Bình Duy
Ngày lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 hằng năm là dịp lễ lớn trong năm của những người theo tín ngưỡng Phật giáo. Vốn là một tôn giáo chính của các quốc gia châu Á nhưng mỗi nơi lại mang những nét đặc sắc riêng biệt.
Malaysia
Đại lễ Vu Lan còn được người Malaysia gọi là Ngày Tổ tiên. Vào ngày lễ hội tháng 7 này, mọi người sẽ treo đèn lồng quanh nhà và ngoài đường phố. Theo phong tục truyền thống, người dân sẽ ngưng các công việc nhà nông để thực hiện các nghi lễ thờ cúng, đốt vàng mã và cầu siêu cho vong linh đã khuất.
Một góc phố Penang, Malaysia vào dịp lễ Vu Lan. Ảnh: @leakeekswvschel
Singapore
Là người anh em bên cạnh Malaysia, đại lễ Vu Lan cũng diễn ra rộng khắp trên đảo quốc sư tử. Hoạt động diễn ra nhiều nhất ở khu China Town, Kallang. Dù đã phát triển hiện đại nhưng cộng đồng người Hoa tại đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống. Họ đến chùa cầu phước, làm việc thiện, cúng cơm và đốt vàng mã. Những việc chụp ảnh, huýt sáo hay bơi lội được xem là điều kiêng kị vào ngày này.
Cảnh cầu nguyện phước lành sau khi đốt vàng mã tại Singapore. Ảnh: @weirdhag
Thái Lan
Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Phật giáo tại Đông Nam Á. Lễ Vu Lan tại Thái Lan được diễn ra lớn nhất ở tỉnh Dan Sai, người dân tổ chức những hoạt động huyên náo. Nổi bật nhất là đám rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa cộng với quần áo chấp vá. Vào cuối mùa lễ người dân sẽ lắng nghe thuyết giảng từ các nhà sư.
Các hình nhân được trang trí bên dòng song Mun, Thái Lan vào dịp lễ. @jadewanderer
Đài Loan
Người dân ở Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức những lễ hội rước ma quy mô lớn vào dịp rằm tháng 7 hàng năm. Lân múa và hình nộm sẽ diễu hành trên đường vào ngày này. Mỗi gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ cúng như thịt vịt quay, hoa quả và đồ vàng mã.
Hoa đăng được thả khắp trên sông và đèn lồng treo trên những phố lớn. Họ quan niệm ánh đèn sẽ soi sáng cho các linh hồn nhận được đồ cúng và siêu thoát sang kiếp khác. Hoa đăng thả trôi đi càng xa thì gia đình càng được nhiều tài lộc.
Hoạt động lễ hội trên đường phố Keelung. Ảnh: @deddy_tds
Đốt hoa đăng trên dòng Yilan. Ảnh: @m120099049
Hong Kong
Mùi khét của việc đốt vàng mã cùng hương và nến là dấu hiệu tháng cô hồn tại đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc. Với dân số chính là người gốc Triều Châu, lễ hội tháng 7 diễn ra tại nhiều nơi trong thành phố. Nổi bật là hoạt động múa sư tử và biểu diễn hý kịch. Người dân đốt vàng mã, mô hình nhà xe, hiện vật giấy cho những linh hồn thế giới bên kia. Họ rắc muối trước cửa nhà gom dọn đồ cúng tế và hạn chế mở cửa vào ban đêm để tránh những điều kiêng kỵ.
Vở diễn hý kịch vào dịp rằm tháng 7. Ảnh: @leekworkphoto
Nơi diễn ra lễ nghi đốt vàng mã tại Hong Kong. Ảnh: @leonard_olin
Trung Quốc
Lễ Vu Lan hay còn được gọi là Lễ Ma đói diễn ra vào ngày giữa tháng bảy âm lịch tại Trung Quốc đại lục. Người dân xem đây là sự kiện đáng sợ nhất năm bởi theo lịch mặt trăng, cánh cổng âm phủ sẽ mở ra vào ngày này. Họ treo đèn đỏ từ nhà ở đến văn phòng làm việc, cúng cơm cho tổ tiên ba lần một ngày.
Ở khu vực phía Nam, mâm cơm có thịt luộc và gà quay. Nghi lễ chính diễn ra vào buổi chiều tối, vàng mã được đốt trên các góc đường cho các linh hồn lang thang. Sau đó, người dân đến chùa phát gạo cho người nghèo, cầu điều lành và tích công đức.
Đốt nhang đèn vàng mã tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: @pubcrawlshanghai
Thả đèn tại quận Trung Nguyên (Zhongyuan). Ảnh: @celiawashington
Nhật Bản
Cũng giống như lễ Vu Lan, Nhật Bản cũng có một lễ hội mang ý nghĩa tương tự được gọi là Ngày lễ Obon báo hiếu (diễn ra vào tháng 8 dương lịch). Bánh cúng khảo được làm từ bột gạo đủ ba màu xanh đỏ vàng và hoa quả được xem là vật lễ đón tiễn linh hồn.
Đây là một dịp lễ lớn ở Nhật thu hút nhiều khách tham quan, nhiều người ở xa về thăm ba mẹ, gia đình. Sự kiện quan trọng nhất vào dịp lễ là hoạt động thắp đèn trên núi Kyoto. Người đốt lửa sẽ nhắn gửi những lời cầu nguyện qua ngọn lửa với tổ tiên.
Quang cảnh ngày lễ Obon trên núi Kyoto. @syasin.biz
Indonesia
Phong tục truyền thống vào ngày rằm tháng 7 vẫn diễn ra tại một số nơi trên đất nước Hồi giáo chiếm đa số này. Người dân tại khu vực phía bắc tỉnh Sumatra đến chùa cầu nguyện, dựng các hình nộm lớn và bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Ngoài ra, họ còn ném tiền giả, dâng mía đỏ làm lễ vật cúng bái.
Người dân nghe nhà sư thực hiện lễ nghi cầu nguyện tại một ngôi chùa ở Medan. Ảnh: @liemfukliang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét