Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

ĐI THĂM LÀNG HỒ, LÀNG ĐUÔI

ĐI THĂM LÀNG HỒ, LÀNG ĐUÔI

Nguyễn Văn Tới

Các cháu mồ côi người Thượng đi học về, Yá (Sơ) Lach, và chúng tôi.
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku. Kon là ngôi “Làng”, Tum là cái “Hồ”. Kontum nghĩa là Làng Hồ. Plei là ngôi “Làng”, Ku là cái Đuôi. Pleiku nghĩa là Làng Đuôi. Những người sống trong hai ngôi làng này được gọi là dân Làng Hồ và dân Làng Đuôi.
    Cuối năm 2022, tôi và vài người bạn có dịp về thăm lại chủng viện Thừa Sai Kontum, nơi chúng tôi trải qua một thời hoa niên êm đềm trong những năm trung học. Một ngôi nhà rộng lớn, hai tầng và một tầng hầm, có tuổi đời gần 100 năm, được xây dựng bằng gỗ và đất bùn trộn rơm với mái ngói đỏ thắm, lối kiến trúc pha lẫn nét Tây phương và dáng vẻ một ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng Bahnar. Chúng tôi đã sống, đã học hành trong ngôi trường đẹp đẽ thân yêu đó cho đến khi biến cố năm 1975 xảy ra.
    Đầu năm 2024, dịp may lại đến khi vợ chồng người bạn, cô NL và anh L có nhã ý muốn góp một ít tiền bạc của anh chị em trong gia đình họ để làm việc từ thiện và anh chị đã chọn Làng Hồ và Làng Đuôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau và NL sẽ thay mặt gia đình đi với chúng tôi về hai ngôi làng này để được tận mắt thấy những gì đang xảy ra nơi đây. Chúng tôi đi vào những buôn làng xa xôi, làng phong cùi và những nơi bị quên lãng, nơi mà ánh sáng văn minh không rọi tới, nơi mà những người bình thường như chúng ta ít khi hoặc chưa bao giờ nghe nói đến.
    Trước đây khi còn đi làm, tôi suy nghĩ rất đơn giản về việc làm từ thiện. Mỗi năm cứ gởi một số tiền cho KMF tức Kontum Missionary and Friendship (1), một hội đoàn mà tôi tin tưởng rồi phó mặc cho họ muốn làm gì thì làm. Nhiệm vụ của mình vậy là xong. Luơng tâm yên ổn và bình thản vì mình đã có chút gì đó đóng góp cho xã hội, cho người nghèo và cho người kém may mắn hơn mình. 
    Bây giờ, khi đích thân lặn lội đến tận nơi, mắt thấy, tay sờ, tôi mới cảm nhận được sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn mình. Chuyến đi này đã chuyển biến tâm hồn tôi từ một người cái gì cũng theo một lối mòn xưa cũ: ai làm gì, mình cũng làm theo cho có với người ta, cho xong bổn phận một người có đạo, một người có tấm lòng. 
    Chúng tôi được Yá (2) Lach, một Sơ người Thượng phụ trách nhà Mồ Côi Vinh Sơn ở làng Dak Ro Wa, trán đẫm mồ hôi vì đang cho heo ăn, Yá dẫn chúng tôi đi theo một lối mòn nhỏ trong khu rừng cao su của nhà nước. Yá nhìn đồng hồ tay và nói chắc các cháu cũng sắp đi học về. Chỉ vài phút sau, chúng tôi nhìn thấy một đàn trẻ em, hầu hết là bé gái, tuổi từ 7 đến 10, đang tung tăng bước trên con đường đất đầy bụi đỏ. Khi thấy chúng tôi, các cháu khoanh tay lại cúi chào và nói to “Chúng con xin kính chào chú, chào các cô”.
    Chúng tôi cũng chào lại và xoa đầu các cháu, chúng ôm lấy chúng tôi, tôi cảm nhận được vòng tay nhỏ bé đang khao khát một tình thương gia đình êm ấm; tôi ôm lấy đôi vai gầy guộc, ngón tay chạm được bờ vai xương xẩu của các cháu. Trái tim tôi nhói lên. Tôi bỗng thấy nao nao và ray rức cõi lòng. Tôi cố ngăn giọt lệ sắp chực chờ tuôn rơi. 
    Khi phát quà cho các cháu gái là những con búp bê đủ màu sắc, nhìn ánh mắt các cháu sáng lên niềm vui hạnh phúc và đôi bàn tay nhỏ bé của các cháu ôm lấy búp bê vào lòng mà chúng tôi không dằn được cảm xúc. Cô bạn NL tiến đến gần một em bé và hỏi sao con không mở gói quà, lấy búp bê ra chơi? Cháu rụt rè thưa: "Con sợ nó sẽ bị cũ đi".
 
blank
Các cháu gái vui mừng lần đầu tiên, tuổi thần tiên các cháu có được búp bê. Các cháu trai có đồ chơi xe hơi. Đa số các cháu mặc quần áo “si đa”, có cháu mang dép quá khổ, có cháu chân không dép. 
 
Đôi mắt các cháu, những đôi mắt đen trong trẻo chưa vương bụi đời, những đôi mắt thánh thiện chan hòa nắng ấm, những đôi mắt có cả màu xanh của rừng núi đại ngàn, thanh khiết mênh mông mà sao lại như ẩn khuất một nỗi buồn mênh mang. Tôi nhận ra đó là nỗi buồn của những đứa trẻ không cha không mẹ, nỗi buồn thiếu vắng một mái ấm gia đình. 
blankRau do các Yá và các cháu lớn tự trồng để cải thiện bữa ăn.
blank
Xe cải tiến để các cháu lớn chuyên chở lúa, rau, khoai tự trồng.                                             
blank
Các cháu lớn đi kiếm củi về.
 Sau này, tôi mới tìm hiểu tại sao các cháu mồ côi đa số là con gái mà lại ít con trai. Người Thượng theo chế độ Mẫu Hệ nên con gái được chú ý và được ưu tiên hơn con trai. Họ lại có hủ tục kỳ lạ như nếu người mẹ mới sinh con nhỏ, chẳng may mẹ bệnh chết, đứa con sẽ bị chôn theo người mẹ. Hội KMF là một tổ chức từ thiện của giáo hội Công Giáo thuộc địa phận Kontum. Các thiện nguyện viên của hội thường xuyên đi vào làng Thượng và hợp tác chặt chẽ với các linh mục coi xứ để giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi hay tin có trẻ phải bị chôn theo người mẹ, họ can thiệp và xin những đứa trẻ này về cho các Yá ở nhà Mồ Côi nuôi dưỡng.
    Năm 2022, tôi về lần đầu và đã vào làng Thượng thăm người bạn cùng lớp làm linh mục đang coi một giáo xứ Thượng rất nghèo. Tôi chứng kiến người Thượng đang bị đẩy lùi sâu vào rừng, không còn đất canh tác, không còn lúa bắp đủ ăn. Năm nay, tôi quyết định dành thêm thời gian đi vào sâu hơn trong rừng và đi nhiều nơi hơn, tôi mới thấy được họ sống cơ cực đến mức nào.
    Yá Lach kể một câu chuyện pha chút hài hước và bi thương. Không có đất trồng trọt lại thêm thiếu hiểu biết, gia đình kia có đến 18 đứa con, họ cứ “ăn rồi đẻ cho đến hết trứng thì thôi”. Đẻ xong, không nuôi nổi, họ đem cho các Yá đem về nuôi giùm. Cứ như vậy, các nhà mồ côi vừa nhận các cháu không cha mẹ và nhận cả các cháu mồ côi “tỵ nạn kinh tế”.
    Trong kinh 14 Mối đạo Công Giáo, có 7 Mối dạy về thương người mà trong đó có 3 Mối rất thực tế: thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ 2 cho kẻ khát uống, thứ 3 cho kẻ đói rách ăn mặc. Con người khi đói, cho họ ngắm nhà thờ xây cao to để làm chi? Chi bằng ta cho họ cái ăn, cái mặc, cái áo ấm khi mùa đông cao nguyên tràn về. Đó là những cử chỉ thiết thực nhất của một người biết san sẻ yêu thương.
    Bok Binh, người bạn linh mục đang coi xứ Kon Mahar tâm sự: bị chính phủ quên lãng, nếu muốn giúp họ, phải có kế hoạch lâu dài là cố gắng giúp người dân nâng cao nhận thức và thay đổi cách sống bằng cách giúp con em họ đi học mà đi học phải có nơi ăn ở, phải có thuốc men và rất nhiều nhu cầu khác. Nếu cha mẹ vui thì cho đi học, buồn thì cho con ở nhà ẵm em, đi rẫy hay đi lấy nước. Sau này, có kiến thức, các cháu sẽ trở về và phục vụ cho chính bản làng của mình chứ chúng ta không thể nào cứ cho họ con cá mãi được, phải giúp họ cái cần câu. 
LÀNG HỒ, KONTUM
Theo truyền thuyết về Làng Hồ thì ngày xa xưa lắm, con sông Dakbla là con sông chính chảy giữa, chia đôi hai ngôi làng Bahnar và làng J’rai, làng bahnar ở đầu nguồn và làng J’rai ở cuối nguồn.  Một chàng trai J’rai đem lòng yêu thương một cô gái Bahnar đầu nguồn, bên kia bờ. Thời gian này, hai làng đang có chiến tranh với nhau, hận thù ngút trời. Hai người yêu nhau say đắm như mối tình Romeo và Juliet cách đây vài thế kỷ ở phương Tây.
    Khi núi rừng khoác lên mình lớp áo mùa Thu vàng rực rỡ, khi mùa màng đã gặt hái xong, ánh trăng trải một màu vàng nhạt trên huyền ảo trên núi đồi, chàng trai bơi qua sông tìm đến với người mình yêu, cả hai cùng tận hưởng vị ngọt ngào và cả vị đắng của tình yêu, họ trao cho nhau biết bao lời thề hứa dưới sự chứng giám của Yàng và sự bao la, bàng bạc của hồn thiêng sông núi.  
    Khi quá tuyệt vọng vì biết mối tình của họ chắc chắn sẽ chẳng được buôn làng chấp nhận, họ lại hẹn nhau vào một đêm trăng sáng sẽ ra sông, nàng bên bờ này, chàng bên bờ kia, đúng vào lúc mây che mờ vầng trăng, sẽ cùng nhau tự sát bằng dao và cùng nhảy xuống sông để cùng được chết bên nhau, hy vọng sẽ hóa giải được mối thù hận giữa hai buôn làng.
    Dòng máu chàng trai J’rai ngược dòng nước, chảy về phía thượng nguồn tìm về nơi cô gái Bahnar ở. Dòng máu của nàng chảy xuôi dòng về phía ngôi làng của chàng trai. Đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, máu chàng quyện vào máu nàng rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn. Máu của hai người yêu nhau nhuộm đỏ nước sông Dakbla. Lạ thay, hai bên bờ sông trước đây thẳng tắp, nay bỗng biến thành quanh co, uốn khúc như minh chứng cho mối tình đau thương và trắc trở của cặp tình nhân .
    Ngày hôm sau, khi dân làng ra sông lấy nước, họ thấy nước sông đỏ ngầu mà nước lại chảy ngược dòng. Khi các trưởng làng hai bên bàn bạc với nhau và biết được uẩn khúc tình yêu của đôi trai gái, họ ngồi xuống bên ghè rượu Cần, cùng uống và cùng khóc với nhau, quyết định gạt bỏ quá khứ hận thù, kết nghĩa anh em. Từ đó, hai làng sống hòa thuận yêu thương trong hòa bình cho đến bây giờ nhưng dòng sông không bao giờ đổi dòng được nữa. 
    Ngày nay, du khách có dịp đến Kontum, xe chạy đến cầu sông Dakbla, trước khi vào thành phố, xin hãy ngừng xe, đứng bên thành cầu nhìn xuống dòng sông đỏ phù sa chảy ngược dòng, dành một phút để lòng tưởng nhớ và tìm về mối tình Romeo và Juliet của Làng Hồ và Làng Đuôi. 
Chú thích: Yá trong ngôn ngữ Bahnar nghĩa là Ma soeur. Bok nghĩa là Cha.

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

TIẾN SĨ BỬU NYGREN

 TIẾN SĨ BỬU NYGREN 

Tổng thống Navajo Nation 

(hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà)

Tiến sĩ Bửu Nygren, sinh ngày 25 Tháng Mười Hai, 1986 tại Blanding, Utah, đã làm nên lịch sử trở thành tổng thống thứ 10 của Navajo Nation, một vùng lãnh thổ tự trị của tộc người bản địa Mỹ châu.
Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 2022, nơi ông giành được 34,890 phiếu bầu, đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với người Navajo, thổ dân bản địa. Đánh bại đối thủ Nez-Abeyta, ông Nygren tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10 Tháng Giêng, 2023, ở tuổi 35, trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Navajo Nation, thông tin theo trang website vận động tranh cử joinbuu.com và Wikipedia.
Tiến Sĩ Bửu Nygren, tổng thống Navajo Nation. (Hình: joinbuu.com)
Đáng chú ý, xuất thân của Tiến Sĩ Bửu là sự pha trộn độc đáo giữa di sản Navajo và Việt Nam. Mẹ anh là người Navajo, còn bố anh là người miền Nam Việt Nam. Thuộc dòng tộc Táchiiʼnii, Nygren được thừa nhận là người Việt Nam vì cha anh không phải là người gốc Navajo.
Bản sắc của Tiến sĩ Bửu là sự kết hợp giữa ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ và chế độ phụ hệ của người Navajo. Sinh ra trong tộc Táchiiʼnii từ mẹ là người Navajo, ông được xem là “sinh ra cho” người Việt Nam, đại diện cho dòng dõi của cha mình. Mối liên hệ kép này đan xen một cách phức tạp bản sắc độc đáo của ông trong truyền thống đặt tên của người Navajo.
Giáo dục là nền tảng trong hành trình cuộc đời của Tổng Thống Bửu Nygren.
Tốt nghiệp trường trung học Red Mesa năm 2006, ông Bửu theo đuổi bằng Cử Nhân Khoa Học Về Quản Lý Xây Dựng tại đại học Arizona State University vào năm 2012, sau đó là Cao Học Quản Trị Kinh Doanh vào năm 2017. Ông Bửu lấy bằng Tiến Sĩ Giáo Dục Về Thay Đổi Tổ Chức Và Lãnh Đạo của trường đại học University of Southern California vào năm 2021.
Tiến Sĩ Bửu Nygren, tổng thống Navajo Nation, và phu nhân Jasmine Blackwater-Nygren, cựu dân biểu tiểu bang Arizona. (Hình: joinbuu.com)
Trước khi bước chân vào chính trường, Tiến Sĩ Bửu có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực quản lý xây dựng, giữ chức vụ giám đốc Thương mại của Cơ Quan Quản Lý Xây Dựng Và Kỹ Thuật Navajo (NECA). Kinh nghiệm làm việc đa dạng của ông Bửu, từ công nhân xây dựng đến quản lý dự án, phản ánh đạo đức làm việc mạnh mẽ được hình thành từ khi còn trẻ.
Trong cuộc vận động tranh cử đầy cảm hứng, ông Bửu thu hút được sự chú ý của quốc tế bằng cách phản đối việc đưa hài cốt của con người lên mặt trăng. Ông lập luận rằng mặt trăng là di sản chung của người Navajo và các bộ tộc bản địa khác, và việc gửi hài cốt của con người sẽ xúc phạm tài sản tinh thần của họ.
Thành hôn với bà Jasmine Blackwater Nygren, cựu dân biểu tiểu bang Arizona, Tiến Sĩ Bửu không chỉ là một nhà lãnh đạo mà còn là một người đàn ông của gia đình. Họ cư trú tại Red Mesa, Arizona, và có một con gái.
Navajo Nation, thường được gọi là Navajoland, là một khu bảo tồn tự trị rộng lớn của người Mỹ bản địa trải dài phía Đông Bắc Arizona, Tây Bắc New Mexico và Đông Nam Utah. Với trụ sở chính phủ ở Window Rock, Arizona, Navajo Nation có diện tích 17,544,500 mẫu Anh, khiến nơi đây trở thành vùng đất có diện tích lớn nhất do một bộ lạc người Mỹ bản địa nắm giữ ở Hoa Kỳ. Là nơi sinh sống của hơn 399,494 thành viên bộ lạc, đây là minh chứng cho sự kiên cường và sức mạnh của người Navajo. (MPL)

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

TRẦN HƯNG ĐẠO

TRẦN HƯNG ĐẠO

(Trích trong Wikipedia)


Trần Hưng Đạo (chữ Nho: 陳興道; 1228 – 1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn (chữ Nho: 陳國峻), tước hiệu Hưng Đạo đại vương (hay Hưng Đạo vương) , là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Sau khi qua đời dân gian đã suy tôn ông thành Đức Thánh Trần (德聖陳) hay còn gọi là Cửu Thiên Vũ Đế (九天武帝). Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là "Trần Hưng Đạo" thay cho cách gọi đầy đủ là "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn", vốn bao gồm tước hiệu được sắc phong cho ông. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.[1]

Là con của thân vương An sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, Trần Hưng Đạo có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần và vua Trần Nhân Tông gọi ông bằng bác. Năm 1257, ông được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên (sau khi Mông Cổ thống nhất Trung Hoa) đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và vua Trần Nhân Tông (lần lượt là em họ và cháu họ ông) phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đứng đội quân xâm lược do hoàng tử thứ chín Thoát Hoan. Sau những thất bại ban đầu, quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp,... đánh đuổi hoàn toàn quân Nguyên khỏi biên giới.

Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi tiếp tục được phong Quốc công tiết chế; Hưng Đạo vương khẳng định với vua Trần Nhân Tông: "Năm nay đánh giặc nhàn". Ông đã áp dụng thành công chiến thuật của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân nhà Nguyên do các tướng Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, buộc quân Nguyên lại phải rút về nước. Tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm "Đại vương" dù chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.

Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300. Trước lúc qua đời, ông khuyên Trần Anh Tông: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc".[2] Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm kinh điển như Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần đến ngày nay.

BA LẦN CHỐNG QUÂN NGUYÊN - MÔNG

LẦN THỨ NHẤT (1258)

Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín (âm lịch) năm Đinh Tỵ (1257), ông được giao trách nhiệm phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ xâm lược vào tháng 12 năm 1257. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9 (1257), (vua Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn".[11]

Tuy nhiên, các sử liệu của cả hai nước như Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyên sử, An Nam chí lược đều không đề cập chi tiết về vai trò của Hưng Đạo vương trong các trận đánh lớn của cuộc chiến. Các ngày 12-13 tháng 12 âm lịch năm 1257 (tức 17-18 tháng 1 năm 1258), quân Mông Cổ do đại tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangkhadai) chỉ huy đánh bại quân Đại Việt do vua Trần Thái Tông đích thân chỉ huy tại 2 trận Bình Lệ Nguyên và Phù Lỗ, buộc nhà vua rời bỏ kinh thành Thăng Long, lui về giữ sông Thiên Mạc. Quân Mông Cổ tiến vào Thăng Long nhưng lâm vào tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng, phải chia quân đi cướp phá các làng mạc xung quanh kinh thành và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân địa phương, khiến cho quân lực Mông Cổ rệu rã, bị cô lập hoàn toàn tại Thăng Long, đánh mất thế chủ động trước quân Trần.

Tận dụng lợi thế này, ngày 24 tháng 12 âm lịch năm 1257 (tức 28 tháng 1 năm 1258), thái sư Trần Thủ Độ và thượng tướng quân Lê Phụ Trần hộ giá vua Trần Thái Tông cùng thái tử 18 tuổi Trần Hoảng ngự lâu thuyền tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ, giải phóng Thăng Long. Chiến tranh kết thúc, vua Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Vua Thánh Tông phong cho em là Trần Quang Khải chức Thái úy, tước Đại vương. Trần Quốc Tuấn vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Theo quy chế nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ nơi hương ấp của mình, khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc lại về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả".

LẦN THỨ HAI (1285)

Năm 1279, đế quốc Mông Cổ tiêu diệt nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên, trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho nước Đại Việt ở phía bắc. Triều đình nhà Trần đã đề phòng, chuẩn bị kháng cự. Vua Trần Thánh Tông sai Trần Quốc Tuấn mở trường dạy võ nhằm đào tạo con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Ông thường đi khắp các lộ, kiểm soát các giảng võ đường địa phương, thu dụng nhiều nhân tài hào kiệt như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Đỗ Hành,...[12]

Đầu năm 1277, Trần Thánh Tông thân chinh thảo phạt các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình). Trần Quang Khải đi theo hộ giá. Ghế Tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn tới, tỏ ý định lấy ông làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời:

"Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".

Khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau.[13]

Sau đó, Trần Quốc Tuấn chủ động gạt bỏ hiềm khích với Trần Quang Khải vì việc nước. Một hôm, Trần Hưng Đạo từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Hưng Đạo thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Trần Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng tốt.[14]

Đầu năm 1281, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Sài Thung đem ngàn quân hộ tống nhóm Trần Di Ái về nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Sài Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Vua (Trần Nhân Tông) sai Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Thung nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Thung đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Thung cầm mũi tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Thung ra cửa tiễn ông..."[15]

Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng Mười (âm lịch) năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân. Ông chọn các quân hiệu tài giỏi, cho chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội. Tháng Tám (âm lịch) năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ Bình Than và các nơi hiểm yếu khác.[13]

Tháng 7 âm lịch năm 1284, nhà Nguyên sai Vân Nam vương Thoát Hoan, A Lý Hải Nha tập trung 50 vạn quân ở hành tỉnh Hồ Quảng, dự đinh sang năm xâm lược Đại Việt. Tháng 11 âm lịch năm 1284, vua Trần Nhân Tông sai Trần Phủ đi sứ sang hành tỉnh Hồ Quảng xin hoãn binh. Khi trở về, Trần Phủ báo tin Hốt Tất Liệt lấy danh nghĩa mượn đường đánh Chiêm Thành, mang đại quân tiến vào đất Việt. Đầu năm 1285, quân Nguyên ồ ạt hợp công từ 2 phía, Thoát Hoan vượt biên giới phía bắc của Đại Việt, còn Toa Đô đánh lên phía bắc, up hiếp vùng Thanh Hóa-Nghệ An. Hưng Đạo vương đốc quân đánh chặn ở biên giới nhưng thất bại, nhưng thế bật lợi hơn nên rút quân về Vạn Kiếp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Tuấn nhờ có người gia nô trung thành là Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng, đã rút lui an toàn. Sử chép rằng:[13]

"Trước đây, Hưng Đạo Vương có người nô là Dã Tượng và Yết Kiêu, đối xử rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng thì đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thủy quân tan cả. [Hưng Đạo] Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:"Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền".Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói:"Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi".Nói xong cho chèo thuyền đi, Kỵ binh giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang."

Thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp, quân Nguyên vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần đã đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn. Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Đại Việt nên rút lui. Toàn bộ quân Đại Việt rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ về Thăng Long.[16] Để bảo toàn lực lượng và thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), Trần Hưng Đạo ra lệnh rút quân.

Quân xâm lược vào Thăng Long rồi dẫn quân đuổi theo vua Trần xuống phủ Thiên Trường (vùng Nam Định). Trong tình cảnh nguy khốn, thượng hoàng Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi Hưng Đạo vương xem có nên hàng không. Ông khảng khái trả lời "Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng".[17]

Sau trận quân Đại Việt phản công quân Nguyên không thành và việc mặt trận Thanh-Nghệ bị tan vỡ (do sự phản bội của Trần Kiện), đại quân Việt lâm vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Trần Hưng Đạo đưa thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông rút về vùng bờ biển thuộc địa phận Quảng Ninh và Hải Phòng ngày nay, là nơi mà quân Nguyên chưa vươn tới. Trong hành trình rút lui, quân Đại Việt bị quân Nguyên đuổi gấp. Trước thế quân Nguyên Mông bức bách, ông đưa hai vua Trần ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên (sông Ba Chẽ, thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay), rồi sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn tránh địch. Lúc ấy, xa giá nhà vua đang phiêu giạt, lại còn mối hiềm cũ của Trần Liễu, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, bởi vậy hai vua Trần và mọi người khỏi nghi ngại.[18]

Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường Yên (Ninh Bình), ngày 7 tháng 4 năm 1285, Trần Hưng Đạo lại đưa 2 vua Trần cùng đại quân vượt biển vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị kìm kẹp của đối phương.[19] Hàng loạt tông thất nhà Trần ra hàng quân Nguyên như hoàng tử Trần Ích Tắc, các hoàng thân Trần Lộng, Trần Kiện.

Tháng 5 (dương lịch) năm ấy (1285), ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Đại Việt do Trần Hưng Đạo cùng Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy giành thắng lợi ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,... quân dân Đại Việt đã tiến vào Thăng Long, Thoát Hoan bỏ chạy. Trần Hưng Đạo và anh là Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại rút chạy về phía Bắc.[20] Quân Đại Việt do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (công tử Nghiễn) chỉ huy truy kích đến tận biên giới, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng mà chạy.[21] Trong cuộc chiến này, quân Đại Việt giết được tướng Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng.

LẦN THỨ BA (CUỐI NĂM 1287)

Tháng 3 âm lịch năm 1286, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích (Auruyvci), Bình chương sự Ô Mã Nhi (Omar) huy động 50 vạn quân, rồi sai hành tỉnh Hồ Quảng đóng 300 thuyền chiến, định đến tháng 8 hội quân ở Khâm Châu, Liêm Châu. Hốt Tất Liệt còn sai quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây chuẩn bị đánh Đại Việt, mượn danh nghĩa đưa phản thần nhà Trần là Trần Ích Tắc về làm An Nam Quốc vương. Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ. Nhà vua hỏi Hưng Đạo vương:[22]

"Thế giặc năm nay thế nào?".[22]

Trần Quốc Tuấn trả lời:[22]

“Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.”— Trần Quốc Tuấn

Vua Trần Nhân Tông cử Hưng Đạo vương thống lĩnh vương hầu luyện tập binh sĩ, sửa sang khí giới, đóng thuyền chiến. Tháng 2 âm lịch năm 1287, nhà Nguyên điều động quân Mông Cổ, quân Hán Nam (người Hán ở miền Nam Trung Quốc), quân 3 hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, quân Vân Nam, quân người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia làm nhiều cánh tràn vào Đại Việt. Vạn hộ Trương Văn Hổ dẫn quân thủy chở 70 vạn thạch lương theo sau. Hốt Tất Liệt còn lập Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đứng đầu; cơ quan này phải chịu sự sai khiến của Thoát Hoan. Các quan Đại Việt xin bắt tráng đinh sung quân để quân đội đông hơn, nhưng Hưng Đạo Vương không đồng ý:[22]

“Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?”— Trần Quốc Tuấn

Ngày 14 tháng 11 âm lịch 1287, Trịnh Xiển báo tin cánh quân Vân Nam của Nguyên đánh ải Phú Lương. Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo vương: "Năm nay đánh giặc thế nào?". Ông vẫn quả quyết: "Năm nay đánh giặc nhàn".[22] Lần này biết nhà Trần đã phòng bị ở Thanh - Nghệ, Thoát Hoan tiến thẳng vào từ phía bắc và đông bắc. Sau những cuộc đụng độ bất lợi ở biên giới, quân Đại Việt rút lui. Khác với lần trước, Trần Hưng Đạo không bỏ kinh đô mà tổ chức phòng thủ ngay tại Thăng Long. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên công thành, quân Đại Việt nấp trong thành bắn tên ra. Trần Quốc Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân Đại Việt thường ẩn nấp khó phát hiện ra.[23] Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng phải rút lui.

Trong khi đó, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chặn đánh và tiêu diệt ở Vân Đồn. Thoát Hoan rút khỏi Thăng Long về hành dinh ở Vạn Kiếp. Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng, trực tiếp tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288), bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần".[24]

TRẬN BẠCH ĐẰNG (1288)

Đây là trận đánh nổi bật nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, mang tính chất khẳng định cũng là lần cuối cùng quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt.

Thủy quân Nguyên vốn không biết về chu trình thủy triều của sông. Trước ngày diễn ra trận đánh quyết định này, ông đã đoán tuyến đường tháo chạy của địch và nhanh chóng cho quân cắm cọc gỗ vót nhọn ở đáy sông, tạo thành thế trận cọc ngầm độc đáo giống như thời các bậc danh tướng thời trước như Ngô Quyền, Lê Hoàn. Khi Ô Mã Nhi cho quân vào sông, nước còn lên cao che hết cọc gỗ, Hưng Đạo vương cử các tàu nhỏ ra đánh rồi giả vờ thua chạy. Quân Đại Việt vừa rút lui, vừa đánh trả. Khi nước xuống, toàn bộ thủy quân Nguyên bị mắc kẹt. Ngay lập tức, Hưng Đạo vương sai tướng Nguyễn Khoái dẫn quân Thánh dực phá tan quân Nguyên. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đưa đại quân tiếp chiến, quân Nguyên tử thương vô số, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: "nước sông do vậy đỏ ngầu cả". Cuối cùng, 400 thuyền quân Nguyên bị đốt cháy hết. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt 2 tướng Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc dâng lên vua Trần.[25]