Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

BÍ QUYẾT DƯỠNG SINH

BÍ QUYẾT DƯỠNG SINH

Sưu tầm

Tôn Tư Mạc, tương truyền ông sinh năm 541, mất năm 682, thọ đến 141 tuổi mới qua đời. Ông được người đời tôn xưng là Dược Vương và Tôn Thiên Y, là một thầy thuốc nổi danh thời cổ đại của Trung Hoa và nghiên cứu sâu rộng về đạo dưỡng sinh.

Dưỡng sinh trường thọ phải thuận theo tự nhiên, bảo trì sự cân bằng mới đạt được hiệu quả.

Từ khi 7 tuổi, danh y Tôn Tư Mạc đã thông thạo những cuốn sách vỡ lòng, đọc thuộc văn chương hơn ngàn chữ, được gọi là “Thánh đồng”. Tới năm 20 tuổi, ông đã có thể đĩnh đạc luận bàn về học thuyết lớn của Trang Tử, Lão Tử.

Cả đời Tôn Tư Mạc biên soạn hơn 80 bộ sách, trong đó, các kinh nghiệm bắt mạch chữa bệnh và các lý thuyết y học được ông tổng kết và biên soạn thành 2 bộ sách lớn về y học, gọi là “Thiên Kim Yếu Phương” (Phương thuốc cần thiết đáng giá ngàn lượng vàng), và “Thiên Kim Dực Phương” (Phương thuốc bổ túc đáng giá ngàn lượng vàng). Đây là hai báu vật ngàn vàng của Trung Y. Rất nhiều nội dung trong đó vẫn có tác dụng chỉ đạo, có giá trị học thuật cực kỳ cao tới ngày nay.

Tôn Tư Mạc tôn sùng đạo dưỡng sinh. Ông cho rằng, nếu người bệnh khéo chăm sóc và giữ gìn sức khỏe thì sẽ có thể vô bệnh. Chỉ cần “Lương y trị bệnh với các phương thuốc và châm cứu”, thì “Thân thể có thể hết bệnh, trời đất có thể tiêu tai ương”.

Vị Thần y này dày công nghiên cứu và kết hợp tư tưởng dưỡng sinh của Nho gia, Đạo gia, Phật gia vào Trung y. Từ đó, các phương pháp dưỡng sinh thiết thực mà hiệu quả được ông kết tinh, tự mình thể nghiệm. Tương truyền rằng, đó chính là nguyên do khiến ông sống hơn trăm tuổi mà tai nghe mắt thấy tinh tường.

Ví dụ như sinh hoạt thường ngày cần phải ổn định, không nên trái với quy luật tự nhiên, không nên lười biếng lười vận động, khí huyết cần phải chú ý lưu thông, ăn uống cần phải điều độ, không nên cứ một mực theo đuổi danh lợi, tâm tính cần phải bảo trì sự cân bằng,…

Sau đây là 13 bí quyết dưỡng sinh đơn giản giúp cường thân kiện thể, nâng cao tuổi thọ, sức khỏe dẻo dai hơn nếu được áp dụng thường xuyên. Chỉ cần thực hiện trong 10 - 15 phút mỗi ngày, chúng ta có thể thay đổi cơ thể bản thân.

1. Thường xuyên lắc đầu

Chống hai tay lên hông, nhắm mắt, cúi đầu và từ từ quay đầu sang phải, rồi từ từ trở lại vị trí cũ. Thực hiện tổng cộng 6 lần rồi lặp lại theo chiều ngược lại. Thực hiện động tác này thường xuyên có thể giúp đầu óc bạn linh hoạt. Lưu ý thực hiện động tác từ từ, nếu không bạn sẽ cảm thấy chóng mặt.

2. Thường xuyên vuốt đầu

Xoa hai lòng bàn tay vào nhau đến khi ấm lên, sau đó bắt đầu vuốt từ trán, đi dần lên trên đầu, vòng xuống gáy rồi quay về cổ. Mỗi sáng tối nên thực hiện 10 lần.

Phần đầu có nhiều huyệt đạo quan trọng, thường xuyên làm động tác dưỡng sinh đơn giản này có thể ngăn ngừa chứng đau đầu, ù tai, bạc tóc và rụng tóc.

3. Thường xuyên đảo mắt

Nhắm mắt lại, sau đó mở ra thật mạnh, đảo tròng mắt theo hình tròn ngược chiều kim đồng hồ, lần lượt sang phải, lên trên, sang trái, đi xuống và tiếp tục lặp lại liên tục 3 vòng như vậy, rồi lặp lại theo chiều kim đồng hồ 3 vòng.

Động tác này giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt và rất tốt cho người đang bị tật cận thị.

4. Thường xuyên mát-xa tai

Dùng lòng bàn tay che hai lỗ tai, từ từ ấn vào trong, khi buông ra nên nghe thấy tiếp “phập”. Lặp lại 10 lần.

Dùng lòng bàn tay ấn vào tai, lấy ngón trỏ day day huyệt Phong trì ở sau đầu khoảng 10 lần.

Thực hiện hai động tác dưỡng sinh này trước và sau khi đi ngủ mỗi ngày để tăng cường trí nhớ và thính giác.

5. Thường xuyên gõ răng

Miệng hơi khép hờ, gõ nhẹ hai hàm răng trên và dưới vào nhau sao cho phát ra âm thanh. Gõ răng chia ra khá phức tạp, như nửa hàm bên trái gõ vào nhau thì gọi là “minh thiên chung”, nửa hàm bên phải gõ vào nhau gọi là “kích thiên minh”… nhưng thông thường chỉ cần hai hàm răng va vào nhau là được.

Thực hiện 36 lần. Động tác này có thể thông kinh mạch xung quanh vùng hàm, giữ cho tinh thần minh mẫn, tăng cường khả năng hấp thụ của đường tiêu hóa, ngăn ngừa sâu răng và thoái hóa khớp hàm.

6. Thường xuyên cuốn lưỡi

Làm động tác cuốn đầu lưỡi lên rồi đưa sâu vào trong cổ họng. Người mới tập thì cuốn lưỡi chống lên vòm họng, từ từ tập đưa vào trong, có tác dụng kích thích thành cổ họng, khoang miệng, thúc đẩy khí huyết vận hành cục bộ. Cuốn lưỡi sẽ kích thích làm cho nước bọt trong khoang miệng phân tiết ra nhiều, khi đã đầy miệng thì từ từ nuốt xuống, thường là chia làm 3 lần, yêu cầu nuốt xuống phải có tiếng “ực”.

Y học hiện đại cho thấy, trong nước bọt có rất nhiều loại enzyme, vừa giúp hỗ trợ tiêu hóa lại vừa phân giải độc tố, tiêu diệt tế bào ung thư. Vì vậy Đạo giáo cho rằng nuốt nước bọt có thể tẩy trừ độc khí, uế khí trong nội tạng là có cơ sở.

7. Thường xuyên rửa mặt

Xoa lòng bàn tay 36 lần cho ấm lên, sau đó vuốt mặt như thực hiện rửa mặt bình thường. Làm động tác này này thường xuyên có thể giúp làn da hồng hào và sáng bóng mà không có nếp nhăn.

8. Thường xuyên xoay người

Khi vặn người sang trái thì tay phải ở trước bụng, tay trái ở sau lưng. Tay phải ở trước vỗ nhẹ vào bụng dưới, tay trái ở sau vỗ nhẹ vào huyệt Mệnh môn nằm trên cột sống lưng. Sau đó vặn người theo chiều ngược ngại.

Thực hiện ít nhất 50 lần, nhưng 100 lần sẽ tốt hơn. Vận động tay chân nhịp nhàng cùng cơ thể theo cách này sẽ giúp ruột và dạ dày khỏe hơn, tăng cường khí thận, ngăn ngừa chứng khó tiêu, đau dạ dày và đau thắt lưng.

9. Thường xuyên xoa bụng

Xoa tay 36 lần cho ấm lên, sau khi làm nóng tay thì bắt chéo tay, đặt lên bụng và xoa theo chiều kim đồng hồ quanh rốn với phạm vi to dần. Thực hiện 36 lần. Động tác dưỡng sinh này giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ và giảm nguy cơ bị chướng bụng.

10. Thường xuyên luyện khí thân dưới

Khi hít vào, thắt chặt các cơ xung quanh vùng hậu môn. Giữ hơi thở của bạn trong vài giây cho đến khi bạn không thể chịu đựng được, sau đó thở ra và thư giãn. Bạn có thể thực hành bất cứ lúc nào. Tốt nhất nên thực hiện 20 - 30 lần vào mỗi buổi sáng và tối. Tương truyền, động tác này là bài tập đáng tự hào nhất của Vua Càn Long để giữ gìn sức khỏe .

11. Thường xuyên xoay đầu gối

Đặt hai bàn chân song song, đầu gối sát vào nhau, người hơi ngồi xổm, dùng hai tay ấn lên đầu gối, lần lượt xoay sang trái và phải. Thực hiện 20 lần. Bài tập này có thể tăng cường sự dẻo dai cho các khớp gối. Muốn dưỡng sinh và kéo dài tuổi thọ, hãy bắt đầu từ đôi chân.

12. Thường xuyên xoa chân

Xoa bàn chân trái bằng tay phải và bàn chân phải bằng tay trái. Xoa từ gót chân lên đến ngón chân, sau đó xoa từ gót chân trở xuống, tổng cộng lặp lại 36 lần. Dùng hai ngón tay thay phiên nhau ấn huyệt Dũng Tuyền dưới lòng bàn chân, lặp lại 100 lần.

Lòng bàn chân là nơi tập trung nhiều huyệt vị, kinh mạch quan trọng nên xoa bóp thường xuyên có thể tăng cường chức năng ngũ tạng, chữa mất ngủ, cân bằng huyết áp, giảm đau nhức đầu.

13. Thường xuyên tản bộ

Hãy thẳng lưng, bước đi thoải mái, tự nhiên, lòng không suy nghĩ chuyện vướng bận và thưởng thức phong cảnh trên đường đi. Bách bộ luôn là một hình thức vận động hữu ích, có tác động tích cực tới sức khỏe một cách rõ rệt.