Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

MẸ ƠI! MẸ HY SINH THÊM CHÚT NỮA ĐI!


MẸ ƠI! MẸ HY SINH THÊM CHÚT NỮA ĐI!

Duyenky
Tác giả hết cõng con rồi lại cõng cháu!
Các Bạn thân mến, 

Chúng ta biết ý nghĩa ban đầu của lễ Thanksgiving ở nước Mỹ là do sáng kiến của những người di dân đầu tiên lập ra để cảm tạ Trời Đất đã cho họ một mùa màng tốt đẹp, dư thừa lương thực trên mảnh đất mới tìm được sau khi họ đã phải bỏ quê cha đất mẹ, gồng gánh con cháu vất vả nguy hiểm vượt sông vượt biển để đi tìm tự do tín ngưỡng. Dù trời mới đất mới này lạc hậu, đầy khắc nghiệt vì khí hậu, địa lý, địa hình của nó nhưng với một mùa màng qúa mức thành công đã khiến họ quyết tâm lập nghiệp tại vùng đất hoang vu mới này và chọn làm quê hương thứ hai, lập ra một tổ quốc mới là nước Mỹ hay nước Hoa Kỳ.

Từ đó, lễ Thanksgiving trở thành một lễ truyền thống của cả nước. Cho đến ngày nay, tất cả những ai trên thế giới muốn tìm tự do, muốn được no đủ về khía cạnh nào của cuộc sống cũng đều có thể tìm đến nước Mỹ và được thỏa mãn.

Và lễ Thanksgiving, lễ Tạ Ơn, đã nhanh chóng được nhiều nước, nhiều dân tộc biết đến, mở rộng đôi bàn tay đón nhận cùng cho nó thêm nhiều ý nghĩa hơn, nhắc nhở mọi người suy nhớ đến tất cả những ơn huệ đã được hưởng, những ân tình cần phải đền đáp. Hiển nhiên chúng ta không thể kể hết những gì chúng ta có được, những gì chúng ta nhận được từ Tạo Hóa, Trời Đất, thiên nhiên, khí hậu, đất nước, tôn giáo, chính quyền, xã hội, đoàn thể, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu, người quen, kẻ lạ, đặc biệt các vĩ nhân khoa học, kỹ thuật, y tế, đạo đức, văn hóa…cả trong qúa khứ lẫn hiện tại và rồi còn trong tương lai hoặc từ gián tiếp đến trực tiếp, từ gần đến xa!

Tuy nhiên, ngay từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, chúng ta đã được, đã thấy chung quanh một sự ổn định trật tự, hài hòa đến hoàn thiện nên tưởng mọi chuyện bình thường như tất nhiên nó phải có mà không nghĩ đến hoặc quên đi những hy sinh khổ cực của cha ông, của các bậc tiền bối, của những lớp người đi trước đã khổ công tạo dựng nên tất cả cho ngày nay chúng ta được hưởng.

Như cha mẹ sinh ra chúng ta, có thể có người cho là cha mẹ không muốn nhưng sự thật thì gần như tất cả các bậc cha mẹ đều muốn sinh ra con cái mình, nuôi dưỡng, giáo dục, cho học hành, trưởng thành có công ăn việc làm rồi giúp gây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và còn gieo vào tâm lòng chúng ta những ước mơ hoàn thiện về chân thiện mỹ để chúng ta tìm đến hầu được thỏa mãn cả về tôn giáo, tinh thần, tình cảm và vật chất…

Ai có thể cân đo đong đếm đủ những vất vả hy sinh khổ đau, tốn kém mà cha mẹ chúng ta phải chịu đựng? Hẳn đấy không phải là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên phải có vì nếu không muốn, không chịu hy sinh thiệt thòi thì cha mẹ đã phá bỏ chúng ta ngay từ khi mới chỉ là một giọt máu hoặc ngay cả khi đã sinh ra, cha mẹ cũng có thể giết hại thể xác, tinh thần chúng ta bằng nhiều cách như để chúng ta đói khát, lạnh lẽo, tự bò lê la tìm đồ ăn thức uống, khi  lớn lên dốt nát, yếu đuối, tự chiến đấu bảo vệ bản thân, tự giải quyết mọi hoạn nạn, mọi biến cố, muốn sống ở đâu, lăn lộn đầu đường xó chợ nào tùy ý, đôi khi còn bắt chúng ta bằng mọi cách phải phục tùng, phục dưỡng cha mẹ nữa… Nhưng không, cha mẹ đã không hủy diệt chúng ta mà còn mang nặng đẻ đau, chăm lo bảo vệ cho chúng ta luôn được no đủ an toàn và khôn lớn trong tình thương yêu vô bờ bến của các ngài.

Thế nên, khi chúng ta được như ngày nay, ở thứ bậc nào trong xã hội, hạnh phúc hay bất hạnh, vừa ý hay chưa vừa ý, chúng ta cũng phải nhớ và hiểu rằng với hoàn cảnh của cha mẹ khi ấy là đủ rồi, là qúa sức rồi, các ngài không thể làm hơn được nữa. Có thiệt thòi gì, chúng ta cũng đừng oán trách giận hờn, khinh khi cha mẹ… mà hãy ăn ở cho đúng địa vị là con, biết ơn, hiếu thảo với các ngài vì cả cuộc đời trẻ trung đầy sức sống của cha mẹ đã hy sinh vì chúng ta mà nay về già các ngài lại phải tủi khổ cô đơn hay sao? Bởi hiếu thảo cách mấy, giầu sang cách mấy, tài giỏi vô song… cũng không ai có thể mua được tuổi thanh xuân đẻ trả lại cho cha mẹ mình.

Mặc dù”Mẹ đã hy sinh nhiều rồi, hy sinh thêm chút nữa cũng không sao!”, như MC Việt Thảo đã nói trong DVD Vân Sơn số 47 được quay tại Edmonton Canada với chủ đề “Canada hè trên xứ lạnh” trong khi thăm nhà dưỡng lão Tuổi Hạc (Golden Age Monor) ở Canada. Một nhà dưỡng lão do các vị sư Việt Nam xây dựng, lớn nhất thế giới được thành lập trên 28 năm và hiện có hơn 300 lão ông, lão bà, nhiều nhất là người Việt Nam (thống kê năm 2011).
Khu vực dưỡng lão khang trang, sạch sẽ, rộng rãi mà nghệ sĩ Vân Sơn ví như khách sạn năm sao! Trong đó, vị nào còn tự phục vụ được thì có phòng riêng đầy đủ tiện nghi: giường đệm, bàn ghế, TV, tủ lạnh, nhà tắm, bếp, đồ ăn tươi, khô đủ loại…
Còn các vị khác có thể ăn uống chung với nhau ở nhà ăn thì được ghi rõ tình trạng bệnh tật của từng người trên một tấm giấy được đặt ngay trên một cái bàn lớn nơi khu vực nhà bếp, phòng ăn hầu phục vụ việc ăn uống đúng như bác sĩ chỉ định cho mỗi cụ.
Ngày có 3 bữa ăn chính lúc 8, 12 và 5giờ chiều với 3 bữa ăn phụ nữa. Nhà bếp còn phải lưu giữ mỗi món ăn trong ba ngày để làm cơ sở cho bác sĩ khi cần đến. Quá cẩn thận và chu đáo phải không các Bạn? Đúng là một nơi hưu dưỡng mẫu mực!

Tiếp theo, phái đoàn Vân Sơn được giới thiệu thăm phòng của cụ bà Trúc Hiên, 83 tuổi, còn khỏe mạnh, tỉnh táo, vui vẻ và còn tự phục vụ được. Bà cụ hóa chồng từ năm 22 tuổi, ở vậy nuôi một người con trai duy nhất, đã lập gia đình, có con cái nhưng người con trai của cụ đã chết vì bị bệnh ung thư. Bà cụ tiếp tục sống chung với con dâu để trông nom, nuôi dưỡng các cháu khôn lớn trưởng thành rồi bà cụ vào nhà dưỡng lão này để có thời gian an tịnh niệm Phật cầu kinh.
MC Việt Thảo hỏi:”Con cháu có đến thăm cụ không?”
Bà cụ lắc đầu trả lời:”Không, chúng ở xa!”
MC Việt Thảo hỏi tiếp xem có phải bà cụ giận con cháu rồi vào đây ở không? Hỏi hai ba lần, bà cụ đều trả lời không và nói:”Trông nom giúp đỡ con cháu lớn khôn rồi thì để con cháu được tự lập, tự do theo ý chúng và mình cũng được thoải mái nữa!”
MC Việt Thảo kết luận như nói thay bà cụ:”khi con cháu không cần giúp đỡ nữa thì các cụ cũng không muốn phiền để chúng có không gian và thời gian riêng, đó là hy sinh, một sự hy sinh cuối đời cho con cháu. Tấm lòng người mẹ bao giờ cũng vậy, tất cả vì con. Mẹ đã hy sinh rất nhiều rồi, bây giờ có hy sinh thêm chút nữa có sao đâu!”

Nhưng lòng duyenky lại thấy nhói đau vì nghe như MC Việt Thảo muốn nói trắng ra là:”Mẹ ơi! Bây giờ con cháu đã khôn lớn, gia đình con đã ổn định rồi thì xin mẹ vui lòng đi chỗ khác chơi để chúng con được hạnh phúc tự do nhé!”

Đồng cảm với mình, một chàng trai trẻ trong đoàn đã âm thầm khóc bên cạnh nghệ sĩ Vân Sơn từ bao giờ. Thấy vậy, MC Việt Thảo hỏi mãi anh chàng mới cúi mặt lau nước mắt trả lời:”con không nỡ để mẹ phải sống như vậy được!”
MC Việt Thảo lắc đầu, nói thêm: hiện có hai khuynh hướng về việc các cụ nên sống trong nhà dưỡng lão hay ở gia đình với con cháu, được lý giả đại khái như sau:

-  Sống trong nhà dưỡng lão thì các cụ được an toàn từ thể xác đến tinh thần. Tuy nhiên, lại thiếu thốn tình cảm gia đình với bầu khí ấm cúng, với tiếng cười tiếng nói ròn rã của con cháu…

-  Sống ở gia đình nhà thì khi các cụ có sự cố nhẹ, nặng gì cũng khó tránh khỏi tai họa vì con cháu đi làm, đi học, đi công chuyện hay đi đâu đó cả ngày, các cụ cũng chỉ thui thủi một mình!

Và chắc chắn còn nhiều lý do nữa cho cả hai trường hợp trên làm cho con cháu băn khoăn, đôi khi khó mà chọn lựa, quyết định. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiếu thảo, kính yêu cha mẹ thật lòng th tùy theo hoàn cảnh, dù cha mẹ ở đâu, chúng ta cũng có thể dành chút thời gian làm cho các cụ an vui được phần nào phải không? Bởi thời nay con cháu không phải lo cung cấp tiền bạc, thuốc men cho các cụ vì xã hội nào cũng có bảo hiểm cho tuổi già. Đó là một điều rất may mắn cho con cháu rồi! Thế thì chẳng lẽ chúng ta không vượt qua được khó khăn, không cố gắng kiếm được một chút thời gian trong tổng khối thời gian 24 giờ của một ngày, 168 giờ của một tuần, hơn 672 giờ trong một tháng và hơn 68.544 giờ trong một năm để đến với cha mẹ hay sao? Ai đi làm cũng có ngày nghỉ phép, làm tự do còn dễ dàng hơn. Ở Hoa Kỳ lại có rất nhiều ngày nghỉ rải rác trong năm, đặc biệt nhiều dịp nghỉ cuối tuần dài ngày, nên ít nhất một năm chúng ta cũng có thể thăm cha mẹ một lần vào dịp lễ Thanksgiving đầy ý nghĩa với luôn luôn có bốn năm ngày nghỉ dài rộng. Vậy nếu dành thời gian thăm viếng cha mẹ thì cũng chỉ tốn thêm chút tiền bạc cho xe cộ chứ có mất công ăn việc làm, thời gian hay thiệt hại to lớn chi đâu!
Bởi chẳng cha mẹ nào dòi hỏi con cháu nhiều, dù tuổi già sức yếu không thể còn vắt ra được một chút sức lực nào cho con cháu, các cụ cũng vẫn thương lo cho chúng ta.

Quả thật, không thể ngờ được, như bà cụ Trúc Hiên với thân hình nhỏ bé, lại phải cô đơn thiệt thòi cả một cuộc đời dài như thế. Và duyenky cũng không cầm lòng được khi nhìn bà cụ chầm chậm đặt đôi chân lên chiếc giường rộng, nghiêng mình trên gối chiếc, kéo tấm chăn hoa văn ấm đẹp phủ kín người rồi nói như cho mọi người có mặt cùng nghe: "Thế là xong!” Vâng, thế là xong một ngày, thế là ta đi vào giấc ngủ cô đơn như đã từng cô đơn hơn nửa thế kỷ nay, nếu giờ đây có đi vào giấc ngủ ngàn thu, ta cũng chẳng cần biết, và cả con cháu ta cũng vậy thôi!

Thế là xong một đời! Một cuộc đời dài lê thê hơn 83 năm với quá 61 năm mình đơn, gối chiếc và không biết bao nhiêu năm chưa gặp được con cháu! Rồi còn nữa, còn nữa…còn không biết đến bao giờ, thế mà ta vẫn chưa quen với sự vô cảm của chúng!

Cuộc đời này có cái gì cần, cái gì quí hơn tình mẫu tử không? Có cái gì cao đẹp  hơn tình một mẹ một con nơi đất khách quê người không? Vậy mà những ngày tháng cuối cùng, cũng không có thời gian cho nhau, con dâu đã đành, còn cả một bầy cháu chắt cũng không có chút thời gian cho một bà nội sao? Nhưng mẹ, bà vẫn không trách móc, chỉ biết ban ngày vui buồn cùng những người xa lạ, tối đến đứng trước bàn thờ lạy Phật cầu an cho mình và cho con cháu rồi leo lên giường, lấy tấm mền phủ kín người,“thế là xong!” Con cháu có mặc kệ ta cũng không sao nhưng xin cuộc đời hãy đưa đẩy con cháu ta tới bến bờ an lành để chúng được hạnh phúc trọn vẹn nhé, đừng cô đơn bất hạnh như ta!

Không có nhận xét nào: