Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

THỬ LẠM BÀN VỀ CÂU ĐỐI


THỬ LẠM VỀ CÂU ĐỐI
Lê Trúc Chi

                     


Đối liễn, hoành phi, phan triệu … là những cách chơi chữ phong nhã của người Tàu và người Việt chúng ta. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin lạm bàn về câu đối. Những câu đối hay ho, những câu đối có giá trị dĩ nhiên là những câu đối đã vận dụng tài tình, nhuần nhuyễn ngôn ngữ của dân tộc, đúng niêm và đúng luật. Hồi còn đi học, thầy tôi dạy: “Câu đối là hai câu chữ chỏi nhau, chỏi nhau về ý, về tự loại, về bằng trắc… Câu thượng (vế ra) là câu có vần trắc ở chữ cuối cùng, treo bên phải hoặc treo lên trên và câu hạ (vế đối) là câu có vần bằng ở chữ cuối cùng và được treo ở phía dưới hoặc bên trái.”
Theo truyền thuyết thì  câu đối có nguồn gốc từ thời Cổ Đại bên Tàu. Vào thời đó, hai vị Thần Đồ và Thần Uất Lũy xuất hiện dưới gốc một cây đào thần để bảo vệ dân gian, trừ ma ếm quỷ. Vua Hoàng Đế thấy vậy bèn truyền cho dân chúng lấy gỗ đào tạc hình hai vị thần đó treo ở hai bên cổng vào nhà để trừ tà ma. Tuy thế, việc viết chữ lên gỗ lại nở rộ vào thời Ngũ Đại sau khi vua thân hành viết hai câu : “ Tân niên nạp dư khánh – Gia tiết hào trường xuân.”   
Ở câu đối thì không có một cung cách nhất quán nào cả. Vế ra có thể dài hoặc ngắn tuỳ theo ý thích của người ra đối: năm  chữ, bảy chữ ... hoặc đôi khi chỉ võn vẹn có hai chữ như trong câu đối  “chả ngon” có nghĩa là không ngon, chẳng ngon tí nào và “chả ngon” còn có nghĩa là miếng chả ngon. Có người đã đối lại là  “đéo sướng” có nghĩa là không sướng tí nào cả và vế đối còn có ý nghĩa dung tục nhằm  chỉ việc làm tình thì sướng. Việc ra vế đối thì tùy ... tùy nghi, tùy tiện và tùy thích! Ra vế đối thì rất dễ, muốn ra thế nào thì ra, gặp tình huống nào thì phát biểu theo tình huống đó  nhưng việc đối lại thì là cả một vấn đề, người đối phải lựa lời, lựa chữ, chọn ý … sao cho “đối”.
Xin nhắc lại ở đây cuộc đối đáp kỳ thú của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi trong dịp ông đi sứ sang Tàu như là một minh chứng. Vào khoảng năm 1314, ông được suy cử làm quan Chánh Sứ . Vì thời tiết xấu, phái đoàn của ông đến cửa ải chậm, quân Tàu đóng cửa không cho qua. Vốn không mấy phục sứ An Nam, lại thêm vị Chánh Sứ có thân hình khiêm nhượng (cụ Mạc rất lùn) nên viên quan trông coi cửa ải đặt điều kiện: sẽ mở cửa nếu quan Trạng An Nam đối được câu đối mà họ đặt ra. Viên quan trông coi cửa ải đọc:
 “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”.
(Xin tạm dịch: qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan)
Cái khổ nạn ở đây là chỉ võn vẹn 11 chữ mà có đến 4 chữ quan, vế ra lại chỉ đúng hoàn cảnh trong hiện tại và đang xảy ra.
Thật không ngờ cho mọi người hiện diện, quan Tàu vừa dứt lời thì quan Trạng An Nam dõng dạc đối lại :
        “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”.
 (Xin tạm dịch: ra đối thì dễ, đối câu đối mới khó, xin tiên sinh đối trước)
Vế đối 11 chữ mà có 4 chữ đối. Viên quan giữ ải của Tàu kính phục tài đối đáp mẫn tiệp của sứ thần nước ta nên thân hành mở cửa mời phái bộ của ta quá cảnh.
Có những câu đối thuộc loại để đời, lâu lâu đọc lại, thấy lý thú quá! Ví dụ: ngày xưa, khi trong nhà có người qua đời, tang gia thường đến xin các cụ cử Nho học trong vùng những câu đối để thờ trên bàn thờ người quá cố.
Chuyện kể có một ông thợ nhuộm vừa mới mất, bà vợ tới xin cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến một câu đối để thờ, cụ đã cho câu đối như sau:
   - Thiếp  đã từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.
   - Chàng ở dưới suối vàng thấu nhẻ, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Vì người quá cố là thợ nhuộm nên câu đối đã tài tình dùng những chữ chỉ màu sắc.
Và với bà vợ của ông thợ rèn quá cố thì cụ đã hạ bút:
 - Anh vội bỏ đi đâu, nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp.
 - Em nay còn ở lại, cơ đồ đành bỏ bể, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Ở đây xin độc giả để ý đến những chữ chỉ nghề nghiệp, dụng cụ và động tác của một bác thợ rèn.
Sau đây là một trường hợp chơi chữ khác: Ở vùng Ô Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quãng Nam có ông Tú Quỳ nổi tiếng hay chữ. Cũng có bà chồng chết đến xin ông Tú ít chữ để thờ. Ông Tú viết một chữ ĐỊA rất to nhưng viết méo! Bà goá phụ hồn nhiên đem về nhà, trân trọng dán lên bàn thờ chồng. Sau đó, có một ông đồ Nho đến thăm, thấy chữ địa rồi cười to, bà vợ hỏi duyên cớ thì mới vở lẽ là cụ Tú Quỳ hóm hỉnh chơi chữ vì chữ địa là đất mà viết méo xẹo thành ĐẤT MÉO mà đất méo thành ĐÉO MẤT!
Cũng có một bà chết chồng đến một ông đồ Nho xin liễn thờ thì được thầy đồ viết cho mấy chữ TAM NIÊN ĐỔ LỄ CHẨM AI ĐĂNG có nghĩa rất tốt là “ba năm làm lễ thờ và châm ngọn đèn bi ai” (tức để tang thờ chồng 3 năm đúng phong tục Việt) nhưng nếu nói lái các chữ “đổ lễ chẩm ai đăng” thì vô cùng dung tục và hóm hỉnh!
Còn đây là những dạng chơi câu đối mà chúng ta thường gặp:
 * Sử dụng chữ trái nghĩa:  đối đáp giữa ông Tú Cát và ông Trạng Quỳnh:
                   “  Trời sinh ông Tú Cát.
                      Đất nứt con bọ hung”.
           ( từ Hán Việt: cát là tốt, hung là xấu).           
 * Sử dụng song ngữ Hán và Việt cùng một nghĩa: tương truyền là của bà Đoàn thị Điểm ra vế đối bắt bí ông Trạng Quỳnh:
                  “ Da trắng vỗ bì bạch.”
(Bì bạch là da trắng và cũng là tiếng tượng âm tiếng vỗ của tay lên da thịt).
Câu nầy đã có rất nhiều vế đối hay nhưng chỉ đúng về mặt từ ngữ chứ chưa ai cho được vế đối chỉnh có tiếng tượng âm ở cuối câu như chữ “bì bạch”; đó là chưa nói đến tính dí dỏm, tinh nghịch hàm chứa bên trong:
           - Trời xanh mầu thiên thanh.
           - Mũi thấp hôn tỉ ti.
           - Rừng sâu mưa lâm thâm
           - Đường hoàng ngồi nhà vàng..
           - Cô Miên ngủ một mình.
           - Mất sách tìm thất thơ.
           - Hạc đỏ thở hồng hộc.
           - Bèo cỏ trôi bềnh bồng.
Hoặc một ví dụ khác:
           - Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc.
             Ngư là cá , cá lội ngắc ngư.
Ở dạng này có một vế thách đối hóc búa mà hình như chưa ai đối chỉnh, xin nêu lên để thỉnh ý quý độc giả ham thích lối chơi chữ này:
- Cha con ông thầy thuốc về quê, quảy một gánh hồi hương phụ tử.
(ở đây, các từ Hán Việt : hồi hương là về quê, phụ tử là cha con và còn là tên hai vị thuốc bắc hồi hương và phụ tử).
 *  Sử dụng cách tách chữ: ở đây các chữ cóc cách, cồng kềnh, cọc cạch được tách ra:
 -  Con công đi qua cầu Kênh, nó nghe tiếng cồng, nó kềnh cổ lại.
    Con cóc leo cây vọng cách , nó rơi trúng cọc, nó cạch đến già.
(Chùa Kênh ở Bắc Ninh; kềnh là ngoảnh lại; vọng cách là một loại rau dùng để ăn gỏi ở miền Bắc; cạch là chừa bỏ vì sợ sệt).
        - Thuý Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim lòng đã Trọng.
           Trọng Thủy  dòm vào nước, thoáng nhìn nàng Mỵ mắt rơi Châu.
        - Ngựa kim ăn cỏ chỉ.
           Chó vá cắn thợ may.
 * Dùng chữ tập trung vào một đối tượng: Tập trung những chữ chỉ phương hướng:
  - Chợ Đồng Xuân bán bánh trung thu, đông thì đông nhưng không bán hạ.
  - Người miền đông làm nhà đất bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam.
 * Dùng những chữ chuyên biệt: một bà hàng phở goá chồng nhưng còn ngọt nước, lắm kẻ thòm thèm ngỏ lời ong bướm, bà ra câu đối:
           -  Mỡ nạc nữa mà chi, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá.
Đối:    - Thịt da ai cũng vậy, tớ chưa sụn hẳn, hãy thương giùm tớ cặp giò gân.
Hoặc: - Muối tiêu không đáng ngại, lão còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai.  
 *  Dùng phép chiết tự trong chữ Hán hay nửa Tây nửa ta: xin ghi lại ở đây một cuộc đối đáp rất thú vị giữa vua Duy Tân và viên Khâm Sứ Trung Kỳ. Năm đó nhà vua khoảng 15 tuổi, một hôm, viên Khâm Sứ Pháp vào yết kiến nhà vua trong Đại Nội (viên khâm sứ Pháp rất giỏi Hán Văn vì hắn ta có một khoảng thời gian rất dài làm lãnh sự tại Trung Hoa). Để thử tài vị vua nhỏ tuổi cũng như đo lường ý chí của vua Duy Tân, hắn ra câu đối thách thức:
 - Vương là vua, rút ruột vua tam phân thiên hạ.
( đây là một lối chơi chữ vì chữ vương mà bỏ sổ dọc sẽ thành chữ tam là ba).
      Vua Duy Tân điềm nhiên đối lại:
- Tây là Tây, chặt đầu Tây tứ hải giai huynh.
(Chữ tây có nghĩa là phương tây, người Tây mà bỏ dằng đầu lại thành chữ tứ là bốn).
Khâm Sứ Pháp tái mặt và vô cùng thán phục sự thông minh, ý chí và tài đối đáp của vua ta. Khâm Sứ Pháp ngạo mạn, y cho rằng vua Việt Nam chỉ là con bù nhìn, người Pháp đã nắm hết gan ruột và chia Việt Nam thành ba kỳ với chính sách cai trị khác nhau. Câu đáp của vua nước ta đã là một cái tát nẩy lửa vào mặt quân cướp nước, đã nói lên ý chí kiên cường của dân ta: phải chặt đầu mấy thằng Tây thì anh em bốn biển  mới an vui hoà thuận.
Ở dạng này, một câu đối khác cũng được người đời truyền tụng nhằm nói đến gái không chồng mà chửa:
- Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc.
  Phận liểu sao đà nẩy nét ngang.
(Chữ thiên khi nhô đầu dọc lên thì thành chữ phu nghĩa là chồng . Chữ liểu khi có nét ngang thì thành chữ tử nghĩa là con).
              - Tám giờ xe lửa huýt.
                Hai cẳng nằm ngay đơ.
               (huit là tám, deux là hai).
  *  Sử dụng lối nói lái, và khi nói lái thì hàm ý dí dỏm dung tục: tương truyền rằng đây là câu đối đáp giữa nữ sĩ Hồ xuân Hương và ông Phạm Đình Hổ:
  - Tán vàng, lọng lá, che đầu nhau đỡ khi nắng cực.
  - Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.
Hoặc những câu khác như:
 - Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc.
   Gái Gò Công vừa gồng vừa co.
 - Trai Thủ Đức năm canh thức đủ.
   Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông.
(Đồng Tranh là tên khúc sông tiếp giáp với sông Nhật Tảo)
Sau năm 1975, người ta thấy xuất hiện một câu đối có vế ra rất hay và dí dỏm:
 - Gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi? 
Và có nhiều câu đối lại cũng khá hay nhưng không sát cho lắm vì thiếu mất ý dung tục,  dí dỏm:  - Trai thành Hồ, thồ hành, tải thành Hồ.
          - Con trai Cần Giờ giơ cần hỏi cần giờ.
          - Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài hải dương.
          - Trai Hàng Chuối chùi háng bảo hàng chuối.
          - Trai giải phóng phỏng dái hô giải phóng.
  * Lối chơi chữ hoán vị :
           - Vợ cả, vợ hai, cả hai ( ha vợ) đều là vợ cả.
           - Thầy tu, thầy chùa, chùa thầy cứ việc thầy tu.
hoặc: - Nhà thuê, nhà tậu, tậu nhà hết ở nhà thuê.
           - Thầy giáo tháo giầy đi chợ tết.
             Giáo chức, dứt cháo, dự hội xuân.
Hoặc: - Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp đúng chỗ bò mà bò đúng chỗ cạp.
Các câu đối lại :
           - Thầy sinh vật vật cô sinh vật, vật đúng chỗ sinh mà sinh đúng chỗ vật.
           - Anh bán thịt thịt chị bán thịt, thịt rồi lại bán mà bán rồi lại thịt.
hoặc: - Anh cà phê phê chị cà phê, phê đúng chỗ cà mà cà đúng chỗ phê.
  *  Vận dụng chữ đồng âm, dị nghĩa:
          - Trọng tài trọng tài vận động viên.
            Vận động viên động viên trọng tài.
          - Kiến bò đĩa thịt bò.
            Ruồi đậu mâm xôi đậu .
Chúng tôi  hy vọng bài viết của mình sẽ được quý vị cao niên để mắt tới chứ chắc quý độc giả trẻ tuổi thì không mấy thích hợp! Và để kết thúc bài viết nầy, chúng tôi xin gởi đến quý vị trọng tuổi một ít câu vế ra để quý vị vừa uống trà vừa tìm vế đối cho vui :
 1.  Bánh ít nhiều đường bánh ít ngọt.
Vế ra hóc búa thật, chữ thứ 2 và chữ thứ 3 phải  trái nghĩa nhau, chữ thứ 6 lặp lại chữ thứ 2 và nhất là ba chữ cuối phải hiểu hai cách khác nhau: bánh ít ngọt có thể ngắt thành bánh ít / ngọt ( tên của một loại bánh ngọt)  và bánh/ ít ngọt mà lại nhiều đường.
             2.  Vác búa về phang đất Việt, Minh đếch gì minh.
(Vế ra nói đến hình búa liềm trên cờ đảng của các quốc gia cọng sản, Minh là lảnh tụ Bắc Việt Nam. Lên án việc du nhập chủ nghĩa ngọại lai, gây nên cảnh nồi da xáo thịt).
             3. Đội rượu về quỳ hang cáo, Kỳ quá à kỳ .
(Vế ra rõ ràng phê phán thái độ đốn mạt,  trở cờ đón gió của viên cựu phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Cao Kỳ).    
Càng về già thì sự thoái hoá của não bộ càng nhanh (bệnh alzheimer) và các nhà y học cho rằng một trong những phương cách chống lại sự suy thoái của não bộ ở tuổi già là năng suy nghĩ (động não) và thường xuyên đọc sách báo. Vậy xin mời quý vị thử động não tìm chữ đối lại xem !


 

Không có nhận xét nào: