CÁCH NGỦ ÍT MÀ KHÔNG MỆT
Nguồn: web5ngay
Nhãn
- Ca nhạc (266)
- Con người và thiên nhiên (52)
- Địa Lý - Đất Nước (27)
- Giới Thiệu (5)
- Khoa Học - Kỹ Thuật (20)
- Kiến Thức Phổ Thông (25)
- Lễ Hội (78)
- Lễ Hội - Phong tục (77)
- Lịch Sử & Nhân Vật (62)
- Lời Hay Ý Đẹp (45)
- Nghệ Thuật (113)
- Ngôn Ngữ (19)
- Người Việt khắp nơi (57)
- Sức Khỏe & Đời Sống (203)
- Thắng Cảnh - Du Lịch (178)
- Thơ (179)
- Thực Phẩm (15)
- Tôn Giáo (15)
- Văn Hóa (4)
- Văn Xuôi - Truyện Ký (155)
- Video Chọn Lọc (34)
- Vui Cười (33)
- Xiếc - Ảo Thuật (31)
Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018
Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018
CHỮA TRỊ ĐAU KHỚP BẰNG ĐẬU ĐEN HẤP TRONG TRÁI DỪA
CHỮA TRỊ ĐAU KHỚP BẰNG ĐẬU ĐEN HẤP TRONG TRÁI DỪA
Nguồn: dominhduong.com
Cơn đau viêm khớp, nhức khớp cũng phải chào thua nhờ món đậu đen hấp trái dừa.
Viêm khớp, đau nhức xương khớp là căn bệnh chẳng còn xa lạ với bất cứ ai đặc biệt là người trong độ tuổi trung niên, người già. Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, thời tiết lạnh lẽo là các triệu chứng của bệnh viêm khớp lại càng thêm nghiêm trọng hơn. Bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng đi lại, sinh hoạt hàng ngày cũng như ảnh hưởng đến tinh thần bệnh nhân. Vì thế trong bài chia sẻ này xin mách các bạn bài thuốc từ 2 nguyên liệu vô cùng rẻ tiền, vô cùng quen thuộc đó là đậu đen và trái dừa.
Điều trị viêm khớp bằng đậu đen và trái dừa
+ Đậu đen là nguyên liệu tự nhiên quá quen thuộc với người dân Việt Nam ta, một lạng đậu đen chỉ khoảng 3-5 ngàn đồng bạn có thể tìm mua ở bất cứ đâu từ các khu chợ cóc đến các siêu thị lớn.
Theo y học cổ truyền, đậu đen có khả năng điều trị hiệu quả các bệnh như thận yếu, trĩ, huyết áp cao, trừ tê thấp, thấp khớp, điều trị viêm khớp, đau nhức xương khớp, các bệnh lở loét, táo bón… Bởi trong đậu đen có chứa các chất chống oxy hóa, chất chống viêm đồng thời nó còn tác động vào làm mạnh tạng thận. Thận chủ cốt sinh tủy, khi thận mạnh gân khớp cũng được cải thiện, chính vì vậy mọi người nên ăn đậu đen hoặc uống nước đậu đen thường xuyên để giữ cơ thể được khỏe mạnh, gân khớp được dẻo dai.
Tìm hiểu ngay món đậu đen hấp trái dừa trị viêm khớp
+ Nguyên liệu kết hợp với đậu đen trong bài thuốc điều trị bệnh đau khớp đó là trái dừa.
Sự kết hợp tuyệt vời giữa 2 nguyên liệu vô cùng rẻ tiền, lành tính này sẽ cho ra kết quả chữa trị các bệnh về xương khớp cực kỳ tốt. Không chỉ đau xương khớp, tê buồn chân tay, đau lưng mỏi gối mà ngay cả căn bệnh gút mãn tính cũng sẽ được đẩy lui nếu bạn kiên trì áp dụng bài thuốc này.
Cách làm món đậu đen hấp trái dừa trị viêm khớp, nhức khớp, gút
Chuẩn bị:
+ Trái dừa tươi (có thể mua cả chùm dừa 3-4 quả về dùng dần).
+ 1 nắm đậu đen
Cho đậu đen vào trái dừa
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên đem đậu đen rửa sạch bụi bẩn rồi ngâm trong khoảng vài tiếng để khi ninh đậu đen mau nhừ hơn.
Bước 2: Đem quả dừa đi rửa sạch rồi chặt dừa, đổ nước dừa ra cốc và nhớ giữ lại phần nắp đậy.
Bước 3: Sau khi đậu đen đã được ngâm, hãy vớt đậu đen cho vào trái dừa và đổ nước dừa từ cốc vào, chú ý để cho nước dừa ngập mặt đậu đen rồi lấy phần nắp dừa đậy vào.
Bước 4: Bỏ trái dừa vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 4-5 tiếng, đun sôi nhỏ lửa.
Công đoạn hấp trái dừa
Sử dụng:
+ Sau 4 tiếng ninh đậu đen với trái dừa, hãy kiểm tra xem đậu đen chín nhừ là được, tắt bếp và ăn khi còn ấm.
+ Ăn cả phần đậu đen, nước dừa cũng như cạo ăn phần cùi dừa bên trong. Nên ăn hết món này trong buổi sáng đến buổi trưa. Chú ý không nên ăn buổi chiều tối bởi món ăn này có thể sẽ bị đầy bụng. Ăn buổi sáng và trưa là tốt nhất.
+ Người bệnh nên ăn món này 2 lần mỗi tuần để thấy công hiệu. Chỉ sau khoảng một tháng áp dụng thì chắc chắn thấy kết quả tốt và hết đau nhức lúc nào không hay biết.
Kết quả thu được
Đối tượng sử dụng
+ Tất cả những người gặp vấn đề về tình trạng thận hư thận yếu, đau nhức xương khớp, gút, đau lưng mỏi gối. Nước đậu hầm với trái dừa có khả năng làm giảm axit uric trong máu ngăn ngừa hiệu quả căn bệnh gút. Chính vì thế những người trong độ tuổi trung niên, người già nên ăn nhiều món ăn này để phòng tránh các bệnh xương khớp tìm đến nhé.
LỄ VU LAN Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á CÓ GÌ KHÁC BIỆT
LỄ VU LAN Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á CÓ GÌ KHÁC BIỆT
Bình Duy
Ngày lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 hằng năm là dịp lễ lớn trong năm của những người theo tín ngưỡng Phật giáo. Vốn là một tôn giáo chính của các quốc gia châu Á nhưng mỗi nơi lại mang những nét đặc sắc riêng biệt.
Malaysia
Đại lễ Vu Lan còn được người Malaysia gọi là Ngày Tổ tiên. Vào ngày lễ hội tháng 7 này, mọi người sẽ treo đèn lồng quanh nhà và ngoài đường phố. Theo phong tục truyền thống, người dân sẽ ngưng các công việc nhà nông để thực hiện các nghi lễ thờ cúng, đốt vàng mã và cầu siêu cho vong linh đã khuất.
Một góc phố Penang, Malaysia vào dịp lễ Vu Lan. Ảnh: @leakeekswvschel
Singapore
Là người anh em bên cạnh Malaysia, đại lễ Vu Lan cũng diễn ra rộng khắp trên đảo quốc sư tử. Hoạt động diễn ra nhiều nhất ở khu China Town, Kallang. Dù đã phát triển hiện đại nhưng cộng đồng người Hoa tại đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống. Họ đến chùa cầu phước, làm việc thiện, cúng cơm và đốt vàng mã. Những việc chụp ảnh, huýt sáo hay bơi lội được xem là điều kiêng kị vào ngày này.
Cảnh cầu nguyện phước lành sau khi đốt vàng mã tại Singapore. Ảnh: @weirdhag
Thái Lan
Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Phật giáo tại Đông Nam Á. Lễ Vu Lan tại Thái Lan được diễn ra lớn nhất ở tỉnh Dan Sai, người dân tổ chức những hoạt động huyên náo. Nổi bật nhất là đám rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa cộng với quần áo chấp vá. Vào cuối mùa lễ người dân sẽ lắng nghe thuyết giảng từ các nhà sư.
Các hình nhân được trang trí bên dòng song Mun, Thái Lan vào dịp lễ. @jadewanderer
Đài Loan
Người dân ở Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức những lễ hội rước ma quy mô lớn vào dịp rằm tháng 7 hàng năm. Lân múa và hình nộm sẽ diễu hành trên đường vào ngày này. Mỗi gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ cúng như thịt vịt quay, hoa quả và đồ vàng mã.
Hoa đăng được thả khắp trên sông và đèn lồng treo trên những phố lớn. Họ quan niệm ánh đèn sẽ soi sáng cho các linh hồn nhận được đồ cúng và siêu thoát sang kiếp khác. Hoa đăng thả trôi đi càng xa thì gia đình càng được nhiều tài lộc.
Hoạt động lễ hội trên đường phố Keelung. Ảnh: @deddy_tds
Đốt hoa đăng trên dòng Yilan. Ảnh: @m120099049
Hong Kong
Mùi khét của việc đốt vàng mã cùng hương và nến là dấu hiệu tháng cô hồn tại đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc. Với dân số chính là người gốc Triều Châu, lễ hội tháng 7 diễn ra tại nhiều nơi trong thành phố. Nổi bật là hoạt động múa sư tử và biểu diễn hý kịch. Người dân đốt vàng mã, mô hình nhà xe, hiện vật giấy cho những linh hồn thế giới bên kia. Họ rắc muối trước cửa nhà gom dọn đồ cúng tế và hạn chế mở cửa vào ban đêm để tránh những điều kiêng kỵ.
Vở diễn hý kịch vào dịp rằm tháng 7. Ảnh: @leekworkphoto
Nơi diễn ra lễ nghi đốt vàng mã tại Hong Kong. Ảnh: @leonard_olin
Trung Quốc
Lễ Vu Lan hay còn được gọi là Lễ Ma đói diễn ra vào ngày giữa tháng bảy âm lịch tại Trung Quốc đại lục. Người dân xem đây là sự kiện đáng sợ nhất năm bởi theo lịch mặt trăng, cánh cổng âm phủ sẽ mở ra vào ngày này. Họ treo đèn đỏ từ nhà ở đến văn phòng làm việc, cúng cơm cho tổ tiên ba lần một ngày.
Ở khu vực phía Nam, mâm cơm có thịt luộc và gà quay. Nghi lễ chính diễn ra vào buổi chiều tối, vàng mã được đốt trên các góc đường cho các linh hồn lang thang. Sau đó, người dân đến chùa phát gạo cho người nghèo, cầu điều lành và tích công đức.
Đốt nhang đèn vàng mã tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: @pubcrawlshanghai
Thả đèn tại quận Trung Nguyên (Zhongyuan). Ảnh: @celiawashington
Nhật Bản
Cũng giống như lễ Vu Lan, Nhật Bản cũng có một lễ hội mang ý nghĩa tương tự được gọi là Ngày lễ Obon báo hiếu (diễn ra vào tháng 8 dương lịch). Bánh cúng khảo được làm từ bột gạo đủ ba màu xanh đỏ vàng và hoa quả được xem là vật lễ đón tiễn linh hồn.
Đây là một dịp lễ lớn ở Nhật thu hút nhiều khách tham quan, nhiều người ở xa về thăm ba mẹ, gia đình. Sự kiện quan trọng nhất vào dịp lễ là hoạt động thắp đèn trên núi Kyoto. Người đốt lửa sẽ nhắn gửi những lời cầu nguyện qua ngọn lửa với tổ tiên.
Quang cảnh ngày lễ Obon trên núi Kyoto. @syasin.biz
Indonesia
Phong tục truyền thống vào ngày rằm tháng 7 vẫn diễn ra tại một số nơi trên đất nước Hồi giáo chiếm đa số này. Người dân tại khu vực phía bắc tỉnh Sumatra đến chùa cầu nguyện, dựng các hình nộm lớn và bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Ngoài ra, họ còn ném tiền giả, dâng mía đỏ làm lễ vật cúng bái.
Người dân nghe nhà sư thực hiện lễ nghi cầu nguyện tại một ngôi chùa ở Medan. Ảnh: @liemfukliang
SỰ TÍCH RẰM THÁNG BẢY VÀ XUẤT XỨ HAI TIẾNG VU LAN
SỰ TÍCH RẰM THÁNG BẢY VÀ XUẤT XỨ HAI TIẾNG VU LAN
An Chi (Huệ Thiên)
Bài này đã được đăng trên báo Kiến Thức Ngày Nay ở Sài Gòn
Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Nhưng đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Vậy lễ này và lễ cúng cô hồn có phải là một hay không? Và đâu là xuất xứ của hai tiếng "Vu Lan"?
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma Ha Một Ðặc Già La, thường gọi là Ðại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống. Quá thương cảm xót xa, Mục Liên vận dụng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sanh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã đạt được sáu phép thần thông. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này, vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay cùng các món nhật dụng khác. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.
Ngày rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu Lan. Vậy lễ này có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không? Không! Ðây là hai lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày. Sự tích lễ cúng cô hồn đại khái như sau : Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: " Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên ". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân ".
Vậy lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau. Một đằng thì liên quan đến chuyện ông Mục Liên, một đằng lại liên quan đến chuyện ông A Nan. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phước. Sự khác nhau giữa hai bên là hiển nhiên nhưng nhiều người vẫn cứ lẫn lộn. Chẳng hạn trước đây, ông Thái văn Kiểm cho rằng lễ Vu Lan và lễ (xá tội) vong nhân (fête des Trépassés) là một. Còn lễ cúng cô hồn (fête des âmes errantes) và lễ xá tội vong nhân (Pardon des Trépassés) chính là một thì ông lại xem là hai (X. Les fêtes traditionnelles Vietnamiennes, B.S.E.I., t. XXXVI, no1, 1961, pp. 64-65). Mới đây, hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi cho rằng lễ Vu Lan là để cầu nguyện cho vong hồn những người đã chết (Chúng tôi nhấn mạnh - HT) không còn phải đọa cảnh khổ nữa (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 795, mục Vu Lan bồn). Nhưng đây không phải là "những người đã chết" nói chung vì như đã biết đó chỉ là cha mẹ cùng với ông bà bảy đời mà thôi.
Trở lên là nói về sự khác nhau giữa lễ cúng cô hồn với lễ báo hiếu, thường gọi là lễ Vu Lan. Vu Lan là dạng tắt của Vu Lan bồn. Nhưng Vu Lan bồn là gì? Sau đây là lời giảng của Thích Minh Châu và Minh Chi: "Bồn là cái chậu đựng thức ăn. Cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường chư tăng vào ngày rằm tháng 7 để cầu nguyện cho vong hồn những người đã chết không còn phải đọa cảnh khổ nữa. Vu Lan dịch âm từ chữ Sanscrit Ullabana, là cứu nạn treo ngược. Những người làm nhiều điều ác đức, sau khi chết, phải thác sinh xuống những cõi sống rất khổ gọi là địa ngục. Ở đây có một khổ hình là bị treo ngược (Sđd, tr. 795). Chúng tôi sẽ dựa vào lời giảng này mà tìm hiểu về xuất xứ của mấy tiếng "Vu Lan" và "Vu Lan bồn ". Lời giảng này có bốn điểm sai mà điểm sai thứ nhất thì chúng tôi vừa mới chỉ ra ở những dòng cuối của đoạn trên.
Sau đây là điểm sai thứ hai : Nói bồn là cái chậu đựng thức ăn thì không đúng vì bồn chỉ là một yếu tố phiên âm (sẽ phân tích rõ ở phần sau) mà thôi. Nói rằng đó là "cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường chư tăng vào ngày rằm tháng 7" thì lại sai theo một kiểu khác nữa. Chậu là "đồ dùng thường làm bằng sành sứ hoặc kim loại, miệng rộng, lòng nông, dùng để đựng nước rửa ráy, tắm giặt hoặc để trồng cây v.v..." (Từ điển tiếng Việt 1992). Vậy đựng thức ăn trong loại đồ dùng đó mà dâng lên cho chư tăng thọ thực là một hành động hoàn toàn thất nghi và thất lễ. Thật ra, Phật đã dạy Mục Liên như sau:
Phải toan sắm sửa chớ chầy
Ðồ ăn trăm món trái cây năm màu
Lại phải sắm giường nằm nệm lót
Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang dầu
Món ăn tinh sạch báu mầu
Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng
(Diễn ca kinh Vu Lan bồn)
Thau, bồn (chậu) chỉ là những thứ phải dâng cho chư tăng trong dịp Vu Lan để dùng trong việc rửa ráy, tắm giặt... mà thôi. Còn thức ăn thì phải "tinh sạch báu mầu, đựng trong bình bát " đàng hoàng lịch sự, chứ có đâu lại đựng trong chậu.
Thật ra, trước Thích Minh Châu và Minh Chi, cũng có những học giả đã giảng như trên, chẳng hạn Ðoàn Trung Còn trong bộ từ điển lớn về Phật học hoặc Toan Ánh trong bộ sách dày về nếp cũ. Ðây là một cách giảng lệ thuộc vào cái sai của sách vở Trung Hoa. Từ Nguyên chẳng hạn, đã giảng về mấy tiếng Vu Lan bồn như sau : "Nói lấy chậu đựng trăm thức để cúng dường chư Phật " (Vị dĩ bồn trữ bách vị cung dưỡng chư Phật).
Ðiểm sai thứ ba là đã theo cái sai của những người đi trước mà giảng Vu Lan thành "cứu nạn treo ngược" vì thấy từ điển Trung Hoa giảng Vu Lan bồn là "cứu đảo huyền". Thật ra, khi Từ Nguyên chẳng hạn, giảng Vu Lan bồn thành "cứu đảo huyền" là đã mượn hai tiếng "đảo huyền" trong sách Mạnh Tử. Trong sách này, có cú đoạn "Dân chi duyệt chi do Giải đảo huyền dã" nghĩa là "như giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng vậy". Chính Từ Nguyên cũng đã giảng "đảo huyền" là sự khốn khổ tột cùng (khốn khổ chi thậm). Vậy "cứu đảo huyền" không phải là "cứu nạn treo ngược" mà lại là "giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng". Hai tiếng "đảo huyền" ở đây không còn được hiểu theo nghĩa đen nữa. Nghĩa của chúng ở đây cũng giống như nghĩa của chúng trong thành ngữ "đảo huyền chi tế " là tình cảnh khốn khó chứ không phải là " cảnh bị treo ngược ".
Ðiểm sai thứ tư là ở chỗ nói rằng danh từ Sanscrit "Ullabana" có nghĩa là "cứu nạn treo ngược". Trước nhất, cần nói rằng từ Sanscrit này đã bị viết sai. Vậy không biết ở đây hai tác giả muốn nói đến danh từ Sanscrit nào nhưng cứ theo dạng sai chính tả đã thấy thì có thể luận ra rằng đó là một trong hai từ sau đây: Ullambana hoặc Ullambhana. Ở đây, xin phân tích từ thứ nhất: Ullambana gồm có ba hình vị: ud (trở thành ul do quy tắc biến âm samdhi khi d đứng trước l) là một tiền tố, thường gọi là tiền động từ (préverbe) chỉ sự vận động từ dưới lên, lamb là căn tố động từ có nghĩa là treo và ana là hậu tố chỉ hành động. Vậy Ullambana có nghĩa là sự treo lên. Nhưng tất cả chỉ có như thế mà thôi ! Từ Sanscrit này không hề diễn đạt cái ý treo ngược hoặc treo xuôi gì cả. Nó lại càng không thể có nghĩa là "cứu nạn treo ngược" được.
Trở lên, chúng tôi đã nêu ra những điểm sai trong lời giảng của Thích Minh Châu và Minh Chi về hai tiếng "Vu Lan". Vậy đâu là xuất xứ và ý nghĩa đích thực của hai tiếng này? Trước nhất, Vu Lan là dạng nói tắt của "Vu Lan bồn". Ðây là ba tiếng đã được dùng để phiên âm danh từ Sanscrit Ullambhana. Từ này thoạt đầu đã được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ôlambàna. Dạng phiên âm cổ xưa này đã được Từ Hải khẳng định. Về sau, Ôlambàna được thay thế bằng dạng phiên âm mới là "Vu Lan bồn", trong đó Vu thay thế cho Ô, lan cho lam và bồn cho bà + n (a). Vì "Vu Lan bồn " chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả. Do đó, tách bồn ra mà giảng thành "cái chậu đựng thức ăn" như hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã làm là hoàn toàn không đúng.
Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanscrit này có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul vì lý do đã nói), căn tố động từ lambh và hậu tố ana. Xin nói rõ về từng hình vị: Không giống như trong Ullambana, ở đó nó chỉ sự vận động từ dưới lên. Trong Ullambhana, tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập, thí dụ : chad (che, bọc, phủ), dv (đối với), uc-chad (cởi quần áo), khan (chôn), đv ut-khan (moi lên), gam (đi), đv ud-gam (đi ra), nah (trói, buộc), đv un-nah (cởi trói) v.v... Trong những thí dụ trên, ud trở thành uc, ut, un do quy tắc biến âm samdhi. Còn các căn tố động từ thì được ghi bằng chữ in hoa theo truyền thống khi chúng được tách riêng. Căn tố động từ lambh là hình thái luân phiên với labh, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt ... Vậy Ul-lambh có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến ý nghĩa mà tiền tố và căn tố động từ diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng dọc theo âm Hán Việt là "Vu Lan bồn". Vu Lan bồn được nói tắt thành Vu Lan. Vậy Vu Lan là sự giải thoát. Xuất xứ của nó là danh từ Sanscrit Ullambhana. Ðây là từ thứ hai trong hai từ mà chúng tôi đã suy đoán ở trên. Trong cấu tạo của từ này, tuyệt nhiên cũng không có một thành tố nào mà về ngữ nghĩa lại có liên quan đến hiện tượng "treo ngược" cả.
Trở lên, dù sao cũng chỉ là ý kiến thô thiển của một cá nhân. Ðúng hay sai, xin được sự thẩm xét của các nhà chuyên môn, trước nhất là các nhà Phật học và các nhà Phạn học.
Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018
Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018
HÌNH ẢNH THẦN KỲ
HÌNH ẢNH THẦN KỲ
Nguồn: Internet
Đây là kết quả tìm thấy của một nghiên cứu về ngoại cảnh ảnh hưởng bộ óc con người như thế nào của đai học Yale:
- Khi nhìn hình cô gái bên trái rồi nhìn hình ở giữa thì sẽ thấy cô gái ở giữa quay theo thuận kim đồng hồ.
- Khi nhìn hình cô gái bên phải rồi nhìn hình ở giữa lại thấy cô gái ở giữa quay theo ngược kim đồng hồ.
Look at the right photos, then look at the middle photos, you will see the girl turn counterclockwise.
Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018
VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN TẠI LÀO
VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN TẠI LÀO
Long Kangaroo
Đập thủy điện trong lưu vực sông Mekong: Lợi và hại?
Hà Tường Cát
Long Kangaroo
Đập thủy điện trong lưu vực sông Mekong: Lợi và hại?
Hà Tường Cát
Dân làng lội nước đi lánh nạn sau khi đập thủy điện ở Sanamxai miền Nam Lào bị vỡ đêm 23 Tháng Bảy, 2018, làm 5 tỷ mét khối nước quét sạch nhà cửa ở 7 ngôi làng, ít nhất 27 người chết, hàng trăm người mất tích và 6,500 người không nơi cư trú. (Hình: Getty Images)
Tai nạn vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào đầu tuần trước thể hiện mối hiểm họa lớn lao về an ninh của dân chúng sống trong lưu vực 800,000 km2 sông của Mekong, nơi đã có hàng chục đập thủy điện được xây dựng và hơn 100 dự án khác còn đang nghiên cứu triển khai.
Tạp chí National Geographic trong một bài viết về các đập thủy điện trên sông Mekong, thuật chuyện của Pumee Boontom, xã trưởng một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Thái Lan.
Ông này luôn luôn phải theo dõi tin thời tiết trên truyền hình Trung Quốc vì khi có một trận mưa giông lớn bất ngờ, các đập nước trên thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam phải xả bớt một khối nước khổng lồ để bảo đảm an toàn và những khu vực hạ lưu như làng ông sẽ không tránh khỏi ngập lụt. Trên nguyên tắc, nhà chức trách Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo nhưng trong kinh nghiệm của ông xã trưởng, báo động ấy thường quá trễ hoặc hoàn toàn không có.
Theo lời ông Boontom, hai mươi năm trước chưa có các đập, nước sông lên xuống điều hòa theo mùa, còn bây giờ mực nước thay đổi đột ngột có thể gây ra lũ quét hay ngập lụt trong nhiều ngày. Dân làng vẫn sống bằng nghề đánh cá nhưng từ khi Trung Quốc xây dựng các đập làm môi trường sông thay đổi, số cá giảm đi và ngày nay nhiều ngư dân phải chuyển sang nghề nông, trồng bắp, đậu, thuốc lá,…
Mekong là con sông quốc tế dài 2,700 dặm chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, mang các tên gọi khác nhau ở mỗi nước. Từ nguồn trên cao nguyên Tây Tạng đến cửa sông Cửu Long bên bờ Biển Đông ở Việt Nam, chiều dài của sông Mekong là 2,703 dặm, trong đó đoạn thượng lưu thuộc lãnh thổ tỉnh Vân Nam Trung Quốc dài 1,300 dặm có tên gọi là Lancang.
Vào thập niên 1960, cơ quan Phát Triển Quốc Tế (USAID) của Mỹ đã cổ vũ việc khai thác thủy điện ở hạ lưu vực sông Mekong để phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực và hy vọng chống lại sự bành trướng của Cộng Sản.
Ở thời kỳ ấy, con người chưa có kiến thức đầy đủ về môi trường nên vẫn tưởng rằng xây các đập nước là giải pháp tuyệt hảo cho nông nghiệp cũng như sản xuất điện mà không tốn năng lượng. Nhưng chiến tranh trên bán đảo Đông Dương cản trở tiến hành mọi dự tính và đến khi có hòa bình thì người ta đã nhận ra là chưa chắc nên thực hiện các dự án đó.
Trong khi các quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong chưa làm được gì hơn thì từ cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã khởi đầu xây dựng một loạt những đập ở thượng nguồn thuộc tỉnh Vân Nam.
Bảy đập thủy điện đã hoàn thành hay còn đang xây dựng trên sông Lancang. Mỗi đập có công suất phát điện trên dưới 1,500 MW (MW=1 triệu watt). Đập thủy điện lớn nhất, Xiaowan (Tiểu Loan) có công suất thiết kế 4,200 MW, xây dựng từ 2002 đến 2010 với phí tổn $4 tỷ. Xiaowan là đập bê-tông hình cung cao 292 mét, thứ nhì thế giới (Hoover Dam, chiếc đập nổi tiếng ở gần Las Vegas cao 221 mét).
Giới môi trường cho là những đập thủy điện trên sông Lancang ở Vân Nam tác hại nặng nề đến đời sống người dân Đông Nam Á. Ngư phủ Cambodia sẽ bắt được ít cá hơn và nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải dùng phân hóa học nhiều hơn vì phù sa bị chặn lại bởi các đập nước trong khi cư dân hữu ngạn sông Mekong ở Thái Lan có rủi ro về hạn hán và xâm thực.
Mặc dầu bị phản đối vì gây ra những hậu quả nguy hại ấy, Trung Quốc không thay đổi kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên sông Lancang ở Vân Nam, đồng thời Lào và Cambodia cũng xúc tiến thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong và các phụ lưu của sông này. Lào là nước ít tài nguyên thiên nhiên, kiên quyết với kế hoạch khai thác nguồn thủy điện để bán điện cho các nước láng giềng trong đó 90% bán cho Thái Lan. Lào huy động quân đội vào việc cứu trợ dân chúng trong vụ vỡ đập thủy điện. (Hình: Getty Images)
Lào có dự án xây dựng 9 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong và 7 đập thủy điện lớn ở các phụ lưu. Cambodia có 2 dự án đập thủy điện trên sông Mekong và 4 đập lớn ở các phụ lưu.
Thái Lan và Việt Nam cũng có những đập thủy điện trên các sông chảy vào sông Mekong. Thái Lan có 6 và Việt Nam có tới 10 đập thủy điện lớn nhỏ trên các sông Se San và Sre Pok, hai con sông trên vùng Tây Nguyên chảy vào sông Mekong. Đâp thủy điện thác Yali trên sông Sesan ở Tây Nguyên là nhà máy thủy điện lớn nhất mền Nam Việt Nam với tổng công suất 720 MW (Đa Nhim 160 MW, Trị An 400 MW). Giống như nhiều dự án thủy điện khác, thủy điện Yali xây dựng cuối thập niên 1990 bị phê phán là thiếu nghiên cứu môi trường, đã gây ra lũ lụt và làm thiệt hại nguồn thủy sản Cambodia.
Cho đến bây giờ trên dòng chính của sông Mekong chưa có đập thủy điện nào được xây dựng hoàn thành. Lào mới chỉ có những nhà máy thủy điện hoạt động trên các phụ lưu của sông Mekong. Đập đầu tiên là trên sông Nam Ngum trong tỉnh Vientiane do Nhật trợ giúp xây dựng hoàn thành năm 1971. Theo số liệu của Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ, Lào hiện có 51 nhà máy thủy điện với tổng công suất phát điện lắp đặt là 7,000 MW.
Giữa năm 2006, Ủy Hội Phát Triển Hạ Lưu Vực Sông Mekong chấp thuận cho nghiên cứu dự án khả thi của kế hoạch xây 11 đập trên dòng chính của sông Mekong, trong đó 7 trên lãnh thổ Lào 2 gần biên giới Lào-Thái Lan và 2 ở Cambodia.
Sau nhiều phản đối của Cambodia và Việt Nam cùng ý kiến từ các giới bảo vệ môi trường, mặc dầu mọi vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, chính phủ Lào vẫn tự ý cho khởi công dự án đập Xayaburi vào cuối năm 2012. Ngân sách của dự án là $3.8 tỷ giao cho công ty Thái Lan CH Karnchang thực hiện. Đập Xayaburi ở Thượng Lào là đập đầu tiên trên hạ lưu sông Mekong tiếp theo bậc thang 7 chiếc đập thủy điện ở Vân Nam. Đập Xayaburi dự trù có thể hoạt động từ 2020 với công suất thiết kế 1,280 MW.
Bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Châu Á gió mùa, có mưa nhiều nên rất thích hợp cho việc khai thác thủy điện. Tổng cộng gần 200 dự án thủy điện đã xây dựng hay được trù liệu ở hạ lưu vực sông Cửu Long. Riêng tại Việt Nam hiện đang có 285 đập thủy điện lớn nhỏ, công suất từ hàng ngàn KW tới hàng trăm MW, đa số các công trình thủy điện nhỏ và vừa không có hồ chứa.
Tổng cộng các hồ chứa, thủy lợi và thủy điện là 7,000 quy mô từ hàng ngàn đến nhiều tỉ mét khối nước. An toàn của các đập và hồ chứa nước ở Việt Nam là vấn đề rất đáng lo lắng do từ phẩm chất về xây dựng, quy trình vận hành và nhất là thực tế diễn biến của thời tiết không thể lường hết. Vụ vỡ đập vừa xảy ra ở Lào cho thấy cần có những biện pháp đề phòng chặt chẽ và đối phó mau chóng để tránh thảm họa.
Tai nạn vỡ đập tại Lào là vụ lớn nhất cho đến nay trong lưu vực sông Mekong dù chưa phải ngay ở dòng chính sông Mekong mà chỉ là trên các phụ lưu. Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy trên cao nguyên Bolaven gồm một hệ thống 7 đập và hồ chứa chính phụ, cách dòng chính sông Mekong khoảng 200 km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650 km. Công trình 1.2 tỷ đô la này do một liên doanh Nam Hàn-Thái Lan thực hiện đã hoàn thành được 90% và tới giai đoạn bắt đầu tích nước để chuẩn bị họat động từ 2019.
Liên doanh xây dựng giải thích rằng mưa lớn bất thường vượt quá khả năng chứa của các hồ là nguyên nhân của thảm họa. Vào khoảng 20 giờ ngày 23 Tháng Bảy, 2018, một đập phụ có tên là “Saddle dam D” đã bị vỡ đổ ra 5 tỷ mét khối nước, gây lũ lụt cao tới 11 mét quét sạch nhà cửa ở 7 ngôi làng, làm ít nhất 27 người chết, hàng trăm mất tích và 6,500 người không nơi cư trú.
Ngày hôm sau, nước lụt tràn xuống phía Nam qua biên giới sang tỉnh Stung Treng ở Cambodia và 25,000 dân Khmer phải bỏ nhà lánh nạn lên vùng đất cao.
Nhật báo Vientiane Times cho biết trong những ngày qua, tại Lào nhiều nơi vẫn đang xảy ra mưa lớn làm cho mực nước trên các sông nhánh và cả dòng chính Mekong tăng lên nhanh chóng. Nhiều đập thủy điện phải ngưng hoạt động để xả nước bảo đảm an ninh.
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam nói rằng nước sẽ lên cao nhưng đồng bằng Cửu Long không bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dự đoán đến ngày 31 Tháng Bảy, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3.2m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2.6m.
Cho dù tai nạn vỡ đập như ở tỉnh Champassk và Attapeu tại Lào vừa qua chỉ là tai họa rất ít khi xảy ra nhưng việc hình thành các đập thủy điện trên hệ thống sông Mekong vẫn là tác hại lâu dài đối với sinh kế của hàng triệu người. Mekong cho đến nay vẫn là con sông cung cấp một số lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Cá tôm ít, mưu sinh sẽ khốn khó cho những người dân sống dọc theo sông Mekong từ Lào xuống đến Việt Nam.
Do nằm cuối dòng Mekong, lượng cá ở đồng bằng Cửu Long phụ thuộc vào lượng cá sông Tonle Sap và Biển Hồ tại Cambodia. Trong những năm gần đây, lượng cá ở Biển Hồ cũng sút giảm nghiêm trọng, ít đi khoảng phân nửa so với trước kia. Khoảng 70% dân chúng trong lưu vực Mekong là dân nông thôn, sinh kế chủ yếu dựa vào thủy sản nội địa. Vì thế, việc hình thành các đập thủy điện trong lưu vực con sông này sẽ là mối đe dọa đối với sinh kế của hàng triệu người và gây mất an ninh lương thực.
Nếu tất cả 11 đập thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu Mekong được xây dựng thì đến năm 2030, tài nguyên cá bị tổn thất vào khoảng 550,000-880,000 tấn, nghĩa là giảm 26%-42% so với năm 2000.
Ngoài lượng cá sụt giảm, đất trồng trọt ven sông Mekong có thể mất đến 54% để nhường diện tích cho các hồ chứa cùng với hệ thống truyền tải điện. Phù sa cũng sẽ tiếp tục giảm, tới lúc đó chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, nghĩa là bằng 25% so với hiện nay. Phù sa lơ lửng trong nước sông vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển dinh dưỡng, phân bón tự nhiên cho hệ sinh thái Tonle Sap cùng khoảng 23,000-28,000 km2 đồng bằng ngập lũ ở Cambodia và Việt Nam. Việc giảm phù sa thiên nhiên sẽ đòi hỏi phải bù đắp bằng phân bón tương đương $24 triệu/năm để duy trì năng suất nông nghiệp của các đồng bằng…
Về mặt kinh tế, ngoài lợi tức về điện lực, có thể thêm khả năng du lịch với các hồ thủy điện trở thành nơi giải trí cho du khách, tuy nhiên thu nhập sẽ chỉ có giới hạn. Nói chung, khó có thể phủ nhận lợi ích của thủy điện, tuy nhiên cũng như bất cứ vấn đề gì khác, sự quá đáng chắc chắn là có hại. Với nhiều điều kiện thuận lợi trong lưu vực sông Mekong, sự khai thác thủy điện tại đây sẽ khó có thể được giới hạn ở mức hợp lý.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)