HOA RỪNG
Quý Thể
Ngày
trước làm công chức mắc lỗi mới bị đày lên Buôn Ma Thuột. Trường hợp
của tôi thì khác. Tôi mới ra trường lại xung phong lên Buôn Ma Thuột làm
việc.
Nhiều người ngăn cản. Tôi có lý do riêng của mình. Thời còn đi học tôi
mê chuyện đường rừng. Tôi có cô bạn hát bài : “Nụ cười sơn cước” rất hay
tôi mê bài hát, mê luôn cảnh núi rừng. Tôi chọn lên Buôn Ma thuột để
được dịp sống với núi rừng. Tuổi trẻ có những
quyết định quan trọng cho cả đời người chỉ dựa vào những lý lẽ hết sức
đơn giản, lãng mạn. Quả nhiên sau đó, tôi có được nụ cười sơn cước đẹp
như một đoá lan rừng và một cuộc tình giống hệt như tiểu thuyết đường
rừng. Ngày nay, sau rất nhiều năm mỗi khi hồi
tưởng lại kỷ niệm vẫn cảm thấy lâng lâng như trôi trong màn sương ngan
ngát hương rừng, rơi la đà trong men rượu cần xanh rờn sắc núi. Song rồi
lại cảm thấy hỗ thẹn và bối rối... Chuyện đã nhiều năm mà tưởng như mới
hôm qua. Thật là một đoạn đời khó quên!
Khi
chiếc xe đò cũ kỹ vừa qua khỏi Dục Mỹ ì ạch bò lên đèo Phượng Hoàng
ngoằn ngoèo vắt mình qua mấy sườn núi, cảnh vật hai bên đường đột ngột
mở ra một
cõi rừng già nhiệt đới u minh trùng điệp. Mới đây cái nắng gay gắt khi
đi ngang qua cánh đồng Dục Mỹ chưa dứt, tiếp tới hơi nóng hừng hực con
đường nhựa như chảy ra loang loáng dưới ánh mặt trời lúc băng qua căn cứ
Lam Sơn, chiếc xe đò nóng lên chẳng khác
gì ngồi trong lò, đến đây bỗng nhiên xe như rơi vào biển băng. Những
làn gió thổi trong rừng ra đem theo màn sương li ti lùa vào lòng xe, cho
hành khách thấy khoẻ hẳn lên. Những cây rừng cổ thụ mọc sát bên đường
dây leo như những con rắn khổng lồ quấn quanh
chằng chịt. Cheo leo trên sườn núi là những chiếc chòi canh giữ rẫy nhỏ
và dễ thương như tổ chim. Còn hoa rừng, hoa rừng nhiều vô số đủ màu sắc
ẩn hiện trong lá. Và ơ kìa! Những người thượng (người dân tộc) từ trong
sương bất ngờ hiện ra trông hư thực giống
như màu sắc tranh lụa nhạt nhoà. Mấy người con gái để vú trần, vai mang
gùi, miệng ngậm ống điếu dài. Những người đàn ông đóng khố da nhăn nheo
như vỏ cây, vai mang cung tên. Mấy đứa trẻ con đen đúa trần truồng cùng
với con chó săn vằn vện như hổ chạy theo
sau. Tôi chồm ra khỏi xe ngoái nhìn theo họ. Giữa quang cảnh núi rừng
hoang dại đoàn người lầm lũi đi thành một hàng dọc lặng lẽ, bí ẩn khiến
cho tôi liên tưởng đến chuyện bùa ngải ma núi. Cảnh tượng thực lạ mắt,
trước đây tôi chỉ đọc thấy trong sách rồi tưởng
tượng ra. Tôi thấy cảm xúc của mình giống như người phiêu lưu tìm ra
nền văn minh mới. Đất nước ta thực kỳ dị, chỉ mới đây thôi còn nhộn nhịp
phố phường mà nay lại lọt vào chính giữa khu rừng nhiệt đới hoang vu
bạt ngàn.
Về sau tôi được biết Buôn Ma Thuột là xứ sở của mây mù,
buổi sáng mây bay tới tận giường ngủ. Buôn Ma Thuột còn là xứ sở của
hoa, hoa có tên và hoa không tên, hoa như cây dại mọc tràn tới thềm nhà.
Buôn Ma Thuột còn là sự yếu mềm của lòng mình,
muốn yêu, muốn khóc, muốn làm thơ…
Một
buổi chiều, lần đầu tiên tôi làm công việc, hỏi cung các tội nhân. Anh
Thư ký dẫn vào phòng một lão già người Thượng. Lão già đóng khố, màu da
ám khói
giống như quả bầu nậm treo giàn bếp, người Thượng dùng để hứng nước
suối đội đầu đem về nhà. Lão ta đứng trước mặt tôi nét mặt như tượng đá,
đang chìm đắm vào cõi suy tư thoát tục. Lão điềm nhiên giống như đang ở
một mình trong rừng. Hoàn cảnh khó khăn
trước mắt không làm xao động nổi con người đặc biệt nầy. Điều đó thực
là hiếm có. Ai đứng chỗ này, trước chiếc bàn của ông Dự Thẩm cũng đều
run rẩy khiếp sợ. Số phận của họ trong phút chốc sẽ được định đoạt mà
thường thường là bi thảm. Còn lão già này, ngược
lại hoàn toàn dửng dưng. Hình như lối sống sơ khai của người miền cao
tạo nên cho họ một tâm tính mộc mạc hồn nhiên, họ không lo lắng, không
tự dằn vặt hành hạ mình, nhờ thế họ vượt qua dễ dàng những thử thách
tinh thần kiểu nầy. Trong khi đó người Kinh nhất
người giàu có hoặc có vai vế trong xã hội chỉ cần bỏ tù vài ngày, tinh
thần thể xác họ suy sụp hoàn toàn.
Tôi
hỏi, lão lắc đầu. Tôi lại hỏi, lão lại lắc đầu. Nhiều lần như thế tôi
bối rối. Thế này làm sao hỏi cung ? Có lẽ đây là lần đầu tiên ở phòng Dự
Thẩm, tội nhân không sợ sệt, chỉ có ông Dự Thẩm bối rối. Tôi chưa biết
xử trí ra sao, ông lục sự
ngồi giúp tôi trong việc chép lời khai nói :
– Thưa ông dự thẩm, để tôi đi gọi Hơ Ly Êban.
Lần
đầu tiên, tôi nghe tới tên nầy. Số phận đã đưa đẩy Hơ Ly Êban đi vào
đời tôi kể từ buổi chiều hôm đó. Hơ Ly là đoá hoa rừng, là quà tặng của
xứ được mệnh danh là “Buồn muôn thuở”, một thứ trái cây dại vừa ngọt
ngào vừa đắng chát, một sự hoà
trộn tuyệt vời giữa hạnh phúc và khổ đau…
Lúc đó, Hơ Ly khoảng hai mươi tuổi. Nàng là gái dân tộc
Êđê, nếu cô ta có một vẻ đẹp như gái người Kinh thì tôi không kể làm gì,
đàng này đó là một cô gái dân tộc Êđê có nguồn gốc chủng tộc Indonesien
rất rõ, thể hiện ở vóc dáng, màu da, khuôn
mặt. Nước da nàng ngâm ngâm một màu nâu vàng đất sét pha hồng của loại
đất badan giàu chất sắt. Mái tóc nàng rậm đen đến độ xanh ánh lên như
thép. Hai hố mắt nàng rất sâu chứa đầy bóng tối làm cho cái nhìn trở nên
mềm như bông. Hai hàng mi cong cứng và cặp
lông mày rậm là nét đặc trưng rất rõ của chủng tộc nàng. Khuôn mặt cô
ấy vuông vức kiểu mặt chữ điền, tuy xương hàm hơi thô, ngược lại đôi môi
nàng có một vẻ dịu dàng với làn da mỏng tanh, khô khô một vài vết nứt
rạn li ti màu hồng nhạt như cánh hoa rừng,
trông thấy thì muốn hôn. Cô ta thường mặc váy đen, áo sơ mi nhiều màu.
Những ngày lễ lạc nàng mặc loại váy đặc biệt may bằng thứ vải đen dệt
theo lối thủ công có nhiều đường chỉ màu sặc sỡ. Tôi không thấy Hơ Ly
dùng son phấn bao giờ.
Hơ Ly nói tiếng Việt và tiếng Pháp lưu loát. Lúc trước
nàng học trường Dòng với các Xơ. Hơ Ly làm thông ngôn cho Toà án. Thời
đó, người Thượng có toà án riêng gọi là toà án sắc tộc xét xử các vấn đề
dân sự như tài sản, gia đình căn cứ theo tập
quán tục lệ mà kết quả thường là phạt trâu, phạt chiêng hoặc phạt ché
là một loại lọ lớn dùng để ủ rượu cần. Riêng các tội thuộc về hình sự,
họ phải ra toà án thường. Hơ Ly là cây cầu ngôn ngữ bắt từ những người
đồng chủng của nàng tới chúng tôi. Ban đầu, tôi
nghĩ Hơ Ly là người Eđê làm thông ngôn thì chẳng khó khăn gì. Sau khi
hiểu rõ, tôi biết sự việc không phải đơn giản như thế. Không phái bất cứ
người Eđê nào cũng làm được. Hơ Ly biết gần bốn mươi thổ ngữ. Thực là
một khả năng ngôn ngữ hiếm có. Tôi hỏi về chuyện
này, Hơ Ly nói :
–
Ngoài tiếng Êđê ra, còn nhiều thứ ngôn ngữ khác như Gia Rai, Sê Đăng,
M’ Nông… Tuy cũng là người Êđê nhưng có khi làng nầy cách làng kia chỉ
có một con
suối nói vẫn không hiểu nhau được.
Tôi hỏi :
– Làm sao em học được nhiều thế ?
– Ngôn ngữ người dân tộc rất đơn giản. Cái gì họ có thì
mới có tên gọi. Ví dụ trong cuộc sống giữa núi rừng làm gì có cái chợ,
nên không có danh từ chợ. Họ nói “Nao sang chơ ” có nghĩa là đi sang
chợ. Họ chỉ có Một chữ “Nao” là đi mà thôi. Cuộc
sống thô sơ nên ngôn ngữ cũng hạn hẹp.
Cô ấy độc quyền trong việc nói năng. Cô ta thông ngôn
đúng hay sai chẳng ai biết. Cho tới bây giờ, tôi cũng không biết cô gái
đẹp người Êđê nầy có lần nào tự ý giúp cho những người đồng chủng của
nàng hay không ? Có nhiều lúc tôi chỉ nghe tội
nhân ấp úng một vài lời nhưng Hơ Ly dịch thành một câu dài với mục đích
biện bạch cho được sự vô tội. Nếu có thế thì vẫn tốt. Tôi xưa nay
thường thích người yêu quê hương, yêu đồng bào mình .
Sau
giờ làm việc, tôi thường giữ Hơ Ly lại trong văn phòng bắt nàng kể về
phong tục tập quán người Tây Nguyên. Tôi hỏi vì sao người Thượng không
bao giờ
đi hàng ngang hoặc sánh vai bên nhau trên đường phố, dù là hai người
thân cũng người trước người sau, còn đông người thì luôn luôn đi thành
một hàng dọc. Hơ Ly giải thích :”Từ bao đời nay, người Sơn cước đi trên
những con đường mòn trong rừng làm sao sánh
đôi sánh ba cho được. Thói quen nầy ăn sâu trong mỗi người”. Hơ Ly kể
nhiều truyền thuyết về núi rừng, mãnh thú, lửa, hoa và nhất là tình yêu
trai gái. Chính Hơ Ly dạy cho tôi tiếng Êđê, trong đó có câu “anh yêu
em”.. Và tôi đã ứng dụng ngay bài học vỡ lòng
nầy với người thầy của mình. Hơ Ly trả lời bằng một tràng tiếng Thượng,
tôi không hiểu gì cả, rồi nàng cười . Ôi! Giọng cười của nàng vui như
tiếng chim, xanh như lá mới, ngọt như trái rừng, reo vang như suối đổ.
Tôi nhớ bài “Nụ cười sơn cước” có đoạn :
…Một chiếc khăn màu trắng trong
Một chiếc vòng sáng long lanh
Với nụ cười nàng quá xinh…
Đúng là nụ cười của Hơ Ly. Tình yêu của tôi lớn nhanh như
cỏ dại mùa mưa. Chúng tôi rong chơi với nhau trong rừng. Hơ Ly không
bao giờ chịu đi dạo phố phường, đi ăn hay đi xem xinê. Tôi hỏi, nàng nói
:”Kao khắp kley Hơ dip phung cư chang!” có
nghĩa là em chỉ yêu thích thiên nhiên thôi.
Buôn
Ma Thuột vào những năm đầu thập niên sáu mươi là một thành phố kỳ dị.
Thiên nhiên xanh rờn mạnh mẽ lấn át phố phường. Từ trên máy bay nhìn
xuống chỉ
thấy một màu xanh ngút ngàn, con đường như sợi chỉ đỏ chạy quanh co.
trong thành phố, có nhiều nơi bên này đường là phố xá, bên kia đã là
rừng già nhiệt đới áp sát. Rừng thực là môi trường tốt cho những cặp
tình nhân sung sức như chúng tôi. Tôi lái xe chở
nàng chạy càn lên rừng hướng dương. Nhìn lại phía sau vết xe làm cho
cây cối ngã rạp xuống thành một lối đi. Lần đó chúng tôi dừng lại bên
suối. Thật là một nơi lý tưởng cho những cuộc tình hoang dại.
Giữa khu rừng vắng vẻ làm cho sự e dè ngượng ngập xâm
chiếm cả hai chúng tôi. Chúng tôi ngồi bên nhau chẳng biết nói gì. Hình
như những ý tưởng riêng tư làm vấn đục tâm hồn. Hơ Ly để bàn tay nằm yên
trên lớp cỏ xanh. Sau này tôi có làm bài thơ
“Bàn tay trên cỏ” trong đó có câu :
Yêu nhau trên cỏ lá xanh mang về.
Sở
dĩ có câu thơ trên vì có lần Hơ Ly nói lúc trở về nhà thay áo nàng thấy
một mảnh lá cỏ xanh dính ở vú. Nàng cất nó trong chiếc phong bì làm kỷ
niệm.
Mấy ngón tay nàng nho nhỏ giống bàn tay trẻ con để yên hồi lâu. Tôi đặt
tay lên tay Hơ Ly lạnh, nàng hơi kéo tay lại. Tôi nắm chặt, nàng hơi
vùng vẫy. Tôi giữ chặt hơn, Hơ Ly để yên. Đôi mắt nàng mơ màng nhìn về
hướng núi đang chìm dần trong sương nhưng
có lẽ tất cả tâm trí nàng lắng nghe sự rung động của da thịt, cảm giác
đụng chạm với người con trai Kinh. Tôi ôm nàng và hôn, Hơ Ly chẳng kháng
cự gì cả. Nàng hoàn toàn thụ động.Trong khi hôn, hàng mi dài của nàng
chớp chớp chạm vào da mặt tôi, hàng mi cong
và cứng một cách tự nhiên mà những cô gái Việt rất muốn, họ phải chải
sáp hoặc mang lông mi giả. Tôi biết trong khi hôn, nàng mở cặp mắt to ra
nhìn ngạc nhiên sững sờ. Đó có lẽ là nụ hôn đầu tiên trong đời cô gái
nầy. Nàng cuống quít nhưng chẳng biết làm gì.
Cái hôn gây cho nàng sự lạ lẫm hơn là thú vị. Nên nhớ đây là một cô gái
văn minh, có học, nói tiếng Tây như đầm nhưng trong việc yêu đương, cái
bản năng hoang sơ vẫn còn ngự trị mạnh mẽ làm cho cô cảm thấy xa lạ lo
âu. Hôn xong, cô ta mở đôi mắt thao láo ra
mà nhìn. Tôi luồn tay vào trong áo nàng. Như mọi cô gái Thượng khác, Hơ
Ly không mặc nịt vú. Cặp vú tròn ấm áp của cảm giác trơn láng và rắn
như trái rừng chín tới là tiêu biểu của bộ ngực gái miền sơn cước. Hơ Ly
để yên cho tôi tha hồ sờ mó.hưng đến khi
tôi muốn đi xa thêm một bước nữa thì nàng phản ứng kịch liệt. Nàng nói
:”Không được. Phải có cha mẹ, có làng chứng kiến!” Tôi đòi nữa thì nàng
nói :”Ở nơi đây không được, rừng cấm !” Tôi cứ đòi. Hơ Ly nói :”Thần núi
phạt đó!” . Tôi hỏi phạt làm sao ? Hơ Ly
nói :
– Sinh con ra có đuôi như đuôi con khỉ!
Tôi biết đây là cách của mấy người già bày đặt ra để doạ bọn con gái .
Những
năm đầu thập kỷ sáu mươi, Buôn Ma Thuột là một thành phố nhỏ chỉ có mấy
đường phố. Người Kinh lên đây chưa nhiều. Những người làm nghề khai
thác gỗ
là giàu, người Pháp lập đồn điền cà phê đã lâu, người Hoa buôn bán. Cả
phố chỉ có một rạp xi nê Lô đô. Có nhiều người đi buôn Thượng, thường là
đổi chác, ít khi dùng tiền.. Người ta đem muối, cồng, chiêng, ché và
hạt cườm xanh đỏ đổi lấy lợn gà, ngà, xương
hổ. Có một số y tá vào các buôn chữa bệnh sốt rét, tiền thuốc cũng trả
bằng thổ sản. Người Thượng rất thích tiền giấy mới. Có tiền mới thì bao
nhiêu cũng bán. Phụ nữ thường mặc váy đen để mình trần. Họ đi ra chợ
từng đoàn ẩn hiện trong sương sớm lạnh buốt.
Món hàng quen thuộc là nhưng quả mướp khô chỉ còn lại xơ dùng để chùi
xoong nồi. Thời gian này xã hội còn rất đơn giản nên mặc dù giữ trọng
trách, tôi vẫn có nhiều thời gian rỗi. Tôi thường vào rừng săn bắn.
Tiếng là đi săn bắn nhưng tôi thường kiếm nơi
thanh vắng, tìm gốc cây ôm súng ngả lưng đắm chìm vào cõi mộng mơ. Tôi
đem giấy bút viết thư, làm thơ cho Hơ Ly. Những vần thơ này trước khi
tới tay Hơ Ly, nó đã làm cho người viết ra nó tan ra trong niềm hạnh
phúc, thăng hoa thành thứ hơi núi màu lam mờ mờ
vương vấn trong rừng cây. Có những bức thư trường giang đại hải viết về
tình yêu hai người, kể lể về những lần gặp gỡ và kể lại một cách tỉ mỉ
về cảm giác của tôi khi chung đụng nàng. Khi viết lách về tình yêu,
người ta thường phóng đại sự việc lớn hơn nhiều
lần, tôi cũng không tránh khỏi nhược điểm này. Vả lại, tình yêu giữa
chúng tôi đã tới thời kỳ chín muồi, có những điều thầm kín cần ghi lại
và giữ riêng cho nhau. Tôi nghĩ nếu đó là một cô gái người Kinh chắc tôi
không bạo dạn và tiến nhanh như thế trong tình
trường. Đây là một bông hoa của rừng thẳm hoang dại nguyên sơ, tôi cũng
theo lối man rợ, yêu không kiểu cách, càn rỡ. Khi gặp nhau trong rừng,
Hơ Ly rất ít nói. Nàng thường ngồi yên để cho tôi tha hồ mặc sức hành
động. Cô ấy chỉ mở cặp mắt to tròn ngơ ngác nhìn
tôi một cách tò mò. Nàng buông thỏng hai tay, không một cử chỉ đáp ứng
ngoài sự tò mò về những nụ hôn.
Một
lần tôi theo Hơ Ly về buôn. Buôn của nàng gần thành phố thuộc hạng giàu
và văn minh. Gia đình nàng lại giàu nhất trong buôn. Cha nàng là người
có
uy tín trong bộ tộc Êđê và ngoài ra, còn có danh tiếng trong giới cầm
quyền người Kinh. Đây là lần đầu tiên tôi bước vào một ngôi nhà sàn. Tôi
khó nhọc leo lên mấy bậc thang làm thân cây đẽo thành những chỗ để đặt
bàn chân. Trong chiếc nhà sàn rất dài có nhiều
gia đình. Hình như họ sống theo lối quần cư, nhiều gia đình sống chung
trong một ngôi nhà. Bên dưới nuôi gia súc. Họ nuôi theo lối thả rông.
Mấy con lợn nái bụng sà tới đất, hàng vú quét trên cỏ đang dẫn bầy con
ăn một cành lá rừng. Tôi không biết đó là thứ
cây gì, thật là một lối chăn nuôi đơn giản. Còn dê và gà thì nhiều vô
số. Mấy con dê mới sinh màu lông chỗ trắng chỗ đen trông rất dễ thương.
Trong khi tôi con bỡ ngỡ thì lạ quá mọi người ở đây dường
như đã biết tôi rất rõ . Không cần Hơ Ly giới thiệu, họ biết rõ tên
tuổi chức vụ của tôi. Mọi người gặp tôi đều chào hỏi niềm nở rồi lại
cưòi, một cách cười hóm hỉnh. Lúc đó, tôi chưa hiểu
gì cả nhưng chỉ năm phút sau vỡ lẽ. Trời ơi, tôi chỉ có nước độn thổ !
Tôi
thấy chỗ Hơ Ly ở, rải rác đó đấy trên sàn nhà bằng cây nứa đập dập sánh
lên láng bóng do con người qua lại nhiều lần là những lá thư và những
bài thơ
tôi gởi cho nàng. Tôi cầm một tờ giấy lên xem, toàn là chữ nghĩa của
tôi. Tôi hoảng hồn vì những điều tôi viết cho Hơ Ly là những bí mật của
đôi trai gái. Mấy cô gái khác chẳng cần bảo, họ cũng cất giấu loại bảo
vật này, còn Hơ Ly lại đem thứ văn chương ái tình
chia sẻ với mọi người. Tôi không làm sao hiểu nổi đoá hoa rừng này lại
dám đem những chuyện riêng tư của mình ra kể cho cả làng nghe. Mấy lá
thư đều nhàu, tôi chắc nàng đã đem nó ra đọc và dịch nhiều lần. Tới lúc
này tôi mới hiểu vì sao mới gặp lần đầu mà
mọi người ở chỗ thâm sơn cùng cốc này lại biết rõ tôi đến thế.
Tôi
ngượng nghịu vô cùng, chỉ muốn ra về liền. Hơ Ly tiễn tôi ra xe, tôi
giận nàng lắm không nói một lời. Xe chạy hồi lâu tôi cũng nguôi ngoai
dần. Tôi tự
an ủi : Thôi cô ta đem chuyện ra kể cho mấy người trong cái làng Thượng
hẻo lánh này cũng chẳng sao, ai ngờ sự việc không dừng lại ở đó. Mấy
hôm sau, tôi thấy các cô ở trong toà án tụm năm tụm ba lại đọc. Họ thấy
tôi đi qua thì giấu, len lén đưa mắt nhìn trộm
tôi rồi cười rúc rích. Thôi đích thị Hơ Ly lấy thư của tôi cho mấy
người này xem rồi. Đọc xong, mấy cô chuyển cho mấy cậu nhân viên xem.
Mấy cậu này xem xong đưa cho ông chánh lục sự già xem, ông này trao lại
cho ông chánh án thưởng thức thứ văn chương ái tình
của tôi. Thực là những bức thư tình ướt át mùi mẫn có đôi chỗ pha thứ
văn chương phòng the đồi truỵ. Khổ nhất là thời đó tuy tôi mới hơn hai
mươi tuổi đã là một ông quan toà đi đến đâu, người ta cũng thưa bẩm. Một
vị thẩm phán cầm cân nẩy mực giữ địa vị cao
nhất nhì trong tỉnh lại làm cái chuyện lạ đời là viết thư tình cho một
người con gái Thượng. Tôi chắc rồi đây thế nào cả cái thị xã Buôn Ma
Thuột này cũng sẽ rõ chuyện. Cũng may không lọt về Bộ chứ nếu không thì
sự nghiệp của tôi cũng tan theo gió ngàn Buôn Ma
Thuột .
Tôi gặp Hơ Ly trách :
– Tại sao em lại đem thư đọc cho cả làng nghe, lại còn đem đến chốn công đường cho người ta xem ?
Không một chút ấp úng, Hơ Ly đáp :
– Ơ, anh viết hay quá mà, em đọc một mình nhiều lần rồi, phải cho người khác xem với chớ!
– Chuyện riêng tư ai lại cho người khác biết ?
– Cho người khác biết chớ, hề chi .
– Em không biết xấu hổ sao ?
– Chyện gì lại xấu hổ ?
– Chuyện kín của hai người mà .
– Chuyện đó có gì kín đâu? Trai gái ai lại không làm ?
Trước lời lẽ mộc mạc hồn nhiên của cô gái miền cao như
thế này, tôi làm sao trách cứ nàng cho được. Tôi chỉ biết trách mình đã
không tìm hiểu đúng mức phong tục người miền núi mà đã dám yêu đương
người ta. Thật đáng đời !
Sau
đó, hỏi chuyện một già làng, tôi mới hiểu tâm tính khác thường của
những cô gái miền Thượng du. Lão này nghe tôi hỏi thì trầm ngâm thả thứ
khói thuốc
mùi hăng hắc từ chiếc ống điếu làm bằng một lóng trúc dài với cái vỏ
trái rừng khô. Lão ta dùng thứ tiếng lơ lớ giảng giải cho tôi hiểu đại
khái rằng người Êđê theo chế độ mẫu hệ, người nữ có quyền định đoạt mọi
việc kể cả việc chọn người nào làm chồng. Con
gái Thượng được kẻ nào yêu thương, nếu họ cũng thích người đó nữa thì
họ sung sướng lắm. Họ thường đem chuyện yêu đương giữa hai người kể cho
nhiều người khác biết để chung vui với họ. Ái ân giữa đôi trai gái là
điều thiiêng liêng, tự nhiên, sạch sẽ như con
chim con thú, không cần giấu giếm. Nhưng đem nhau vào rừng làm chuyện
này thì họ kiêng cử lắm. Làng bắt được thì phạt vạ. Ông lão nói :
–
Cái con mái quí lắm! Con gà mái, con heo nái, con chó cái đổi hai ba
con đực người Thượng không đổi đâu. Con gái đi cưới chồng. “Bắt cái
chồng” không
mắc cỡ đâu!
Thời
gian sau, không hiểu vì sao Hơ Ly tìm cách tránh tôi. Mỗi lần thông
dịch xong, nàng tất tả đi ngay. Tôi tìm gặp hỏi chuyện, nàng nói :
– Thôi, không được đâu, không gặp nữa, không chơi nữa!
Tôi nói liều :
– “Bắt cái anh” về làm chồng đi !
Hơ Ly cười nói :
– Bắt không được đâu.
– Tại sao?
– Cha mẹ anh đòi nhiều lắm .
Tôi nói :
– Không đòi trâu dê cồng chiêng đâu. Cho em luôn, cho không, không đòi gì cả, cho luôn trái tim…
Hơ
Ly lại cười. Ôi ! Nụ cười sơn cước chính hiệu một trăm phần trăm. Trong
tôi trào dâng tình yêu nóng rực, tôi chồm tới ôm nàng vào lòng. Hơ Ly
vùng vẫy
kịch liệt. Tôi bắt chước mấy thằng tù, mấy tên lính nói càn một cách
thô tục :
– Cho anh “bắt cái nước” (làm tình) đi !
– Không được, nói bậy! Người tử tế không được nói bậy.
Không lấy nhau làm vợ chồng được đâu. Không lấy anh đâu. Không ngủ với
nhau được đâu!
Tôi hỏi :
– Tại sao ?
– Không đẻ con ra tốt đâu!
Tôi
kinh ngạc hỏi :”Tại sao?” Hơ Ly thì thầm như tiết lộ một điều bí mật
huyền hoặc: ”Trong buôn của em có chị Hơ Ring lấy anh lính người Kinh ở
trung đoàn
45. Con đẻ ra chỗ trắng chỗ đen giống như con chó vá!”. Tôi lại hỏi:
”Em có thấy không ?” Hơ Ly nói : ” Không. Em nghe mấy người già trong
làng nói. Họ không cho em cưới anh!”. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Hơ Ly
lánh mặt tôi. Tôi nói :
– Họ nói bậy, không đúng đâu.
– Đúng mà, người già nói đúng mà !
– Tại sao em biết đúng ?
–
Biết chớ. Rồi Hơ Ly kể cho tôi nghe: ”Trong nhà em có nuôi con heo cái
giống trắng. Tới thời kỳ, nó chạy vô rừng lấy con heo rừng. Con nó đẻ ra
loang lổ.
Mình lấy nhau, con đẻ ra cũng như con heo lang!
Trời ơi! cô gái cao nguyên này nghiên cứu cả sinh học. Lý
lẽ nàng thực là hùng hồn, trắng đen lấy nhau con sinh ra chỗ trắng chỗ
đen. Tôi biết đây là cách của mấy già làng nói doạ Hơ Ly. Tôi hỏi :
– Em không cưới anh thiệt sao ?
– Thiệt! Buồn lắm nhưng không cưới anh đâu. Không cưới ai hết. Sống như cái cây trong rừng vàng lá cành khô già đi rồi chết…
Lần
này, Hơ Ly ôm lấy tôi hôn rối rít vừa hôn vừa khóc. Không như những lần
trước mở mắt ra nhìn, lần này nàng nhắm nghiền hai con mắt lại đẩy nước
mắt ra
ràn rụa chảy xuống đôi môi hai người làm cho cái hôn mặn chát…
Năm
sau đó, tôi đi khỏi Buôn Ma Thuột. Tôi về làm việc ở Huế rồi Quảng
Ngãi. Được vài năm thì tôi xin thôi. Tôi chẳng có cái duyên mà cũng
chẳng hợp với
nghề xét xử con người. Từ đó, tôi không còn biết tin tức gì của Hơ Ly.
Tôi luôn luôn mong cho nàng có một cuộc sống tốt đẹp. Người như nàng
xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong tình yêu.
|
|
Nụ Cười Sơn Cước - Lê Dung hát
Pictures of minorities in North Vietnam taken by different photographers
|
|
|
|