Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

THỜI VẮNG TÌNH THƯƠNG


Thời vắng tình thương
Dr Nikonian


Một
Mẹ con nhà Watson là một gia đình gốc Boston và cực kỳ vui tính. Chẳng biết vì lý do nào, họ định cư ở Sài Gòn và bà cụ nhà Watson là bệnh nhân của tôi trong nhiều năm. Với một lô bệnh tật kinh niên, bà Watson tuy hom hem nhưng khi nào cũng cười. Mỗi lần gặp họ dù trong bệnh viện, nhìn mẹ con họ cười đùa, trêu chọc nhau, rất hóm hỉnh và đầy âu yếm, không thể không mỉm cười và dừng tay quan sát. Nhất là chiều nay, gã Watson dềnh dàng kia tự tay bới tóc cho mẹ già đang lập cập ngồi xe lăn, vừa bông lơn về lọn tóc loăn xoăn của bà cụ. Thấy gia đình người hạnh phúc mà cứ thầm lo cho tuổi già của mình, liệu có được những niềm vui như thế hay không?
Nhà ông V. thì khác! Người Huế, cựu kiểm lâm thời Pháp thuộc, vợ chồng con cái cư xử với nhau cực kỳ nghiêm cẩn. Người con trai tóc đã hoa râm của ông V. đưa cha già đi khám bệnh đầy cung kính, một hai “con mời ba lên giường nằm để bác sĩ khám”. Nghe qua có phần khách sáo nhưng khi thấy anh ta nhoẻn cười sung sướng khi biết cha mình vẫn khoẻ thì mới thực tin đó là lòng hiếu thảo với cha già mẹ yếu.
Nhưng không phải mình tôi mà rất nhiều nhân viên y tế khác đã phải chứng kiến không ít những cảnh đau lòng trong bệnh viện. Khi những bậc cha mẹ già cả cao niên, bệnh tật thoi thóp, bị con cháu bỏ rơi, lở loét, hôi hám và chết dần mòn trên giường bệnh.  Mà bệnh viện thì cũng chỉ là tấm gương soi của xã hội ngoài kia, khi những tin tức con cái giết cha, đánh mẹ, kiện nhau ra toà… cũng đang nhan nhản trên báo chí mỗi ngày.

Hai

“Người đời nhà Hán, thờ mẹ chí hiếu, nhân khi cửa nhà sa sút, thường bữa ông thấy mẹ không dám ăn no, cứ bớt phần cơm để đưa cho con của ông mới vừa lên 3 tuổi ăn. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc: Mẹ già không đủ ăn mà vợ chồng ta còn sinh đẻ được, nếu để con mình chia xẻ ngọt bùi của mẹ là không phải đạo. Thế rồi hai vợ chồng định đào hố chôn con đi.”…
Đừng nghĩ rằng việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão như các nước phương Tây là đại bất hiếu. Ở đấy, các cụ được tự do, thoải mái, được kết bạn với những người cùng thế hệ, được chăm sóc chu đáo bởi những người chuyên nghiệp. Về nhiều mặt, nó tốt hơn nhiều so với một chế độ tam đại đồng đường kiểu Á Đông khi nhiều thế hệ phải chung chạ, chịu đựng lẫn nhau trong một không gian nhỏ hẹp và thiếu tiện nghi. Và không phải khi nào cũng có sự hiểu biết, cảm thông giữa các thế hệ.
Là người Mỹ, ắt gã Watson kia không thể nào hiểu được câu “nước mắt chảy xuống” rất thâm thuý của người Việt. Chỉ trong 4 chữ, nó diễn tả được sự nhưng không, vô điều kiện và không đòi đền đáp của tình thương cha mẹ dành cho con cái. Nó không giống như quan điểm của nho gia phong kiến xem con cái là nguồn lực lao động, là  sự bảo hiểm hay nơi nương tựa cho tuổi già. Trên quan điểm đó, việc báo hiếu hay TRẢ hiếu là một sự báo đáp, đền bồi lại công sinh thành dưỡng dục. Từ góc độ xã hội, nó mang lại cho người già những sự chăm sóc tối thiểu và có tính vay-trả rất mực công bằng và hợp lý.
Cha mẹ nuôi ta khôn lớn và ta có bổn phận chăm sóc lại cha mẹ ta lúc các người già yếu, không còn khả năng làm việc. Đó là một khế ước xã hội được nâng lên hàng đạo lý. Qui ước xã hội ấy, đặc biệt cần cho những người già neo đơn, bệnh tật. Và đặc biệt cần thiết trong một xã hội nhân mãn và nghèo túng, khi những phúc lợi an sinh cho người già gần như không có.

Ba
Điều đáng ngạc nhiên là trong những xã hội duy tình và xem nhẹ phần lý trí, bổn phận của con cái với cha mẹ lại được nâng lên thành những qui chuẩn khắt khe về lý tính. Luật Đạo hiếu rất chi tiết mới được thông qua ở Trung Quốc là một ví dụ. Đạo luật này qui định những bổn phận rất cụ thể của con cái như thăm nom, chu cấp cho cha mẹ. Nó cũng xác lập những điều mà phận làm con không được làm với đấng sinh thành như cản trở kết hôn, ngược đãi hay bạo hành… Và như mọi luật pháp khác, cha mẹ có thể khởi kiện con cái nếu chúng vi phạm hay không chấp hành luật này.
Lượng hoá tình thương yêu cha mẹ và minh hoạ một cách cường điệu cũng là thông điệp mà Nhị thập tứ hiếu diễn ca muốn để lại cho hậu thế về đạo hiếu vốn rất giản dị. Đạo hiếu ấy, nhiều khi được khoa trương, phóng đại lên một cách dị hợm. Từ những đám ma linh đình, phô trương đủ loại cờ đèn, kèn trống. Từ hủ tục khóc mướn, thuê người kể lể lòng tiếc thương cha mẹ cho đến câu 
chuyện bi thảm của Quách Cự  trong Nhị thập tứ hiếu bớt phần cơm của con, thậm chí chôn sống con để nuôi mẹ già. Lòng hiếu đến mức cực đoan như vậy, liệu có đáng để nêu gương cho hậu thế? Nếu không gọi là biến thái của ngu trung ngu hiếu?

Bốn
“Đến lượt mình, Phúc bước ra, mở đầu bằng câu hỏi:
- Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không?
Ông bố đã trả lời thế này:
- Dạ thưa tôi có biết ông vì tôi đã trót đẻ ra ông!” …
Trích đoạn kinh khủng trên từ Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường không phải là chuyện hư cấu. Chuyện con cái đấu tố cha mẹ, bất hiếu đại nghịch như thế… đã từng xảy ra ở nông thôn miền Bắc. Cũng như đã là một phần đầy máu lệ của những trang sử thời Cách mạng văn hoá ở Trung quốc.
Mỉa mai thay, đấu cha tố mẹ lại là sản phẩm của một xã hội rất mực sùng kính Nhị thập tứ hiếu. Đã có thời, đấu tố cha mẹ mình được xem là hợp pháp, tiến bộ và là biểu hiện “ngời sáng” của đạo đức. Và như một qui luật "cùng tắc biến, biến tắc thông", xã hội đã từng rất mực vô đạo ấy lại đẻ ra những qui định rất cụ thể về đạo, về hiếu để răn dạy các công dân của mình.
Vô đạo nên cần có đạo để dẫn đường, âu đó cũng là lẽ tự nhiên. Dù rằng đạo hiếu mà qui thành luật, không ai phản bác nhưng nghe cứ “ngậm đắng nuốt cay thế nào”
Năm
Sự tận tuỵ của người con trai cụ V. là kết quả của một nền giáo dục nghiêm cẩn, một gia phong tốt đẹp qua nhiều thế hệ.  Nó là một cung cách sống, một hành xử đương nhiên và đứng trên hay đứng ngoài mọi qui định pháp luật. Ắt hẳn những thành viên của gia đình cụ V. khi nào cũng sẽ đối xử với nhau như thế, bất kể mọi thời thế đảo điên. Nhưng tôi thích cái cách mà nhà Watson bày tỏ tình yêu với nhau. Nó giản dị, dễ dàng, tự nhiên và vượt qua mọi rào cản lễ nghĩa nặng nề.  Tôi chắc rằng, gia đình Watson không hề được giáo dục về những tấm gương cụ thể như “Nhị thập tứ hiếu”. Truyền thống Thanh giáo của gia đình họ chỉ được căn dặn qua một giới răn ngắn ngủi: “Thảo kính cha mẹ!”. Căn bản đạo đức cộng với tình yêu làm nên chữ hiếu của gã Watson mà không cần bất cứ qui định cụ thể nào. Bà cụ Watson an hưởng tuổi già và tình yêu của con cháu mà không hả hê mãn nguyện với sự báo đáp mang tính trả ơn.
Cái tình yêu của nhà Watson, không phải áp đặt hay vì tuân thủ luật pháp mà có. Vì mọi tình yêu đích thực thì không màng đến các qui định.  Và vì qui định được đặt ra nhằm giới hạn những điều không được làm chứ không phải để xác lập những điều xuất phát từ trái tim. Hiểu theo cách đó, luật Đạo hiếu mới ban hành ở Trung quốc là đúng đắn, nếu như nó ngăn cấm con cái ngược đãi, bỏ rơi cha mẹ. Hay nói cách khác, nó cấm cản những điều mà phận làm con không được đối đãi với đấng sinh thành. Trong những xã hội mà nền an sinh cho người già gần như là số không thì những qui định này là cần thiết và là bảo chứng (trên giấy) cho một dân số già nua và theo đuổi chính sách một con.
Nhưng nói cho cùng, khi cái lòng thương yêu cha mẹ mà phải được (bị) luật hoá thì xã hội ấy đã vô cùng thiếu vắng tình thương và căn bản đạo đức đến tận cùng. Hiểu theo chiều kích ấy, 24 tấm gương đại hiếu theo kiểu Trung hoa đã là sự khoa trương, cường điệu để răn đe hơn là gieo hạt giống tình thương giữa cha mẹ, con cái. Luật Đạo hiếu cũng vậy. Nó chỉ cần cho những đứa con vô đạo, cho một xã hội vô đạo. Với một gia đình như nhà Watson thì nó là vô nghĩa, thậm chí hài hước.
Chúng ta muốn con cái yêu thương, chỉ vì thuộc tính căn bản của mọi tình yêu là chia sẻ tình yêu và được yêu chứ không phải đền bù theo kiểu “vay thì phải trả”. Dù con cái là hiếu tử hay đại nghịch, chúng ta vẫn luôn yêu thương chúng. Chỉ vì chúng là con cái của ta. Ta yêu thương chúng, nhìn chúng lớn lên khi ta mỗi ngày một già nua và đi dần về cõi chết. Ta ao ước đời chúng hạnh phúc hơn ta và mong mỏi chúng không phải vấp ngã như ta đã từng. Và vì “nước mắt chảy xuống” theo cách giản dị, vô điều kiện mà không cần “chảy lên” một cách gượng ép. Muôn đời vẫn thế!
Dùng luật pháp để làm nước mắt chảy ngược, chỉ có những xã hội vô đạo và đang mất đi nền tảng tối thiểu của tình yêu thương mới cần điều đó. Nhưng chắc các con cháu của anh cán bộ Phúc năm xưa thật sự cần luật pháp ấy. Để ngăn trở họ tái diễn những điều đại ác như anh Phúc đã làm với chính cha mình.
Khi được gieo trồng và nuôi dưỡng, tình thương sẽ đơm hoa kết trái. Và sự vô đạo cũng vậy!

Không có nhận xét nào: