, là một hiện tượng của cộng đồng người Việt tại bang California, Mỹ. Cô là một nhân vật trẻ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình; nhận giải Heinz Award trị giá 250.000 USD; được chọn vào danh sách 100 nhân vậ̣t ảnh hưởng tương lai toàn cầu; có mặt trong danh sách 30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi; 100 nhân vật đối ngoại xuất chúng; được trao giải Nelson Mandela; giải Lãnh đạo Thế Giới; giải Phụ Nữ Trẻ, và nhiều giải thưởng vinh dự toàn quốc.

Cô là người gốc Việt duy nhất soạn thảo và thúc đẩy bộ luật đặc biệt Quyền lợi của Nạn Nhân Bị Cưỡng Hiếp (Sexual Assault Survivors’ Rights Act). Bộ luật này nhận được chấp thuận toàn diện từ liên bang, trong đó có 437 dân biểu, 100 thượng nghị sĩ, và sau cùng là Tổng thống. Sau đó, cô vận động từng tiểu bang, qua 32 tiểu bang, để được chính quyền từng tiểu bang chấp thuận. Bộ luật này có ảnh hưởng hỗ trợ hơn 85 triệu người. Không ngừng ở đó, cô là nhà sáng lập và cũng là tổng giám đốc của Rise Now, một tổ chức khởi nghiệp cho những cơ quan-tổ chức quan tâm về vấn đề xã hội. Tổ chức này giúp những ai muốn đẩy vấn đề xã hội mà họ quan tâm qua những ngõ ngách phức tạp để trở thành luật. Rise Now được sự hỗ trợ tài chính của các nhân vật có khả năng tài chính nhất hành tinh, trong đó có ông Mark Zuckerberg và ông Bill Gates.

Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới quan tâm về nhân quyền đã mời Amanda Nguyễn làm cố vấn và diễn giả về những vấn đề nhân quyền cho phụ nữ. Những nhân vật sáng giá nhất, từ các chính trị gia thượng thặng, tỉ phú, thủ tướng, hoàng gia, đến những người nổi tiếng trên màn ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, đều muốn có sự liên hệ với cô. Cô đã được mời phỏng vấn trên các talk show nổi tiếng và là khách danh dự tham dự những sự kiện lớn như chương trình Oscar và Emmy.

Người mẹ

Amanda sinh tháng Mười năm 1991, con của chị Tăng Ngọc Lan và anh Nguyễn Minh Tú – những người bạn của tôi. Từ nhỏ, Amanda đã thể hiện một tố chất thông minh, luôn cố gắng, và có một trái tim khác người. Mẹ của cô kể lại, khi có thai cô, mẹ cô đã thổi vào bầu thai những ước vọng lớn lao cống hiến cho xã hội. Để hiểu về cô hơn, phải biết về mẹ của cô, người đã bỏ toàn vẹn cuộc đời hỗ trợ cho con gái mình, giúp hình thành nên con người của cô.

Sẽ là không ngoa nếu nói chị Ngọc Lan là một phụ nữ phi thường. Chị có nét đẹp dịu dàng nhưng có lòng từ tâm mãnh liệt. Chị quên mình lo cho người thân và xã hội, dù cực khổ cỡ nào. Có những câu chuyện chị trải qua, tưởng như chị là hình ảnh thu nhỏ của mẹ Teresa.. Chị sinh ra ở một làng nhỏ thuộc Bạc Liêu. Bình thường, con gái quê thời đó lấy chồng sớm và lo công việc đồng áng, nhà cửa. Riêng chị, xong tú tài, chị xin cha mẹ lên Sài Gòn để học luật. Khi học ở Đại Học Vạn Hạnh, ngoài công việc kiếm tiền học và thậm chí còn dành dụm gửi về nhà, chị tham gia hoạt động xã hội khi có thời gian, nhất là chăm sóc trẻ mồ côi và đi vòng Sài Gòn đưa các em bụi đời về. Sau này, nhiều em nhỏ được đưa ra khỏi Việt Nam năm 1975 trong chương trình Operation Baby Lift nổi tiếng. Chị kể cho tôi những câu chuyện cảm động về các em mồ côi tìm lại chị cảm ơn sau này. Mỗi câu chuyện là một bài học đẹp cho đời.

Những ngày đi học

Khi mới sinh ra, Amanda không khóc, dường như cháu thể hiện sự can đảm nhìn cuộc đời bằng con mắt tò mò.. Sau này, cô cho thấy lòng can đảm và ý chí trong suốt hành trình đời mình. Thời tiểu học, cô đã tỏ ra thiên năng về tiếp xúc với công chúng. Từ lớp một, cô đã mạnh dạn phát biểu trước đám đông và đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo trong học đường. Cô tham gia rất nhiều các công tác thiện nguyện. Theo lời cô, cô tình nguyện để có thêm kinh nghiệm đời, giúp đỡ và hiểu hơn con người cần gì, để sau này cô nâng tầm giúp đỡ nhiều hơn, từ những việc trong nhà, rồi bệnh viện, văn phòng chính trị, đến môi trường học đường. Cô từng gây quỹ cho hội Ung Thư Việt Mỹ của Bác sĩ Bích Liên. Sau này, cô sử dụng rất hiệu quả trải nghiệm xã hội khi còn học sinh của mình.

Khi vào trung học, Amanda nắm nhiều chức vụ trong tổ chức Lãnh Đạo Thương mại Tương Lai. Cô được bầu làm chủ tịch Hội lãnh đạo thương mãi tương lai toàn California (FBLA) nhiệm kỳ 2008-2009. FBLA là tổ chức toàn cầu lớn nhất và ảnh hưởng nhất cho học sinh giỏi theo ngành thương mãi. Sự kiện được bầu chọn làm chủ tịch FBLA của bang lớn nhất nước Mỹ khi mới 16 tuổi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, kiến thức, và trưởng thành của Amanda như thế nào.

Amanda tốt nghiệp thủ khoa trung học tại trường Centennial, Corona, California năm 2009. Hầu hết trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, UCLA, Berkeley, UPenn… đều mong đợi cô vào. Cuối cùng, cô chọn Harvard – với hai môn, chính trị học và vật lý thiên văn. Đây là trường cô hằng mơ ước. Trong phòng cô, có một tấm bảng đen nhỏ. Cô đã ghi lên bảng lời nhắc nhở rằng mình phải làm cho được để vào Harvard. Mỗi sáng thức dậy, cô đều nhìn bảng đó để tự nhắc nhở. Trong thời gian học Harvard, Amanda tỏ ra xuất sắc và đa năng trong học hành, sáng tạo, và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng. Cô tạo tên tuổi mình trong lịch sử Harvard, khi kiến tạo ra một lớp học về nô lệ thời nay, một sự kiện chưa từng có. Bài văn của cô được chọn đăng trong quyển 50 bài văn thi vào đại học của Harvard. Năm 19 tuổi, cô chọn đi Bangladesh, một đất nước nghèo khổ mà ngay cả phòng vệ sinh cũng không có. Amanda phải ra đồng, giúp đỡ những phụ nữ không có tiếng nói. Tại đó, cô đã tranh đấu trong hiểm nguy, vượt qua được lệ tục và ngôn ngữ địa phương để đưa ra toà án một người đã giết một cô gái Bangladesh sau khi nạn nhân bị cưỡng hiếp.

Amanda cũng là người đồng sáng lập Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi, trong thời gian cô tình nguyện làm công tác xã hội ở đó. Cô thực tập khoa học tại NASA với nhiệm vụ theo dõi những vật thể lạ gần Trái đất. Cô còn dùng mạng xã hội để lôi kéo sự ủng hộ của tuổi trẻ cho NASA. Cô được chọn là cộng tác viên tại Harvard-Smithsonian khoa học không gian và sau đó trở thành trưởng nhóm sinh viên thực tập trong Tòa Bạch Ốc. Đặc biệt, cô được chọn thực tập ở Morgan Stanley, một công ty tài chính nổi tiếng, dù cô không học về tài chính. Năm 2013, cô ra trường. Năm đó, một sự kiện khủng khiếp xảy ra cho cuộc đời cô, và nó là dấu rẽ cho cả cuộc đời. Vì nhiều chi tiết, xin hẹn kỳ sau.

“I have to live!”

Cô có một tình yêu vô biên và biết ơn đối với cha mẹ. Để không quên nguồn gốc Việt Nam, cô tự trau dồi tiếng Việt. Mẹ cô còn nhớ rõ hôm đó là ngày 6-9-2011. Cha mẹ được cô mời thăm Tòa Bạch Ốc, nơi cô được nhận làm sinh viên thực tập. Khi ra đón ba mẹ, bỗng nhiên cô nói cha mẹ chờ một chút. Thế rồi cô chạy vào trong, và lát sau, trao cho cha mẹ bức thư viết bằng tiếng Việt. Lá thư bày tỏ lòng cảm ơn cha mẹ. Đoạn cuối ghi: “Không ngày nào mà con không cảm ơn Chúa đã ban phước cho con. Không có người nào hạnh phúc bằng con mỗi khi con làm ba mẹ hãnh diện. Con yêu ba mẹ rất nhiều. Amanda”..

Amada Nguyễn đạt được thành công kỳ diệu nhờ nhiều yếu tố. Tầm nhìn sâu rộng, say mê công việc, nhiệt tâm bảo vệ sự công bằng, luôn trau dồi bản thân để đạt được ước mơ, nhưng quan trọng hơn hết, đó là ý chí cô cực cao để vượt qua trở ngại và giới hạn con người bình thường. Ngoài ra, không thể không kể sự hỗ trợ toàn diện của cha mẹ cô, những người đã xây dựng nền tảng bản chất và ý chí dấn thân xã hội cho cô.

Nhờ nỗ lực và cọ xát cuộc đời sớm qua các hoạt động thiện nguyện và hoạt động ngoài trường lớp, Amanda đã trưởng thành hơn hẳn những bạn cùng trang lứa. Không một khoảng thời gian nào trôi qua mà cô bỏ phí. Khi 16 tuổi, cô bị bệnh rối mạch tim (Superventricular Tachycardia) và tưởng chừng phải chết. Cô phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời. Tuy nhiên, không vì thế mà cô buông bỏ con đường của mình. Trước khi gây mê thực hiện ca mổ tim cho cô, bác sĩ hỏi cô muốn nói gì. Cô nói với giọng cương quyết và bừng lên lạc quan: “I have to live – Tôi phải sống”!

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

MINH OAN TRẦN KHẮC CHUNG VÀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

 MINH OAN TRẦN KHẮC CHUNG VÀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA 

Hoàng Hương Trang



Từ xưa đa số người Việt mặc nhiên cho rằng Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa là một mối tình. Họ kể truyền miệng đời này qua đời khác thành ra vô tình đã “Đóng Đinh” đó là một mối tình như có thực. Chính tôi từ mấy chục năm qua cũng tin như vậy. Cứ cho là trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân công chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người “Tình cũ” lại được “tái hợp”. Cuộc cứu hộ công chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài có đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.

Mãi cho đến khi thành phố Huế xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân, mà dân Huế gọi là Đền thờ Huyền Trân công chúa; tôi có dịp đến viếng, tìm hiểu cặn kẽ, đọc kỹ sử liệu và văn bia tại đền thờ, thật sự tôi đã sững sờ, ngỡ ngàng khi biết ra sự thật có trong sử liệu và văn bia tại Đền Thờ do Ban Nghiên Cứu Sử uy tín đã viết lại cho đúng sự thật. Ôi! Một nỗi oan đã kéo dài với thời gian mấy thế kỷ, mà không ai minh oan cho hai người. Theo sử liệu, khi công chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long, chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, lão tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được lão tướng dạy cho học thêu thùa. Công chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của danh tướng Trần Hưng Đạo, bạn lão tướng chí thân của lão tướng Trần Khắc Chung. Lúc đó, lão tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô công chúa 13 tuổi là cháu ngoại của bạn mình được. Thuở xa xưa trên 700 năm trước đó, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già bạn của ông ngoại, và đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.

Cho đến khi vua Trần sai đi cứu công chúa là vì lão tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được công chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. Lúc này công chúa mới sinh hoàng tử được 2 tháng. Lão tướng Khắc Chung đã tương kế tựu kế, vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành (Chế Mân chết, Chế Cũ lên nối ngôi vua cũng chỉ mới trên dưới 15 tuổi, là con trai của bà Hoàng hậu lớn của Chế Mân, còn con của Huyền Trân là Chế Chí mới sinh được 2 tháng) vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép công chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua Cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa. 

Triều đình Chiêm Thành đã bị mắc mưu của lão tướng Việt Nam, đã bằng lòng cho công chúa Huyền Trân ra biển để bái biệt vua cha. Vừa hay trời phù hộ cho lão tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, lão tướng đưa công chúa qua thuyền nhẹ, và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần. Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của lão tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. Tại sao phải giấu tung tích? Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung và công chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hải trình ra Bắc. 

Tuy được cứu thoát, nhưng công chúa trong tâm trạng mất một đứa con trai đầu lòng mới 2 tháng tuổi, cùng với nỗi đau vừa mất chồng, cùng nỗi sợ hãi vừa thoát lên giàn hỏa thiêu. Thử hỏi trong tâm trạng đau buồn mất chồng, mất con, và lo sợ như thế, còn tâm trạng đâu để dan díu, ngoại tình? Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. Đó là nỗi oan của Lão Tướng Trần Khắc Chung và là nỗi oan của sương phụ Huyền Trân mà ngày nay chúng ta phải hiểu và đánh giá lại cho rõ ràng.  

Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc cứu bệnh cho dân. Tôi ước mong rằng người Việt Nam ta ai cũng có dịp đến viếng đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế để có dịp tận tường đọc kỹ văn bia và sử liệu chính thức đáng tin cậy để minh oan cho công chúa Huyền Trân và Lão tướng Trần Khắc Chung. Riêng tôi, sau lần có dịp đến viếng đền thờ và đọc cặn kẽ sử liệu, văn bia. Tôi đã thắp hương cúi đầu chân thành tạ lỗi với người xưa, vì mình đã lầm tưởng mấy chục năm qua chỉ vì hai chữ “tương truyền”, oan cho một người phụ nữ đoan hạnh và một vị lão tướng tài ba.

KỂ MỘT CHUYỆN TÌNH

KỂ MỘT CHUYỆN TÌNH
Nhạc và lời: Thủy Lâm Synh
Tiếng hát: Ca sĩ Ngọc Tú
 

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

CHUYỆN ĐỂ ĐỜI

 CHUYỆN ĐỂ ĐỜI 

Sưu tầm

                Chuyện xảy ra trong buổi lễ tốt nghiệp cho các Bác sĩ ở Anh năm 1920, có sự tham dự của Thủ tướng Anh thời đó. Trong buổi lễ, như thông lệ, trưởng khoa đứng lên chia sẻ kinh nghiệm với những sinh viên mới ra trường. Lần này, ông kể về một sự việc đã xảy ra với ông: "Lần ấy đã quá nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhà mình. Khi mở ra tôi thấy một phụ nữ lớn tuổi đang hoảng hốt và bà nói với tôi: "Ôi bác sĩ ơi, con tôi đang bệnh rất nghiêm trọng, xin ông hãy cứu nó!”

                Tôi vội chạy ra theo bà ta đến nhà họ mà không kịp nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm đó là một đêm giông bão và rất lạnh, trời mưa như  trút, lái xe rất nguy hiểm nhưng tôi không kịp lo cho mình nữa.

                Nhà bà ta ở ngoại ô Luân Đôn và sau một hành trình khó khăn, chúng tôi mới tìm đến nơi. Bà sống trong một căn phòng nhỏ với con trai. Khi bước vào phòng, tôi thấy cậu bé nằm trên giường kê ở góc phòng và đang rên rỉ vì đau đớn. Sau khi tôi khám và kê đơn cho đứa trẻ, người mẹ đưa cho tôi một  ít tiền, tôi từ chối và nhẹ nhàng nói với bà rằng tôi không thể nhận vì bà cần tiền hơn tôi nhưng tôi sẽ chăm sóc con bà cho đến khi cậu bé khỏe lại. Trưởng khoa kết thúc bài diễn văn bằng câu: “Đây chính là cách hành nghề y thực sự vì trở thành Bác sĩ tức là đến gần nhất với Lòng Nhân Ái và là một trong những nghề nghiệp gần gũi nhất với Thiên Chúa!"

                Ngay khi Bác sĩ trưởng kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã bước ra khỏi chỗ ngồi và tiến lên bục giảng. Ông nói với Trưởng khoa: “Hãy cho phép tôi được hôn tay ông. Tôi đã tìm ông suốt hai mươi năm nay vì tôi chính là đứa trẻ mà ông đã cứu trong câu chuyện vừa rồi. Ôi, mẹ tôi sẽ hạnh phúc và yên  lòng yên nghỉ. Trước khi lâm chung, bà đã tha thiết yêu cầu tôi đi tìm ông để cảm tạ lòng tốt của ông với chúng tôi khi chúng tôI rơi vào cảnh nghèo khổ”.

                Đứa trẻ đáng thương ngày nào chính là Sir Lloyd George, người đã trở thành Thủ tướng Anh!

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

TẤM VÉ VÀO ĐỜI

 TẤM VÉ VÀO ĐỜI

Hòa Hòa Augustino

         Những câu chuyện về lòng tốt bây giờ thường bị xem như là cổ tích nhưng đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật.
Buổi trưa tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Những người đi qua thường ném về phía chị những cái nhìn ái ngại. Không ai có ý định dừng lại để giúp chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đi qua chị rất nhanh, dường như sợ người đàn bà đó kéo lại để nhờ vả.
“Anh để ý đấy nhé. Không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc hồ hởi kết bạn với mình rồi mình bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên hoặc chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi soa để lau mồ hôi hay mượn bình nước uống. Đúng là đồ nhà quê” - một người phụ nữ ăn mặc sang trọng bĩu môi nói với người đàn ông đi cạnh.
Người phụ nữ đó tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay, lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, chị nhảy lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đến toa nào chị cũng mang vẻ mặt muốn cầu cứu và câu duy nhất thốt ra từ miệng là: “Xin mọi người giúp đỡ tôi”.
Những người ngồi trên tàu tỏ vẻ rất khó chịu với chị. Có người xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa đã vội lấy tờ báo che mặt giả vờ ngủ. Chị lại đi qua các toa tàu khác nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh. Rồi chị nhìn thấy một chàng trai rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Đi về phía cậu thanh niên, chị nói: “Xin lỗi, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?”
Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nọ: “Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?”.
Chị ta gật đầu: “Xin anh giúp đỡ tôi. Tôi lên thành phố để tìm người bà con nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm cách nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé về quê không?”.
Chàng thanh niên có vẻ lưỡng lự. Sau đó, cậu móc từ túi quần của mình ra một đống tiền lẻ đưa cho người phụ nữ: “Chị cầm lấy đi. Tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi lên thành phố kiếm việc nhưng với tấm bằng trung cấp, tôi không tìm nổi việc để làm.”
Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “cảm ơn”. Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu hớt hải đi về phía chị: “Thế này, chị cùng quê với em hay chị lấy tấm vé của em đi”.
- Còn cậu thì sao? - người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
- Số tiền em vừa đưa cho chị đủ để mua vé xuống ga thứ ba, kể từ ga này, ở đó cách nhà em không xa lắm, em có thể đi bộ. Em là con trai, thế nào mà chẳng được. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ. Chúc chị thuận buồm xuôi gió”. Cậu vội vàng đi mua vé và lên tàu rất nhanh sau đó.
- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à? – người phụ nữ hỏi.
- Không, chị ạ - cậu thanh niên lắc đầu.
Đôi mắt của người phụ nữ nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay cậu thanh niên và nói: “Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát”.
Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai: “Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi”.
Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Để đi tìm một trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.
Chị nói: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể cậu thanh niên đó không có trình độ cao như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa nhưng điều đáng trân trọng nhất là cậu ấy có tâm. Có tâm trong cuộc sống thì mới có tâm trong công việc. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.
**********
Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất nhiên của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở sân ga nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ “tâm” của mình với người xung quanh.

VĂN TỨC LÀ NGƯỜI

 VĂN TỨC LÀ NGƯỜI

Nguồn: Giai Thoại Văn Học - vuhuu.edu.vn

      Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (làng Me), huyện Ðông Ngàn (nay là Từ Sơn), Bắc Ninh. Ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI; sinh năm 1482, mất năm nào không rõ. Lúc nhỏ, ông rất thông minh, mới 16 tuổi đã thông hiểu rất nhiều sách vở, sau đỗ Trạng Nguyên nên tục gọi là Trạng Me.

       Một hôm, đang đi học ở trường, thầy học là Thượng thư Ðàm Thận Huy vừa giảng bài xong thì trời sập mưa, học trò đều phải ngồi lại. Ông Huy nhân thấy vậy, bèn ra một câu đối để học trò cùng đối cho vui:

Vũ vô kiềm toả năng lưu khách.

Nghĩa là:

Mưa không có then khoá mà giữ được khách

Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Nghĩa là:

Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta.

       Ông Huy xem xong khen rằng: "Câu đối này hay lắm, giọng văn này có thể đỗ Trạng được nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp!".

       Tiếp đó, một người học trò tên là Nguyễn Chiêu Huấn lại đối:

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân

Nghĩa là:

Mặt trăng giống cái cung mà chẳng bắn ai

       Ông Huy phê: "Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia nhưng tỏ ra khí chất hiền hoà, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn!"

       Sau đó, lại có một người học trò khác đối rằng:

Phân bất uy quyền dị sử nhân

Nghĩa là:

Phân cứt chẳng uy quyền gì mà dễ sai khiến người

        Ông Huy phê: "Sau giàu sang nhưng là hạng bỉ lậu!"

       Qủa nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng Nguyên đời Vua Lê Uy Mục (1508), làm quan lễ bộ Thượng thư nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng Nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

TRƯỜNG PTTH CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG TẠI SÀI GÒN

 TRƯỜNG PTTH CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG TẠI SÀI GÒN

Biên soạn: Đông Kha - Nhạc Xưa Thời Báo

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là trường chuyên nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây cũng là ngôi trường danh riêng cho nam sinh nổi tiếng nhất đô thành với cái tên Pétrus Trương Vĩnh Ký là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng học tại đây.

Ngôi trường Pétrus Ký ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat. Tuy nhiên như đã nhắc ở trên, Collège Chasseloup Laubat nằm ở trung tâm Sài Gòn chỉ dành cho con em người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp thì trường Pétrus Ký nằm ở khu vực hẻo lánh (vào thời điểm đó) là Chợ Quán, thu nhận toàn bộ là học trò người Việt, dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Nhiều học sinh các tỉnh, sau khi xong bậc tiểu học ở quê, có thể lên Sài Gòn dự thi vào trường. Về sau, từ thời Ðệ nhất Cộng Hoà, do số học sinh tăng nhanh, muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao nên học sinh nào đậu vào trường là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.

Về tên gọi của trường Petrus Ký, tháng 12-1929, sau khi khánh thành tượng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở công viên trước dinh Norodom (nay là dinh Độc Lập), trường chính thức mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi tắt là Pétrus Ký và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.

Từ thời đệ nhất cộng hoà, một số cơ sở và đất đai của Trường Pétrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác.

Ba dãy lầu lớn của Trường Pétrus Ký được dùng cho ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo dục Sài Gòn.

Tuy bị cắt xén nhiều nhưng Trường Pétrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.

Trường Pétrus Ký là một tổng hòa công kiến trúc đẹp, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi lên tới 8ha. Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.

Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.

Trước năm 1975, trường Pétrus ký dạy từ lớp 6 đến lớp 12 (đệ thất tới đệ nhất). Sau năm 1975, trường đổi tên thành Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Nhưng từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 nữa, rồi chấm dứt cuốn chiếu các lớp 7,8,9 cho tới năm 1979 thì chỉ còn là trường dạy cấp 3. Từ năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của ngôi trường danh tiếng này:

Công trường xây dựng trường Petrus Ký ở Sài Gòn thập niên 1920.
Toàn cảnh trường Petrus Ký nhìn từ trên cao, thập niên 1920. Một số tòa nhà của trường thời điểm này đang được thi công.
Cánh cổng có hai tầng (bên trái) ở mặt trước, hình ảnh mang tính biểu tượng về trường Petrus Ký.
Tiểu cảnh cây xanh ở mặt trước của trường.
Từ cổng nhìn về khu nhà chính của trường.
Sân danh dự nằm giữa các tòa nhà ở trung tâm.

Khu nội trú

Các dãy hành lang có mái che liên kết các tòa nhà của trường
Giờ tan trường vào một ngày của thập niên 1930.
Toàn quyền Philipines Davis M. Robin thăm trường Petrus Ký vào tháng 2/1931.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

TRƯỜNG LÊ QUÝ ĐÔN TẠI SÀI GÒN

 TRƯỜNG LÊ QUÝ ĐÔN TẠI SÀI GÒN

Biên soạn: Đông Kha - Nhạc Xưa Thời Báo

Trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn là ngôi trường trung học lâu đời thứ 2 ở Sài Gòn. Thời Pháp, ngôi trường này thường được biết đến với cái tên Collège Chasseloup Laubat, nằm giữa 3 con đường trung tâm là Chasseloup Laubat, Testard và Palais, sau này đường Palais đổi tên thành Barbet, rồi trở thành Barbé. (Ba con đường này sau năm 1955 mang tên Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp, Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, đường Hồng Thập Tự mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi sau đó cắt 1 đoạn để đặt tên Nguyễn Thị Minh Khai, còn đường Trần Quý Cáp mang tên Võ Văn Tần).

Chưa đến 10 năm sau,  khi người Pháp chiếm được Gia Định, năm 1894, Thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp tại Sài Gòn. Chương trình giảng dạy theo chính quốc, dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp). Trường sở được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), sau này con đường trước cổng trường được đặt tên là Chasseloup Laubat thì tên trường cũng đổi thành Collège Chasseloup Laubat (tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa lúc bấy giờ).

Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp.

Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Hai con đường đi ngang qua 2 cổng trường là Chasseloup Laubat và Barbé được đổi tên lần lượt là Hồng Thập Tự và Lê Quý Đôn.

Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, lấy theo tên của con đường Lê Quý Đôn.

Hai cô giáo người Việt của trường Collège Chasseloup Laubat

Từ 1975, chính quyền mới vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trường THCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trường THPT Lê Quý Đôn).

Mời các bạn xem lại một số hình ảnh của trường Collège Indigène/Collège Chasseloup Laubat/Jean Jacques Rousseau/Lê Quý Đôn:

Đường Chasseloup Laubat thời Pháp

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Hồng Thập Tự  
Năm 1964, thời điểm trường mang tên Jean Jacques Rousseau

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Lê Quý Đôn
Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Trần Quý Cáp