Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

TÌNH NGHĨA TAO KHANG

TÌNH NGHĨA TAO KHANG!

Đoàn Xuân Thu (Blog Chim Về Núi Nhạn)


Bà con mình khi đề cập đến chuyện tình nghĩa vợ chồng hay dùng

chữ ‘tào khang’ nhưng những nhà văn, chữ một bụng, nói vậy là 

không đúng, phải nói là nghĩa ‘tao khang’ mới đúng sách… bên Tàu.

Ôi, chữ trong sách vở là một lẽ nhưng ngôn ngữ cũng từ quần 

chúng mà ra. Thêm một cái dấu huyền mà nghĩa không đổi thì có

gì lớn đâu mà tẩn mẩn sửa lưng bà con mình chi vậy, hởi những nhà

văn đáng kính?

Dù nghĩ vậy nhưng tui vốn có tánh tò mò nên lục trên ‘web’ xem 

‘tao khang’ nghĩa là gì mà mấy ổng cãi nhau như mổ bò vậy hả?

Thì thấy trong ‘Đoạn trường Tân thanh’ tức ‘Truyện Kiều’ của 

Nguyễn Du có câu “Mặn tình cát luỹ; nhạt tình tao khang”.

Cát và Lũy là hai loại dây leo. Trong một bài hát dân gian mừng

đám cưới (cũng bên Tàu) có câu: “Nam hữu cưu mộc. Cát lũy luy 

chi!” nghĩa là: “Núi Nam có cây lớn cành cong xuống. Dây cát, 

dây lũy bám vào, leo quấn quýt”

Nghĩa bóng ‘cưu mộc’ là thằng chồng, còn dây cát, dây lũy là vợ 

lớn, vợ bé bám vào thân cây quấn quýt, hút hết nhựa cho chết 

Tía mầy luôn. Quả xưa giờ có y như vậy!

Cát lũy là vậy, còn ‘tao khang’ là cái gì vậy cà? Thì ‘tao’ là bã rượu 

sau khi cất rượu rồi mà có. Tiếng Nôm mình gọi đó là hèm. 

Còn ‘khang’ là lớp vỏ lụa bọc ngoài của hột gạo.‘Tao khang’ là thức 

ăn của nhà nghèo. Cái nầy chỉ đúng với hồi xưa khi khoa học về ẩm 

thực chưa phát triển đấy thôi. Hèm mà bà con bỏ một con gà vô 

luộc thử coi. Nó ngon thấu Trời đi chớ! Còn ‘khang’ là vỏ lụa bọc 

ngoài hột gạo rất giàu Vitamin B1. Nhà máy xay xát đánh bóng 

gạo để xuất khẩu, bỏ quách cái vỏ lụa nầy thì là ngu chớ đâu có 

khôn ngoan gì đâu hè? 

Tóm lại ‘cát lũy’ nghĩa bóng là thiếp, là vợ bé, là Thúy Kiều. 

Tao Khang là vợ lớn, là Hoạn Thư.

Như vậy: “Mặn tình cát lũy; nhạt tình tao khang” nghĩa là Thúc 

Ký Tâm tức Thúc Sinh mê mải mặn tình với Kiều mà lại nhạt 

tình với Hoạn Thư.

Bà con mình nói cái vụ mê muội nầy dễ hiểu hơn truyện Kiều rất 

nhiều là: “Mải mê con ‘đĩ’ bỏ quên vợ nhà!”

***

Tui nhớ hồi chưa xưa lắm, thời Tía tui còn thanh niên thì cái chuyện 

đàn ông có hai vợ là chuyện thường ngày ở huyện. Nghe vậy, tui 

tiếc cho cái thân làm trai của tui biết bao nhiêu mà nói vì sanh bất 

phùng thời. Phải chi tui được chào đời vào thuở đó chắc ‘thằng Tèo’ 

của tui sẽ sướng tỉ tê!

Rồi cũng nghe nói khoảng chừng 300 năm về trước, ông Cố Nội của

tui là dân cố cựu ngoài Trung vì đất đai không có đẻ, hậu quả là 

dãy miền Trung lại đất hẹp, người đông nên mới di dân vào Nam. 

Quê hương anh nghèo lắm em ơi! Mùa Đông thiếu áo; hè thời thiếu 

ăn. Chính vì rách áo, đói cơm như vậy nên người con cả bám trụ, 

lãnh hết gia tài ruộng đất chó nằm còn ló đuôi, để cày sâu cuốc 

bẩm phụng dưỡng Cha Mẹ già. Còn con thứ hai thì cơm đùm, cơm 

gói mo cau theo ghe bầu vào Nam, vùng đất lúc đó còn hoang vu để 

kiếm sống. (Chính vì vậy ở miền Nam chỉ có ‘Anh Hai Sài Gòn’ chớ

không có anh Cả bao giờ!)

Là dân phiêu bạt giang hồ, gạo chợ nước sông nên ông Cố Nội 

của tui sống không bị ràng buộc chằng chịt theo phong tục ‘tao

khang’ tuốt tận bên Tàu. Vì vậy, chàng đến đây gặp vịt cũng lùa, gặp

gái cũng chọc, gặp chùa cũng tu nghĩa là sống tùy theo hoàn cảnh.

Sao còn sống được, còn ăn, còn ‘tù ti tú tí’ được là OK Salem!

Chính vì vậy hổng thấy em thì thôi. Thấy nàng là chàng thả ‘dê’ ra 

liền hè. Có em chịu thì: “Rau răm ngắt ngọn lại trồng. 

Em thương anh lắm, sợ lòng chị ghen”. 

Ối! “Ớt nào mà ớt chẳng cay? Gái nào là gái chẳng hay ghen 

chồng?”  Em cứ ưng đại anh đi! Con Sư tử Hà Đông đó có 

chèo xuồng ra ruộng, nơi hai đứa mình đang chăn vịt, mà đánh ghen

thì anh sẽ ôm nó lại cho em chạy đại vô bụi bình bát trốn chừng một 

hai bữa nó về nhà trông con là xong ngay. Là đôi ta lại phẻ! Chúng 

mình sẽ đàn lại bản tình ca lúc đêm khuya thanh vắng.

Nhưng có em cũng hổng chịu làm bé đâu nha. Hổng chịu thời thôi,

mình đi kiếm em khác. Vậy mà em còn xài xể, dạy đời anh nữa chớ:

“Anh đã có vợ con riêng. Như bông hoa riềng nửa đắng nửa cay. 

Anh đã có vợ cầm tay. Anh còn tơ tưởng chốn nàylàm chi?”

 Hỏi ngộ hè: “Anh đi Lục tỉnh giáp vòng! Đến đây sao khiến đem 

lòng thương em?” Anh đi Lục tỉnh là đi chăn vịt lội đồng đó nhe bạn! 

***

Chẳng qua sau 75, VC vô, tui đang làm ‘giáo’; vì là sĩ quan biệt 

phái nên tui đành’mất dạy’. Tía tui cho mớ vốn, tui bèn mua chừng 

500 con vịt hãng chạy đồng. Người ta nuôi vịt lấy thịt chừng 3 

tháng là bán. Còn tui nuôi vịt lấy trứng vịt. Nuôi được 4 tháng thì vịt 

mới bắt đầu đẻ.

Một chiều chạng vạng, tui lùa đàn vịt của mình về chuồng gần một 

ngả ba sông. Tối đi lượm trứng vịt xong, chui vô ‘nốp’ ngủ thì có hai 

thằng mặt mày bặm trợn, ăn mặc có vẻ dân thị thành đến co chưn

đá vô cái ‘nốp’ của tui nghe cái bốp. Tui lồm cồm ngồi dậy thì 

một thằng hỏi: “Hột vịt bán hôn cha?”. "Bán chớ! Tui nuôi vịt 

đẻ để bán mà!” Vậy là tui lui cui đốt đèn cây đèn bão lên đếm đúng 

200 cái hột vịt giao cho hai vị khách lúc không giờ. Trúng mối bất tử

vì tui bán gấp rưỡi giá ‘lái’ nó mua nên tui vui vẻ hút gió

rồi buộc miệng nói: “Đi mạnh giỏi nhe!”

Ai dè hai thằng cô hồn các đảng nầy tưởng tui biết chuyện bí mật 

của tụi nó đang chờ ‘cá lớn’ ra để leo lên thuyền vượt biển. 

Tụi nó hoảng hồn đè tui xuống đất trói lại như heo khiêng đi rồi 

quăng tui xuống mạn thuyền nghe cái ạch.

Nói nào ngay. cũng nhờ cái vụ chăn vịt lội đồng, cái nghề của ông 

Cố Nội của tui để lại nên tui mới đặt chân lên tới được nước Úc 

phúc địa nầy đây.

***

Mới đầu qua tới đây, thấy dân Úc giàu quá xá! Xe cộ chạy đầy 

đường nên tui sùng bái nước Úc lắm. Tui cứ tưởng mấy thằng Úc 

nầy chí thú mần ăn, đàng hoàng, không chơi bời đàng điếm nên 

nước nó mới giàu. Mấy con vợ Úc, đồng vợ đồng chồng tát 

biển Đông cũng cạn, cũng hiền thục không ghen sảng như ‘em yêu’ 

tức con vợ của tui còn kẹt lại ở quê nhà.

Té ra không phải vậy. Tui khoái nhậu, khoái bù khú với bạn bè thì 

thằng Úc còn quá cha tui nữa. Vì có chuyện rằng: Mới cưới vợ được

hai tuần, thằng chồng Úc dù rất yêu con vợ nhưng không thể chờ 

đợi lâu hơn nữa để đi ra ngoài ‘pub’ (quán rượu) mà nhậu nhẹt, 

bù khú với những thằng bạn cũ vào mỗi đêm như thời độc thân ngày 

cũ!

“Em yêu, anh sẽ quay lại ngay.”

“Anh đi đâu vậy, anh yêu?”

“Anh đi nhậu đây, người đẹp của anh. Anh đi uống bia.”

Con vợ Úc nó nói: “Anh muốn uống bia phải không, cục cưng của 

em?”. Con vợ mở cửa tủ lạnh ra và cho thằng chồng thấy 25 loại bia 

khác nhau của 12 quốc gia khác nhau: Đức, Hà Lan, Nhật Bản,

Ấn Độ… Thằng chồng không biết phải làm gì và điều duy nhất anh

ta có thể nghĩ ra là: “Nhưng ở ‘pub’… em biết đấy… họ có 

những chiếc ly đông lạnh…”

Chưa nói hết câu thì bị con vợ ngắt lời:”Anh muốn một ly đông lạnh

hả, Chó con?” Con vợ lấy một ly bia khổng lồ ra khỏi tủ đông, đông

cứng đến mức chỉ cần cầm nó lên là cảm thấy lạnh quéo cả hai tay.

“Đúng! Nhưng ở ‘Pub’ họ có những món đồ nhắm rất ngon… 

Anh hứa sẽ đi không lâu đâu. Được chứ?”

“Anh muốn đồ nhắm hả?” Con vợ mở cửa lò nướng và lấy ra năm 

món nhắm khác nhau: Nào là cánh gà chiên bơ, bò xào nấm, 

thịt heo xông khói v.v.

“Nhưng em yêu… Ở ‘Pub’… Em biết không… có những lời chửi

 thề, nói năng bậy bạ…”

“Anh muốn những lời lẽ bẩn thỉu hay sao, anh yêu?

“Mẹ họ! Hãy ở nhà rồi uống những ly bia chết tiệt nầy trong cái ly 

đông lạnh và mồi nhậu là những món ăn chỉ mấy thằng ngu mới rớ 

tới!”

Bởi vì anh đã kết hôn, anh đã cưới vợ rồi thì anh sẽ không được 

phép đi đâu cả! Hiểu chưa, đồ con lừa? “ 

***

Kể câu chuyện nầy để quý bạn mình thấy rằng tình nghĩa ‘tao khang’

hay ‘tào khang’ gì gì đó giữa Úc và Mít mình cũng giống hịt như nhau.

Em mà nắm đầu được mình rồi thì mình từ chết tới bị thương.

Vậy mà hồi mới qua, coi trên TV, tui thấy mấy thằng Úc giấu cái hộp 

đựng nhẩn trong túi quần rồi bất ngờ nó quỳ xuống như sụp lạy, hai 

tay ‘sùy’ ra trước mặt của em. (Quỳ chi vậy cà?). Em khóc nức nở 

nhận lời. Té ra, sau nầy ở Úc khá lâu tui mới hiểu đó là nhưng giọt 

nước mắt cá sấu! Không phải giọt nước mắt vì cảm động mà là giọt 

nước mắt của một người chiến thắng. 

Chú mầy đã chịu quỳ xuống đầu hàng rồi thì từ nay ta sẽ được 

quyền nắm đầu chú mầy để quay mòng mòng như quay dế!

Không có nhận xét nào: