LỊCH SỬ HAI BÀ TRƯNG
Nguồn : Page Phóng Viên Chiến Trường
Trong lịch sử thế giới, hiện tương người phụ nữ cầm quân đuổi giặc ngoại xâm rồi lên ngôi xưng vương rất hiếm thấy. Lịch sử Việt Nam rất tự hào có người như vậy, đó là Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng là tên gọi chung cho hai chị em: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Hai Bà là con gái của Lạc tướng ở huyện Mê Linh, Châu Phong (nay thuộc phần đất của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần vùng ngoại thành Hà Nội). Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên (thuộc một phần đất của tỉnh Hà Tây và tỉnh Hà Nam). Tháng 2, năm Canh Tý (40), các Lạc tướng nổi lên chống lại sự cai trị của Thái thú Tô Định. Cuộc chống đối bị thất bại và Tô Định bắt, Thi Sách đem đi giết.Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị tiếp nối sự chống trả giặc thù của chồng. Cùng năm ấy (40), Hai Bà tập hợp nhân dân, tự cầm binh cỡi voi tấn công giặc Hán, đuổi Tô Định chạy về nước. Hai Bà lấy được 65 thành, lên ngôi vua tự xưng là Trưng Nữ Vương.
Năm Nhâm Dần (42), quân Hán là Mã Viện đem binh sang xâm lược nước ta. Do thế giặc quá mạnh, Hai Bà Trưng cầm cự đến năm 43 thì thua trận. Theo truyền thuyết, Hai Bà chạy đến sông Hát (Hát Môn, Hà Tây) tự vẫn để bảo tồn khí tiết, không để lọt vào tay giặc. Có sách viết, Hai Bà bị giặc bắt và đem xử trảm (?).
Nhân dân Việt Nam nhớ ơn, lập đến thờ Hai Bà ở Mê Linh và Hà Nội. Trưng Trắc và Trưng Nhị được nhân dân kính cẩn gọi chung là Hai Bà Trưng, với chữ Hai Bà được trân trọng viết hoa. Tên gọi Hai Bà Trưng được đặt cho hầu hết các con đường trong khắp tỉnh thành của Việt Nam. Nhiều trường học cũng mang tên Hai Bà Trưng.
Ngày 6 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Hai Bà Trưng. Trước năm 1975, ở miền Nam gọi ngày giỗ Hai Bà Trưng là ngày Phụ nữ Việt Nam.
Hằng năm, đô thành Saigon chọn ra một nữ sinh trường Trung học Trưng Vương và một nữ sinh trường Trung học Gia Long để vinh dự đóng vai Hai Bà Trưng trong buổi diễn hành kỷ niệm ngày Phụ nữ và vinh danh chiến công Hai Bà.
BÀ TRƯNG
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã đến gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là bá vương.
Uy thanh động đến Bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi mà chống anh hùng được nao
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị em thất thế cùng liều với sông
Phục Ba mới dựng cột đồng
Ải quan truyền đến biên công cõi ngoài
Trưng Vương vắng mặt còn ai
Đi về thay đổi mặc người Hán quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét