Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

THÀNH NGỮ VIỆT NAM

THÀNH NGỮ VIỆT NAM

Phan Lục

            Trong kho tàng văn học Việt Nam có những thể loại như dân ca, cách ngôn, ngạn ngữ, ca dao, tục ngữ, đặc ngữ, thành ngữ v.v… là những câu, những ý hoặc những lời nói ngắn gọn được lưu truyền trong dân gian rất lâu ngày quen miệng để trở thành những mảng văn học.

            Thành ngữ là tập hợp những từ cố định quen dùng, có nghĩa, gọi tên sự vật, hiện tượng, tính chất, hành động v.v… mà thường không thể suy ra từ nghĩa của từng từ riêng biệt. Trong mọi thứ tiếng của các nước trên thế giới cũng đều có thành ngữ mà ta thường không thể cắt nghĩa riêng từng từ được. Ví dụ, trong tiếng Anh có thành ngữ “buckle down” nghĩa là “dùng nhiều sức lực hơn” chứ không phải là “hãy mở khóa ra” trái nghĩa với “buclkle up’ là “hãy thắt chặt khóa lại”. Trong tiếng Việt có thành ngữ “chó cậy gần nhà” nghĩa là “ỷ thế, nhờ cậy vào thế thuận lợi mà tỏ ra hung hăng, dọa nạt, bắt chẹt hay làm tình, làm tội người khác” chứ không có ý gọi ai đó là “chó”. Hoặc thành ngữ “gái đĩ già mồm” nghĩa là “đã sai rành rành mà còn to tiếng cãi vã, chửi rủa ầm ĩ để lấp liếm” chứ không có ý mạt sát “mày là con đĩ” v.v…

            Vì vậy, khi đọc tiếng Việt cũng như khi dạy con cháu chúng ta học tiếng Việt thì cần phải tra cứu để hiểu rõ nghĩa của các từ ngữ Hán-Việt, nhất là các thành ngữ, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Là người Việt, bất cứ định cư ở nơi nào, ta cũng cần phải nói và hiểu tiếng Việt một cách chính xác để lưu truyền cho con cháu chúng ta gìn giữ tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.

            Sau đây, xin nêu định nghĩa của một số ít thành ngữ tiếng Việt (khác nhau từng địa phương):

            Ác báo ác lai: Làm điều ác cho người thì điều ác ấy sẽ đến với mình.

            Bã chà bợt chợt: Có lời nói, cử chỉ lẳng lơ.

            Cá mè một lứa: Đồng loạt, cùng một giuộc với nhau cả, coi ngang hàng nhau, không phân biệt đối xử cho hợp lẽ.

            Cả vú lấp miệng em: Dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át người khác.

            Cha chung không ai khóc: Những việc chung liên quan đến nhiều người mà không có người nào chịu trách nhiệm chính nên thường bị bỏ mặc, bê trễ, không ai lo liệu.

            Chó cùng dứt giậu: Liều lĩnh, làm xằng bậy một cách thiếu cân nhắc, tính toán do bị đẩy vào bước đường cùng.

            Chó nhảy bàn độc: Bất tài, dốt nát, thiếu năng lực, kém cỏi nhưng gặp cơ hội nên chiếm được địa vị cao sang rồi cứ bám mãi,

            Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng: Chưa chi đã vội hợm hĩnh, lên mặt với người khác.

            Chưa học bò đã lo học chạy: Hấp tấp làm những việc quá khả năng nên khó bề thực hiện được.

            Đội váy nát mẹ: Hợm hĩnh, tinh ranh, ra vẻ ta đây để lòe bịp, dọa dẫm người từng trải và hiểu biết hơn mình.

            Gieo gió gặt bão: Gây ra điều ác thì phải chuốc lấy hậu quả to lớn của hành động độc ác ấy.

            Khẩu tâm bất nhất: Nói lời tốt đẹp nhưng nghĩ và làm những việc xấu xa, vô đạo đức.

            Miệng quan trôn trẻ: Tùy tiện, đúng sai bất chấp, thường hay tráo trở không đáng tin cậy trong lời nói của bọn có quyền thế.

            Mồm loa mép giải: Lắm lời, đanh đá, nói lấy được bất chấp đúng sai.

            Nát giỏ còn tre: Dù mất mát nhưng vẫn còn vốn liếng, còn khắc phục được.

            Nát đá phai vàng: Không giữ được lòng chung thủy và phản lại tình cảm đã có.

            Ngậm máu phun người: Đặt điều gièm pha, vu khống một cách độc ác, đê tiện nhằm làm hại, gieo tai vạ cho người khác.

            Ngư long biến hóa: Đỗ đạt, thành đạt trong học hành, thi cử.

            Ngư thủy duyên hài: Hợp nhau, dễ gắn bó với nhau, dễ nên duyên vợ chồng.

            Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: Những kẻ xấu tìm đến với nhau để thực hiện những mưu đồ xấu xa, đồi bại của chúng.

            Quân sư quạt mo: Người bày mưu kế, mách nước tồi, kém.

            Quấy hôi bôi nhọ: Làm những việc không hay, không tốt gây tiếng xấu.

            Râu ông nọ cắm cằm bà kia: Chắp vá, lẫn lộn một cách tùy tiện nên trở thành khập khiễng không ăn khớp, không phù hợp với nhau.

            Sông sâu sóng cả: Khó khăn, gian truân, nguy hiểm phải trải qua.

            Sống chết mặc bay: Thái độ ích kỷ, thờ ơ, vô trách nhiệm, bỏ mặc, không để ý, không quan tâm đến ai, chỉ lo cho riêng mình.

            Sờ chẳng ra, rà chẳng thấy: Túng thiếu quá đến mức chẳng có tí gì hoặc chẳng biết lần tìm ở đâu để mà sống.

            Sủa càn cắn bậy: Nói năng xằng bậy, linh tinh, bạ đâu nói đó, thiếu đắn đo suy nghĩ, thiếu đứng đắn.

            Sứa vượt qua đăng: Làm một việc vượt quá khả năng của mình.

            Sưng mày sưng mặt: Có vẻ bực bội, tức giận, tỏ ra bất đắc dĩ phải chấp nhận làm một việc gì.

            Tép lặn tép lội: Lắm mồm, hay nói điêu ngoa.

            Tiền có đồng, cá có con: Rõ ràng, minh bạch, không mập mờ được.

            Thần hồn nát thần tính: Hoảng sợ, tự huyễn hoặc, gây cho mình nỗi sợ hãi do non gan, yếu bóng vía, không tự chủ được mình.

            Thế thần bịch thóc: Nhờ có của cải mà tỏ rõ uy lực, quyền thế.

            Tránh hùm mắc hổ: Rủi ro, không thoát khỏi tai họa.

            Trâu lấm vẩy càn: Người có khuyết điểm, có tội lỗi mà cứ đổ vấy cho người khác.

            Trên đe dưới búa: Ở vào tình thế bị kìm kẹp, thúc ép từ nhiều phía, khó bề đối xử và giải quyết cho hợp lý.

            Trên răng dưới dái: Trắng tay, nghèo khổ, không còn chút của cải, tài sản hoặc chức vụ nào.

            Trơ như mặt thớt: Trơ lì, không biết hổ thẹn khi làm điều sai trái dù bị chống đối.

            Trơ tráo như gáo múc dầu: Trơ lì, ngang ngược, không biết hổ thẹn.

            Vắng như chùa bà Đanh: Trở nên vắng lặng, ít người đến, gây nên cảnh u buồn (ở nơi mà trước kia có người hay lui tới).

            Vào trong mắc đó, ra ngoài mắc đăng: Ở vào thế bị kẹt, bí bách, không có lối thoát.      

            Vắt nước không lọt tay: Keo kiệt, giữ từng chút một, không hề mất cho ai cái gì.

            Xôi hỏng bỏng không: Mất tất cả, mất trắng, không được cái gì.

            Trên đây chỉ đơn cử một ít thành ngữ tiếng Việt trên muôn ngàn lời nói trong văn học dân gian. Qua các định nghĩa, ta thấy các thành ngữ cũng thật khó hiểu nếu không tra cứu kỹ mà chỉ nhìn vào nghĩa đen của từng từ thì sẽ có sự hiểu lầm rất tai hại. Ta có thể dùng một thành ngữ làm đề tài cho một bài học để dạy con cháu chúng ta không những về cách dùng tiếng Việt chính xác mà còn về đạo lý làm người nữa.

Không có nhận xét nào: