KIM TỰ THÁP TRUNG MỸ VÀ NỀN VĂN MINH MAYA
Nguyễn Lộc Yên
Từ Fiesta Americana Condesa đến khu Chichén Itzá, xe chạy khoảng 2 tiếng thì đến nơi. Nơi đây, tới vài ngàn người trên thế giới đến thăm viếng mỗi ngày, đa số là du khách từ Hoa Kỳ. Đến nơi, hướng dẫn viên chia khách du lịch làm 2 nhóm: Ai nói tiếng Spanish theo hướng dẫn viên nói tiếng Spanish, ai chỉ nghe được tiếng Anh thì theo hướng dẫn viên nói tiếng Anh. Tại đây, có nhiều gian hàng và nhiều chỗ bán quà lưu niệm, như: Hình kim tự tháp, ngựa, sư tử (bằng gỗ, đá, kim loại), các vật thủ công nghệ, khăn thêu tay, nón mũ, quần áo dệt bằng vải địa phương… Một người trong nhóm chúng tôi mua một cái đĩa bằng gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, người bán thách giá 60 Mỹ kim, thế mà khi mua chỉ có 18 Mỹ kim (chúng tôi nêu vấn đề này để rút kinh nghiệm về cách mua bán nơi này).
Nơi đây, nhiệt độ thường trên 80 độ F. Thế nên, khách du lịch nên mặc quần áo gọn nhẹ, kiếng mát, nón mũ rộng vành, kem chống nắng...
I- Kim tự tháp El Castillo: Tháp xây bởi người Maya vào thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 12 (Sau Công Nguyên), kim tự tháp có nền hình vuông, bốn mặt đều có cầu thang lên đến đỉnh tháp. Chiều cao của kim tự tháp là 24 m (79 ft) và chiều cao ngôi đền là 6 m (20 ft), tổng chiều cao là 30 m (99 ft). Đáy tháp hình vuông mỗi cạnh là 55,3 m (181 ft). Có rất nhiều hình khắc vào các tường đá khu kim tự tháp El Castillo, đặc biệt phù điêu khắc vào đá bằng hình những con rắn lớn với lông vũ được đặt ở cạnh của phần tay vịn phía bắc. Nơi đây, vào ngày lập Xuân (ngày 20, 21 tháng 3) và lập Thu (ngày 21, 22 tháng 9) hàng năm, mặt trời vào cuối buổi chiều chiếu vào phía tây bắc của kim tự tháp sẽ tạo thành các hình bóng (a light and a shadow illusion of the serpent) chập chờn, chầm chậm bò xuống chân tháp, tạo thành một ảo giác như những con rắn lông vũ đang bò xuống kim tự tháp. Hôm ấy, hàng ngàn người du khách và dân địa phương chen chúc tại chân tháp để chiêm ngưỡng hiện tượng ly kỳ chỉ hiển hiện đôi lần trong một năm. Sự kiện nổi tiếng này có lẽ được thiết kế đặc biệt bởi những người kiến trúc kim tự tháp từ ngàn xưa.
Mỗi mặt kim tự tháp có 91 bậc thang (91x4), cộng với bậc thang trên đỉnh của ngôi đền là "365 bậc thang", tổng cộng 365 bậc thang ấy sẽ tương ứng với 365 ngày trong một năm Haab. Haab là một phần của hệ thống lịch Maya (The Haab is part of the Maya calendric system). Nền văn minh của người Maya có những thời kỳ phát triển rực rỡ, không chỉ về toán học, thiên văn, lịch pháp mà về kiến trúc cũng rất vững vàng.
II- Giếng nước Thánh (Sacred Cenote): Trong tiếng Maya, Chichen Itza có nghĩa là “Miệng giếng của người Itza”. Khu thành cổ Chichen Itza ở trong khu vực khô hạn của Trung Mỹ. Nguồn nước chủ yếu lấy từ những hang động trên núi đá nham thạch. Dân Maya thờ các vị thần: Thần Mặt trời, Thủy thần, họ tin các vị thần ấy có ảnh hưởng rất lớn đến mùa màng. Kim tự tháp El Castillo cũng được xây dựng vì mục đích thờ cúng các vị thần ngự trên đỉnh tháp. Đặc biệt hơn, ở cách thành phố Chichén Itzá chừng 1,5 km có hai hồ nước tự nhiên đường kính khoảng 60m. Một hồ được dùng làm nước tưới sinh hoạt trong nông nghiệp thời cổ đại, hồ kia tin tưởng là linh thiêng, đó là “Giếng nước Thánh” đã dùng vào việc tế Thủy thần. Từ các văn bản của người Maya xưa đã ghi thời tiết hạn hán là do Thủy thần nổi giận. Để cho Thủy thần nguôi giận dữ, phải đưa vào giếng một cô gái đồng trinh 14 tuổi vì họ nghĩ rằng khi cô gái thả vào giếng sẽ trở thành người hầu của Thủy thần và tận hưởng cuộc sống an vui. Buổi lễ lúc rạng sáng, “Cô dâu” của Thủy thần được đặt trong kiệu hoa và pháp sư làm phép chúc phúc. Đông đảo người Maya rước cô gái tới “Giếng nước Thánh”, cô gái trẻ bị các chàng trai vệ sĩ tung lên không trung rồi rơi vào “Giếng nước Thánh”. Khi ấy, tiếng trống rập rình, đám đông nhảy múa hát hò, người ta còn ném vàng bạc, châu báu xuống giếng để cầu xin sự an lành.
Đến giữa thế kỷ XVI thì người châu Âu chinh phục châu Mỹ. Từ đó, Chichen Itza không còn tục lệ tổ chức cúng tế người sống tại “Giếng nước Thánh” nữa. Ngày nay, cư dân nơi đây chỉ dùng dê và gà để cúng Thủy thần. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng 100 sọ người ở dưới đáy “Giếng nước Thánh” và nhiều châu báu, đồ dùng thời xưa.
III- Đền của các Chiến binh (Templo de los Guerreros): Khu “Đền của các Chiến binh” tại Chichen Itza bao gồm một kim tự tháp với các bậc thang lên xuống phía trước và các hàng cột điêu khắc ở đấy biểu hiện các chiến binh.
IV- Khu ngàn cột (Group of the Thousand Columns): Gần bên phía nam “Đền của các Chiến binh” là quần thể cột đá tròn lộ thiên thẳng thớm, đứng sừng sững. Bãi cột đá này là một công trình xây dựng kiên cố, chắc chắn qua biết bao thời gian đã dãi dầu mưa nắng cả ngàn năm vẫn đứng vững vàng.
V- Sân bóng (Great Ball Court): Vùng Trung Mỹ đã tìm thấy bảy (7) sân bóng từ thời xưa còn lại, tuy nhiên sân bóng ở phía tây bắc của kim tự tháp Castillo khoảng 150 mét là đáng lưu ý hơn hết vì lẽ sân này rộng nhất từ thời Mesoamerica cổ còn lại, với kích thước: 166 x 68 mét (545 x 232 feet). Hai bên phía trong sân bóng, trên bức tường được điêu khắc tinh vi thể hiện hình ảnh các cầu thủ của các đội bóng và thủ quân đội thua bị chặt đầu.
Các kiến trúc khác vùng Chichen Itza: Lăng mộ của Thầy tế, Nữ tu viện (Las Monjas)..,
Nhìn chung về các công trình đồ sộ trên thế giới, chúng tôi thiển nghĩ mỗi dân tộc từ khi dựng nước, lịch sử thường ghi lại kỳ công đặc sắc của quốc gia mình. Nền văn minh của người Maya đã phát triển rực rỡ, nổi bật kim tự tháp El Castillo, Ai Cập cũng có “Kim Tự Tháp” đồ sộ, Trung Hoa có “Vạn Lý Trường Thành” vĩ đại... mà những công trình này do tầng lớp vua chúa đã bắt nhân dân của họ xây dựng nhục nhằn bằng mồ hôi nước mắt và bằng xương máu! Trong khi đó, nền “Văn Minh Trống Đồng” (như trống đồng Ngọc Lũ ở tỉnh Hà Nam) của người Việt cổ đã xuất hiện từ thời Hùng Vương, trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 Trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 6 Sau Công Nguyên, ở đấy có sự kết hợp hài hoà giữa vũ trụ bao la kỳ bí lúc còn nguyên sơ, với trí tuệ phi thường của Tiền nhân Lạc Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn minh nhân bản; một công trình văn hóa đặc sắc bằng những “Trống Đồng” kỳ vĩ chứ không phải bằng nước mắt và xương máu của người dân! Ngày nay, chúng ta cần nghiên cứu tỉ mỉ các ý nghĩa sâu kín nơi các trống đồng do Tiền nhân để lại cho hậu thế vì ở đấy có thể bao gồm: Văn hóa, Thiên văn, Nghi lễ, Lịch pháp, Nếp sống Việt...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét