Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

ĐOÀN KẾT

ĐOÀN KẾT
Trần Trung Đạo


·
Khi đi dạo dọc hồ Houghton ở Milton, Massachusetts, tôi hay bắt gặp những bụi cây dại mọc dưới nước. Không biết là loại cây gì, không đẹp và chưa lần nào thấy chúng nở hoa. Những cành trơ trụi nhưng đứng vững giữa hồ nước rộng qua bao nhiêu mùa đông New England khắc nghiệt. Nhìn kỹ mới biết chúng đứng được là nhờ rễ của chúng đan chặt vào nhau. Bụi cây tồn tại là nhờ sự đan chặt đó. Tôi chụp một bức hình để mai mốt đi nói chuyện có dịp làm ví dụ cho tinh thần đoàn kết.
Chủ Nhật 9 tháng Bảy vừa rồi, trong buổi nói chuyện một tiếng rưỡi đồng hồ với Liên Mạng Toàn Cầu, các câu hỏi và câu thảo luận phần lớn tập trung vào việc làm thế nào để người Việt hải ngoại đoàn kết được với nhau trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở quê nhà. Điều đó cho thấy người Việt rất quan tâm đến đoàn kết.
Trước nay, chúng ta thường hiểu muốn có đoàn kết phải tập hợp chung quanh một lãnh tụ anh minh nào đó. Không ít người cũng nghĩ đoàn kết như một mối dây thông cảm giữa những người cùng hoàn cảnh. Không! Thời đại minh quân, minh chủ qua rồi. Đây là thời đại của lãnh đạo tập thể và trong tập thể đó không nhất thiết việc gì cũng phải đồng ý với nhau. Hoàn cảnh hay quá khứ không phải là tiêu chuẩn cho đoàn kết bởi vì khi hoàn cảnh đổi thay, tình đoàn kết giữa những người trong tập thể đó cũng sẽ đổi thay theo.
Mỗi người chúng ta có những quan điểm khác nhau, quá khứ khác nhau nhưng rõ ràng chúng ta có những cái chung rất lớn. Một trong những cái chung đó là làm mọi cách để tập trung sức mạnh vào việc thay đổi cơ chế chính trị CS tại Việt Nam. Và nếu chúng ta đồng ý với mục đích như vậy thì phải gác qua bên những cái khác biệt nhỏ nhặt và riêng tư.
Chúng ta cũng không thể mong có được một môi trường đấu tranh lành mạnh chỉ toàn là những điều tích cực. Không! Tiêu cực sẽ còn và mãi mãi còn đó. Nhưng thay vì dành thời gian vốn ít oi của mình để chống những hiện tượng tiêu cực, hãy tập trung vào các điểm tích cực, các đề án tích cực có lợi cho cộng đồng nơi chúng ta đang sống và cho đất nước Việt Nam bên kia Thái Bình Dương.
Chúng ta không có Nelson Mandela, không có Aung San Suu Kyi, không có những nhân tài để dẫn dắt, chẳng lẽ ngồi đó chờ họ đến. Chúng ta vẫn có thể tự đặt ra cho mình những nguyên tắc chỉ đạo và hoạt động chung quanh các nguyên tắc đó.
Trường hợp nước Cộng Hòa Lithuania là một ví dụ hùng hồn. Hiện nay quốc gia này có rất nhiều đảng phái chính trị nhưng trong thời kỳ đấu tranh chống CS Liên Xô, họ chỉ tập hợp thành một khối duy nhất và theo đuổi mục đích chỉ đạo là độc lập và dân chủ cho Lithuania. Họ không có một lãnh tụ tầm cỡ quốc tế nào cả. Người Lithuania và người Việt có rất nhiều điểm khác nhau về lịch sử, văn hóa, giáo dục, nhận thức chính trị nhưng vẫn là những con người có cùng khát vọng tự do dân chủ giống nhau. Những thành công của họ rõ ràng là bài học lớn cho thiếu sót của chúng ta.
Như một lần nói chuyện ở Washington DC trước đây, tôi có thưa rằng con đường đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách CS là con đường rất rộng và thích hợp cho mọi người, mọi thế hệ, mọi khả năng, mọi ngành nghề. Thay vì chen lấn, xô đẩy nhau, hãy cố gắng vượt qua những khuyết điểm mà chúng ta đang có để làm việc chung với nhau.
Đất nước sẽ không vượt qua được nếu mỗi người trong chúng ta không vượt qua được chính mình.

Không có nhận xét nào: