NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI
Hoài Hương
Bà Năm ngồi nhìn qua cửa sổ, ngắm những
chiếc lá vàng đang rơi trước sân nhà. Trời đã chuyển gió sang Thu, hơi lạnh
cũng phảng phất đâu đó. Già rồi nên cơ thể bà Năm không chịu nổi cái lạnh. Cứ mỗi
lần trời chuyển gió hay giao mùa là bà Năm thấy trong người lạnh lắm. Ở đây, bà
Năm chỉ chịu nổi mùa Hè, các mùa còn lại dù cho là mùa Xuân, bà Năm cũng phải mặc
áo ấm, đầu quấn cái khăn trùm. Cái lạnh bên ngoài nó thấm vào da thịt thì ít
nhưng cái lạnh bên trong đã khiến bà Năm như tê tái cõi lòng....
Từ ngày chồng mất vì bom đạn vô tình hồi
chiến tranh, bà Năm thủ tiết thờ chồng, ráng tần tảo nuôi thằng Thành khôn lớn.
Mới hơn đôi mươi, tuổi còn quá trẻ, dù chỉ mới một con, bà Năm còn có thể bước
một bước nữa. Biết bao mối người ta giới thiệu, bà vẫn không để ý. Bà thương chồng,
thương con, không muốn thằng Thành sống trong cảnh cha ghẻ con riêng nên đã nhất
quyết từ chối mọi mối mai hay là cám dỗ. Nhớ lại cái thời kỳ ăn cơm độn bo bo,
bà phải nhảy tàu lửa đi buôn hàng chuyến để kiếm tiền cho thằng Thành ăn học.
Nhìn cảnh nhà người ta, vợ chồng con cái đầy đủ, ăn được bữa cơm gạo trắng là
bà muốn khóc. Bà đã cố gắng để thằng Thành có được chén cơm ngon và bù đắp cho
nỗi mồ côi cha của nó. Bà đóng cả hai vai vừa là Cha, vừa là Mẹ. Bà Năm nghiêm
khắc với con khi dạy dỗ thằng Thành học như một người cha khó tính. Bù lại, bà
lại dịu dàng với con khi lo cho con từng miếng ăn, tấm áo. Bao nhiêu tình
thương bà đều dồn hết cho thằng Thành. Cực lắm, khổ lắm nhưng bà không hề than
van với ai. Nhìn thằng Thành lớn lên từ từ, bao nhiêu khổ cực bà đều không thấy
thấm vào đâu cả. Thấy bà Năm cực khổ nuôi con, cậu em của bà mới làm giấy bảo
lãnh cho bà đi Mỹ. Khi nhận được giấy tờ, bà lo lắm. Lo không biết là ở nơi xứ
lạ, tiếng a tiếng bê không biết. Lo là bỏ đi, lấy ai chăm sóc mồ mả ba thằng
Thành. Bà đem chuyện ra đi hỏi ý con. Lúc đó dù mới chỉ 13-14 tuổi, thằng Thành
đã trả lời nghe ngon lắm "đi đi mẹ, đi vài năm, con học hành thành tài rồi
thì mình trở về cũng được mà! Lúc đó, con dư sức chăm sóc cho mẹ". Bà vui
lắm khi nghe những lời nói hiếu thảo như vậy. Chiều đó, bà mua hoa quả nhan đèn
ra thăm mộ chồng van vái phù hộ cho mẹ con bà ra đi bình yên, riêng thằng Thành
thì công thành danh toại.
Sống ở mỗi nơi, điều kiện có khác nhau nhưng
cái cực thì hình như cũng giống nhau. Dù có cậu em bảo lãnh, bà vẫn muốn tự túc
lo cho mình và con. Bà đi làm đủ nghề chân tay ở đây mong có đồng ra đồng vào để
trang trải cuộc sống và để cho con có thì giờ đi học. Từ chạy bàn ở quán Phở đến
phụ bếp trong nhà hàng rồi nhận hàng may gia công hay đứng tính tiền ngoài siêu
thị v.v... cái gì bà cũng làm. Bất cứ chỗ nào mà OK với cái tiếng Mỹ ba rọi của
bà là bà chấp nhận làm hết. Ở bên này, con cái lớn 18 tuổi là tụi nó bắt đầu đi
làm tự túc nuôi thân nhưng thương con, bà Năm nhất quyết bắt thằng Thành lo dồn
tâm sức cho việc học, còn bà ráng làm thêm để phụ cho con chi phí sách vở. Cũng
may là thằng Thành học cũng khá giỏi nên có được học bổng, lại thêm tiền phụ cấp
cho gia đình nghèo của chính phủ nên những năm vào đại học, bà Năm lại cảm thấy
nhẹ gánh hơn. Dù thằng Thành khuyên bà nghỉ ngơi, bớt làm việc lại vì nó cũng
không cần nhiều chi phí lắm nhưng bà lại nghĩ rằng còn sức thì còn làm, dư dã một
chút thì để dành làm vốn cho con sau này cho nó ra đi làm hay cưới vợ. Nghĩ tới
chuyện thằng Thành mà yên bề gia thất, có đứa cháu cho bà ẳm là bà cảm thấy như
tăng thêm nguồn sinh lực.
Ngày thằng Thành đội mão mặc áo thụng ra
trường đại học là ngày vui nhất trong đời của bà. Đi dự lễ ra trường của con,
khi thấy thằng Thành được đại diện cho cả ngàn học sinh lên đọc diễn từ trong
buổi lễ, bà sung sướng lắm. Nước mắt bà chảy như mưa. Bà không hiểu con mình
nói cái gì nhưng bà thấy chung quanh bà, có rất nhiều phụ huynh khác cũng cảm động.
Khi thằng Thành ngưng lời, tất cả quan khách và học trò đứng dậy vỗ tay vang dội.
Trên đường về nhà, bà có hỏi lại thằng Thành hồi nãy nó nói gì mà quan khách vỗ
tay dữ vậy. Thằng Thành nhìn bà và nói rằng nó kể cho quan khách bạn bè nghe động
lực nào đã khiến nó hoàn tất được chương trình đại học và tốt nghiệp hạng giỏi,
đó là từ tấm lòng thương yêu, sự động viên khích lệ và tấm gương làm việc miệt
mài của Mẹ nó. Nghe con kể lại mà nước mắt bà rơi dài trên gương mặt hồi nào bà
chẳng hay.
Rồi thằng Thành được một hãng lớn nhận
vào làm, việc làm tốt, tiền lương cao. Thằng Thành có bảo với bà để nó đi làm một
thời gian, có tiền rồi về Việt Nam thăm mộ Ba. Nó còn bắt bà nghỉ hẳn, không đi
làm nữa, ở nhà an hưởng tuổi già. Mà ở nhà không cũng buồn nên bà Năm lại kiếm
việc để làm. Bà lo cơm nước cho con, dọn dẹp nhà cửa cho nó khang trang hơn. Đi
làm được vài năm, thằng Thành sắm một căn nhà để hai Mẹ con về ở, chấm dứt cái
cảnh ở nhà mướn. Có nhà mới, bà Năm lại bận rộn hơn, lo trồng tỉa, chăm sóc sân
trước, sân sau. Thấy con bận rộn quá, bà cũng không dám đề cập chuyện về Việt
Nam thăm mộ chồng. Nhưng bà cũng lo cho nó, sợ thằng Thành ế, bà đã gọi điện về
Việt Nam thăm bà con cũ và hỏi người mai mối giới thiệu. Bà mong có một ngày bà
dắt thằng Thành về quê hương thăm bà con, thăm mộ mả rồi tiện thể nhắm cưới vợ
cho con luôn.
Tưởng rằng cuộc đời rồi sẽ xuôi chèo như
bà dự tính. Cho đến một ngày thằng Thành dẫn về nhà một cô gái giới thiệu với
bà. Con gái Việt Nam đàng hoàng, có bằng cấp cao, dễ thương. Bà hơi thoáng buồn
một chút vì thằng Thành tự ý quen bạn gái mà không cho bà biết trong khi bà mất
công sắp đặt mai mối cho nó. Nhưng cũng mừng vì thằng Thành còn biết ý bà mà
đem về một cô Việt Nam chứ không phải là một cô Tàu, cô Mỹ nào đó. Rồi chuyện
gì tới cũng tới. Thằng Thành đòi cưới vợ. Thấy con trưởng thành, thấy con muốn
lo yên bề gia thất, dĩ nhiên là bà Năm mừng lắm chứ. Thằng Thành lo hết mọi thứ
từ lễ vật cho nhà gái, nhà hàng, khách mời, v..v... tất cả một tay Thành sắp đặt.
Bà có muốn góp ý hay thay đổi cái gì cũng không được. Mà cũng đúng thôi vì bà
lâu nay chỉ quanh quẩn từ nhà ra tới chỗ làm thuê, giao tiếp hay lễ lộc như thế
nào ở xứ này, bà sao biết bằng con được. Bà có tâm sự với cậu em thì hắn bảo
"chị có phúc có thằng con lo cho hết mọi chuyện chu đáo cả rồi. Hắn muốn
báo hiếu đó mà và muốn chị nở mặt nở mày với quan khách hai họ". Biết là
con có ý tốt và mong làm cho mình vui nhưng bà Năm vẫn thấy không ổn lắm. Cậu
em liền phán thêm một câu "chị ơi, sống ở đây hết cái cảnh cha mẹ đặt đâu
con ngồi đó rồi mà là con đặt đâu cha mẹ ngồi đó". Nói như cậu ấy thì bà
Năm đâu còn gì để nói nữa. Thương con, bà đã nhất nhất mọi thứ theo như con sắp
bày để đám cưới diễn ra vui vẻ và đem lại cho con một ngày hạnh phúc nhất.
Rước cô dâu về rồi, bà cũng biết ý, nên
cố tránh cảnh Mẹ chồng Nàng dâu. Thấy cả hai đứa đều đi làm, bà ở nhà ráng đi
chợ nấu cơm để phụ giúp chúng nó. Bà cũng ngại sợ nấu không vừa miệng con dâu
nên hỏi dò ý xem nó thích ăn món gì thì bà làm. Được đôi tháng đầu, rồi có hôm
nọ đi làm về vừa mới bước vào nhà, con dâu bà đã la lên là nhà sao hôi quá.
Nhìn vào bếp thấy bà chiên cá, con dâu bà bảo rằng "mẹ ơi có chiên cá thì
mở cửa sổ ra cho thoáng chứ nhà toàn mùi dầu mỡ không à". Thế là từ đó, mỗi
lần chiên cá, bà Năm mở cửa sổ bất kể ngày đêm. Mùa lạnh thì chịu khó mặc áo ấm
đứng chiên cá. Ăn cơm xong, cô con dâu thì cứ như Tây, lên phòng khách ngồi coi
ti vi nghỉ ngơi một chút rồi vô phòng để mặc thằng Thành rửa dọn. Thương con,
bà Năm dành làm để cho con có thì giờ nghỉ ngơi và gần gũi vợ. Lâu nay ở với thằng
Thành bà Năm thường rửa chén bằng tay. Nay có con dâu về, nó chê rửa vậy không
sạch và bắt bỏ vào máy rửa. Thằng Thành đứng giữa liền có ý nói đỡ rằng rửa máy
cho đỡ mệt đi mẹ. Cuối tuần thì con vợ bắt thằng chồng chở đi mua sắm, lại cũng
một mình bà lui cui thu dọn chăm sóc nhà cửa. Bà Năm có trồng mấy luống cải và
rau thơm để ăn. Con dâu bà kêu rằng làm vậy xấu cái nhà, rồi bảo thằng Thành bứng
lên hết và đi mua hoa về trồng cho đẹp. Thằng Thành cũng chìu theo ý vợ nên nói
với bà Năm rằng "trồng hoa cũng đẹp chứ mẹ, vả lại mấy cái rau đó ra chợ
mua cũng có mà, mẹ trồng làm chi cho cực". Càng cố tránh bao nhiêu thì cái
cảnh Mẹ chồng Nàng dâu càng xảy ra nhưng có lẽ là ở xứ Mỹ này nó theo chiều hướng
ngược lại. Bà Năm thương con, không muốn thằng Thành khó xử nên mọi chuyện bà đều
nhắm bớt một con mắt, bịt mất một lỗ tai cho êm nhà.
Từ từ bà Năm trở thành như một người
giúp việc hay là vú em trong nhà. Đôi lần, thằng Thành có trò chuyện hỏi han bà
nhưng không muốn làm con phiền lòng, bà đều giấu kín hết mọi tâm sự. Bà đã từng
suy nghĩ cả cuộc đời bà đã lo cho thằng Thành thì đến giờ này, bà vẫn lo và hy
sinh cho nó. Đến khi con vợ thằng Thành có bầu rồi sinh con, thằng Thành lại
càng bận rộn hơn. Thấy hình ảnh thằng Thành bồng đứa nhỏ trên tay, bà nhớ lại cảnh
ngày xưa ba nó chỉ bế được nó có đôi lần rồi ra đi vĩnh viễn. Bà Năm sợ lắm và
bà không muốn cảnh đó diễn lại cho cháu nội của bà. Cho nên bà Năm lại đổ dồn
tình thương lên thằng cháu bé bỏng. Bà thích được ẳm nó trên tay, đút cho nó ăn
như ngày xưa bà đã săn sóc thằng Thành. Thương con nên bà bỏ qua tất cả, bà
thương cháu và bà lo cho con dâu bà sau khi sanh xong. Nhưng nào ngay, con dâu
bà có lẽ theo Tây quá, nó đâu thèm đếm xỉa tới những gì bà khuyên bảo nó. Bà hì
hục đi mua cái lò than rồi nhờ người vác về nhà dùm. Bà đem than vào để dưới
giường con dâu cho nó nằm ổ cho ấm. Mới bỏ vào hồi chiều, tối lại đã thấy thằng
Thành bưng ra bỏ ngoài sân sau. Hỏi cớ sự làm sao thì thằng Thành bảo vợ nó kêu
nóng, ngủ không được. Mới sanh về có hai ngày, con dâu bà đã tót vào phòng tắm
tắm nước lạnh xối xả. Khuyên nó nhét bông gòn vào lỗ tai và tránh đánh răng kẻo
mất chất vôi về già, con dâu cũng không nghe. Sợ con dâu không đủ sữa, bà Năm
mua giò heo về hầm lấy nước nấu canh cho nó, nó chê là nhiều mỡ, cũng bỏ không
ăn.
Hết thời gian nghỉ sanh, con dâu bà tính
chuyện đi làm lại. Thấy thằng Thành vò đầu bức tai gọi điện hỏi người giữ trẻ
liên tục, bà liền kêu con lại hỏi "bộ tụi bây tính mướn người giữ hả, vậy
còn Mẹ đây làm gì? Để cháu nội mẹ đó, mẹ chăm sóc cho". Nghe thằng con trả
lời một câu làm bà Năm chưng hửng "không được đâu mẹ ơi, vợ con muốn mướn
người có kinh nghiệm đàng hoàng để giữ thằng bé cho sạch sẽ". Mèn ơi, vậy
là tụi nó chê tui dơ, không giữ được con cho nó. Bà Năm tủi thầm trong bụng. Thấy
vẻ mặt bà Năm chùn xuống, thằng Thành liền nói chữa "vả lại mẹ già rồi, để
mẹ nghỉ ngơi, ai lại bắt mẹ giữ cháu". Bà Năm không nói gì cả chỉ thấy
lòng buồn vô tận. Tui vậy đó mà nuôi con nên người, không bịnh tật, không thua
kém người ta. Tui già rồi đến nỗi không giữ được đứa cháu nội của mình sao vậy
hả. Bà Năm chua xót nhìn thằng con mà không nói nên lời. Thằng Thành còn nói
thêm "thôi mẹ thương con, mẹ làm theo ý vợ con cho nó vui lòng nhe mẹ".
Bà Năm chỉ biết khẽ gật đầu rồi đi về phòng.
Kiếm không được người tới nhà giữ con, vợ
chồng thằng Thành chở con đi gởi ở nhà trẻ cũng đã non nửa năm. Sáng đưa đi, tối
đón về. Cuộc sống thằng Thành càng bận rộn hơn như không còn hơi để thở. Tối tối
phải thay tả con, pha sữa cho con rồi cho con bú. Bà Năm thương con lắm nhưng
không làm gì hơn được. Bà không muốn xen vào mái ấm nhỏ bé của con để cho chúng
nó có hạnh phúc riêng của nó. Bà Năm như một cái bóng ... thừa trong gia đình của
thằng Thành.
... Nhìn lá vàng rơi, lá rụng về cội, bà
Năm chợt nghĩ đã đến lúc bà Năm phải ra đi. Đi về lại với nấm mồ của chồng bà.
Đó là gia đình bà, chỉ còn 2 vợ chồng dù âm dương cách trở. Chắc bà phải nói
cho thằng Thành nhờ người mua vé cho bà trở về Việt Nam khi vợ chồng tụi nó về
nhà tối nay. Nước mắt chảy xuôi mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét