Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

TIẾN TRÌNH SÂU HÓA BƯỚM

TIẾN TRÌNH SÂU HÓA BƯỚM
Nguồn: National Geographic
Thực hiện: Phan Lý Long

Mời xem tiến trình SÂU hóa BƯỚM rất phổ thông nhưng với hình ảnh chụp từ máy ảnh gắn kính hiển vi - đầy đủ chi tiết lý thú - của Kim Taylor kèm 2 đoạn phim quay công phu bổ túc của Neil Bromhall.

 

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

HOA VÀ PHONG CẢNH NHẬT BẢN

HOA VÀ PHONG CẢNH NHẬT BẢN
Nhạc: Thanh Sơn
Tiếng hát: Kim Phượng
Hòa tấu, đàn thâu: Thu Hằng

 

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

VÀI CHUYỆN HAY RẤT NGẮN

VÀI CHUYỆN HAY RẤT NGẮN
Lượm lặt

Thôi 
Quê mình hễ mùa mưa lại ngập. Hồi ấy, con chập chững vào lớp Một, ngày ngày vượt hai cây số đến trường. Có bữa, mưa giăng đầy trời, nước ngập đến gối. Con nhìn ra, rơm rớm. Mẹ bảo:
 - Thôi, hôm nay để mẹ cõng. 
Mẹ cắp chiếc nón lá, cõng con trên lưng vượt qua dòng nước.
Con đậu Đại học, ra trường, lấy được cô vợ giàu, thành đạt. Cuối tuần, con đưa mẹ đến siêu thị: 
- Thôi, đường ngược chiều rồi. Mẹ chịu khó tự vào. Tiền nè. Tôi có việc phải đi! 
Ngày không nhiều nắng 
Ba đi làm về mồ hôi ướt đẫm vai áo. Má tất bật nấu bữa cơm trưa lấm lem tro bếp.
Tôi buông sách đứng dậy, lấy cho Ba ly nước và quay xuống bếp định phụ cho Má nấu cơm trưa thì bị cả hai nhắc "Con lên học bài đi, ngày mai thi rồi, ôn thêm được chữ nào thì ôn con ạ, mười hai năm đèn sách, ráng nghen cưng."
Giờ đây, tôi đang làm ở một công ty lớn nhưng mỗi lần đến ngày thi Đại học là mọi kỷ niệm xưa lại ùa về, lại rơm rớm nước mắt. Nhà tôi giờ chỉ còn tôi và má, ba đã mất sau một tai nạn bất ngờ khi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất.
Những ước mơ của ba mẹ con đã thực hiện được.
Ước mơ của con sao Ba không ở lại mà nhận, Ba ơi ?
Trang viết & Cuộc đời
Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật “người chồng” luôn… bị chết trước vợ.
Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: “Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại.”
Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.
Võ sĩ
Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm.
Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê: kể; đoạt giải nhất karaoke: lại giấu...
Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa:
- Tại sao vậy?
- Vì... em... yêu anh.
Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống rồi... khóc.
Tình Đầu
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
Màu mực cũ
Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ… 
Em@il
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ Em@il chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!”
Triết lý viên kẹo
Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: "Hết kẹo rồi". Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn...
Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn.
Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho.
Khoe 
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: “Bố làm nghề gì ?” …. Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. 
Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là “Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận.”
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố…
Tiền cứu trợ
Lũ. Ba nhắn lên “… Nhà ngập, con đừng về!” Mỗi ngày, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây. Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng. Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: “Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó!”
Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến, ổng không chịu.
Hai ngàn
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ.” Ba nói tiếp: “Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa.” Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…
Người già
Hồi còn trẻ, bà lăn lộn khắp các chợ ở vùng đất Nam Định, một tay nuôi năm người con để chồng yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Bà nổi tiếng cả vùng về sự sắc sảo thông minh và cả một chút tinh nhanh của những người làm nghề buôn bán. Cơ đồ nhà chồng, một tay bà gây dựng. Năm người con vắng cha mà không có ai phải thất học. Năm người là năm tấm bằng Đại học – người con cả còn được đi nước ngoài du học nữa.
Mấy chục năm sau …
Ông mất, các con đón mẹ lên thành phố. Mấy ngày đầu, chưa quen đồ dùng mới, bà làm hỏng hết cả. Hôm nay cũng thế, bà lại làm cháy cái ấm điện mới. Người con cả gắt:
- Mẹ đúng là lẩm cẩm, chẳng làm được việc gì ra hồn!
Bà sững người, ánh mắt vụt rơi vào khoảng không xa vắng…

ĂN TRÁI CÂY

ĂN TRÁI CÂY
Dr Stephen Mak

Bác sĩ Stephen Mak trị bệnh ung thư thời kỳ chót bằng những cách điều trị "không chính thống" nhưng rất nhiều bệnh nhân đã hồi phục. Trước đây, ông dùng năng lực mặt trời để chữa bệnh. Ông tin rằng cơ thể có khả năng tự hồi phục. Xin xem lời ông bên dưới đây 
Cám ơn đã gửi bài về trái cây và nước trái cây. Ðây là một cách điều trị ung thư. Gần đây, tỷ lệ thành công của tôi trong việc điều trị ung thư là khoảng 80% . Bệnh nhân ung thư lẽ ra không phải chết. Cách điều trị ung thư đã được tìm ra, chỉ là chúng ta có tin hay không. Tôi rất tiếc về việc hàng trăm bệnh nhân ung thư đã chết theo cách chữa trị truyền thống. Xin cám ơn và cầu Thượng Ðế gia hộ.
Nên ăn trái cây khi bụng trống.
Chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể:
Kiwi, Táo, Dâu tây, Cam, Dưa hấu, Ổi & Ðu đủ
Không uống nước đá lạnh sau bữa ăn.

Tất cả chúng ta cho rằng ăn trái cây chỉ có nghĩa là mua trái cây, cắt ra từng lát và bỏ vào miệng nhưng không dễ như vậy. Ðiều quan trọng là phải biết ăn ra sao và khi nào. Ăn trái cây như thế nào mới đúng?

Không ăn trái cây sau bữa ăn! Nên ăn trái cây khi bụng trống. Nếu ăn theo cách này, trái cây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tẩy uế cơ thể, cho quý vị năng lực để chữa béo phì và những hoạt động khác.

Trái cây là thức ăn quan trọng nhất. Thí dụ quý vị ăn hai lát bánh mì rồi một lát trái cây. Lát trái cây đã sẵn sàng đi thẳng qua bao tử, rồi vào ruột nhưng bị ngăn cản. Trong khi đó, toàn thể bữa ăn bị thối rữa, lên men và biến thành axít. Khi trái cây gặp thức ăn trong bao tử và chất axít tiêu hóa, tất cả thức ăn bắt đầu thối rữa.

Vậy hãy ăn trái cây khi bụng trống hoặc trước bữa ăn! Quý vị đã nghe nhiều người than rằng - mỗi lần ăn dưa hấu, tôi bị ợ ; khi ăn sầu riêng, tôi bị sình bụng; khi ăn chuối, tôi cảm thấy muốn đi nhà vệ sinh v.v... Thật ra tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống. Trái cây hòa với những thức ăn thối rữa sẽ tạo nên hơi gas và làm quý vị bị sình bụng.
Những việc như tóc bạc, hói đầu, tư tưởng bực bội và bên dưới mắt bị quầng đen sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống.
Không có chuyện vài thứ trái cây như cam và chanh có nhiều chất axít bởi vì tất cả trái cây trở thành chất kiềm (alkaline) trong cơ thể, theo bác sĩ Herbert Shelton, nguời đã nghiên cứu vấn đề này. Nếu quý vị nắm vững việc ăn trái cây đúng cách, quý vị sẽ có được bí mật của sắc đẹp, trường thọ, sức khỏe, năng lực, hạnh phúc và không béo phì. 
Khi cần uống nước trái cây - hãy uống nước trái cây tươi, không uống từ đồ hộp. Không uống nước trái cây đã nấu ấm. Không ăn trái cây đã nấu chín bởi vì quý vị sẽ không có những chất dinh dưỡng mà chỉ thưởng thức hương vị của trái cây. Nấu chín làm mất tất cả sinh tố. 
Nhưng ăn trái cây vẫn tốt hơn là uống nước trái cây. Nếu quý vị phải uống nước trái cây, hãy uống từng ngụm, từ từ bởi vì cần để nước trái cây hòa tan với nước bọt trước khi nuốt xuống. (Phép dưỡng sinh Osawa cũng khuyên phải nhai cơm gạo lức 100 lần trước khi nuốt, để gạo hòa với nước bọt). 
Quý vị có thể chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể. Chỉ ăn trái cây và uống nước trái cây trong suốt 3 ngày và quý vị sẽ ngạc nhiên khi bạn bè cho biết quý vị nhìn thật tươi sáng! 


Kiwi: Nhỏ mà rất mạnh. Có đủ các sinh tố potassium, magnesium, vitamin E & chất sợi. Lượng sinh tố C gấp 2 lần trái cam.

Táo: Ăn một trái táo mỗi ngày, không cần đến bác sĩ? Dù táo có lượng sinh tố C thấp nhưng có tính chống oxít hóa & flavonoids để giúp sự hoạt động của sinh tố C. Do đó, giúp hạ tỷ lệ ung thư ruột già, nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não.

Dâu tây: (không phải là con dâu người Tây mà là trái dâu tây) là loại trái cây bảo vệ. Dâu tây có tánh chống axít hóa cao nhất trong số các loại trái cây chính, bảo vệ cơ thể tránh ung thư, chống chất free radicals (gốc tự do) làm nghẽn mạch máu.

Cam: Thuốc tiên. Ăn từ 2 đến 4 trái cam mỗi ngày giúp khỏi bị cảm cúm, hạ thấp cholesterol (mỡ trong máu), tránh và làm tan sạn thận cũng như là hạ thấp tỷ lệ ung thư ruột già.

Dưa hấu: Hạ nhiệt làm đỡ khát. Chứa 92% nước và nhiều chất glutathione giúp hệ miễn nhiễm. Dưa hấu cũng có nhiều chất lycopene chống ung thư. Những chất dinh dưỡng khác trong dưa hấu là sinh tố C & Potassium (Kali).

Ổi & Ðu đủ: Hạng nhất về sinh tố C, chứa rất nhiều vitamin C. Ổi có nhiều chất sợi, giúp trị bón. Ðu đủ có nhiều chất carotene tốt cho mắt.

Uống nước lạnh sau bữa ăn có thể bị ung thư? Chuyện khó tin?? Cho những ai thích uống nước đá lạnh, bài này dành cho quý vị. Uống nước đá lạnh sau bữa ăn thật khoái khẩu. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm đông đặc những chất dầu mỡ mà quý vị vừa ăn xong, sẽ làm chậm tiêu hóa. Khi chất “bùn quánh” này phản ứng với axít, nó sẽ phân nhỏ và được hấp thụ vào ruột nhanh hơn là thức ăn đặc. Nó sẽ đóng quanh ruột. Chẳng bao lâu, nó sẽ biến thành chất béo và đưa đến ung thư. Tốt nhất là ăn súp nóng hay uống nước ấm sau bữa ăn (Ðông y luôn khuyên nên uống nước ấm.)

Một điều nghiêm trọng về nhồi máu cơ tim: “thủ tục” nhồi máu cơ tim (không phải chuyện đùa). Quý vị nữ nên biết rằng không phải tất cả những triệu chứng nhồi máu cơ tim đều bắt đầu từ việc tay trái bị đau. Hãy chú ý khi bị đau hàm dữ dội. Có thể quý vị sẽ không bao giờ bị đau ngực khi bị nhồi máu cơ tim. Buồn nôn và toát mồ hôi dữ dội cũng là những triệu chứng thường xảy ra. 60% những người bị nhồi máu cơ tim trong khi ngủ sẽ không thức giấc. Ðau hàm có thể khiến quý vị tỉnh dậy khi đang ngủ say. Hãy chú ý và để ý. Càng biết nhiều, chúng ta càng dễ sống lâu.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

THƠ ĐƯỜNG - NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT

THƠ ĐƯỜNG - NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT
(PHIẾM CHỮ NGHĨA MÀ CHƠI)
Thái Quốc Mưu
(Atlanta, Hoa Kỳ) 

Bất cứ chuyện gì, nếu nói nhiều, nghe nhiều, bị nghe lại, dễ chán. Trên datdung.com, tôi đã viết “TẢN MẠN THƠ ĐƯỜNG”. Nay lại viết “THƠ ĐƯỜNG - NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT”. Đúng là bệnh lý của tôi bị “Đường Thi hành” nhưng thú thật, tôi không thấy chán. 
Thơ Đường là cõi mênh mông vô định, càng đi sâu, càng học, càng khám phá thì thấy Thơ Đường dường như có sự mầu nhiệm kỳ quặc mà từ xa xưa, Thượng Đế đã biệt đãi nhiều bộ óc ưu tú (xin thưa, người viết không có tên trong những bộ óc vừa nêu) cho thể loại thơ nầy. Với 8 câu, mỗi câu 7 chữ, toàn bài Thơ Đường chỉ có 64 từ. Thế mà chơi Đường Thi cả đời không ai có thể tự hào, biết đủ, biết hết. 
Thường, người ta làm Thơ Đường chỉ theo sự dạy bảo dưới mái trường, cứ làm theo luật Bằng, Trắc, Niêm, Vần và Đối là coi như bài thơ hoàn tất. Quá đơn giản! “Đơn giản” nhưng ngay cả những vị đứng trên bục giảng, quý vị Học giả hoặc những bậc Thi hào, Thi bá cũng không hoặc chưa biết hết về Thơ Đường. Đa số mỗi người chỉ biết một góc cạnh Đường Thi. 
Hầu hết những danh nhân trong lãnh vực thi ca ở ta, ở Tàu đều nổi danh nhờ Đường Thi. Dường như nước ta trước nay chỉ có hai tập truyện thơ Lục Bát: Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được đi vào văn học sử. Truyện Kiều nặng về điển tích, bác học. Còn Lục Vân Tiên hướng về, đi sâu vào quần chúng. Phần còn lại gần như đa số các bậc Thi Hào, Thi Bá của ta hay Tàu đều thành danh từ Đường Thi. 
Và do nhu cầu thưởng thức thơ Đường quá lớn, quý Nhà thơ Việt Nam không “sản xuất” đủ thơ Đường khiến cán cân cung cầu bị lệch. Vì vậy, một số Học giả, Dịch giả nước ta tìm đọc và dịch các tác phẩm Đường Thi của Trung Quốc. 
Trong những vị đóng góp trí tuệ, công sức lớn lao vào dịch thuật Đường Thi nổi bật hơn cả có Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Trần Trọng San, Hư Chu,.... Những tác phẩm dịch thuật chẳng bao nhiêu so với số lượng đồ sộ của Đường Thi. Đa số các Dịch giả chỉ chọn những tác giả có bề thế để dịch nhưng những tác phẩm chưa được chọn dịch không hẳn là thơ chưa hoặc không hay, kém hoặc không bề thế. Các tác giả “chưa hay” hoặc không được biết đến chẳng qua vì họ ẩn cư hoặc cuộc đời trầm lặng bình thường hoặc không có phương tiện truyền đạt, không được giới vua chúa, quan quyền biết đến – nhất là họ không có những huyền thoại riêng tư về cuộc đời... 
Suy cho cùng, những dịch giả nước ta chọn những danh phẩm để dịch có thể do nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, tên tuổi tác giả, nhu cầu kinh tế và không loại trừ... “ăn theo tên tuổi” vì chẳng ai bỏ công sức ra dịch một thi tập, xong rồi... để đó. Chẳng ai dại gì chọn một tác phẩm mà tên tuổi tác giả tác phẩm ít hoặc chưa được nhiều người biết đến,... để sau khi dịch xong, không nhà xuất bản nào chịu mua tác quyền hoặc chấp nhận in ấn, phát hành,... 
Nói như vậy không có nghĩa người viết phủ nhận công lao, trí tuệ những vị dịch giả chân chính dày công trong việc dịch thuật các danh tác với mục đích cao cả là góp phần vào việc xây dựng nền văn học nước nhà thêm phong phú. 
Ở Trung Quốc, thơ Đường phát triển và thịnh hành nhất từ năm 618 đến 1911. Thời gian trên 1.300 năm đó là thời kỳ vàng son của Đường thi, là thời bộc phát những đại thi hào với những tuyệt tác. Đó cũng là thời gian bùng nổ những giai thoại, thi thoại, huyền thoại góp phần điểm tô thêm tên tuổi cho các Nhà thơ. Chuyện Lý Bạch xuống sông mò trăng là một. Như mọi người đều biết thơ Lý Bạch vào hàng Thi Bá nhưng điều để cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội nhớ đến ông không phải do thơ ông quá hay mà do huyền thoại ông say xỉn, xuống sông “Mò trăng đáy nước”. Những “cái ngông” của giới thi nhân như Bùi Giáng đã góp phần không nhỏ cho việc ươm mầm, vun quén tên tuổi của họ lưu lại đời sau. 
Theo Giảng sư, Học giả Minh Di, “những nghiên cứu về thể thơ, về luật thơ... và tới những bình phẩm về Đường thi của Trung Hoa hầu hết đều được ghi chép trong các tập gọi là Thi thoại. Và không triều đại nào có số lượng các tác phẩm trong lãnh vực Thi thoại có thể vượt hơn đời Tống (960 - 1279). Do đó, muốn tìm hiểu thấu đáo về Đường thi, người ta có thể tìm thấy những gì mình muốn biết trong các tập Thi thoại này.
Theo “Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Đề Yếu”, “Đời Đường có 2.200 Nhà thơ, sáng tác gần 49 (bốn mươi chín) ngàn bài thơ. 
Đặc biệt riêng đời Tống, bộ “Tống Thi Toàn Tập” có 60 cuốn, mỗi cuốn 500 trang, không có nói số lượng bài thơ (Trung Hoa Thư Cục, xuất bản). Nhưng đa số các Nhà Học giả Trung Quốc nhận định thơ Đường đời Tống bằng hoặc nhiều hơn Thơ Đường thời Nhà Đường.” (ngưng trích). 
Chỉ có đời Tống mới gọi thơ Đường viết trong Đời Tống là Tống Thi ( ). Hầu hết, Tống Thi đều được gọi là Thơ Đường (唐詩), vì luật của Đường thi xuất phát từ thời Nhà Đường (唐朝). Thơ Đường tức thơ Cổ Phong (古風) còn gọi là Cổ Thể Thi (古体) hay Cổ Thi () được sửa đổi, nhuận sắc dần dần đến khi hoàn chỉnh như ngày nay.
Đường thi được chia ra làm hai loại: Luật Thể như thường thấy và Tạp Thể (hay Biến Thể) như Thủ Vĩ Ngâm, Vĩ Tam Thanh, Liên Hoàn, Táo Tạo,... Luật Thể có hai hình thức: Thất Ngôn Bát Cú và Ngũ Ngôn. 
Các thể Thủ Vĩ Ngâm, Vĩ Tam Thanh, Liên Hoàn... nhiều người đã biết khi còn cắp sách đến trường. Còn thể Táo Tạo có thể nhiều người đã đọc qua nhưng không biết tên gọi là gì. Táo Tạo là Thơ Đường biến thể, câu 1 bắt buộc phải vần Trắc và phá vận. Các câu 2, 4, 6 và 8 cùng vận (vần). Tóm lại, Thơ Đường nguyên thủy phải có 5 vần (vận) nhưng khi biến thể thành Táo Tạo chỉ còn 4 vần và chữ thứ 7 của câu 1 bắt buộc phải vần trắc. Dưới đây là bài “Văn Quan Quân Thu Hà Nam, Hà Bắc” của Đỗ Phủ làm theo thể thơ Táo Tạo:

     Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc,
     Sơ văn thế lệ mãn y thường (vận).
     Khước khan thê tử sầu hà tại
     Mạn quyển Thi thư hỉ dục cuồng (vận)
     Bạch nhật phóng ca tu túng tửu,
     Thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương (vận)
     Tức tòng Ba giáp xuyên Vu giáp,
     Tiện hạ Tương Dương hướng Lạc Dương (vận)
                               (Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. IX)

Trong Thơ Đường, luật Bằng, Trắc rất quan trọng nhưng Niêm và Đối còn quan trọng hơn. Vậy thế nào là Niêm, Đối?
NIÊM:
Trong Văn Học Sử Yếu của Học giả Dương Quảng Hàm, định nghĩa Niêm như sau (trích): 
     a)- Nghĩa đen là dính – là sự là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật. Hai câu thơ Niêm với nhau cùng theo một luật hoặc cùng thanh Bằng hoặc cùng thanh Trắc thành ra Bằng niêm với Bằng, Trắc niêm với Trắc.
     b)- Những câu Niêm với nhau trong một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú: 1 với 8, 2 với 3, 4 với 5, 6 với 7 và... 8 với 1
Nhưng, theo Học giả, Giảng sư đại học Minh Di thì (trích):
“Định nghĩa về Niêm của ông Dương Quảng Hàm còn hẹp! Cần phải thêm: 
Trong Luật thi, các tiếng bằng / trắc đặt không đúng chỗ, Thi học Trung Hoa gọi chung là “thất niêm”. 
Chú thích: câu “Thái thanh thượng sơ nhật” thất niêm của Mã Chu (? - ?), dẫn trong tập “Khương Trai Thi Thoại”, Đới Hồng Sâm viết:
     * Án: Luật thi bình, trắc thất điệu chi hiện tượng thống danh “thất niêm”.
     * Xét: Hiện tượng bằng, trắc thất điệu trong Luật thi được gọi chung là “thất niêm”.
Tham khảo:
- Khương Trai Thi Thoại (?). Qu. II. Tịch Đường Vĩnh Nhật Tự Luận Nội Biên” (Ngưng trích). 
ĐỐI: 
Ở cặp Trạng (câu 3 và 4) và ở cặp Luận (câu 5 và 6) phải đối nghĩa là các chữ theo thứ tự trong câu phải đối chọi, đối nghịch với nhau. Đồng thời, hai cặp Trạng và Luận Tứ Thơ phải phân minh, không trùng. 
Theo Lãnh Trai Dạ Thoại. Qu. IV. 12 thì (trích): “về cách Đối câu, Nhà thơ có quyền biến hóa, đối ý, đối nghĩa, đối… thế nào để người đọc biết đó là hai câu đối nghịch nhau về ý nghĩa và tứ thơ. (ngưng trích). 
Thơ là Nhạc; do đó, một bài thơ phát tiết âm thanh, có nhạc điệu, đọc lên êm, xuôi tai, có ẩn dụ, không bị trúc trắc. Bài thơ không có tính nhạc, đọc nghe không êm, thiếu ẩn dụ sẽ bị những người biết thưởng thức thơ gọi là “tìm chữ ráp vần.”
Trong Đường Âm Quí Thiêm. Qu. IV. Pháp vi 3, viết (trích):
Các loại đối, như:
            1.- Đương cú đối (đối trong câu)
           2.- Giao Cổ đối (đối chéo nhau, chữ thứ 7 câu dưới đối lại chữ thứ 4 câu trên)
            3.- Lưu thủy đối, còn gọi Thập Tứ Tự Đối
            4.- Thiển đối
            5.- Tục cú đối
            6.- Lưu thủy đối    
            7.- Khai Môn Đối    
            8-. Giả đối. còn gọi là Tá đối (Giả Không thực. Tá Mượn).
            9-. Tha đối,….  
     “Thí dụ trong bài Tần châu Tạp Thi (Kỳ 3):

秦州雜詩 (其三)
州圖領同谷,
驛道出流沙。
降虜兼千帳,
居人有萬家。
馬驕朱汗落, (Mã kiêu chu hãn lạc)
 胡舞白題斜。(Hồ vũ bạch đề tà)
            年少臨洮子,
西來亦自誇。

Ghi chú: Tác giả mượn chữ CHU của mồ hôi đỏ từ một giống ngựa (HÃN HUYẾT MÃ) để đối chữ BẠCH nghĩa là TRẮNG ở câu dưới vì chữ CHU trong câu không thực là chữ CHU = đỏ), vì vậy mà gọi là Giả đối dù rằng 2 chữ CHU này đồng âm. 
Hoặc trong Bài Chư Tướng:
            Kiến sầu hãn mã Tây Nhung bức,
            Tằng thiểm chu kỳ Bắc đẩu ân.
Hai câu dẫn trên là 2 câu 5 / 6 của bài thứ nhất trong 5 bài CHƯ TƯỚNG của Đỗ Phủ. (Tham khảo: Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. XIII). Hai chữ “hãn mã” tức “hãn huyết mã”, một giống tuấn mã mồ hôi sắc đỏ như máu. Ở đây mượn chữ HÃN (chỉ mồ hôi đỏ) đối chữ CHU (sắc đỏ) ở câu dưới.” đồng nghĩa với Ghi chú ở đoạn trên đây. 
  9.- Tha đối: Còn gọi là Sa đối. Có 2 cách: Thập tự cách và Thập tứ tự cách.
Tha đối, Chữ Tha ở đây cũng đọc âm Sa.
    
Xuân tàn diệp mật hoa chi thiểu
            Thụy khởi trà đa tửu trản sơ  
            (Xuân tàn lá rậm hoa cành ít,
            Thức giấc trà nhiều chén rượu thưa) (ngưng trích)

Trong “Quí Thiêm Thi Thoại”, giảng giải cách đối của Tha Đối (Sa đối), đại khái như sau:
- Câu trên Rậm (4) đối lại Thưa (7) câu dưới
            - Câu trên (3) đối lại Rượu (6) câu dưới
            - Câu trên Ít (7) đối lại Nhiều (4) câu dưới.
(Các số trong ngoặc đơn là thứ tự của chữ, từ trái sang phải ở trong câu).

Cá nhân tôi - Thái Quốc Mưu - biết làm thơ Đường từ năm 12 tuổi, 14 tuổi coi như nhuần nhuyễn, lên 16 tuổi có Thơ Đường đăng trên các nhật báo (với bút hiệu Liêu tần Tử) nhưng không hề làm thể loại đối nầy vì quá rắc rối làm đau đầu, nhức óc.
Tóm lại, rất nhiều thể đối, người viết không thể nhớ hết và không biết giải như thế nào cho chính xác, không dám lạm bàn. Xin miễn chấp. 
Ngay trong mỗi câu thơ ở bài Thơ Đường cũng có những chữ mang tên gọi đặc biệt. Chẳng hạn, trong thơ Ngũ Ngôn, chữ thứ Ba (3), trong Thất Ngôn Bát Cú chữ thứ Năm (5) được gọi là TỤ LỰC. Tụ Lực là kết hợp sức mạnh đẩy lên, làm cho toàn câu thơ nổi bật, mạnh lên. TỤ LỰC có tên là HƯỞNG TỰ.
Theo Giảng sư, Học giả Minh Di (trích): 
“Hưởng tự còn được gọi là “thi nhãn” (con mắt của bài thơ).
+ Nói “hưởng tự” là “chỗ Tụ Lực (trí lực xứ) của bài thơ là ý nói “chữ này” có tác dụng nhấn mạnh, làm sắc hơn một ý tưởng, một tình, một cảnh nào... Tác dụng này có thể chỉ giới hạn trong một vài câu nhưng cũng có thể trải rộng khắp bài thơ.” 
Thế nhưng tại sao “HƯỞNG TỰ” phải gieo ở chữ thứ 3 trong thơ ngũ ngôn và chữ thứ 5 của thơ thất ngôn? 
Chúng ta đều biết mạch tức nhịp của câu thơ ngũ ngôn là 2 / 3, mạch của câu thơ thất ngôn là 4 / 3. 
Sở dĩ “hưởng tự” phải được gieo ở vị trí của chữ thứ 3 trong câu thơ Ngũ ngôn và ở chữ thứ 5 trong câu Thất ngôn là vì 2 vị trí này nằm ở giao điểm của 2 nhịp, nhịp trước vừa xuống thì nhịp kế tiếp cần phải vút lên để câu thơ khỏi trầm trệ! 
Và như vậy, nếu tìm được, nếu viết được đúng một “hưởng tự” thì “lực” và âm hưởng của chữ này càng vút cao hơn! Do đó mà gọi là “Hưởng Tự” – Hưởng nghĩa là “âm thanh dội lại (hồi thanh)” (ngưng trích).
Trong bài thơ dưới đây các chữ tô đậm là Tụ Lực = Hưởng Tự.

                        PHẢN CHIẾU
            Sở vương cung Bắc chính hoàng hôn,
            Bạch Đế thành Tây quá vũ ngân       
            Phản chiếu nhập giang phiên thạch bích,
            Qui vân ủng thụ thất sơn thôn.
            Suy niên phế bệnh duy cao chẩm,
            Tuyệt tái sầu thời tảo bế môn.           
Bất khả cửu lưu sài hổ loạn,  
            Nam phương thực hữu vị chiêu hồn!
                        (Đỗ Thi Kính Thuyên. Qu. XIV).
Phỏng dịch:
                          RỌI LẠI
            Hoàng hôn phủ xuống Bắc cung vua
            Bạch Đế thành tây lộng gió mưa
            Nắng tắt sông chao nghiêng vách núi
            Mây giăng cây phủ khuất làng xưa   
            Phổi đau nằm gối đầu cao hẳn...
            Ải vắng cài then bóng xế vừa…
            Lánh bọn sài lang gây náo loạn
            Về Nam lạc cảnh vẫn còn chưa…!
                                      Atlanta, May 15, 2015
                                          Thái Quốc Mưu
                                   
Đã vậy, Thơ Đường còn là “kẻ khó tính, mang nhiều thứ bệnh” do luật thơ khắt khe, người làm thơ  Đường dễ bị nhiễm: 
1 - Bình Đầu (Bằng nhau ở đầu câu): Ba chữ đầu câu của 4 câu liên tiếp cùng một loại tự (như, danh từ, động từ...)
2 - Thượng Vỹ (Đuôi cao lên):
Ba chữ cuối hoặc 3 chữ thứ 5 của 4 câu liên tiếp cùng một loại tự (như cùng tính từ,...) 
3 - Phong Yêu (Eo con Ong): Chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trong cùng một câu đều là thanh Bằng hoặc Trắc. 
4 - Hạc Tất (Đầu gối chim Hạc): Chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong cùng một câu đều là thanh Bằng hoặc Trắc. 
5 - Chánh Nữu: Trong 1 câu có 3 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau, ngoại trừ các chữ láy, ghép. 
6 - Bàng Nữu: Trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau, ngoại trừ các chữ láy, ghép. 
7 - Đại Vận: Chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau 
8 - Tiểu Vận: Chữ thứ 2 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau.
Gọi chung là Bát Bệnh của Thơ Đường 
Tuy nhiên, đó là nói về sự khắc khe của LUẬT thơ Đường. Thực tế, ít người làm thơ tránh khỏi sự khắc khe ấy.
"Qua Đèo Ngang" là một bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, nếu dựa vào 8 Bệnh của thơ Đường Luật, thử xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh:

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

- Bệnh Bình Đầu: Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ-Thương-Dừng cùng tự loại là Động từ
- Bệnh Thượng Vỹ: Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa-Chú-Nhà cùng là danh từ
- Bệnh Phong Yêu: ở câu 2 có chữ Cây Hoa cùng thanh Bình. Câu 5 có chữ Nước và cuốc cùng thanh Trắc. 
- Bệnh Hạc Tất: Câu 3 có chữ thứ 4 là núi và chữ thứ 7 là chú cùng thanh Trắc. Câu 8 chữ riêng và chữ ta đều thanh Bình.
- Bệnh Chánh Nữu: Câu cuối có 3 chữ cùng phụ âm “T”
- Bệnh Bàng Nữu: ở 4 câu cuối bị bệnh này,  5 chữ mang cùng phụ âm đầu là 5 chữ “T” và 4 chữ M, 5 chữ “N”
- Bệnh Đại Vận: câu thứ 2 có chữ thứ 4 là đá chữ thứ 7 là hoa cùng vần “A” 
- Bệnh Tiểu Vận:  Câu thứ 6 có chữ thứ 2 là nhà và chữ thứ 7 là gia trùng vần “A” 
Người xưa còn vương nhiều lỗi huống chi bọn hậu sinh! 
Ngoài Bát Bệnh đó còn có các lỗi sau: 
1. Lạc vận / 2. Lạc đề / 3. Thất niêm, thất luật / 4. Thất đối / 5. Khổ độc / 6. Điệp thanh / 7. Điệp điệu / 8. Điệp âm / 9. Trùng vận / 10. Trùng từ / 11. Điệp từ / 11. Trùng ý / 12. Hiệp Chưởng / 13. Phạm đề / 14. Mạ đề.

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

BÍ KÍP ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TUYỆT VỜI CHỈ VỚI 15 PHÚT MỖI NGÀY

BÍ KÍP ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TUYỆT VỜI CHỈ VỚI 15 PHÚT MỖI NGÀY
Nguồn: biquyetsongkhoe.vn

Bàn chân được mệnh danh là "trái tim thứ 2" của cơ thể vì chứa nhiều huyệt đạo quan trọng. Đó là lý do tại sao khi ngâm chân xong, bạn thường cảm thấy dễ chịu, thoải mái.
Cơ thể con người như một xưởng hoá học, các bộ phận trong cơ thể liên tục làm việc ngày đêm theo quy luật: hô hấp, bài tiết, sinh sản v.v… Các nhà y học cho rằng bàn chân như tấm gương của cơ thể, nó phản ảnh tương đối chính xác tình hình sức khoẻ của con người, nó chứa vùng phản xạ của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Không chỉ như vậy, dưới bàn chân còn có 60 huyệt, thường xuyên ngâm chân trong nước ấm cùng gừng đập giập và 1 thìa muối từ 10=>15 phút rồi lau chân thật khô sau đó massage Dầu Nóng Xoa Bóp Antiphlamine Hàn Quốc để cân bằng nhiệt độ cơ thể, trước khi đi ngủ nên mang đôi vớ dày sẽ thúc đẩy khí huyết vận hành.
Con người từ lúc biết đi, đôi chân âm thầm lặng lẽ nâng đỡ cơ thể, gánh chịu sức nặng cơ thể; đồng thời, nó còn đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ con người. Nếu bạn giữ đôi chân tốt có nghĩa là bạn đã gìn giữ sức khoẻ tốt của mình. Bước đi ngàn dặm không lúc nào thiếu bóng bàn chân. Tại sao chúng ta không gìn giữ nó thật tốt để dùng lâu dài cho niềm vui có được một sức khoẻ luôn đầy tràn bằng công việc đơn giản là ngâm chân bằng nước ấm với gừng và muối mỗi ngày. Đây là phương thức đơn giản, tiết kiệm mà hiệu quả.
Dưới đây là những tác dụng bất ngờ từ việc ngâm chân bạn nên biết:
1. Chữa bệnh mất ngủ
Rất nhiều bạn do căng thẳng trong học tập và công việc khiến giấc ngủ không được ngon và sâu. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến mất ngủ kinh niên, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Dùng nước ấm ngâm chân một lần mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, qua đó giúp cân bằng thể trạng, lưu thông máu, cải thiện giấc ngủ.
2. Chữa chân tay lạnh
Ngoài ra, bước vào mùa thu, mùa đông, nhiều bạn sẽ cảm thấy bàn tay và bàn chân lạnh, thực tế là do việc lưu thông máu không được tốt. Lúc này, nếu bạn chịu khó ngâm chân bằng nước ấm thì có thể đạt được hiệu quả thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, căng thẳng, làm ấm cơ thể.
3. Giảm đau do viêm khớp
Trong thành phần của muối có các cation (dương) và nation (âm) giúp cân bằng cơ thể, khi kết hợp với nước nóng sẽ tác dụng đến các khớp xương theo cơ chế “nóng giãn, lạnh co cục bộ”. Vì thế, nếu đang bị các khớp xương đau nhức dạng viêm khớp, viêm dây thần kinh ngoại vi… thì nên sử dụng phương pháp này.
4. Khử mùi hôi của chân
Việc ngâm chân không chỉ đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, thư giãn mà còn là cách hữu hiệu giúp bạn đối phó với mùi hôi chân . Ngâm chân giúp làm sạch và giúp bạn có đôi bàn chân thơm tho. Ngoài nước ấm và muối, bạn có thể dùng một vài loại thảo dược khác như nước cốt chanh hoặc vỏ chanh, phèn chua để nhận được kết quả tốt hơn.
5. Trị bệnh ngoài da
Bạn có thể trị bệnh nấm chân và trị nấm móng bằng cách ngâm chân trong nước nóng và muối. Vì muối là một trong những nguyên liệu chăm sóc da tốt nhất, đặc biệt là chăm sóc da chân vì nó có thể dưỡng ấm và tẩy da chết, giảm viêm nhiễm, giảm ngứa, đau, nhức, đồng thời có khả năng sát trùng nên da vừa sạch hơn vừa nhanh phục hồi do viêm nhiễm nấm.
*** Một số lưu ý cần biết khi ngâm chân***
* Không nên ngâm chân 30 phút sau bữa ăn vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, về lâu dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
* Nhiệt độ nước ngâm chân không quá 50 độ C. Nhiệt độ nước ngâm chân quá cao không những gây tổn thương chân mà còn khiến các mạch máu của bàn chân nở rộng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, gây bất lợi cho cơ thể.
* Trong khi ngâm chân, tư tưởng nên thoải mái, tránh căng thẳng hoặc suy nghĩ âu lo.
* Không nên ngâm chân quá lâu. Tốt nhất chỉ nên ngâm chân trong khoảng thời gian từ 10 =>15 phút. Nếu ngâm chân trong thời gian quá dài, máu sẽ lưu thông xuống các chi dưới, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của tim và não. Mùa đông nếu ngâm chân quá lâu có thể dẫn đến khô da, da bị mẩn ngứa.
*Sau khi ngâm chân, không nên đi ngủ luôn mà nên lau thật khô chân và làm massage. 
* Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bàng quang), 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can); đồng thời là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho thuốc tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể. 
* Nên ngâm chân thường xuyên mỗi ngày. Sau khi ngâm xong bao giờ cũng dùng khăn khô lau sạch và massage Dầu Nóng Xoa Bóp Antiphlamine Hàn Quốc để cân bằng nhiệt độ cơ thể, trước khi đi ngủ nên mang đôi vớ dày. Vào mùa đông thì lập tức ủ ấm.
* Chú ý không nên ngâm chân với mật ong vì trong mật ong thành phần chủ yếu là đường, đường không thấm qua da. Nếu trên da có các vết thương phần mềm thì có thể bôi đắp trực tiếp.



Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

TUYỂN TẬP NHỮNG BÀI HÁT HAY NHẤT VỀ MẸ 2015

TUYỂN TẬP NHỮNG BÀI HÁT HAY NHẤT VỀ MẸ 2015
Nguồn: Internet


Xin mở dưới dạng Youtube (click ở góc dưới bên phải) để nghe thêm nhiều bài hát khác về Mẹ.

HÔM NAY NGÀY LỄ MẸ

HÔM NAY NGÀY LỄ MẸ
Nhạc và lời: Nguyễn văn Viên
Hòa âm: Vũ đình Ân
Tiếng hát: Ca sĩ Diệu Hiền
Youtube: Trần Năng Phùng

 

TÌM HIỂU VỀ NGÀY CỦA MẸ

TÌM HIỂU VỀ NGÀY CỦA MẸ
Hiếu Minh



Ngày của Mẹ có nguồn gốc từ đầu những năm 1600 tại Anh nhưng những người Anh di cư sang lục địa mới (Mỹ) lại không duy trì ngày lễ này. Mãi đến năm 1914, vị Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ Woodrow Wilson mới ký sắc lệnh chính thức công nhận ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm là Ngày của Mẹ trên toàn nước Mỹ. Đây được xem là một trong những ngày lễ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác sự ra đời và ý nghĩa của ngày này.
Năm 1858, Anna Reeves là người phụ nữ đầu tiên tổ chức một buổi lễ tôn thờ Mẹ thực sự. Tại quê nhà của mình ở West Virginia, bà đã tạo ra ngày Mother’s Work Day (kiểu như là Ngày Nhớ Công của Mẹ), mục đích là để tăng nhận thức của mọi người về vấn đề an toàn vệ sinh. Vào thời kỳ nội chiến, bà đã mở rộng phạm vi Mother’s Work Day ra nhiều vùng miền hơn để tăng cường vấn đề an toàn vệ sinh cho cả hai bên tham chiến.
Trong lúc Julia Ward Howe, tác giả của cuốn “Battle Hymn of the Republic”, nỗ lực để tạo ra một ngày quốc lễ dành cho mẹ, vinh danh tinh thần hướng về hòa bình của phụ nữ (hơn là chỉ là vấn đề “vệ sinh sạch sẽ”). Vào năm 1872, bà đã đề xuất và quảng bá Ngày của Mẹ vì Hòa bình (Mother’s Day for Peace) được tổ chức vào ngày 2 tháng 6. Năm sau đó, ngày này đã được phụ nữ khắp 18 thành phố nước Mỹ kỉ niệm. Ngày lễ này tiếp tục được vinh danh một thập kỷ sau đó bởi những phụ nữ Boston nhưng cuối cùng thì nó dần dần bị quên lãng sau khi Howe ngừng cam kết tài trợ cho những lễ kỉ niệm.
Tới năm 1905, Anna Reeves Jarvis đã qua đời và con gái của bà, Anna Jarrvis, đã tiếp tục sự nghiệp của mẹ. Anna đã thề trước mộ mẹ rằng cô sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành ước mơ của đời bà là tạo ra một ngày quốc lễ để vinh danh những người mẹ. Vào năm 1907, Anna đã tổ chức một chiến dịch gửi tặng những bông hoa cẩm chướng trắng cho những người tham gia hội họp ở Nhà thờ của mẹ mình ở Grafton, West Virginia. Vào năm 1908, nhà thờ của mẹ cô đã đồng ý yêu cầu của Anna về việc tổ chức một ngày chủ nhật phục vụ đặc biệt để vinh danh những người mẹ - truyền thống này đã được lan rộng ra nhiều nhà thờ của cả 46 bang vào những năm sau đó. Năm 1909, Anna đã bỏ công việc này và tự ứng cử mình vào một chiến dịch viết thư cầu khẩn những chính trị gia, các mục sư và các thị trưởng lập nên một ngày quốc lễ dành cho mẹ.
Vào năm 1912, những nỗ lực của Jarrvis đã đi tới thành công: Quê nhà West Virginia của cô đã công nhận một ngày lễ chính thức dành cho mẹ. Hai năm sau, Quốc hội Mỹ đã thông qua một Nghị quyết chung được ký bởi tổng thống Wilson, thiết lập một ngày Quốc lễ dành cho mẹ - nhấn mạnh vai trò của người mẹ trong gia đình. Từ đó trở đi, ngày lễ này đã ngày càng trở thành một ngày lễ lớn được nước Mỹ tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhất thứ hai của tháng năm và tới giờ thì đã lan đi toàn thế giới!
Cuộc sống thật trớ trêu, có lẽ vì một sự nghiệp lớn lao như vậy mà chính bản thân Anna Jarrvis đã không có thời gian để có một đứa con của riêng mình và để trở thành một người mẹ thực sự. Nhưng điều đó chẳng khiến bà ngừng việc tự chúc mừng thành quả của mình mỗi năm cho tới hết cuộc đời.
Các quốc gia trên thế giới đang ngày càng coi trọng ngày lễ của Mẹ và mỗi nước sẽ có một ngày riêng của mình để kỉ niệm ngày lễ này dựa trên những ý nghĩa khác nhau của ngày cụ thể đó. Dù có thế nào đi chăng nữa thì ngày Lễ của Mẹ là một ngày lễ rất quan trọng và khác với những ngày Phụ nữ hay những ngày tôn vinh người phụ nữ khác.
Ngày của mẹ (10.5) đến, cả thế giới bắt tay cho những hoạt động đầy ý nghĩa trong ngày này. Con cái sẽ làm bữa ăn sáng và phục vụ mẹ ngay tại giường hoặc đưa mẹ đi ăn ở nhà hàng vào bữa trưa hay tối. Hoa hồng, hoa cẩm chướng, thiệp chúc, nước hoa, đồ trang sức ... sẽ là những món quà được tặng nhiều nhất.
Khi được hỏi, hầu hết các bà mẹ đều nói rằng họ sung sướng nhất khi con cái thành tài, gia đình hạnh phúc chứ họ không cần gì hơn.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

CHÚC MỪNG NGÀY LỄ MẸ

CHÚC MỪNG NGÀY LỄ MẸ



Blogger THÀNH PHỐ GIÓ
Kính chúc quý độc giả một NGÀY LỄ MẸ
thật vui tươi và đầm ấm!

EM BÉ BA TUỔI ĐÁNH TRỐNG CỰC ĐỈNH

EM BÉ BA TUỔI ĐÁNH TRỐNG CỰC ĐỈNH
Nguồn: Internet

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

NHƯ CHIẾC QUE DIÊM

NHƯ CHIẾC QUE DIÊM
Nhạc và lời: Từ Công Phụng
Tiếng hát: Quang Dũng
PPS: QuyDenver
Youtube: Trần Năng Phùng

 

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

KHI HOA XƯƠNG RỒNG NỞ

KHI HOA XƯƠNG RỒNG NỞ
Nguồn: Internet

 

MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC

MƯỜI THỨ DÙ CÓ GIA TÀI BẠC TRIỆU CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC
Nguồn: Internet
(Ảnh: Fotolia)

Jordi Al Emany là người sáng lập một công ty tư nhân. Vừa qua, ông đã đăng một bài trên mạng xã hội, nói rằng tiền tài không phải vạn năng, có 10 thứ cho dù có gia tài bạc triệu cũng không mua được. Bài viết đã nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh trên cộng đồng mạng, mọi người đều tán thành.
Khi đang theo đuổi một cuộc sống hưởng thụ, ngàn vạn lần chúng ta cũng đừng nên bị mất phương hướng, chỉ vì ham muốn hưởng thụ vật chất, mà quên đi rằng có những thứ dù có tiền cũng không thể mua được.
Bắt đầu một năm mới là cơ hội tốt để mỗi người có thể suy nghĩ và thay đổi mục tiêu sắp tới của mình, để chúng ta có thể sắp xếp lại công việc và cuộc sống. Lúc này, chúng ta có thể tĩnh tâm suy nghĩ để tìm ra giá trị, nguyên tắc và niềm tin thật sự của mình.
Chúng ta hãy cùng xem, rốt cuộc là những điều gì mà cho dù là tỉ phú thế giới cũng không thể mua được?
1. Khỏe mạnh
Đạt Lai Lạt-ma: Nhân loại, vì kiếm tiền mà hy sinh sức khỏe. Vì chữa bệnh mà hy sinh tiền tài. Sau đó, vì lo lắng tương lai nên không cách nào hưởng thụ hiện tại. Cứ như vậy mà không cách nào sống cho hiện tại. Khi còn sống, họ quên rằng cuộc đời là ngắn ngủi. Đến khi chết, mới phát hiện mình chưa từng một lần sống thật tốt.
2. Tình thương
Tagore: Lúc thoát khỏi cảnh nghèo khó, chúng ta sẽ có được tiền tài của mình nhưng để có được khoản tiền này, chúng ta đã mất đi bao nhiêu thiện tâm, bao nhiêu cái đẹp và bao nhiêu sức lực chứ!
3. Niềm vui
Franklin: Tiền tài không thể khiến người ta vui vẻ, vĩnh viễn sẽ không vì trong bản chất của nó không hề tồn tại cái gọi là vui vẻ. Người có được càng nhiều, lại càng muốn nhiều hơn.
4. Chính trực
Nhà tiểu thuyết người Anh – Douglas Adams: Lúc thật sự phục vụ người khác, điều cần thiết mà tiền tài không thể nào mua sắm hay đong đếm, đó chính là sự chân thành và chính trực.
5. Tôn trọng
Nhà triết học người Mỹ – Ayn Rand: Tiền tài là công cụ để tồn tại, thái độ của bạn đối với công việc cũng chính là thái độ của bạn đối với cuộc đời của chính mình. Nếu công việc kiếm sống là sa đọa, bạn đã hủy diệt ý nghĩa tồn tại của chính mình. Bạn đã từng cầm qua đồng tiền bất nghĩa chưa? Đã từng vì giành thêm chút lợi nhuận mà giễu cợt người khác chưa? Hoặc là hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của mình? Vì để có thể sống qua ngày bạn đã làm những việc không nên làm? Nếu là như vậy, tiền tài cũng không mang đến dù chỉ một chút niềm vui. Đồ vật bạn mua sẽ trở thành một loại sỉ nhục mà không phải là kính trọng; là một loại căm hận mà không phải thành tựu. Như vậy, bạn sẽ cho rằng tiền tài là một loại tội ác bởi vì bạn không thể nào có được sự tự tôn từ nó.
6. Nội tâm thanh tĩnh
Doanh nhân nổi tiếng tại Mỹ – Richard M. DeVos: Tiền tài không thể nào mua được sự thanh bình trong nội tâm, nó không thể chữa trị mối quan hệ bị xé rách, hoặc làm cho cuộc sống không ý nghĩa trở nên ý nghĩa.
7. Đạo đức
Ký giả kiêm tác giả người Mỹ – George Lorimer: Thứ có thể mua được bằng tiền dĩ nhiên là tốt nhưng không nên quên rằng điều không thể mua được bằng tiền sẽ càng tốt hơn.
8. Giáo dục
Phóng viên kiêm tác giả người Mỹ – Neil de Grasse Tyson:
Con người không dùng sự cảm thông và chia sẻ để cảm nhận tình cảm và ý nghĩ của người khác hay những sinh vật khác trên trái đất, có lẽ giáo dục chính quy của chúng ta nên thêm vào giáo dục sự cảm thông và chia sẻ. Thử tưởng tượng, nếu giáo dục gồm có đọc, viết, toán học, cảm thông và chia sẻ, thì thế giới này sẽ không còn như cũ nữa.
9. Trí tuệ
Steve Jobs: Tôi không phải vì kiếm tiền mà quay về Apple. Thần may mắn vẫn luôn quan tâm đến tôi; năm 25 tuổi, tôi đã kiếm được tài sản 100 triệu đô-la. Lúc ấy rất rõ ràng rằng tôi sẽ không bị tiền tài nô dịch. Bởi vì tôi chắc chắn không có khả năng tiêu hết số tiền kia, hơn nữa, tôi cũng không dùng tiền tài để kiểm chứng trí tuệ của mình.
10. Giác ngộ tâm linh
Người vô danh: Tiền tài có thể mua phòng ốc để ở nhưng không thể mua được một mái nhà ôn hòa; nó có thể mua một chiếc giường nhưng không mua được một giấc ngủ thoải mái dễ chịu; nó có thể mua một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian; nó có thể mua được quyển sách nhưng không mua được tri thức; nó có thể mua máu huyết nhưng không mua được sức khỏe. Vì vậy, tiền tài không phải là vạn năng.