Nguồn: Internet
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên
Tuổi
thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì
không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở
thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.
Giáo
sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia
đình thượng lưu gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị -
một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới
như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai.
Lúc
5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu
cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước... Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo
bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá - Vũng Tàu, Quyên
mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.
Nhọc nhằn nơi xứ người
Tháng
7/1991, chị cùng bố mẹ và 5 anh chị đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, các
anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và
phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà
không sợ người khác dị nghị.
"Khi
còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố
gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn", chị Quyên chia sẻ. Để
tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học
tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba
thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.
Vất
vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có
thêm động lực vươn lên. "Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả
năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về
nước của cô đi", chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân
biệt kỳ thị như vậy. "Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ
nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài
lần", nữ giáo sư nói.
Tháng
9/1993, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu
nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại
học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ
nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường
trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp
học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng
nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học.
Thấy
bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản
thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang
lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến
22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.
Tháng
9/1995, chị xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles và làm thêm
trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Chị xin làm nghiên cứu
nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Sau khi tốt nghiệp bằng đại
học Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm chị đã có
bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Thật bất
ngờ, cuối năm của chương trình này chị là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc
của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.
Tháng
6/2001, chị nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên chị
từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Ra trường chị đạt giải
thưởng xuất sắc ngành Lý - Hóa. Tháng 9/2001, được giải thưởng của liên
bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối và đến
làm ở Đại học Columbia, New York.
Ba
năm sau, chị bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara và mất
hơn hai năm xây dựng hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7
phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Chị còn xin hơn 10 triệu
USD cho những dự án nghiên cứu, được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế
giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình
nghiên cứu.
"Bạn
bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt thế mà sao qua Mỹ
học giỏi ghê thế. Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học
vì còn phải phụ giúp gia đình", vị giáo sư nói.
Pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của giáo sư Nguyễn Thục Quyên.
Những vất vả của phụ nữ khi làm khoa học
Giáo
sư Quyên tâm sự, có được ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt của mẹ và người
cậu ruột khi hướng cho chị đi theo con đường tốt nhất có thể. Trong khi
bố cho rằng, con gái thì nên lấy chồng, không cần học, thì mẹ ngược
lại. Chị còn nhớ ngày học xong lớp 12, chị đã xác định sẽ ở nhà và tính
chuyện lấy chồng, nhưng mẹ vẫn đưa chị lên Sài Gòn để thi đại học. "Mẹ
đưa tôi lên Sài Gòn ở nhà bà ngoại để thi đại học, nhưng tôi không muốn.
Lớn lên và học ở trường làng tôi thấy ở tuổi 18 người ta đã lấy chồng
và có con rồi", chị nói.
Người
cậu đã gọi chị đến nói chuyện hơn hai giờ, với mục đích khuyên chị đi
thi và cố gắng vào đại học. "Tại sao có cơ hội như vậy mà cháu lại từ
chối. Học đại học sau này cháu sẽ có công ăn việc làm ổn định, có sự
nghiệp, nếu lấy được người tốt thì không sao...", chị kể lại lời ông
cậu.
Lớn
lên, người chị hâm mộ đó là bà Marie Curie, bởi thời đó khoa học gia là
nữ rất ít. Bà chính là tấm gương vượt khó để chị tiếp tục cố gắng cho
nghiên cứu khoa học.
Hơn
11 năm làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, chị làm khoảng
thời gian 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, chị còn làm nhiều
công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc
tế, xin tiền dự án nghiên cứu trả lương, học phí, và bảo hiểm y tế cho
sinh viên (mỗi nghiên cứu sinh tốn khoảng 100.000 đôla mỗi năm), hướng
dẫn sinh viên làm nghiên cứu, giúp sinh viên viết bài đăng báo, làm
trong ban xét lên lương và lên chức cho tất cả giáo sư trong trường, ban
tuyển dụng giáo sư...
Chị
chia sẻ: làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất
vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân
chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn
trọng của đồng nghiệp nam giới. "Cũng may tôi có người chồng tâm lý và
thông cảm, anh dạy hóa hữu cơ cùng trường, luôn hỗ trợ nên tôi có thêm
động lực để giảng dạy và nghiên cứu", nữ giáo sư nói.
"Phần
đông mọi người nghĩ con gái thì nên lo cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa
và không nên có sự nghiệp riêng. Tôi muốn cho những người phụ nữ khác
biết là họ có thể làm cả hai. Tôi muốn làm những điều hữu ích cho xã
hội", chị nói.
Chị
vẫn còn nhớ như in thời điểm bắt đầu vào học trong trường. Lúc đó chị
xin vào phòng thí nghiệm nhưng không được vì nhiều người nghĩ chị không
thể làm được điều gì và khuyên rằng “nghiên cứu không dễ dàng và không
phải ai cũng làm được. Bạn nên tập trung để học tiếng Anh đi”. Mãi sau
này, có vị giáo sư thấy chị có những câu hỏi hay trong lớp nên khuyến
khích theo đường nghiên cứu. Biết được tin này chị rất vui vì từ bé đã
thích tìm tòi những điều mới.
Đầu
năm 2004, chị đi phỏng vấn ngành hóa ở một số trường đại học. Chị cũng
rất sợ vì những trường này ngành hóa rất ít hoặc không có nữ giáo sư.
"Con đường đi đến thành công ở Mỹ không phải dễ dàng vì quốc gia này
thường thu hút nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nhưng bản chất người
Việt Nam thông minh và chăm chỉ", vị giáo sư nói và cho rằng có công mai
sắt có ngày nên kim.
Thích về Việt Nam
"Tôi
nhớ Việt Nam lắm. Nếu có thời gian là tôi về ngay, bởi hiện nay anh em
họ hàng, nhất là ông cậu - người đặt viên gạch đầu tiên trong cuộc đời
khoa học của tôi vẫn ở quê hương", nữ giáo sư tâm sự.
Lần
đầu tiên chị và mẹ về Việt Nam là năm 1999 để thăm bà ngoại trong 3
tuần. 9 lần về nước ngoài dự hội nghị khoa học, chị dành thời gian để
thăm gia đình.
Chị
cho biết, thời gian 21 năm sống ở Việt Nam, chị nhớ món ăn thuần túy
Việt Nam và các bài hát Việt, nên lần nào về nước chị cũng nhờ cậu mợ
dẫn đi xem ca nhạc. "Tôi thích nhạc dân ca như bài Quê hương, Ai đưa con
sáo sang sông", chị nói.
Khi
hỏi ý định về Việt Nam sinh sống, chị nói: "Có lẽ khi nào về hưu tôi
mới về nước vì quê hương vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất điều kiện tốt để
tôi có thể nghiên cứu", chị nói và cho biết 7 phòng thí nghiệm riêng
của chị trị giá khoảng 4 triệu đôla.
Bên
cạnh giải thưởng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế
giới ngành khoa học vật liệu, chị còn nhận nhiều giải thưởng khác
như: Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation
của Đức năm 2015; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc
gia Mỹ 2010, Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan
Foundation 2009; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus
Foundation 2008; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous
Memorial Award and Lectureship 2007.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét