Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

ĐỀN TRẤN VÕ



ĐỀN TRẤN VÕ  
Trần Quốc Bảo dịch thơ Cao Bá Quát



Trấn Võ Tự
Cao Bá Quát
鎮 武 寺
惜 遊 無 計 復 登 樓
斜 倚 欄 桿 望 碧 流
君 亦 多 情 到 煙 水
我 猶 遺 恨 滿 汀 州
日 斜 天 地 雙 蓬 滿
春 凈 江 湖 一 白 鷗
遙 想 當 年 行 樂 處
殘 花 猶 自 故 宮 頭
高 伯 適

Trấn Võ Tự
(Thơ tức cảnh)

Tích du vô kế phục đăng lâu
Tà ỷ lan can vọng bích lưu
Quân diệc đa tình đào yên thủy
Ngã do di hận mãn thinh châu
Nhật tà thiên địa song bồng mấn
Xuân tịnh giang hồ nhất bạch âu
Dao tưởng đương nhiên hành lạc xứ (*)
Tàn hoa do tự cố cung đầu.

Cao Bá Quát  (**)

Bản dịch của Trần Quốc Bảo

Đền Trấn Võ

Viễn du chưa được phải ngồi nhà
Lưng tựa lan can ngắm suối xa
Khói nước mênh mang tình ý bạn
Bãi hoang vắng vẻ hận lòng ta
Chiều buông tóc bạc che trời đất
Xuân vắng chim âu lướt hải hà
Nhớ trước chốn kia nơi lạc thú
Cung xưa mấy độ đã tàn hoa.
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

(*) Đền Trấn Võ tọa lạc trên mảnh đất xưa gọi là Cung Trường Xuân, nơi ăn chơi, trà đình tửu điếm, của giới phú quí,vương tôn công tử.
(**)  Cao Bá Quát (? -  1851) hiệu là Chu Thần, quê  làng Phù Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. đậu Cử Nhân. Được lãnh chức Giáo thụ, phủ Quốc Oai (Sơn Tây) vào đởi nhà Nguyễn (Thiệu Trị - Tự Đức) . Ông là người tài giỏi nổi tiếng về thơ văn. Đương thời  có câu: “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán – Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Cũng vì được đề cao, xưng tụng thi tài, Ông bị các quan chức ganh ghét.
-  Thuở ấy có người tên Lê Duy Cự, nổi lên tại Sơn Tây, chống Triều đình nhà Nguyễn. Cao Bá Quát theo, làm Quốc sư cho bọn ấy. Triều đình sai Lãnh binh Lê Thuận dẹp giặc, Thuận đánh bắt được Cao Bá Quát, đem về chém tại làng Phù Thị (chánh quán)
{  Lời bàn:   Vào thời Quân chủ, Vua là nhất, trên cả Nước (Trung quân, ái quốc) Cao Bá Quát làm quân sư cho Lê Duy Cự, chống Triều đình, sau bị chém đầu, Quát bị gọi là “giặc”. Nhưng nay, xét tài liệu văn học lưu truyền của Cao Bá Quát, ta thấy Ông có tư tưởng cấp tiến đáng ngạc nhiên.  Tư tưởng ấy là “Phế Đế” ( xóa bỏ chế độ Quân chủ). Điều đó biểu lộ rõ rệt khi bị giam, Ông làm đôi câu đối: Một chiếc cùm lim chân có đế. Hai vòng giây sắt bước thì vương (Đế Vương đặt xuống dưới chân, tỏ ý muốn đạp đổ chế độ phong kiến).  Thậm chí, ra pháp trường, trước khi trảm quyết, Ông không hề sợ hãi, còn ngang tàng đọc câu đối chót cuộc đởi Ba hồi trống dục, (đ.?) mồ cha kiếp!  Một lát gươm đưa (đ.?) bỏ mẹ đời!” – Lời chửi thô tục,  ai cũng hiểu là ý thóa mạ đế vương.” Tư tưởng phế đế” của các nhà Cách mạng trên thế giới, chưa dễ đã ai mạnh mẽ hơn  Cao Bá Quát!. Khi Ông dấy binh, miền ấy bị châu chấu phá mùa màng, nên trong sử gọi Cao Bá Quát là Giặc Châu Chấu. Đáng tiếc cho Ông! - Phải chăng Ông sinh bất phùng thời!
  

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

SỰ THA THỨ - TỪ MỘT CHUYỆN CÓ THẬT

SỰ THA THỨ - TỪ MỘT CHUYỆN CÓ THẬT 
Nguồn: Hito Nakazomo, Trinh DinhDung

Tại một quán ăn ở San Jose có một cô hầu bàn phụ trách mang thức ăn lên cho chúng tôi, nhìn cô ấy trẻ trung tựa như một chiếc lá non.
Khi cô ấy bê cá hấp lên, đĩa cá bị nghiêng. Nước sốt cá tanh nồng rơi xuống chiếc cặp của tôi đặt trên ghế. Theo bản năng, tôi muốn nhảy dựng lên, nộ khí xung thiên. Thế nhưng, khi tôi chưa kịp làm gì thì đứa con gái yêu của tôi bỗng đứng dậy, nhanh chóng đi tới bên cạnh cô gái hầu bàn, nở một nụ cười dịu dàng tươi tắn, vỗ vào vai của cô bé và nói: “chuyện nhỏ thôi, không sao đâu!”.
Cô hầu bàn vô cùng ngạc nhiên, luống cuống kiểm tra chiếc cặp của tôi, nói với giọng lúng túng: “Tôi… để tôi đi lấy khăn lau … ”.
Không thể ngờ rằng con gái tôi bỗng nói: “Không sao, mang về nhà rửa là sạch thôi. Chị đi làm việc của chị đi. Thật mà, không sao đâu!”
Khẩu khí của con gái tôi thật là nhẹ nhàng cho dù người làm sai là cô hầu bàn.
Tôi trừng mắt nhìn con gái, cảm thấy bản thân mình như một quả khí cầu, bơm đầy khí trong đó, muốn phát nổ nhưng không nổ được, thật là khốn khổ.
Con gái bình tĩnh nói với tôi, dưới ánh đèn sáng lung linh của quán ăn, tôi nhìn thấy rất rõ, con mắt của nó mở to, long lanh như được mạ một lớp nước mắt.
Tối hôm đó, sau khi quay trở về khách sạn, lúc hai mẹ con nằm lên giường, nó mới dốc bầu tâm sự…
Con gái tôi phải đi học ở London 3 năm và để huấn luyện tính tự lập cho nó, chồng tôi quyết định không cho nó về nhà vào kỳ nghỉ, anh ấy muốn nó tự lập kế hoạch để đi du lịch, đồng thời cũng muốn nó thử trải nghiệm tự đi làm ở Anh Quốc.
Con gái tôi hoạt bát nhanh nhẹn. Khi ở nhà, mười đầu ngón tay không phải chạm vào nước. Những công việc từ nhỏ tới lớn cũng không đến lượt nó làm. Vậy mà khi rơi vào cuộc sống lạ lẫm tại Anh Quốc, nó lại phải đi làm bồi bàn để thể nghiệm cuộc sống.
Ngày đầu tiên đi làm, nó đã gặp phải rắc rối.
Con gái tôi bị điều đến rửa cốc rượu trong nhà bếp. Ở đó có những chiếc cốc thủy tinh cao chân trong suốt, mỏng như cánh ve, chỉ cần dùng một chút lực nhỏ là có thể khiến chiếc cốc bị vỡ, biến thành một đống vụn thủy tinh.
Con gái tôi thận trọng dè dặt, như bước đi trên băng, không dễ dàng gì mà rửa sạch hết một đống lớn cốc rượu. Vừa mới thả lỏng không chú ý, nó nghiêng người một chút, va vào một chiếc cốc, chiếc cốc liền rơi xuống đất, “xoảng, xoảng” liên tục những âm thanh vang lên. Chiếc cốc hoàn toàn biến thành đống thủy tinh vụn lấp lánh trên mặt đất.
“Mẹ ơi, vào thời khắc đó, con có cảm giác bị rơi xuống địa ngục.”… giọng nói của con gái tôi vẫn còn đọng lại sự hồi hộp lo lắng.
“Thế nhưng, mẹ có biết người quản lý ca trực đó phản ứng thế nào không? Cô ấy không hề vội vàng mà bình tĩnh đi tới, kéo con lên và nói: “Em gái, em không sao chứ?”
Sau đó, cô ấy quay đầu lại nói với những người khác: “Các bạn mau đến giúp cô gái này dọn dẹp sạch đống thủy tinh nhé!”
Đối với con, ngay đến cả nửa câu trách móc cũng không có!”
Lại một lần nữa, khi con rót rượu, không cẩn thận, làm đổ rượu vang nho lên chiếc váy trắng của khách khiến cho chiếc váy trở nên loang lổ. Cứ tưởng vị khách đó sẽ nổi trận lôi đình nhưng không ngờ cô ấy lại an ủi con: “không sao đâu, rượu ấy mà, không khó giặt.”. Vừa nói, vừa đứng lên, nhẹ nhàng vỗ vào vai con rồi từ từ đi vào phòng vệ sinh, không nói toang lên, cũng không làm ầm ĩ khiến con tròn mắt như con chim yến nhỏ vì quá đỗi ngạc nhiên.
Giọng nói của con gái tôi, mang đầy tình cảm: “Mẹ à, bởi vì người khác có thể tha thứ lỗi lầm của con trước đây nên mẹ hãy coi những người phạm sai lầm kia như con gái của mẹ mà tha thứ cho họ nhé!”
Lúc này, không khí trở nên tĩnh lặng như màn đêm. Tròng mắt của tôi ướt đẫm lệ…
Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết:
“Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thân thiết của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”
…..
Các bạn thân mến của tôi,
Chúng ta cảm động khi được người khác tha thứ. Điều đó khiến chúng ta có thể thay đổi hành vi và lời nói của chính mình. Hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế, mỗi ngày của chúng ta, sẽ là mỗi ngày hạnh phúc và may mắn!
THA THỨ, không dễ lắm đâu nhưng hãy cố gắng bạn nhé!

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

"VIỆT NAM" NGHĨA LÀ GÌ?

"VIỆT NAM" NGHĨA LÀ GÌ?
Mai Thanh Truyet Envirovn

1/ Không ít người bây giờ vẫn tưởng "Việt Nam" nghĩa là "nước Nam của người Việt". Hoặc là qua một số em sinh viên trẻ cho tôi biết ở trường giải thích: "Việt Nam" nghĩa là nước Việt nằm về phương Nam (so với Tàu). Mắc giống gì mà danh xưng một quốc gia lại đi lấy một quốc gia khác làm "hệ qui chiếu"? Coi đi, quốc gia của người Hàn nằm về phía đông nước Tàu, họ đâu giải thích nước họ là ... "Hàn Đông".
Ý nghĩa của hai chữ "Việt Nam" bấy lâu nay thường được diễn giải theo chủ quan của hậu thế NHƯNG cho dù diễn giải vi diệu/hay ho/cao siêu tới đâu đi nữa thì - xin nhấn mạnh - hãy nhớ rằng tên nước VIỆT NAM 越 南 là do nhà Nguyễn đặt ra. Thành thử phải tìm hiểu nhà Nguyễn gọi vậy với ý nghĩa gì (chớ đừng nhét cách diễn giải của đời sau vào miệng tiền nhân)!
... Hệt như có một làn gió mát mẻ, hết sức khỏe khoắn sau khi tôi may mắn biết được ý nghĩa đích xác của tên nước "VIỆT NAM" khi Gia Long định danh.
"Việt" trong quốc danh "Việt Nam" 越 南, té ra không phải làm một với "Việt" trong quốc danh "Đại Việt" 大 越 (mặc dù nhìn vô mặt chữ hệt nhau)!
Nói nào ngay, "Việt" đàng nào cũng có cái hay nhưng lại không giống nhau.
2/ VIỆT NAM trở thành quốc danh chính thức lần đầu tiên là vào đời vua Gia Long, năm 1804.
2a) Ban đầu, năm 1802, vua Gia Long đặt tên nước là "Nam Việt" 南 越. Nhưng nhà Thanh e ngại hai chữ 南 越 (Nam Việt) lặp lại quốc danh "Nam Việt" mà Triệu Võ Đế (Triệu Đà, năm 204 TCN - năm 137 TCN) đặt ra, bấy giờ lãnh thổ không chỉ có Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đồng bằng sông Hồng cho tới Hà Tĩnh) mà bao trùm luôn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
2b) Để tránh sự e ngại từ nhà Thanh, vua Gia Long đã đổi "Nam Việt" thành VIỆT NAM (越 南).
Dầu "Nam Việt" hoặc "Việt Nam" cũng đều chung ý nghĩa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), sử gia nổi tiếng sống dưới thời vua Gia Long, có mặt trong đoàn sứ qua Tàu đàm phán với nhà Thanh, cho biết: "Việt Nam là quốc danh thích hợp để chỉ một lãnh thổ hợp nhứt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài”, "chúng ta (nhà Nguyễn) sở hữu đất của Việt Thường trước và vùng An Nam được thêm vào sau đó".
Hai chữ VIỆT NAM là sự kết hợp giữa VIỆT (THƯỜNG) với (AN) NAM.
3/ Việt Thường là xứ mô?
Theo những sách cổ xưa như "Hậu Hán thư", "Thượng thư đại truyện", "Tư trị thông giám cương mục" thì nước Việt Thường 越 裳 nằm về phía nam Giao Chỉ.
Trong cuốn "Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập" thì xác định tên gọi VIỆT THƯỜNG "là tên cổ của xứ Champa"!
Một nguồn khác cho biết cách gọi "Việt Thường" là để chỉ lãnh thổ về phía nam của Giao Chỉ, bao gồm cả Phù Nam (sau này trở thành vùng Thủy Chân Lạp).
Khi Trịnh Hoài Đức viết "chúng ta sở hữu đất của Việt Thường 越 裳 trước" là nhằm ghi nhận các bậc tiền nhân của vua Gia Long (là các Chúa Nguyễn) đã hùng cứ tại Đàng Trong (Champa, Thủy Chân Lạp). Sau đó Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) đã "thêm vào vùng An Nam 安 南 " là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô (tức Đàng Ngoài).
4/ HÃNH DIỆN HAI CHỮ "VIỆT NAM"!
Trước đó, theo dòng lịch sử qua các đời Lý, Trần, Lê... cho dù tự xưng quốc danh "Đại Việt" đi nữa, tuy nhiên nước Tàu không tôn trọng mà họ cứ gọi xứ sở (lấy Thăng Long làm kinh đô) là "An Nam" miết (và gọi các đời vua Lý, Trần, Hậu Lê đều là "An Nam quốc vương")!
Đến đời Hoàng đế Gia Long, ban đầu triều đình bên Tàu ép vẫn phải dùng quốc danh "An Nam" nhưng sứ giả của vua Gia Long không đồng ý.
5/ THAY LỜI KẾT
"Việt" (trong "Đại Việt" 大 越 ) dùng để chỉ Việt tộc.
Còn "Việt" (trong "Việt Nam" 越 南 ) tuy cùng mặt chữ nhưng được lấy từ trong danh từ kép "Việt Thường" 越 裳 (định danh về địa lý) ghép chữ "Việt" (trong "Việt Thường") với "Nam" (trong "An Nam") thành quốc danh VIỆT NAM, là sự ghi nhận đàng hoàng về nguồn gốc của từng vùng lãnh thổ!
Qua đó, vua Gia Long cho thấy niềm hãnh diện trước việc hợp nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài. Lãnh thổ nước ta LẦN ĐẦU TIÊN trải rộng từ bắc chí nam, theo đường cái quan đi từ Quảng Ninh cho tới mũi Cà Mau thành đường cong chữ S.
Tắt một lời, VIỆT NAM là quốc danh mang ý nghĩa về SỰ HỢP NHỨT LÃNH THỔ.
Với quốc danh VIỆT NAM, quí bạn chú ý: Đây là LẦN ĐẦU TIÊN trong suốt lịch sử cả ngàn năm, Tàu đã phải từ bỏ cách gọi truyền kiếp "An Nam" đối với nước Việt chúng ta!
Đời nay, chúng ta mỗi khi hãnh diện về hai chữ "Việt Nam" thì nên nhớ tới cái danh xưng đó do Hoàng đế Gia Long đặt ra.

Đừng uống nước mà quên luôn cái nguồn quốc danh đó từ đâu, đừng bị nhiễm thói ăn cháo đá bát. 
Ý nghĩa nêu trên của hai chữ VIỆT NAM, thiệt hay hết sức, độc đáo hết sức trong tinh thần đoàn kết các cộng đồng dân tộc ./.





Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

TUYỂN TẬP THƠ TÌNH MAI HOÀI THU

TUYỂN TẬP THƠ TÌNH MAI HOÀI THU
Các nghệ sĩ diễn ngâm: Hoàng Đức Tâm -  Hồng Vân -  Thu Thủy - Ngọc Sang - Ngô Đình Long

 

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

30 CA KHÚC HAY NHẤT CỦA DUY KHÁNH

20 CA KHÚC HAY NHẤT CỦA DUY KHÁNH
Youtube: Trần Năng Phùng

TƯỚNG GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN TRONG QUÂN CHỦNG KHÔNG QUÂN HOA KỲ

TƯỚNG GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN TRONG QUÂN CHỦNG KHÔNG QUÂN HOA KỲ
Nguồn: Tạp Chí Hoa Kỳ

Vào ngày 13/1/2020, Bộ quốc phòng Mỹ cho biết không quân Hoa Kỳ vừa có một chuẩn tướng gốc Việt. Ông cũng là tướng gốc Việt đầu tiên trong quân chủng không quân Hoa Kỳ.
Chuẩn tướng John Edwards, có cha là người Mỹ và mẹ là người Việt Nam, là một trong 35 đại tá được Tổng Thống Donald Trump đề cử lên tướng một sao năm 2020.
Ông sinh năm 1972 tại Sài Gòn, định cư tại Mỹ vào tháng 4/1975. Cha ông làm việc cho quân đội Hoa Kỳ, kết hôn với mẹ ông vào năm 1968. Khác với hầu hết thế hệ con lai thời đó, mẹ và hai chị em ông Edwards đã có quốc tịch Mỹ và có nhà riêng ở Florida vào năm 1974.
Bà Liên Edwards, thân mẫu của Chuẩn Tướng John Edwards (ảnh chụp màn hình từ báo Người Việt).
“John là một người hiền lành ít nói nhưng sống rất nguyên tắc theo lối nhà binh. Từ nhỏ, John đã đam mê trực thăng và ước mơ trở thành phi công quân sự…. Tôi nghe nói có khoảng 2.500 đại tá trong lực lượng không quân Hoa Kỳ nhưng chỉ có hơn 30 đại tá được chấp thuận thăng cấp chuẩn tướng. Tôi rất tự hào về con trai mình”, bà Liên Edwards, thân mẫu của vị chuẩn tướng chia sẻ.
“John thích ăn một số món Việt. Công việc của John thường xuyên phải thay đổi địa điểm, đa phần ở những nơi khó có nhà hàng Việt. Vì thế, tôi đã chỉ cho con dâu Mỹ [vợ của Chuẩn Tướng John] cách nấu vài món Việt như chả giò, thịt kho, cánh gà rim..”, bà chia sẻ thêm.
Chuẩn Tướng John Edwards vui đùa cùng ba con của ông (ảnh chụp màn hình từ báo Người Việt).
Chuẩn Tướng John Edwards hiện đang sống tại Washington, DC. cùng vợ và ba con.
Mặc dù rất bận rộn với công việc hệ trọng tại Ngũ Giác Đài, mẹ ông cho biết ông “thường xuyên thăm mẹ khi có dịp công tác tại California”.
Trong bức thư chúc mừng của Đại tướng không quân David L. Goldfein, tham mưu trưởng không quân Hoa Kỳ, gửi tới tân chuẩn tướng có câu: “Được đề cử vào hàng tướng lãnh là một minh chứng cho khả năng lãnh đạo và cống hiến, tinh thần quả cảm và lòng yêu nước… Chúng tôi gửi gắm ông trọng trách to lớn, đó là lèo lái lực lượng không quân, một tài sản quý báu của quốc gia chúng ta”.
Tính đến nay, ông John Edwards là tướng gốc Việt thứ năm trong quân đội Hoa Kỳ.
Bốn vị tướng kia là Thiếu Tướng Lương Xuân Việt (Lục Quân) hiện là Tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật, Chuẩn Tướng Châu Lập Thể Flora (Vệ Binh Quốc Gia), Chuẩn Tướng Nguyễn Từ Huấn (Hải Quân), và Chuẩn Tướng William Seely (Thủy Quân Lục Chiến).

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

ĂN ĐỒ CHIÊN NƯỚNG CÓ GÂY HẠI CHO SỨC KHỎE KHÔNG?

ĂN ĐỒ CHIÊN NƯỚNG CÓ GÂY HẠI CHO SỨC KHỎE KHÔNG?
Miguel Trancozo Trevino BBC Future

Từ việc sinh ra ra hóa chất độc hại tới làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, những bằng chứng mới nhất cho thấy một số cách nấu ăn gây hại cho sức khỏe. Ta nên làm gì để tránh?
"Toàn bộ lý do khiến con người tiến hóa là vì ta bắt đầu nấu ăn," Jenna Macciochi khẳng định chắc nịch. "Khi chỉ ăn uống thực phẩm sống, ta phải ăn liên tục, vì cơ thể ta vất vả mới lấy được dưỡng chất từ thực phẩm sống."
Các nhà sinh học từ lâu đã đồng tình với Macciochi, người chuyên nghiên cứu về tác động qua lại giữa lối sống và dinh dưỡng ảnh hưởng ra sao tới hệ miễn dịch của con người, tại Đại học Sussex.
Trong thực tế có cả một danh sách bằng chứng dài đáng kể cho thấy quá trình tiến hóa của con người có liên hệ trực tiếp với việc biết dùng lửa.
Khi tổ tiên của chúng ta biết nấu ăn và chế biến thực phẩm, họ đã khiến chất béo và calories trong thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, và điều đó giúp làm tăng khoảng cách giữa năng lượng con người cần để tiêu hóa thức ăn với số năng lượng họ có thể chiết xuất từ thực phẩm. Mà như vậy cũng có nghĩa là con người đỡ phải nhai nhiều như trước.
Người ta từng cho rằng kỹ năng nấu nướng không chỉ giúp làm kích cỡ xương hàm của con người giảm xuống, mà còn có nghĩa là bộ não ta có thể tiến hóa và tăng kích cỡ lớn hơn - và có đủ khả năng dung chứa những hoạt động thần kinh (vốn rất hao tốn năng lượng) mà con người cần đến.
Nấu ăn cũng giúp tiêu diệt những vi khuẩn có hại có thể có bên trong và trên bề mặt thực phẩm, nhờ vậy bảo vệ giúp con người tránh không bị bệnh vì ngộ độc thực phẩm.
Vậy nhưng dù nấu ăn đem lại rất nhiều lợi ích thì liệu có xảy ra trường hợp quá trình chế biến thực phẩm với nhiệt độ cao có thể đem lại những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe không?
Xu hướng ngày càng phổ biến với chế độ ăn đồ tươi sống và nhiều chuyển đổi đến những kỹ thuật nấu nướng biến tấu hơn, các nhà khoa học khắp thế giới giờ đây chú tâm hơn tìm hiểu về những bữa ăn chế biến nóng sốt.
Acrylamide: Nguy cơ bị ung thư vì nấu quá kỹ
Không phải mọi phương thức nấu nướng đều giống nhau khi ta chuẩn bị một món ăn. Và với một số kiểu nấu nướng - như khi sử dụng nhiệt độ cực kỳ cao - thì thực phẩm ta nấu ra sẽ có khác biệt rất lớn.
Với những loại thực phẩm là tinh bột chẳng hạn thì rủi ro mà Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) ở Anh Quốc đã ra cảnh báo về chất acrylamide. Đây là hóa chất thường được sử dụng trong công nghiệp để làm giấy, nhuộm và nhựa, nhưng nó cũng xuất hiện trong thực phẩm khi ta quay, chiên hoặc nướng đồ ăn ở nhiệt độ rất cao trong thời gian dài.
Những nguyên liệu nấu nướng giàu carbohydrate như khoai tây, các loại rau củ, bánh mì nướng, ngũ cốc, cà phê, bánh ngọt và bánh quy, là những loại nhạy cảm nhất và phản ứng ta có thể thấy là khi tinh bột trong món ăn bắt đầu chuyển màu sẫm, chúng có thể hóa thành màu nâu vàng hay bắt đầu có vẻ như bị cháy.
Acrylamide được coi là nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư, mặc dù hầu hết bằng chứng hiện thời cho thấy mối liên hệ này đến từ động vật.
Để đề phòng, Macciochi nói, các nhà dinh dưỡng học và cơ quan về thực phẩm cho rằng tốt hơn là nên tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm với hàm lượng nhiều hóa chất acrylamide.
"Hầu hết các thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm với động vật, [nhưng] chúng tôi thực sự nghĩ rằng acrylamide có nguy cơ gây ung thư ở người, vì vậy mọi người nên ý thức đề phòng, và cũng để ý đến thực phẩm đã qua chế biến mà họ mua, có lẽ có hàm lượng acrylamide cao hơn vì quá trình chế biến công nghiệp," bà nói thêm.
Để tránh hàm lượng acrylamides cao, FSA đề nghị ta nên hướng đến nấu thức ăn đến độ vàng vừa phải và tránh bỏ khoai tây vào tủ lạnh nếu sau đó định nấu ở nhiệt độ cao (vì khoai tây đông lạnh phóng thích đường, sau đó sẽ kết hợp với các amino acid và tạo ra acrylamide khi nấu). Nói chung là tránh nấu quá kỹ những thành phần này, và tránh tạo ra hợp chất acrylamide.
Tuy nhiên, nguy cơ này không dừng lại với quy trình nướng thức ăn.
"Những chất như acrylamide trong thực phẩm chỉ là một trong nhiều nguy cơ của chế độ ăn thời hiện đại," Macciochi cảnh báo, "vì vậy tự chất này sẽ không tạo ra nguy cơ khiến bạn bị ung thư, nhưng nếu một người có chế độ ăn rất nghèo nàn, đó là thứ ta có thể thay đổi để tránh rủi ro."
Khói bếp và bệnh ung thư phổi
Hiệu ứng từ nấu nướng không chỉ truyền qua thức ăn, mà còn qua những thứ ta hít vào.
Đầu tiên, bản thân bếp nấu là nguồn chính gây bệnh ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Ở những nơi dùng các loại nhiên liệu đun nấu là gỗ, rơm rạ thải, và than, khói bếp trong nhà có thể tăng lên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khói nhà bếp là nguyên nhân gây ra 3,8 triệu trường hợp chết yểu mỗi năm.
Nhưng một số nguyên liệu nhất định trong thực phẩm ta nấu cũng có thể gây ra ô nhiễm không khí trong nhà.
Một nghiên cứu năm 2017, do Tạp chí Nghiên cứu Ung thư và Ung bướu Lâm sàng công bố, tìm thấy bằng chứng khi ta hít phải khói do dầu ăn gây ra cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi.
Các nhà khoa học phân tích 23 nghiên cứu về 9.411 ca bệnh ung thư ở Trung Quốc, và cho thấy không chỉ có phụ nữ nấu ăn trong tình trạng không có hệ thống thông khí tốt trong nhà bếp có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn, mà cả các phương pháp nấu ăn khác nhau cũng gây ra hệ quả khác nhau.
Chẳng hạn như chiên xào làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, trong khi chiên thức ăn ngập dầu thì không làm tăng nguy cơ.
Các nghiên cứu khác cũng cung cấp bằng chứng cho thấy nếu hít phải khói từ dầu ăn trong thời kỳ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, khiến trẻ bị nhẹ cân khi sinh.
Năm 2017, các nhà khoa học ở Đài Loan so sánh hàm lượng aldehydes - một nhóm các hợp chất phản ứng rộng, mà nhiều hợp chất trong số đó độc hại với con người - sinh ra từ các phương pháp nấu nướng khác nhau.
Trong nghiên cứu này, các tác giả chỉ ra rằng khói bốc lên từ dầu hướng dương khi nấu ở nhiệt độ cao và phương thức chiên ngập dầu và chiên trong chảo có nguy cơ sản sinh ra lượng aldehyde lớn hơn, trong khi đó các loại dầu ăn có hàm lượng chất béo không bão hòa thấp, như dầu cọ hay dầu hạt cải, cũng như các phương thức nấu nướng nhẹ nhàng hơn như chiên xào, thì không có xu hướng tạo ra hàm lượng lớn hợp chất này hoặc những hợp chất được cho là có hại khác.
Thịt nấu chín và bệnh tiểu đường
Người ăn thịt nên suy nghĩ lại cách họ nấu thịt và mức độ thường xuyên ăn thịt.
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy phương thức nấu trực tiếp với lửa như nấu thịt đỏ, đặc biệt là nướng bằng chảo hoặc nướng than cũng như các phương thức nấu sử dụng nhiệt độ cao, như quay thịt trong lò, có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường ở những phụ nữ thường sử dụng thịt đỏ ở Hoa Kỳ - mặc dù người ta chưa rõ vì sao nguy cơ này chỉ tác động đến phụ nữ mà không ảnh hưởng đến đàn ông.
Một nghiên cứu khác chỉ ra mối liên hệ tương tự giữa cách nấu trực tiếp trên ngọn lửa hoặc nấu ở nhiệt độ cao và bệnh tiểu đường Type 2 ở người ăn thịt đỏ, thịt gà và cá ít nhất 15 lần mỗi tháng, bất kể là nam hay nữ, ăn nhiều hay ít chừng nào.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là không có nghiên cứu nào trong số này kiểm soát các yếu tố về lối sống như thể thao hoặc các nhân tố khác trong chế độ dinh dưỡng của họ, trong đó có hàm lượng đường họ tiêu thụ, vì vậy có thể còn có những thứ đằng sau nữa tác động đến kết quả được đưa ra.
Tuy nhiên, một số phương thức nấu ăn thay thế do các nhà nghiên cứu đề xuất như luộc hay hấp có vẻ không gây ra nguy cơ mắc tiểu đường.
Các phương pháp nấu ăn khác
Trong thế kỷ qua, phương thức nấu nướng đã tiến hóa và đa dạng hơn, và nấu nướng dần dịch chuyển khỏi những nguồn nhiệt thời nguyên thủy.
Lò vi sóng, bếp điện và lò nướng bánh giờ đây có mặt gần như trong mọi nhà, đem lại các phương thức thay thế cho ngọn lửa nhiệt độ cao.
Ngày càng nhiều các nhà khoa học chỉ ra rằng sử dụng lò vi sóng là cách nấu ăn lành mạnh hơn, tùy thuộc vào món bạn nấu.
Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây từ Thụy Điển cho thấy một trong những cách lành mạnh nhất để nấu nấm là sử dụng lò vi sóng. Phương thức này làm tăng đáng kể các chất chống oxy hóa - là hợp chất giúp bảo vệ tế bào khỏi tình trạng hư hỏng. Trái lại, luộc hoặc chiên nấm làm giảm hàm lượng chất chống oxy hóa.
Trong thực tế bằng chứng khoa học cho thấy phương thức tốt nhất để giữ lại được các vitamin và dưỡng chất khi nấu rau là sử dụng thời gian nấu ngắn và dùng càng ít nước càng tốt.
Điều đó có nghĩa là sử dụng lò vi sóng là cách nấu tốt vì sẽ khiến ít dưỡng chất mất đi hơn - không giống như khi ta luộc rau, khiến dưỡng chất đều trôi vào nước luộc hết.
"Hấp rau cũng tốt hơn là luộc, bất cứ thứ gì bạn nấu trong thời gian dài ở nhiệt độ cao đều có vẻ gặp nhiều vấn đề hơn, làm giảm giá trị dinh dưỡng hoặc gây ra một số hợp chất không tốt, như acrylamide," Macciochi giải thích.
Một vấn đề khác với cách chiên đồ ăn, hay các kiểu nấu nướng có dầu ăn, đó là sẽ có vấn đề xảy ra khi một số loại chất béo được làm nóng lên. Hóa ra quá trình đốt nóng có thể khiến dầu ăn trải qua hàng loạt phản ứng hóa học nên khi bạn nấu ở nhiệt độ cao, bạn gặp rủi ro sẽ cho ra món có thành phần thay đổi ít nhiều so với thành phần ban đầu bạn bỏ vào nấu.
Không phải mọi loại dầu ăn đều mẫn cảm và dễ thay đổi như vậy.
Ví dụ, dầu olive có "điểm bốc khói" khá thấp, so với những loại chất béo bão hòa như dầu dừa. Đây là mức nhiệt độ mà dầu sẽ bắt đầu thay đổi - khi dầu bắt đầu bốc hơi và mất một số hợp chất tốt cho sức khỏe, như hợp chất oleocanthal chống viêm.
Đây cũng là mức nhiệt độ mà dầu bắt đầu sinh ra các hợp chất độc hại như một số aldehyde.
Macciochi vẫn đề xuất nên sử dụng dầu olive trong hầu hết quá trình nấu nướng vì loại dầu này rất tốt cho sức khỏe, chỉ là không nên dùng trong nấu ăn công nghiệp, hoặc khi chế biến bất cứ món gì cần thời gian nấu kéo dài.
Tuy nhiên, dù một số kiểu nấu ăn có chứa rủi ro, thì bỏ hẳn việc nấu chín thức ăn lại có nguy cơ gây hại hơn rất nhiều.
Một nghiên cứu của Đức về những người tuân thủ chế độ ăn chỉ dùng đồ tươi sống hầu như không qua chế biến trong vài năm nhận thấy đàn ông giảm 9kg cân nặng, trong khi phụ nữ giảm 12kg cân nặng.
Vào cuối kỳ nghiên cứu, một số người đáng kể bị tình trạng thiếu cân - và khoảng một phần ba số phụ nữ không còn kinh nguyệt đều đặn.
Các tác giả kết luận với một thông điệp khá nhẹ nhàng theo kiểu khoa học "chế độ ăn thực phẩm tươi sống nghiêm ngặt không được khuyến khích áp dụng thời gian kéo dài".
"Rốt cuộc thì việc nấu chín thịt và nấu carbohydrate là cách tốt để giúp tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm này, ngược lại so với việc ăn sống," Macciochi nhận định, "vì thử nghĩ tới một củ khoai tây sống xem, sẽ cực kỳ khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ nó chứ đừng nói đến chuyện chỉ là ăn cảm thấy ngon lành."
Có vẻ như tổ tiên của chúng ta mơ hồ đã hiểu đúng điều gì đó, hẳn là vậy.