Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI
BS Hồ Ngọc Minh
 
Ở đây, tôi không muốn nói những triết lý sâu xa về cuộc đời mà từ góc độ của y khoa, chỉ xin giới hạn bàn về tuổi thọ con người: tại sao hầu hết chúng ta không sống quá 100 tuổi?
Một sự khích lệ lớn lao, trong vòng hai thế kỷ vừa qua, tuổi thọ con người ngày càng tăng nhanh và tăng đều đặn cho đến gần đây, bánh xe lăn dường như chậm lại.
Vào khoảng những thập niên 1800’s, con người ta trung bình không sống quá 40 tuổi. Có lẽ, ở Hội Nghị Diên Hồng, đa số các “bô lão” chắc độ 40 ngoài là nhiều. Ở các nước Tây phương, do sự tiến bộ về điều kiện vệ sinh, chất dinh dưỡng và tiện nghi nhà cửa, tuổi thọ con người tăng lên khoảng 60. Riêng ở nước ta, khoảng thập niên 1950, trên 50 tuổi đã gọi là cụ và tuổi về hưu thời đó là 55 tuổi.
Trong thế kỷ thứ 20, mặc dù tử vong vì chiến tranh tăng cao nhưng tuổi thọ con người cũng tăng cao hơn nhờ vào các phương thức chủng ngừa, thuốc trụ sinh và các biện pháp đề phòng, ngăn ngừa bệnh tật. Cụ thể, kể từ sau những năm 1970, các phương pháp chữa trị bệnh tim và tai biến não cũng tạo ra những bước nhảy vọt để kéo dài tuổi thọ.

 

Bước vào thế kỷ thứ 21, tuổi thọ trung bình là 80 cho các “cụ” bà và 75 cho các “cụ” ông. Trên lý thuyết, cứ bốn năm, tuổi thọ sẽ tăng lên một năm. Thế nhưng sau năm 2011, tuổi thọ trung bình không tăng cao nữa. Con số ước lượng mới, sẽ tốn 12 năm để tuổi thọ trung bình tăng lên một tuổi.
Đâu là nguyên nhân? Có phải vì con người đã chạm đến mức tối đa của sự sống?
 

Trước đây, người sống lâu nhất trên thế giới là cụ bà người Pháp, Jeanne Calment, mất vào Tháng Tám năm 1997, thọ 122 tuổi 164 ngày. Tuy nhiên hiện nay, người sống thọ nhất trên thế giới vẫn đang còn là cụ bà người Nhật, 116 tuổi 10 tháng.


 

Có thể những tiến bộ y khoa không phát triển nhanh và có những tác động mạnh như những thế kỷ trước. Con người ta sống lâu, lại sanh thêm bệnh, chữa hết bệnh này lại sinh ra bệnh khác. Ví dụ, bớt đi tử vong vì bệnh tim mạch hay tai biến não lại chết vì ung thư hay bệnh Alzheimer’s. Trong khi đó, tiến bộ y khoa chỉ đủ để hạn chế bệnh tật nhưng lại không chữa dứt được bệnh tật.
Hiện nay, có một lý thuyết cho rằng sự lão hoá được kiểm soát bởi một số tập hợp gene. Nếu ta tìm cách táy máy, “hack” những gene này, may ra có thể kéo dài tuổi thọ.
 

Cùng tập thể dục tại ngày hội Respect for the Aged Day ở một ngôi chùa tại Nhật, nơi có dân số cao tuổi nhất thế giới.
Thế thì tại sao lại già?
Khi chúng ta già theo năm tháng, càng nhiều tế bào không tiếp tục sanh trưởng, nhân đôi hay tái tạo, và cuối cùng là hủy diệt. Sự chết, theo đúng nghĩa, không xảy ra một cách đột ngột mà là hệ quả của những cái chết li ti trong từng tế bào nhỏ cộng lại.
 

Lý thuyết tổng hợp của những sự hư hại nho nhỏ được đề xướng bởi August Weismann vào năm 1882. Một cách dễ hiểu, cơ thể con người được cấu tạo bởi tập hợp cả nghìn tỉ tế bào, nương tựa với nhau mà sống vì nếu đứng riêng rẽ, những mỗi tế bào lại rất mong manh. Sự hao mòn xảy ra theo năm tháng, chồng chất lên nhau, mắt xích này kéo theo mắt xích kia để cuối cùng rồi cơ thể không thể bảo trì được nữa.
Tại sao tế bào lại bị hư hại?
 

Vào khoảng những năm 1950’s, các khoa học gia đã đưa ra lý thuyết về các hạt oxygen O3 gọi là “free radicals” được sanh ra trong quá trình chuyển biến năng lượng trong từng tế bào. Đại loại như những cục than hồng văng ra từ lò lửa. Những “cục than đỏ” này có thể làm hư hại chuỗi DNA. Tuy nhiên gần đây, một số nghiên cứu cho biết trong loài thằn lằn và một số chuột lại có những gene có thể triệt tiêu những radicals này. Vi thế, “free radicals” tác hại DNA có thể không đơn giản như bị than làm cháy hư mà phải qua nhiều giai đoạn, cơ chế khác nhau.
Một lý thuyết khác cho rằng, sự già là do sự đột biến về gene theo kiểu con dao hai lưỡi.
Trong tiến trình tiến hoá loài người, có thể có một số gene vừa có lợi nhưng vừa có hại. Những gene có lợi này giúp ta đối phó với môi trường khắc nghiệt nhưng lại có hại vì không cho ta sống lâu. Nếu tìm được cách “hack” những gene này, may ra kéo dài tuổi thọ.
 

Cuối cùng, có lý thuyết cho rằng một số gene giúp ta tăng trưởng nhanh nhưng càng lớn nhanh thì lại càng mau già, mau chết.
Nói một cách tóm gọn, có sanh thì phải có lão, có bệnh và sẽ tử. Tất cả đi liền với nhau thành một vòng luân hồi có nghĩa là chúng ta được sanh ra thì sẽ phải trả lại bằng một kết cuộc. Hiểu được như vậy thì nên sống vui, sống khoẻ, sống trong hiện tại. 
“Hãy nói về cuộc đời…” là thế và phải thế!

Không có nhận xét nào: