Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

LUẬN BÀN CHỮ NGHĨA TIẾNG VIỆT

LUẬN BÀN CHỮ NGHĨA TIẾNG VIỆT

                        

Là người Việt, chúng ta cần phải nói và viết tiếng Việt cho chính xác. Hiện nay có nhan nhản những chữ dùng sai và những lỗi in sai trên các sách báo và trong các buổi phát thanh ở quốc nội cũng như quốc ngoại, tôi thật sự lo lắng tiếng Việt sẽ dần dần mất đi sự chuẩn xác vì chiều hướng sử dụng sai từ ngữ hoặc viết sai chính tả. Thật buồn là một bộ phận giới trẻ chỉ mải mê vào các cuộc giải trí mang tính công nghệ (chat, game online…) mà quên không chịu đọc (hoặc không thích đọc) sách báo nói chung. Phải chịu đọc nhiều, tham gia giao tiếp xã hội, chịu học hỏi thì chúng ta mới hình thành một khả năng ngôn ngữ ổn định, có khả năng trau dồi sự diễn đạt ngôn ngữ của mình và có thể đánh giá được sự đúng sai. Thậm chí ngay trong bài viết này, nhiều người đã không thèm quan tâm (hoặc cho là tôi nói sai) rồi vẫn cứ tiếp tục dùng chữ không chính xác theo ý nghĩ chủ quan của mình.

Tiếng Việt chúng ta phần lớn gồm những tiếng Hán-Việt nên nếu không thông hiểu ngữ nghĩa thì rất dễ sử dụng sai, nhất là đối với các từ cùng âm khác nghĩa. Lúc đầu chỉ có một số người dùng sai, sau đó nhiều người bắt chước dùng theo rồi dùng mãi nghe quen tai nên cứ tưởng là đúng. Tôi thấy nhiều người kể cả một số nhà văn, nhà báo, đều sử dụng một số từ ngữ tiếng Việt không chính xác như sau:

Cặp đôi: Cặp có nghĩa là hai vật hoặc hai cá thể đi đôi với nhau. Đôi có nghĩa là hai vật hay hai cá thể. Người ta nói “đôi vợ chồng” hoặc “cặp vợ chồng”, “đôi tình nhân” hoặc “cặp tình nhân”, “ đôi trai gái” hoặc “cặp trai gái” v.v… Không biết có phải người ta có ý muốn nhấn mạnh hay sao chứ riêng tôi thấy dùng từ ngữ “cặp đôi” (2+2=4) để diễn tả 2 cá thể thì nghe không hợp lý. Mới đây có người dùng từ ngữ “bộ đôi” diễn tả trường hợp này, tôi thấy có vẻ chính xác!

Có ngoại hình: “Ngoại hình” nghĩa là hình thức bên ngoài thì ai cũng có, chỉ khác nhau là đẹp hay xấu thôi! Thế mà có nhiều nơi rao tuyển nữ thư ký hoặc nữ tiếp viên đều nêu “cần tuyển nữ thư ký (hoặc nữ tiếp viên) có ngoại hình” nghĩa là thế nào?

Công hàm độc thân: “Công hàm” là một văn thư chính thức của một chính phủ gởi cho một chính phủ khác như công hàm ngoại giao (diplomatic note) là văn thư trao đổi giữa hai Bộ Ngoại giao của hai chính phủ. Còn cái “giấy chứng nhận chưa kết hôn” do chính quyền địa phương cấp mà người nào đó đã gọi là “công hàm độc thân” rồi các cơ sở dịch vụ di trú bắt chước gọi theo, gọi hoài nghe quen tai cứ tưởng là đúng. Hai chính phủ đâu có trao đổi gì qua cái giấy này!

Chất lượng: Người ta thường đánh giá một sự vật về hai phương diện: số lượng (quantity) và phẩm chất (quality). Bây giờ, người ta thường dùng “chất lượng” để thay thế cho “phẩm chất” là không đúng vì “lượng” có nghĩa là mức độ ít nhiều có thể xác định được, là số nhiều ít chứ không phải là phẩm tính; còn “phẩm chất” là trạng thái trừu tượng không thể tính bằng “lượng” được.

Chuẩn đoán: “Chuẩn đoán” không có nghĩa. Đúng ra là “chẩn đoán” có nghĩa là xem xét để suy đoán bệnh tình (chẩn = nhìn ngó, xem xét).

Chuyển ngữ: “Chuyển ngữ” (danh từ) có nghĩa là ngôn ngữ được dùng làm công cụ truyền thụ kiến thức. Ví dụ: tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ trong  bậc đai hoc. Còn chuyển đổi nội dung văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì gọi là “dịch thuật” (động từ) hay “phiên dịch” (động từ). Ví dụ, phiên dịch một bài báo tiếng Anh sang tiếng Việt. Vậy dùng “chuyển ngữ” (danh từ) để diễn tả hành động phiên dịch một văn bản là sai.

Dưới tuổi vị thành niên và trên tuổi vị thành niên: Theo quy định pháp luật hiện hành của nhiều nước trong đó có Mỹ và Việt Nam thì đời người có 2 độ tuổi rõ ràng: vị thành niên có nghĩa là người chưa trưởng thành (vị = chưa) dưới 18 tuổi và thành niên (= người đã trưởng thành trên 18 tuổi). Vì vậy, không có độ tuổi nào được gọi là dưới hay trên tuổi vị thành niên cả.

Đảng cộng sản Trung cộng: “Trung cộng” có nghĩa là “đảng cộng sản Trung quốc”. Vì vậy, nếu nói “đảng cộng sản Trung cộng” tức là đã nói trùng lặp ý.

Đề kháng: Từ ngữ “đề kháng” được mọi người dùng nên nghe quen tai rồi thấy là đúng chứ thật ra chữ chính xác là “để kháng” (từ Hán-Việt) có nghĩa là chống cự lại.

Đương cáo: Trong một vụ kiện có “nguyên cáo và bị cáo” hoặc “nguyên đơn và bị đơn” chứ không có nhân vật nào được gọi là đương cáo cả! Từ này mới được chỉ có một tác giả vừa sáng tạo nên không có trong từ điển tiếng Việt và trở nên vô nghĩa.

Giải phóng mặt bằng, giải phóng kho bãi: “Giải phóng” nghĩa là làm cho thoát cảnh áp bức hoặc sự tù hãm để được tự do. Ví dụ: phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ… nhưng bây giờ, người ta dùng từ ngữ “giải phóng” để diễn tả việc dẹp bớt những cản trở để thực hiện một mục đích nào đó như “giải phóng mặt bằng, giải phóng kho bãi…” thay vì “giải tỏa mặt bằng, giải tỏa kho bãi…”

Hạ nghị sĩ: Quốc hội Hoa Kỳ (United States Congress) là cơ quan lập pháp lưỡng viện của Chính quyền Liên bang Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ  gồm có Hạ viện (House of Representatives, còn gọi là Viện Dân biểu) và Thượng viện (Senate). Hạ viện có 435 thành viên được gọi là “dân biểu” (Representatives và được viết tắt là Rep.). Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ (senators). Không có chữ tiếng Anh nào được dịch là “hạ nghị sĩ” nên gọi như thế là sai. Các quốc gia khác như Anh, Pháp… có quốc hội lưỡng viện cũng không dùng chữ nào có nghĩa là “hạ nghị sĩ” hết!

Hạch nhân: Từ ngữ “hạch nhân” không có nghĩa, chỉ có “hạch tâm” hoặc “hạt nhân nguyên tử” nghĩa là phần trung tâm của nguyên tử gồm những phần tử tích điện dương và những phần tử không tích điện.

Hải quan: Hiện nay, trong nước dùng từ “Hải quan” để chỉ cơ quan kiểm soát và đánh thuế xuất nhập cảnh như “Hải quan Tân Sơn Nhất” trong khi Tân Sơn Nhất không có biển (hải) và dùng từ “Thuế quan” để chỉ loại thuế xuất nhập khẩu. Đúng ra chỉ dùng một từ ngữ “Thuế quan” hoặc “Quan thuế” (customs) để chỉ cả 2 trường hợp là loại thuế và cơ quan đánh thuế xuất nhập cảnh.

Hoành tráng: “Hoành tráng” nói về tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật có quy mô đồ sộ. Nếu gọi một ngôi nhà hoặc một đám cưới là “hoành tráng” thì chữ nghĩa đã bị lạm dụng quá đáng!

Hôn phu và hôn thê: Hai từ ngữ này đều vô nghĩa và không có trong tự điển tiếng Việt. Nếu muốn nói là chồng hay vợ chưa cưới thì phải viết hay nói là “vị hôn phu” hoặc “vị hôn thê” (vị = chưa; vị hôn = chưa cưới, dùng để bổ nghĩa cho phu hoặc thê).

Nhân đây, để phân biệt rõ nghĩa của từ, xin nói thêm về từ “vị” là tiếng Hán-Việt có nhiều từ đồng âm khác nghĩa như sau:

* Vị có nghĩa là “chưa” như đã nói trên.

* Vị có nghĩa là “vì” như vị kỷ, vị ngã, vị tha, vị nhân, vị nể, vị quốc vong thân…

* Vị có nghĩa là “chức vụ, ngôi thứ” như danh vị. học vị, chức vị, thoái vị…

* Vị có nghĩa là “từng người” (có ý tôn kính chức vụ, danh hiệu) như quý vị, liệt vị, chư vị, vị vua, vị chủ tịch, vị đại biểu…

* Vị có nghĩa là “chỗ, vị trí” như bài vị, linh vị, yên vị, kế vị, hư vị, đồng vị, hoán vị, nhân vị, phương vị…

* Vị có nghĩa là “cảm nhận được bằng lưỡi” như vị giác, khẩu vị, gia vị, hải vị, mỹ vị, vô vị, vị ngọt, vị mặn…

* Vị có nghĩa là “thứ, nói về thành phần trong tổng thể” như ngũ vị hương, lục vị, bát vị…

* Vị có nghĩa là “từng dược liệu trong thang thuốc đông y” như thang thuốc thập vị, mỗi vị 2 chỉ…

* Vị có nghĩa là “nói” như vị chi (năm với năm vị chi mười), vị ngữ, chủ vị…

* Vị có nghĩa là “tập hợp, loai” như tự vị (từ điển).

* Vị có nghĩa là “dạ dày” như tỳ vị (lá lách và dạ dày).

*Vị có nghĩa là ngôi thứ 8 trong 12 địa chi, còn gọi là “mùi” như tuổi đinh mùi hay đinh vị, tuổi tân mùi hay tân vị v.v…

* Vị có nghĩa là con nhím. Vân vân…

Hỗ trợ: “Hỗ trợ” có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau, đồng nghĩa với “tương trợ” (hỗ = tương = lẫn nhau; trợ = giúp).  Nếu một bên đơn phương giúp bên kia như chính phủ xuất ngân sách giúp người dân trong cơn đại dịch thì không thể gọi là  “tiền hỗ trợ” (vì người dân đâu có giúp lại chính phủ) mà phải gọi là “tiền cứu trợ” hay “tiền trợ cấp” hoăc một luật sư có dịch vụ giúp đỡ đồng hương về mặt pháp lý thì nên dùng từ ngữ  “giúp đỡ pháp lý” (vì đồng hương không giúp gì lại cho người luật sư). Như vậy, nếu đơn phương giúp đỡ người khác thì tùy trường hợp dùng các từ ngữ: giúp đỡ, trợ giúp, trợ lực, ủng hộ, bảo trợ… (không có chữ “hỗ” trong trường hợp này). Còn một cách giúp đỡ nữa gọi là “yễm trợ” (danh từ quân sự) có nghĩa là che chở và giúp đỡ bằng hỏa lực.

Huyền thoại: “Huyền thoại” có nghĩa là câu chuyện sâu kín, huyền hoặc, không đúng sự thật. Vì vậy, những câu chuyện về Lý Tử Long, Trịnh Công Sơn… là những giai thoại chứ không thể gọi là “Huyền thoại Lý Tử Long” hoặc “Huyền thoại Trịnh Công Sơn” v.v…

Lễ vu quy: “Vu quy” có nghĩa là “về nhà chồng”. Trong những thiệp cưới, người ta thường ghi “Trân trọng báo tin lễ thành hôn và vu quy của con chúng tôi”. Thật ra, chữ “lễ thành hôn” đã đủ nghĩa là “lễ cưới” áp dụng cho cả trai lẫn gái và “vu quy” chỉ là một hành động của cô dâu đi về nhà chồng sau lễ cưới, tất nhiên chỉ là một phần trong lễ thành hôn chứ không có một lễ riêng biệt. Cặp trai gái này được gọi là “đôi tân hôn” (căp vợ chồng mới cưới) nên không phải chỉ bên nhà trai mới dùng từ ngữ “tân hôn” mà vì vậy nên bên nhà gái phải treo chữ “vu quy” trước cổng nhà mình để phân biệt (!). Như vậy, cả hai bên đều dùng chữ “HÔN LỄ” để treo trước cổng nhà mình là chính xác nhất! Nói vậy nhưng gần như thành tập quán rồi nên chẳng ai chịu nghe, lại còn sợ làm khác đi thì sẽ bị người ta cười (!)

Măt bằng: “Mặt bằng’ là một khu đất bằng phẳng để xây dựng nhà cửa hoặc làm cái gì trên đó. Ví dụ: mặt bằng của nhà máy, mặt bằng của bến xe v.v… Bây giờ, người ta lại nói “mặt bằng dân trí, mặt bằng kỹ thuật công nghệ…” thì thật khó hiểu! Có lẽ phải nói “về mặt (phương diện) dân trí, về mặt (phương diện) kỹ thuật công nghệ v.v…

Miễn phúng điếu: “Phúng điếu” có nghĩa là mang tiền và lễ vật đến thăm viếng chia buồn cùng tang quyến. Nếu nói là “miễn phúng điếu” tức là miễn cả việc mang lễ vật lẫn thăm viếng. Vì thế, nếu tang gia không muốn nhận tiền hoặc vòng hoa thì phải nói rõ: “miễn tiền phúng điếu” hoặc “miễn vòng hoa phúng điếu”.

Môn đăng hộ đối: Đây là thành ngữ chữ Hán-Việt thường được dùng rất quen tai mà ít ai để ý đến chỗ sai (‘môn đăng’ có nghĩa là “cái đèn trước cửa”). Đúng ra là “Môn đương hộ đối” có nghĩa là nhà cửa ngang nhau, gia đình xứng đáng với nhau, nói về sự tương đương về gia thế giữa hai bên đàng trai và đàng gái trong hôn nhân.

Nhà khoa học gia hoặc nhà chính trị gia v.v…: “Gia” (tiếng Hán-Việt) nghĩa là “nhà” nên chỉ dùng một chữ “nhà” hoặc một chữ “gia” cho khỏi trùng ý (nhà khoa học hoặc khoa học gia, nhà chính trị hoặc chính trị gia, nhà kinh tế hoặc kinh tế gia v.v…).

Quá tam ba bận: Thành ngữ này không có nghĩa gì cả! “Quá tam” (tiếng Hán-Việt) nghĩa là quá ba mà “quá tam ba bận” tức quá ba ba bận là thế nào? Lại còn có người nói “nhất quá tam” (một quá ba) nghĩa là gì? Chính xác phải là “sự bất quá tam” ý nói phàm ở đời, việc gì cũng không nên làm quá nhiều lần, tối đa là ba lần. Ví dụ: Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha ba lần, nếu còn tái phạm lần thứ tư thì phải bị trừng phạt. Thất bại trong công việc gì thì đến lần thứ tư cũng phải cố gắng làm cho thành công.

Sát nhập: “Sát nhập” là vô nghĩa. Đúng ra là “sáp nhập” có nghĩa là gom lại làm một. Ví dụ, hai hay ba đơn vị sáp nhập thành một đơn vị.

Tài khoản: “Tài khoản” nghĩa là khoản tiền như tài khoản ngân hàng là khoản tiền gởi tại ngân hàng. “Tài khoản” được dịch từ tiếng Anh là account nên Facebook account. Google account… được dịch là Tài khoản Facebook, Tài khoản Google… trong khi ở các nơi đây không dính líu gì đến đồng tiền cả. Thật ra “account” có 2 nghĩa: 1. Khoản tiền 2. Trương mục (bản kê khai, bản miêu tả) nên mới có sự phiên dịch không đúng. Vì vậy, phải gọi là Trương mục Facebook, Trương mục Google… thì mới chính xác.

Tào khang: Từ ngữ “tào khang” được mọi người dùng nên nghe quen tai rồi cho là đúng chứ thật ra phải nói là “tao khang” mới đúng. “Tao khang” (từ Hán-Việt) được định nghĩa là: 1. Bả rượu và gạo tấm là thức ăn của người nghèo (nghĩa đen). 2. Chỉ người vợ lấy mình từ thuở nghèo nàn (nghĩa bóng). Ví dụ: Nặng tình cát lũy, nhạt tình tao khang (truyện Kiều). Tình cát lũy là mối tình đối với vợ lẻ, tình tao khang là mối tình đối với vợ cả.

Thuyền quyên: Đúng ra là “thiền quyên” nghĩa là đẹp đẽ, duyên dáng nói về người đàn bà, con gái (gái thiền quyên) nhưng người ta thường quen dùng “thuyền quyên” nên mới cứ tưởng là đúng.

Trao đổi ý kiến: “Trao đổi” nghĩa là chuyển qua lại cho nhau những vật tương đương (nhận lại cái gì thay thế cho cái mà mình đã đưa ra). Do đó, ý kiến không thể trao đổi cho nhau mà chỉ có thể thảo luận, tranh luận hay bàn bạc.

Trù trì: Người ta thường nói vị sư “trù trì” một ngôi chùa. Thật ra phải nói là “trụ trì”mới đúng chứ không phải “trù trì” hay “trú trì” vì chữ “trụ” có nghĩa là “còn đấy”. Hễ cái gì đang ở vào thời kỳ còn đấy thì gọi là “trụ”. Trụ trì Phật bảo nghĩa là Phật ở đời mãi mãi. Trụ trì tam bảo nghĩa là Phật tịch rồi nhưng còn tượng Ngài lưu lại. Trụ trì pháp bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng kinh sách của Ngài còn lưu truyền. Trụ trì tăng bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng còn các vị xuất gia tu hành kế tiếp làm việc Phật. Vì thế, có một vị sư nào làm chủ trông nom cả một ngôi chùa thì gọi là vị “sư trụ trì”. Cũng như nơi làm việc của một cơ quan gọi là trụ sở như trụ sở ủy ban, trụ sở hội đoàn, trụ sở công ty… Còn “trú sở” là nơi ở tạm, nơi trú quán.

Việt kiều: “Kiều” (tiếng Hán-Việt) có nghĩa là trú ngụ ở nước ngoài. “Việt kiều” là tiếng của người bản xứ (Mỹ, Anh, Pháp v.v…) gọi người Việt trú ngụ tại nước họ như chúng ta gọi người Tàu trú ngụ tại nước mình là Hoa kiều vậy. Còn người Việt trong nước gọi đồng bào mình trú ngụ ở nước ngoài là “kiều bào”. Nói chung, những người dân bất cứ của nước nào đến trú ngụ tại một nước khác thì gọi là kiều dân (= dân trú ngụ ở nước ngoài).

Yếu điểm: “Yếu điểm” (từ Hán-Việt) có nghĩa là điểm chính, điểm trọng yếu (điểm quan trọng và chính yếu). “Điểm yếu” (từ thuần Việt) có nghĩa là điểm yếu kém, đồng nghĩa với “nhược điểm” hoặc “khuyết điểm” (điểm thiếu sót) đều là những từ Hán-Việt. Có rất nhiều người đã hiểu một cách nhầm lẫn “yếu điểm” là “điểm yếu” (!).

 

Không có nhận xét nào: