THỀM XUÂN
Minh Nhã
THỀM XUÂN
Minh Nhã
ÔNG HÀ MAI ANH
Theo Fb Nguyễn Thị Bích Hậu
TỤC LỆ NGÀY TẾT
Phan Lục
Từ
ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết làm cho cái Tết trở nên có ý nghĩa và làm tăng
thêm niềm vui trong lúc Xuân về. Đối với người Việt chúng ta, ngày Tết Nguyên
đán là ngày trọng đại và cũng là nét văn hóa độc đáo. Tết Nguyên đán là một tục
lệ cổ truyền cao quý nhất của dân tộc ta. Ai cũng thiết tha với Tết, nhất là ở
vùng nông thôn, vì sau một năm làm việc cực nhọc thì đây là dịp để nghỉ ngơi.
Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến và bao nhiêu những điều xui xẻo,
không may mắn của năm cũ đều theo năm cũ mà biến mất. Bao nhiêu điều lo nghĩ được
gác lại một bên để đón Tết một cách trịnh trọng, vui Tết một cách nồng nhiệt.
Những người đi làm ăn xa, dù thu nhập thấp kém, cũng ráng dành dụm để về quê ăn
Tết. Vì thế, ờ nước ta hiện nay trước ngày Tết, các phương tiện giao thông công
cộng đều được tăng cường mà vẫn không thỏa mãn được nhu cầu. Tuy ngày nay, lễ tục
ngày Tết đã có phần đơn giản, ở nhiều nơi vẫn còn giữ lề thói cũ theo những
nghi lễ truyền thống.
Ngày
cuối tháng chạp âm lịch năm trước mới bắt đầu Tết nhưng người ta đã sửa soạn Tết
từ một tháng trước. Các chợ hoa, bánh trái, thực phẩm, quần áo và đồ trang trí
đã mở bán ở từng địa phương. Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá
dong hay lá chuối để nấu bánh chưng hay bánh tét. Người ta còn làm những hũ dưa
hành củ kiệu, làm các loại bánh mứt, mua sẵn gà vịt thả nuôi trong vườn để vỗ
béo, cả xóm rủ nhau mua heo về xẻ thịt chia nhau v.v… Bây giờ ở thành thị đã có
bán các loại bánh trái và các loại thịt nên khỏi phải lo sắm sớm như ngày xưa.
Người ta còn lo đi mua sắm những bộ áo quần, giày dép mới, đặc biệt cho trẻ
con. Người ta còn phải gởi thiệp chúc mừng hoặc mua quà biếu cho các bậc họ
hàng có vai vế trên, cho cấp chỉ huy, cho người ban ơn, cho thầy dạy, cho bạn
bè, cho thân tộc v.v… Cũng trong thời gian này, các cơ sở thương mại, các nhà
tiểu thủ công nghiệp… thường kết toán lời lỗ cuối năm và mở tiệc tất niên thết
đãi khách hàng và bạn bè. Nợ nần cũng lo thanh toán trước cuối năm vì con nợ sợ bị xui nếu để nợ 2 năm và chủ nợ
không dám đòi vì sợ con nợ kiêng cử. Các công sở, các trường học cũng tổ chức
tiệc tất niên để họp mặt chúc Tết và chia tay trước khi nghỉ Tết. Ngày 23 tháng
chạp âm lịch có lệ sắm áo mão, con cá chép (để ông Táo cỡi về Trời) bằng giấy
và lễ vật cúng đưa ông Táo về trời vì người ta tin rằng trong ngày ấy, Thần Táo
sẽ lên chầu Trời để báo cáo những điều thiện ác ở trần gian (Bây giờ toàn nấu bằng
bếp điện và bếp ga, không còn sợ ông Táo lên chầu Trời báo cáo chuyện nhà mình nên
các điều Ác đã xảy ra đầy rẫy ở khắp mọi nơi!!!).
Gần
đến ngày Tết, mọi nhà đều lau chùi, quét vôi lên tường, sơn phết và trang trí
nhà cửa cho có một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Con cháu phải lau
chùi đồ chưng trên bàn thờ tổ tiên, đánh bóng các bộ lư đèn bằng đồng và các
câu liễn đối …Bàn thờ tổ tiên được chưng bình hoa tươi và các dĩa trái cây. Các
con cháu, những người đã có gia đình riêng hoặc thuộc các chi nhánh thứ mua lễ
vật đến nhà nhánh trưởng hoặc nhà thờ Tộc để dâng cúng tổ tiên.
Chiều
ngày cuối tháng chạp âm lịch, sau khi đi tảo mộ về, mọi nhà đều sắm sửa mâm cỗ
cúng gia tiên gọi là lễ rước ông bà và sau đó, giữ nhang đèn sáng trong suốt những
ngày Tết vì người ta tin rằng những người đã khuất luôn hiện diện trên bàn thờ
trong những ngày này. Suốt trong những ngày này, mỗi ngày người ta đều dâng mâm
cỗ cúng tổ tiên. Trước kia, mỗi ngày dâng cúng đủ ba bữa nhưng ngày nay, có nhà
đã giảm bớt chỉ còn một bữa. Giữa khuya ngày chót tháng chạp âm lịch, người ta
làm lễ cúng giao thừa. Giao thừa nghĩa là “cũ giao lại, mới thừa tiếp lấy”. Lễ
giao thừa có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” nên được cử hành rất trịnh trọng từ
các tư gia đến các đình chùa. Cúng lễ cốt
ở tâm thành và cúng vào lúc nửa đêm nên có vẻ thần bí và trang nghiêm. Ngày xưa
vào giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ liên hồi truyền từ
nhà này đến nhà khác. Tại các tư gia, chủ
nhà lập bàn thờ ở giữa sân hoặc trước cửa nhà với một mâm lễ vật đơn giản gồm
có một con gà trống, bánh chưng hoặc bánh tét, hoa quả, trầu cau, trà rượu… và
nhang đèn. Trong đêm giao thừa không cúng gia tiên nữa vì đã cúng rước ông bà
lúc ban chiều rồi. Có người đi dự lễ cúng giao thừa tại các chùa chiền hoặc nhà
thờ. Sau lễ giao thừa, người ta thường
rước nhang và hái lộc rồi chọn giờ tốt và hướng tốt để xuất hành. Ra đi theo hướng
tốt bằng một lối và đi về bằng lối khác chứ không đi ngược hướng sợ gặp điều
không may trong năm. Trên đường xuất hành, người ta gặp nhau chào hỏi, nói cười
vui vẻ và chúc tụng lẫn nhau.
Bước
sang năm mới, người ta vui mừng vì có thêm được một tuổi: người già thì thêm tuổi
thọ, trẻ nhỏ thì thêm tuổi để thêm lớn. Bởi lẽ đó, người ta có lệ mừng tuổi vào
dịp Tết. Sáng mồng một Tết, các cụ già thường ngồi nhà chờ con cháu nội ngoại đến,
trước để dâng hương lên bàn thờ cúng lạy tổ tiên, sau để chúc mừng và gởi quà
biếu Tết cho các cụ và các cụ cũng chúc lại các con cháu những điều tốt đẹp.
Sau đó, trong những ngày Tết, người ta ăn mặc chỉnh tề rồi lần lượt đi chúc Tết
từng nhà của họ hàng nội ngoại gần xa, các bậc trưởng thượng, các bà con xóm giềng,
các bạn bè, các thầy dạy v.v… nên mới có câu: “mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”.
Đến mỗi nhà, người ta đều phải thắp nhang lễ bái bàn thờ rồi chúc tụng nhau và
ăn uống chuyện trò. Nhờ vậy mà tình thân tộc rất bền vững và biết nhau theo tôn
ti trật tự. Cũng vì thế mà Tết đến thật vui mà cũng thật mệt nhọc. Ngày nay,
người ta chúc Tết vì xã giao nhiều hơn chứ không cố chấp như ngày xưa nên lớp
trẻ rất hời hợt trong mối liên hệ thân tộc và bằng hữu!
Trước
kia, từ lúc giao thừa đến hết những ngày Tết thì pháo nổ vang khắp nơi, các nhà
thi nhau đốt pháo nên bọn trẻ rất thích và kéo nhau đi lượm pháo tịt ngòi về đốt
đì đùng. Trong xóm làng, người ta tổ chức những lễ hội tại đình làng hoặc tổ chức
những đêm văn nghệ ngoài trời để giúp vui. Và rải rác đó đây có những sòng bài
bầu cua cá cọp, xì dách, tứ sắc, tam cúc v.v… Đến chiều mồng 3 hoặc sáng mồng 4
âm lịch, tùy mỗi nhà, sẽ làm một mâm cỗ thịnh soạn để cúng tiễn đưa ông bà!
Trong ngày Tết còn có lệ xông nhà. Người ta
tin rằng đầu năm mới, người nào bước vào nhà mình trước nhất mà người đó có tính
nhanh nhẹn, dễ dãi thì năm đó, mình sẽ làm ăn phát đạt và gặp nhiều điều may mắn;
còn ngược lại thì sẽ gặp phải toàn những chuyện rủi ro như làm ăn thua lỗ, gặp
tai nạn v.v…Bởi vậy, sáng mồng một Tết không ai vội đến nhà ai vì sợ trong năm
đó, họ gặp rủi ro, xui xẻo thì sẽ đổ lỗi cho mình. Những người còn đang thọ
tang cũng kiêng cử không đi chúc Tết vì sợ sẽ đem tang tóc đến cho người khác.
Ngày
xưa, lễ Tết có khi kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch nên mới có câu: “Tháng
giêng là tháng ăn chơi…”. Sau Tết Nguyên đán, người ta còn làm lễ Động Thổ và
cúng Thổ Công để xin động đất bắt đầu một năm mới, làm lễ Khai Hạ tức là lễ hạ
nêu vì trước ngày Tết, người ta thường dựng cây nêu để trừ ma quỉ, làm lễ cúng
Thần Tài để cầu xin mua mau bán đắt, làm lễ cúng Thần Nông để cầu xin được mùa
trong năm và nghề nông được phát đạt v.v…
Ngày
nay, ở trong nước ta, việc tổ chức Tết vẫn còn rầm rộ nhưng so với trước thì đã
đơn giản rất nhiều. Cũng vẫn còn những người quá nghèo không có đủ miếng ăn
hàng ngày thì lấy gì mà vui Tết nên gần như họ không biết Tết là gì! Đặc biệt ở
hải ngoại, Tết Nguyên đán đến với chúng ta trong những ngày làm việc và lạnh lẽo
nhưng các tổ chức cộng đồng cũng cố gắng giữ tục lệ Tết và dành thời gian chung
vui với nhau, gặp nhau chúc tụng những lời tốt đẹp và cùng hướng về quê hương đất
tổ để tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những anh hùng dựng nước và giữ nước cũng
như cầu mong có ngày thanh bình cho quê hương xứ sở và no ấm cho toàn dân.
Mọi
người ở mọi nơi đều vui vẻ đón Xuân mới, xóa bỏ mọi tị hiềm, lòng chứa chan hy
vọng ở những sự may mắn mới. Ai ai cũng hân hoan nên hễ gặp nhau là “chúc mừng
năm mới” hoặc cầu cho nhau những điều tốt đẹp: PHƯỚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH.
TẾT
QUÊ NGƯỜI
Tết
nhứt gì đâu rõ chán phèo,
Không
nghe tiếng pháo, chẳng đèn treo,
Thiên
hạ đi làm trong sở hết,
Ngoài
ngõ trong nhà thấy vắng teo!
Bánh
chưng, bánh tét, thiếu mai vàng,
Hàng
xóm, bạn bè chẳng thấy sang
Chúc
nhau đôi tiếng trong ngày Tết
Cho
đỡ u buồn, đỡ xốn xang!
Nơi
đây ăn Tết, Tết quê người,
Lạnh
lẽo ngoài trời, có tuyết rơi!
Nhớ
về quê mẹ, buồn da diết,
Quê
người ăn Tết khó mà vui!
Biết
đến bao giờ mới trở về
Thăm
hết thị thành đến chốn quê
Trong
cảnh thanh bình, không áp bức.
Cảnh
ấy Xuân về, Tết đẹp ghê!
DANH VỌNG VÀ UY QUYỀN
Danh vọng và uy quyền không mang đến cho ta Hạnh phúc!
Tuổi xuân huy hoàng, tuổi già hiu quạnh - Cuộc đời của một chính trị gia khiến người ta nhận ra chân lý vĩnh hằng.
Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh quốc, cũng là một trong những chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử, được truyền thông gọi là “Người đàn bà thép” (Iron Lady) của nước Anh. Nhưng đằng sau hào quang chính trị, “người phụ nữ thép” ấy lại phải chịu đựng nỗi buồn vô tận của sự cô độc và bi ai.
Có sự nghiệp và tình yêu nhưng thất bại khi làm mẹ
Thatcher từng nói rằng trong thế hệ của bà, sẽ không có một người phụ nữ nào trở thành thủ tướng nhưng chính bà lại làm được điều ấy. Bà không chỉ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh, để chứng minh rằng phụ nữ có thể đặt chân lên bục vinh quang vốn thuộc về nam giới mà còn làm được điều mà nam giới không thể làm.
Thời trẻ, Thatcher học hành rất chăm chỉ, nhờ vào nghị lực và sự kiên trì bền bỉ, bà đã thi đậu vào trường đại học Oxford. Thatcher đã trở thành nữ ứng cử viên của Đảng Bảo Thủ ở tuổi 25. Vào thời điểm này, bà gặp Denis, một thương nhân giàu có đang điều hành tập đoàn của gia đình. Denis yêu Thatcher ngay từ cái nhìn đầu tiên, lúc ấy là một cô gái trẻ xinh đẹp và có đầu óc chính trị. Không lâu sau, hai người tiến đến hôn nhân; sau hai năm kết hôn họ sinh được đôi long phụng – một trai, một gái nhưng bà mẹ trẻ như Thatcher không có nhiều thời gian dành cho con cái. Khi cặp song sinh mới được hơn hai tuần tuổi, bà lập tức quay trở lại với sự nghiệp chính trị của mình. Lúc ấy, Denis luôn ở phía sau âm thầm ủng hộ vợ, Thatcher đạt được hạnh phúc viên mãn trong hôn nhân nhưng trong quan hệ với con cái, bà lại là một người mẹ thất bại.
Bà bận rộn với các hoạt động chính trị, bỏ bê việc giáo dục con cái, cuối cùng trở thành trường hợp “mẫu từ tử bại”, ý nói mẹ tài giỏi nhưng con thì thất bại.
Những năm cuối đời, Thatcher từng nói rằng: “Nếu thời gian có thể quay ngược lại, tôi tuyệt đối sẽ không bước chân vào đấu trường chính trị vì gia đình tôi đã phải trả giá quá đắt cho điều ấy”.
Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher
Bởi vì trong suốt sự nghiệp, Thatcher luôn bận rộn với các hoạt động chính trị nên đến mức không còn thời gian và tâm trí dành cho con cái. Quan hệ giữa bà với cô con gái Carol vô cùng lạnh nhạt; mặc dù cậu con trai Mark gần gũi hơn nhưng lại không cho bà được nở mày nở mặt. Cậu bé ham chơi, lười học, chẳng những thành tích học tập kém mà còn ỷ lại vào quyền thế của mẹ mà tỏ ra cao ngạo, thường “xưng vương xưng bá” trong những năm học đường. Sau khi trưởng thành, Mark tham gia cuộc đua xe Paris-Dakar Rally năm 1982. Sau đó, bị lạc nhiều ngày trong sa mạc Sahara. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tiếp nhận vị trí thủ tướng, Thatcher rơi nước mắt trước mặt công chúng. Bà đã phải thỉnh cầu chính phủ các nước giúp đỡ để giải cứu con trai. Sau khi được cứu, con trai của Thatcher lại tiêu phí một lượng rượu lớn trong khách sạn nhưng không chịu chi trả. Cậu cho rằng việc chính phủ giải quyết giúp mình là điều đương nhiên nên không ngừng tranh chấp với ban ngoại giao và các nhân viên khách sạn, cuối cùng cảnh sát phải đích thân can thiệp. Những năm sau đó, Mark lại mượn địa vị của mẹ và tiền tài của vợ mà không ngừng chơi bời, tham gia các hoạt động mạo hiểm, tiêu tiền tốn của. Khi tham gia vào cuộc đảo chính ở Guinea, cậu bị bắt ở Nam Phi và bị kết án 4 năm tù treo cùng với khoản tiền phạt khoảng 313.000 bảng Anh. Bà Thatcher cũng buộc phải cầm tiền đi Nam Phi để chuộc con trai về.
Những năm cuối cùng khiến người đời cảm thán mãi không thôi
Thủ tướng Thatcher từng nói rằng nhà là nơi mà bạn không cần phải làm bất cứ điều gì.
Trong ngày kỷ niệm 50 năm kết hôn, Thatcher bất ngờ đột quỵ và mất đi một phần ký ức. Hai năm sau, chồng bà qua đời; đó là cú sốc mạnh đối với Thatcher khiến trí nhớ của bà ngày càng kém hơn, bà thường nghĩ rằng ông vẫn còn sống trên đời. Nỗi đau mất chồng không hề thuyên giảm theo thời gian, có một lần tỉnh dậy giữa đêm khuya, bà đã khoác lên mình một bộ quần áo trang trọng rồi đi đến viếng mộ phần của ông.
Trong lễ sinh nhật lần thứ 77, Thatcher nhận được bốn tấm thiệp chúc mừng, bà bày chúng lên bàn và đăm chiêu ngắm nhìn. Lúc ấy, con trai bà sống ở Tây Ban Nha, con gái thì ở Thụy Sĩ, những đứa cháu đang ở Mỹ, tất cả những người thân yêu đều hiếm khi trở về thăm bà. Carol, con gái của Thatcher tâm sự: “Một người mẹ không thể mong đợi những đứa con đã trưởng thành của mình bỗng chốc trở nên vồn vã, nồng ấm – điều mà chúng không quen”. Đánh đổi cho những năm tháng huy hoàng trên vũ trường chính trị là một tuổi già cô đơn, hiu quạnh. Bà không thể hy vọng được vui hưởng tuổi già bên con cháu, thậm chí một mơ ước con cái sẽ trở về thăm nhà cũng là mơ ước quá xa vời. Đời người giống như một vòng quay tuần hoàn, khoảng thời gian không có người thân bên cạnh ai ai cũng từng trải qua, với Thatcher là những năm cuối đời trống trải, còn với các con của bà là một tuổi thơ thiếu vắng hình bóng mẹ.
“Người phụ nữ thép” Margaret Thatcher
Vào lễ đại thọ ba năm sau, có lẽ vì quá tưởng nhớ đến những ngày tháng nhộn nhịp trước kia nên bà đã tổ chức đại tiệc với 650 khách tham dự, ngay cả Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng tử Charles và Thủ tướng Tony Blair đều đến chúc thọ bà. Thatcher đã lấy lại phong thái năm xưa, vẫn là nụ cười tự tin như ngày nào nhưng đáng tiếc là tất cả chỉ giống như một ánh đèn loé lên trong phút chốc. Còn lại bên bà, vẫn là màn đêm tịch mịch và những căn phòng hoang vắng không một bóng người thân.
Ở tuổi xế chiều, nhà mới là nơi cuối cùng chúng ta trở về
Trong những năm tháng dài dằng dặc cùng với nỗi cô độc lúc cuối đời, Thatcher lại bị đột quỵ. Mọi thứ đối với bà đều trở thành thử thách, ngay đến xem báo cũng rất khó khăn, vừa đọc câu sau đã quên câu trước. Ở tuổi xế chiều, Thatcher phải chịu nỗi khổ về tinh thần, cơ thể cũng bị bệnh tật tàn phá lại còn phải chịu đựng sự lạnh nhạt và xa cách của con cái.
Trong phòng, bà đặt rất nhiều bức ảnh của chồng, con, và các cháu nhưng bên cạnh bà lại không có bất cứ người thân nào, làm bạn với bà mà chỉ có bác sĩ và y tá. Cho đến phút lâm chung, con trai, con gái cũng không có mặt kịp thời để lo lắng hậu sự cho bà.
Những năm cuối đời của Thatcher thật khiến người đời phải cảm thán nhưng làm sao trách được mệnh Trời? Ai ai cũng phải sống cho xã hội, cho thân nhân và cho chính mình. Những năm tháng son trẻ khiến con người ta chìm đắm trong sự nghiệp, trong danh vọng và hào quang của quyền lực. Nhưng khi ánh hào quang ấy qua đi, ta chỉ còn lại ta, chỉ còn lại cái thân xác đã hao mòn vì năm tháng. Vậy thì, đâu mới là cuộc sống đích thực của chúng ta? Là tuổi trẻ ước mơ hoài bão, là những năm tháng phồn hoa, là vinh quang tột đỉnh hay là một tinh thần thản đãng và bình yên?
Đám tang của bà Margaret Thatcher
Với cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, có lẽ bà là người thấu hiểu hơn ai hết rằng: Sự nghiệp có thể cho chúng ta danh tiếng, địa vị và cảm giác thành tựu. Nhưng đến lúc chúng ta cởi bỏ chiếc áo choàng danh vọng ấy, thì trong đêm khuya một mình thanh tĩnh cũng là lúc chúng ta hiểu rằng ai cũng sẽ dần dần già đi. Danh tiếng cuối cùng rồi cũng sẽ phai nhạt, cảm giác thành tựu rồi cũng dần tan biến. Tiền dẫu còn giữ lại được, thì khi già cả yếu ớt, cả núi vàng biển bạc cũng không thể mang lại hạnh phúc. Cuối cùng, chỉ có gia đình mới là nơi trở về, nơi cho ta nương tựa. Lúc bị thương, nhà là một chiếc ô che mưa chắn gió, lúc vui vẻ nhà là nơi hạnh phúc ấm áp đong đầy. Sự nghiệp không thể nào thay thế cho tình người, công danh cũng không thể thay thế cho một gia đình hạnh phúc. Đáng tiếc đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, rất nhiều tỷ phú và những chính trị gia quyền lực mới nhận ra điều này.
Mong rằng những ai đọc bài viết này sẽ hiểu được, tiền tài, danh tiếng chỉ là những thứ nhất thời, đều không thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc lâu dài, chỉ có gia đình mới là nơi chúng ta dựa dẫm cả đời, là nơi đáng tin cậy và là nơi cuối cùng chúng ta đi về.
Nguyện cho những ai đọc bài viết này đều cùng gia đình sống hòa thuận.
NĂM MỚI QUA ẢNH
Thế giới bước sang năm 2022 với các lễ đón Giao Thừa có quy mô nhỏ hơn
- Mimi Nguyen Ly
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thế giới đã chào đón năm 2022 bằng các sự kiện và các màn pháo hoa với số lượng người tham dự giảm mạnh, giữa sự lây lan của biến thể Omicron vốn dễ lây truyền hơn, mặc dù nhẹ hơn. Ở một số khu vực, các sự kiện đã được thu nhỏ quy mô hoặc bị hủy hoàn toàn.
Virus Trung Cộng, nguyên nhân gây bệnh COVID-19, đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người kể từ đầu năm 2020. Các chính phủ trên toàn cầu đã dùng virus Trung Cộng và các biến thể mới làm lý do để áp đặt các đợt phong tỏa và hạn chế đối với người dân, cũng như các quy định bắt buộc về khẩu trang và vaccine, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình rộng rãi của công chúng trong hai năm qua.
Pháo hoa Đêm Giao Thừa thắp sáng bầu trời trên Cầu Cảng và Nhà hát Opera mang tính biểu tượng của Sydney trong màn trình diễn pháo hoa vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: David Grey/AFP/Getty Images)
Úc đã chào đón năm mới với các màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa ngoạn mục trên Cầu Cảng và Nhà hát Opera của Sydney lúc 9 giờ tối và nửa đêm. Đêm Giao Thừa trong những năm trước đại dịch thường thu hút hơn một triệu người. Năm nay, đám đông đã trở nên ít hơn nhiều, với hầu hết các khu vực xem màn trình diễn đều có giới hạn về sức chứa và yêu cầu có vé để được vào.
Người dân New Zealand là một trong những dân tộc đầu tiên trên thế giới đón năm 2022 với một màn trình diễn ánh sáng ở Auckland. (Ảnh: Chụp màn hình từ video/Reuters)Nước láng giềng New Zealand không có màn bắn pháo hoa chính thức nào sau khi nhà chức trách hủy bỏ sự kiện này như một biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh đại dịch virus Trung Cộng, mặc dù chưa có báo cáo nào về sự lây lan của biến thể Omicron trong cộng đồng. Thay vào đó, Auckland đã tổ chức một màn trình diễn ánh sáng chiếu lên Tháp Sky của mình và các địa danh khác trong thành phố.
Trên khắp Trung Quốc, các thành phố đã hủy bỏ các lễ đón Giao Thừa. Các nhà chức trách cho rằng các biện pháp này là những nỗ lực nhằm giảm nguy cơ xuất hiện các ca nhiễm virus Trung Cộng mới. Các nhà chức trách cũng không khuyến khích người dân đi du lịch vào dịp Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Hai tới.
Người dân xuống phố đón mừng năm mới ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Getty Images)Trong Đêm Giao Thừa, chính quyền địa phương ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi virus Trung Cộng xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, đã cấm các sự kiện công cộng quy mô lớn ở các khu thương mại. Mặc dù không có các lễ hội, nhưng vẫn có thể thấy các đám đông lớn ở Vũ Hán trước Ngày Đầu Năm Mới.
Chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ một màn trình diễn ánh sáng thường niên dọc sông Hoàng Phố, thường thu hút hàng trăm ngàn khán giả [mỗi năm]. [Nhà chức trách cũng] không có kế hoạch nào cho các hoạt động lễ hội công cộng ở Bắc Kinh, nơi các ngôi đền nổi tiếng đã bị đóng cửa hoặc bị hạn chế ra vào kể từ giữa tháng 12.
Tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, chính quyền đã phong tỏa khoảng 13 triệu người được hơn một tuần, khiến một số cư dân không có thực phẩm phải kêu gọi sự giúp đỡ.
Pháo hoa được bắn trên các tòa nhà cao tầng để chào đón năm mới ở Hồng Kông, Trung Quốc, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)Hồng Kông đã tổ chức một buổi hòa nhạc trực tiếp ngoài trời, mặc dù chính quyền khuyến cáo người dân không tham dự. Khoảng 3,000 người đã đến buổi hòa nhạc, trong đó có sự góp mặt của những người nổi tiếng địa phương bao gồm Mirror, một nhóm nhạc nam địa phương. Buổi biểu diễn này đã đánh dấu sự kiện đón Giao Thừa đầu tiên kể từ năm 2018, sau khi các sự kiện bị hủy năm 2019 do biến động chính trị và năm 2020 do đại dịch. Pháo hoa đã được bắn trên Cảng Victoria, trong lúc một dàn nhạc sống biểu diễn.
Pháo hoa thắp sáng đường chân trời Đài Loan và tòa tháp Taipei 101 trong lễ đón Giao Thừa ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Gene Wang/Getty Images)Đài Loan đã tổ chức bắn pháo hoa trong tình trạng hầu như không có COVID trong dân số. Tòa cao ốc Taipei 101 là tâm điểm của đêm nay. Các nhà tổ chức đã mệnh danh tòa nhà này là “chiếc đồng hồ đếm ngược lớn nhất thế giới vào Đêm Giao Thừa” vì nó bật đèn từng tầng từng tầng một bắt đầu từ dưới lên khi thời khắc đếm ngược đến Năm Mới bước vào những giây phút cuối cùng.
Các màn bắn pháo hoa truyền thống đã bị hủy ở Kuala Lumpur, Malaysia, tại Tháp Petronas.
Thái Lan đã ăn mừng với những màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp ở Bangkok trên Sông Chao Phraya.
Pháo hoa được bắn trên Sông Chao Phraya trong lễ đón Năm Mới ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Wason Wanichakorn/AP Photo)Nam Hàn đã hủy bỏ lễ rung chuông thường niên mở cho công chúng vào Đêm Giao Thừa trong năm thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Thay vào đó, quốc gia này đã phát một đoạn video quay trước về nghi lễ rung chuông. Các nhà chức trách đã đóng cửa nhiều bãi biển và các địa điểm du lịch khác dọc theo bờ biển phía đông, những nơi thường tràn ngập người đến với hy vọng đón được ánh bình minh đầu tiên của năm.
Bắc Hàn vào Đêm Giao Thừa đã tổ chức bắn pháo hoa và một buổi hòa nhạc tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, gần Sông Taedong.
Người dân xem các nghệ sĩ tham gia một buổi biểu diễn mừng Năm Mới trên Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng vào tối 31/12/2021. (Ảnh: Kim Won Jin/AFP/Getty Images)Người dân tụ tập xem pháo hoa mừng Năm Mới trên Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Kim Won Jin/AFP/Getty Images)Tại Nhật Bản, sự kiện đếm ngược hàng năm tại giao lộ Shibuya mang tính biểu tượng ở Tokyo đã bị hủy bỏ. Các cuộc tụ họp của người dân tại cung điện hoàng gia ở Tokyo cũng bị hủy bỏ; thường thì cung điện này sẽ mở cửa vào đầu năm cho các đám đông lớn.
Một nhân viên bảo vệ giơ một tấm biển chỉ dẫn rằng không có sự kiện đếm ngược nào tại ngã tư Shibuya nổi tiếng, một địa điểm phổ biến cho việc tụ họp vào Đêm Giao Thừa, ở Tokyo khi mọi người tụ tập để chúc mừng năm mới vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Kiichiro Sato/AP Photo)Đây là năm thứ hai liên tiếp Nhật hoàng Naruhito phát một video trong Ngày Đầu Năm Mới để chúc mừng Năm Mới và cầu nguyện cho những người đã qua đời trong đại dịch.
Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako (bên trái), và con gái của họ, Công chúa Aiko, chụp ảnh trong một buổi chụp ảnh chân dung gia đình trước thềm Năm Mới, tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo vào ngày 21/12/2021. (Ảnh: Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản/AP)Tại Ấn Độ, hàng triệu người đã tổ chức ăn mừng tại nhà trong bối cảnh lệnh giới nghiêm và các hạn chế khác ngăn cản các lễ kỷ niệm công cộng lớn. Một số nơi đã không bị giới nghiêm, bao gồm cả các địa điểm thu hút khách du lịch Goa và Hyderabad. Một màn trình diễn ánh sáng đã được tổ chức tại Mumbai ở Bandra-Worli Sea Link.
Tại Nga, Moscow và các thành phố lớn khác đã đánh dấu năm mới bằng pháo hoa. Quảng trường Đỏ ở Moscow hầu như vắng bóng người vì phải đóng cửa từ 5 giờ chiều do các hạn chế COVID-19. Nhưng các trung tâm mua sắm thì tràn ngập những vị khách vội vã sắm sửa cho kỳ nghỉ.
Pháo hoa nổ trên bầu trời Điện Kremlin và nhà thờ St. Basil trong lễ đón Năm Mới ở Moscow, Nga, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Tatyana Makeyeva/Reuters)Người dân đón mừng Năm Mới trên đường Nikolskaya gần Quảng trường Đỏ trống trải do các hạn chế đại dịch trong lễ đón Năm Mới ở Moscow, Nga, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko Jr/AP Photo)Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc người Nga có những thay đổi tích cực trong năm mới, trong một bài diễn văn được phát sóng trên truyền hình ngay trước nửa đêm theo mỗi múi giờ trong 11 múi giờ của Nga. “Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ chân thành tới tất cả những ai đã mất đi những người thân yêu của mình,” ông Putin cũng nói.
Tại Ukraine, đám đông đã ăn mừng trước Nhà thờ Saint Sofia ở Kyiv.
Đám đông đón Năm Mới quanh cây thông Noel với nền là Nhà thờ St. Sofia ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Efrem Lukatsky/Ảnh AP)Tại Dubai, du khách và người dân địa phương đã được mãn nhãn với một màn trình diễn pháo hoa tại tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới – Burj Khalifa.
Pháo hoa được bắn từ Burj Khalifa ở tiểu vương quốc Vịnh Dubai, vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Stringer/AFP/Getty Images)Không có pháo hoa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người dân đã tập trung chật cứng tại Quảng trường Taksim của Istanbul trước thềm năm mới, Daily Sabah đưa tin.
Thành phố Cape Town ở Nam Phi đã bất ngờ dỡ bỏ một lệnh giới nghiêm được ban hành đã lâu vào dịp Năm Mới – một thời gian ngắn sau khi Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố làn sóng Omicron của họ đã qua đỉnh điểm.
Tại Hoa Kỳ, giới chức đã tiến hành một cách tiếp cận hỗn hợp: cấm khán giả tại một buổi hòa nhạc đếm ngược ở Los Angeles, thu nhỏ sự kiện ở New York nhưng lại đi hết tốc lực ở Las Vegas, nơi dự kiến sẽ có 300,000 người tham dự một màn trình diễn pháo hoa trên dải đất này.
Hoa giấy bay trong không trung tại Quảng trường Thời Đại để đánh dấu Năm Mới ở Thành phố New York vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP/Getty Images)Tại New York, các quan chức đã giới hạn đám đông ở mức 15,000 người so với sức chứa thông thường là 55,000 người bên trong chu vi xung quanh Quảng trường Thời Đại. Những người tham dự phải là người đã chích ngừa và đeo khẩu trang. Nhưng dù sao thì sự kiện này vẫn đánh dấu một bước tiến đáng kể so với lượng khán giả vài chục người của năm ngoái.
Một cặp đôi hôn nhau khi họ chào đón Năm mới tại Quảng trường Thời Đại ở Thành phố New York vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP/Getty Images)Thị trưởng sắp mãn nhiệm Bill de Blasio cho biết mọi người cần thấy rằng New York mở cửa cho hoạt động kinh doanh. Ông Eric Adams đã tuyên thệ nhậm chức với tư cách là thị trưởng mới ngay sau lễ hạ quả cầu pha lê.
Trong khi đó, ở Canada, hàng triệu người đã phải đối mặt với lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng ở Quebec và phải về nhà trước nửa đêm trong Đêm Giao Thừa. Thủ tướng Francois Legault đã nói trong một cuộc họp báo hôm 30/12 rằng, “Đây là một biện pháp cực đoan để thực hiện bởi vì tình hình đang nghiêm trọng.” Ông cho biết thêm rằng các khu vực dùng bữa trong nhà tại các nhà hàng cũng sẽ bị đóng cửa, và các cuộc tụ họp riêng tư sẽ bị cấm.
Một người đàn ông ăn mừng khi năm mới bắt đầu, trên nền pháo hoa nổ tại bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Bruna Prado/AP Photo)Tại Brazil, bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro đã chào đón một đám đông nhỏ vài ngàn người trong 16 phút bắn pháo hoa. Lễ đón năm mới của Rio thường thu hút hơn 2 triệu người đến bãi biển Copacabana. Năm 2020 không có hoạt động vui chơi nào do đại dịch. Năm nay có âm nhạc phát trên loa, nhưng không có biểu diễn hòa nhạc trực tiếp như những lần trước.
Một màn trình diễn ánh sáng đánh dấu Năm Mới được nhìn thấy trên Nhà thờ St. Paul ở London, Anh, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Toby Melville/Reuters)Tại Anh Quốc, London đã tổ chức ăn mừng thời khắc cuối [của năm] trên truyền hình. Những hình ảnh của BBC về pháo hoa cho thấy lưu lượng giao thông rất nhẹ và hầu như không có khán giả trực tiếp. Một màn trình diễn ánh sáng rực rỡ ở London có sự góp mặt của Sông Thames, tòa nhà The Shard, Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia Cổ Greenwich, và Nhà thờ St. Paul, Daily Mail đưa tin.
Pháo hoa và một màn trình diễn ánh sáng bằng phương tiện bay không người lái được nhìn thấy tại Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia Cổ ở Greenwich để chào đón Năm Mới ở London, Anh, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Rob Pinney/Getty Images)Hồi tháng Mười, chính phủ London đã hủy bỏ chương trình pháo hoa và một màn trình diễn ánh sáng cho Đêm Giao Thừa, nhưng thông báo rằng cảnh tượng sẽ trở nên sống động trên màn hình tivi, khi Big Ben vang lên vào Năm Mới, lần đầu tiên kể từ năm 2017 sau khi được trùng tu.
Còn Hy Lạp thì đón mừng năm mới với màn bắn pháo hoa trên Acropolis của Athens.
Pháo hoa nổ trên thành cổ Acropolis ở Athens trong lễ đón Giao Thừa vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Louisa Gouliamaki/AFP/Getty Images)Tại Hà Lan, nơi cấm các nhóm hơn bốn người tụ tập ngoài trời, cảnh sát đã giải tán hàng ngàn người vẫn tụ tập tại Quảng trường Dam, trung tâm của Amsterdam, hãng thông tấn ANP đưa tin.
Các quan chức ở Paris, Pháp, đã hủy bỏ chương trình bắn pháo hoa theo lời khuyên của một hội đồng khoa học tuyên bố rằng các cuộc tụ tập đông người sẽ quá rủi ro. Các quan chức cũng đã một lần nữa áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Mặc dù chương trình pháo hoa đã bị hủy bỏ, nhưng đám đông vẫn tụ tập tại Đại lộ Champs-Elysées khi những giờ cuối cùng của năm 2021 trôi qua.
Người dân đón Giao Thừa trên Đại lộ Champs Elysees, ở Paris, vào ngày 31/12/2021. (Ảnh: Thibault Camus/AP Photo)Tại Berlin, Đức, cảnh sát đã khuyến cáo người dân không tụ tập gần Cổng Brandenburg, nơi tổ chức một buổi hòa nhạc và trình diễn ánh sáng mà không có khán giả trực tiếp.
Trong khi đó, ở Madrid, Tây Ban Nha, chính phủ chỉ cho phép 7,000 người vào quảng trường trung tâm Puerta del Sol của thành phố, nơi thường có khoảng 20,000 người đến vui chơi.
Người dân ăn mừng trong lễ đón Năm mới tại Quảng trường Puerta del Sol ở trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha, vào ngày 01/01/2022. (Ảnh: Manu Fernandez/AP Photo)Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại mimi.nl@epochtimes.com.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Quả cầu Đêm Giao Thừa được thả xuống để đánh dấu sự khởi đầu của năm mới ở Thành phố New York hôm 01/01/2022. (Ảnh: David Dee Delgado/Getty Images)