Y
& I
Khởi đầu từ một tình cờ
lịch sử khi Alexandre de Rhodes đến Việt Nam truyền đạo Thiên
Chúa, ngôn ngữ Việt Nam thoát khỏi văn hóa chữ Nho (Hán tự) và chữ Nôm, bước
sang kỷ nguyên mới kể từ đầu thế kỷ 20. Trong suốt 500 năm từ tình trạng phôi
thai, theo bước đi của từng thế hệ và từng thời kỳ lịch sử, chữ Việt và tiếng
Việt ngày nay đã là một trong những ngôn ngữ hoàn chỉnh trong lịch sử văn minh
nhân loại. Người Nhật và người Nam Triều Tiên cũng từ hàng trăm năm cố công
thoát ly ảnh hưởng và phụ thuộc chữ Hán nhưng đã không làm được.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người Việt chúng ta đã bằng lòng với thành tựu đó. Cả trăm năm nay vẫn có những người bằng sáng kiến, nhận định của mình đã đưa ra những đổi mới, “điều chỉnh” cách viết chữ Việt. Có thể kể từ thế kỷ 19 với học giả Huỳnh Tịnh Của (1734 – 1907) khi ông hoán đổi (y thành i) qua cách viết tên mình (Huỳnh thành Huình). Tiếp đến là Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Ngu Ý - 1921 - 1979) nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, thế kỷ 20.
Từ hai nhân sĩ này, hai mẫu tự I và Y đã trở thành “chuyện dài Y dài I ngắn,” thỉnh thoảng được nhắc đi nhắc lại suốt cả trăm năm nay...
Trước khi tham gia ý kiến câu chuyện dài “Y dài I ngắn”, người viết xin được ôn lại bài học vỡ lòng từ thời mới biết đánh vần chữ Việt a b c…
Trong chúng ta, ai cũng biết chữ Việt ngày nay xuất xứ từ chữ La tinh do khởi xướng và ghép đặt của giáo sĩ Thiên Chúa giáo Francisco de Pina (1585-1625), tiếp theo là công trình hệ thống hóa của giáo sĩ Alexandre de Rhodes với mục đích để truyền đạo. Chữ Việt hình thành từ một tình cờ lịch sử như thế nên không ít người cho rằng chẳng có ai có công mà cũng chẳng có ai có tội.
Và chúng ta ai cũng biết chữ La tinh có các mẫu tự sau đây:
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z
Trong đó có 5 Nguyên âm là a e i o u y.
Khi các nhà ngôn ngữ học (F. de Pina và A. de Rhodes) đầu tiên lấy chữ La tinh sáng chế ra tiếng Việt thì họ đã thêm và bớt một số chữ cái (cả nguyên âm và phụ âm).
Tiếng Việt từ đầu gồm có 23 chữ cái:
a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y, trong đó có 6 nguyên âm: a e i o u y.
Để đáp ứng thanh âm đa dạng trong tiếng Việt, các nguyên âm a e o u biến thể thêm các nguyên âm: a > ă, â; e > ê; o > ô, ơ; u > ư.
Từ các nguyên âm đơn, để thích ứng với thanh âm phong phú trong tiếng Việt, chúng ta có các cặp nguyên âm kép như sau:
ai ao au ay âu ây ; eo, êu ; ia, iê, iu ; oa, oe, oi ôi, ơi, ơu; ua, uê, ui , uơ, uy , uyê ; ưa, ưi, ưu, ươ ; yê.
Đây là những cặp thanh âm kép bất khả phân ly để đi với các phụ âm tạo từ ghép chữ.
Trước khi bàn tiếp, tưởng cũng nên nhắc lại định nghĩa nguyên âm (vowel) là gì và phụ âm (consonant) là gì? Trong quyển “Đại Từ điển Tiếng Việt” (NXB Văn Hóa Thông tin, 1998, tr.1217) định nghĩa: Nguyên âm là “âm mà khi phát âm, luồng hơi từ phổi ra không gặp phải trở ngại, phân biệt với phụ âm.”
Chúng tôi thấy rằng ở đây là một giải thích về hiện tượng (chưa chắc đã đúng) chứ không phải là một định nghĩa và khi người ta thử nghiệm phát âm chữ a (nguyên âm) và chữ k (phụ âm) thì cả hai phát âm, “luồng hơi từ phổi ra” đều không “gặp trở ngại” gì cả.
Theo chúng tôi, một định nghĩa về nguyên âm và phụ âm có thể chấp nhận được, theo đó: Nguyên âm là một chữ cái có thể đứng một mình, để xướng lên một từ trọn nghĩa mà không cần ghép với một chữ cái nào khác. Ví dụ: a dua, o bế, ê chề, y phục chứ ta không thể viết lập l (lập lờ), con d (con dê), ca h (ca hát) v.v...
Ngược lại, Phụ âm là một chữ được dùng để đi kèm với những nguyên âm và phụ âm khác để cấu tạo thành một từ, một chữ.
Thí dụ: lập lờ, con dê, o bế, ca hát v..v...
Từ những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy rằng Y (dài) và I (ngắn) có một quy tắc nhất định trong tiếng Việt. Ngay cả trong Anh ngữ cũng có một nhận định chung quyết, theo đó chữ Y có thể được xem vừa là một nguyên âm vừa là một phụ âm. (The letter Y can be regarded as both a vowel and a consonant).
Và qua tham chiếu của tác giả Thanh Thanh (*), câu trả lời Y chỉ là một từ thường được dùng cho cả nguyên âm và phụ âm trong Anh ngữ (The answer to the question is that Y is the only letter commonly used as both vowel and consonant in English).
Tham chiếu này còn ghi thêm: Chữ cái Y đứng trong “yoke” là phụ âm, nhưng chữ Y trong “myth” là nguyên âm (The letter Y stands for a consonant in "yoke" but for a vowel in "myth").
Đối chiếu với kết luận trên đây về Y và I trong Anh ngữ thì trong Việt ngữ, Y được coi là phụ âm trong các từ yểm (trợ), (yên) ổn, yêu thương, yết kiến… Tuy nhiên, đúng ra yê lại là một nguyên âm cặp đi với các phụ âm m, n, u, t để tạo chữ yểm, yên, yêu, yết. Vậy có thể kết luận Y và I là hai nguyên âm tuyệt đối trong Việt ngữ.
Các nhà ngôn ngữ học đầu tiên kiến tạo bộ chữ Việt bằng mẫu tự La tinh đã rất chú trọng đến những âm cặp khi biên soạn bài học vỡ lòng đánh vần chữ Việt, bắt buộc học thuộc lòng 23 chữ cái:
a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y; Và a ă â e ê i o ô ơ u ư.
cùng các vần ghép (nguyên âm kép):
ai ao au ay, ây, eo êu, iu, oi, ôi ơi, ơu, ui, uy, ưu, Và với các phụ âm: ac, ăc âc, am ăm âm, an, ăn ân, ap ăp âp, at ăt ât, v.v...
- Ghép vần chữ B: Ba bă bâ be bê bi bo bô bơ bu bư.
- Đến vần chữ C thì ca că câ > ke kê ki > co cô cơ cu cư; kha khă khâ khe khê khi kho khô khơ khu khư
- Vần chữ G thì ga gă gâ > ghe ghê ghi > go gô gơ gu gư.
Trong các cặp nguyên âm kép dẫn đầu bài, hai cặp ui và uy ngay từ đầu đã có chỗ đứng riêng rẽ, độc lập của nó, i (ngắn) không thể thay cho y (dài) và ngược lại. U+I đọc là ui và U+Y đọc uy. Căn bản của nguyên-âm-cặp này hai chữ cái là một, là ui và uy, chỉ cần ghép với các phụ âm khác là có thể tạo thành những từ vựng, ví dụ: lui cui, thui thủi, túy lúy, quỵ lụy.... uy tín, hiu hắt, huy hoàng, biên thùy, thâm thúy, quý vị v.v...
Các nguyên âm cặp:
Uy+phụ âm > huynh, quỳnh, huỳnh, huỵch (toẹt)...
Uyê + phụ âm > uyên, huyên, quyết
Uya + phụ âm > khuya, phẹc-ma-tuya (zipper)
Uya, uây, uyê, iêu, oai, uôi, ươi, ươu là những nguyên âm cặp bất khả phân ly, nó như là một nguyên âm đơn, đi theo các phụ âm tạo thành từ ngữ: khuây nguôi, trái khuấy, quây quần, quan liêu, khoái lạc, xuôi dòng, tươi tốt, hươu nai v.v...
I (ngắn) hay Y (dài) khi đứng cuối chữ:
I và Y là nguyên âm nên khi nó đứng cuối chữ thì y (dài) hay i (ngắn) đều có thể chấp nhận. Người ta khi đọc thấy các chữ lí luận, kĩ thuật, nước Mĩ, Hoa Kì… khác với lối viết “truyền thống” lý luận, kỹ thuật, nước Mỹ, Hoa Kỳ thì vội cho là chữ y (dài) đã bị thay thế bởi chữ i (ngắn). Thật ra, y hay i trong trường hợp này đều có cùng giá trị, chỉ khác là do cảm quan của người đọc không quen với cách dùng i hoặc y ở cuối chữ mà thôi.
Về phương diện mỹ quan và thói quen, viết Y (dài) trong các từ địa lý, kỹ thuật, Hoa Kỳ, kỷ niệm, Ký tên... theo tôi thì nên giữ cách viết “truyền thống” này thay vì dùng i (ngắn). Có những chữ y (dài) và i (ngắn) đã có vị trí cố định, chẳng hạn những chữ sau đây chưa hề thấy hoán vị giữa y và i : thí dụ, bí thư, hoan hỉ, suy nghĩ, sinh khí, nhà in, y phục , y tế, ý niệm… chứ chưa có chữ viết: thý dụ, bý thư, suy nghỹ, sinh khý, nhà yn, i phục, i tế, í niệm v.v..
Trong câu dân ca:
Yêu nhau cởi áo... í.. a cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu... í.. a gió bay.
chưa thấy ai viết ý... a thay cho í... a. Và Ký tên luôn luôn là... ký tên, không ai viết Kí tên.
Trong các trường hợp khác, Y và I đã có phần vụ (function) riêng của nó nên bất khả hoán vị, không thể lấy i thay cho y như trường hợp học giả Huình Tịnh Của và nhà thơ Nguiễn Ngu Í.
Theo chúng tôi thì hai nhân sĩ này khi dùng chữ I viết tên mình chỉ là một cách chơi chữ, nếu không muốn nói là lập dị, chứ không có chủ đích đề xướng một khuynh hướng. Vì vậy đã mấy trăm năm chưa có một Nguiễn Thuiến (Nguyễn Thuyến) hay một Nguiễn thị Bạch Tuiết (Tuyết) nào khác.
Sau khi tìm hiểu và truy nguyên, chúng tôi mạnh dạn phổ biến biên khảo ngắn này. Mong được sự góp ý và bổ khuyết của các bậc thức giả.
Song Nhị
Trần Văn Giang (ghi lại)