Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

CHUYỆN BA NGÀY TẾT

CHUYỆN BA NGÀY TẾT
Thái Quốc Mưu

 Image result for cây nêu trang pháo bánh chưng xanh câu đối đỏ 
Do lãnh thổ gần kề đất nước khổng lồ Trung Hoa ở phía Bắc, thời trung cổ, dân tộc Việt Nam bị lệ thuộc quốc gia nầy hàng thiên niên kỷ, dù không bị đồng hóa nhưng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nặng nề. 
Có những tục lệ, thờ cúng đối với người Trung Hoa có căn do, nguyên ủy song đối với dân tộc Việt Nam, chẳng những không có ý nghĩa gì mà còn ngược lại. Chẳng hạn người Trung Quốc tôn sùng, thờ cúng Quan Vân Trường tức Quan Vũ tức Quan Công chẳng phải tôn trọng vì khí tiết hay lòng trung thành, tài cán của nhân vật nầy. Việc thờ cúng Quan Công  chỉ là “ám hiệu nhận dạng” của một tổ chức Phản Thanh Phục Minh. Vua Càn Long biết được, ra lệnh cho mọi gia đình đều phải thờ Quan Công (để các chiến sĩ chống Thanh không biết nhà nào là đồng chí hay đồng đảng của mình). Từ đó, việc tôn thờ được dân gian thêm thắt: tiết liệt, anh hùng, thần bí rồi lan rộng khắp nơi. Dĩ nhiên điều đó cũng vượt biên giới Trung Hoa tràn sang lãnh thổ Việt Nam.
Thờ cúng anh hùng dân tộc là một điều đáng làm và nên làm nhưng vị được mọi người ngưỡng mộ tôn thờ phải là người có công lao với đất nước, dân tộc của mình chứ không nên tôn sùng, thờ cúng một nhân vật mà người đó chẳng đem ích lợi gì (đôi khi còn ngược lại) cho xứ sở chúng ta. Giả dụ, người Đức có thể tôn thờ Hitler là anh hùng dân tộc họ nhưng các quốc gia, dân tộc khác - nhất là người Do Thái - không thể thấy người Đức làm như thế rồi bắt chước làm theo.
Trong những ảnh hưởng từ nước láng giềng to lớn, có cái Tết là xâm nhập vào lòng dân tộc ta lâu đời nhất và tương đối chấp nhận được bởi Tết là ngày nghỉ sau một năm dài làm lụng vất vả. Nhưng ngày Tết đến với dân tộc Việt Nam không có thời gian nhất định và không có tính chất độc lập. Từ xa xưa, tổ tiên ta đã chạy theo cái Tết của người Trung Hoa tùy theo thời kỳ vua chúa ngự trị quốc gia khổng lồ nầy ấn định.
Thời Tam Hoàng, Ngũ Đế (1), người Trung Hoa đã biết ăn Tết nhưng không có ngày tháng Tết cố định. Đời Tam Vương (2), Nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn ngày Tết vào tháng Dần (tháng Giêng). Nhà Tây Chu thích màu đỏ lại chọn Tết vào tháng Tý (tháng 11). Trong khi trước đó, đời Thương chuộng sắc trắng nên chọn Tết vào tháng Sửu (tháng 12). Sau khi Đức Khổng Tử ra đời, Nhà Đông Chu lấy tháng Dần làm ngày Tết cố định.  Đến lúc Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, thống nhất Trung Quốc thì chọn tháng 10 (tháng Hợi) làm ngày Tết. Sang đời Hán Vũ Đế, ngày Tết được chọn vào tháng Dần (tháng Giêng) như đời Nhà Hạ.
Dường như từ đời Nhà Hán trở về sau, ngày đầu tháng Dần là ngày Tết cố định và lưu truyền cho đến ngày nay.
Buổi sáng sớm ngày đầu tháng gọi là Nguyên Đán. Ngày được chọn để ăn Tết nhằm ngày đầu của tháng Giêng (tháng Dần) nên được gọi là Tiết Nguyên Đán.
Theo Hán tự, “Nguyên” có nghĩa là đầu, khởi đầu, bắt đầu. “Đán” nghĩa là buổi sớm. Như vậy, Tiết Nguyên Đán có thể hiểu là “buổi sớm đầu năm mới” hay là “Ngày đầu năm mới”. Còn chữ  Tết hoặc là do âm chữ Tiết của Hán tự mà đọc trại ra hoặc là do tinh thần chống đồng hóa nên Tổ Tiên ta thay vì đọc Tiết thì đọc chệch ra thành Tết. Cũng giống như cùng một chữ nhưng âm Hán thì khác với âm Việt Nho, chẳng hạn như người Quảng Đông nói “xực phàl”, ta nói “thực phàn”, “cẩu” (chín) ta nói: “cửu”, “xập” (mười) ta nói: “thập”, “Tiết” Đoan Ngọ thành “Tết Đoan Ngọ”, “Tiết Trung Thu” thành “Tết Trung Thu”...
Nói đến Tết tức là nói đến những ngày đầu xuân tiết trời mát mẻ, hoa cỏ xinh tươi, việc làm nhàn nhã - vì đa số các dân tộc chịu ảnh hưởng ngày Tết của Trung Quốc đều sống về nghề nông, đến cuối đông việc ruộng nương, rẫy bái đều hoàn tất, cơm gạo đầy đủ... cần có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái.
Nói đến Tết là nói đến các thú vui đặc thù dân tộc, đến việc sắm Tết, ăn Tết, thăm viếng ông bà, cha mẹ, bà con, bằng hữu xa gần và vui chơi đây đó.
Image result for cây nêu trang pháo bánh chưng xanh câu đối đỏ
Đặc biệt, nói đến Tết Việt Nam là nói đến: 
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”
(Tú Xương) 
Để chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất hầu bỏ lại sau lưng một năm dài vất vả và với ước vọng một năm mới thành đạt, huy hoàng hơn, dân gian có thời gian chuẩn bị đón Tết khá dài. Tùy hoàn cảnh gia đình, những nhà dư giả thường chuẩn bị ăn Tết trước ngày đầu năm cả năm, sáu tháng, như việc “nuôi heo ăn Tết”. Đa số, chuẩn bị Tết trong thời gian cận Tết. Náo nhiệt, xôm trò nhất, bận rộn nhất là trong tháng Chạp.
Từ doanh thương ở thị thành đến đồng quê hẻo lánh, nơi đâu cũng toàn nói chuyện Tết: Mua hàng bán Tết, giã gạo ăn Tết, tát đìa (3) ăn Tết, xổ đập (4) ăn Tết, làm dưa chua, quết bánh phồng, làm mứt, gói bánh tét, bánh chưng... ăn Tết. Và còn sửa sang nhà cửa, bàn thờ, mua sắm hoa kiểng, áo quần mới... để đón Tết và ăn Tết. Quả thật “nhà nhà chuẩn bị Tết” để rồi “người người cùng ăn Tết”. 
Dường như quê hương ta, từ trước đến ngay, nông thôn là nơi còn duy trì, vương vấn tập tục Tết còn nhiều sắc thái đặc thù của dân tộc.
Vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà đều đưa ông Táo về trời. Thần Táo tức vua Bếp, một nhân vật huyền thoại được Ngọc Hoàng Thượng Đế cử xuống trần gian ở khắp mọi nhà, có nhiệm vụ quan sát việc làm lành dữ của chủ nhà suốt tháng, quanh năm. Đến ngày 23 tháng Chạp, Thần Táo được đưa về Trời để báo cáo với Thiên Đình công đức và tội lỗi của gia chủ. Thông thường trong lễ đưa ông Táo về Trời có:                  
“Một bộ mão áo mừng Tết mới
Hai con cá chép cưỡi đường xa”
(không nhớ tên tác giả)
và không quên nhắn nhủ: 
“Điều hay xin chứ tâu lên nhé,
Chuyện dữ xin đừng giở giói ra.
Tính chủ thành tâm xin cố nhớ
Mong Ông ngoảnh lại thế gian nhờ”
(không nhớ tên tác giả và có thể sai vài chữ)
Trong những nhân vật huyền thoại, ngoại trừ “ông Địa”, Thần Bếp cũng là vua ăn hối lộ ít vị huyền thần nào sánh kịp. 
Với ông Địa thì “Vái ông Địa, cho con kiếm được... cây móc tai, con cúng ông nải chuối” hoặc “Ơn ngay ông Địa, cho con kiếm được cây trâm, con cúng ông nồi chè”...
Ông Địa ăn hối lộ đứng vào bậc nhất nhưng bị gạt cũng vào hàng thứ nhất vì khi mất mát, lúc cần chẳng ai tiếc “lời van vái” bao giờ, đến khi tìm được rồi thì còn nhớ ơn nghĩa làm chi - khi cần, lúc mất thì người ta cầu ông Địa, đến lúc tìm lại được nào mấy ai chịu đưa hối lộ cho ông? Cũng có những sự tráo trở rất buồn cười, khi mất mát thì hứa cúng nồi chè, con gà, con vịt khi tìm được thì kỳ kèo mặc cả: “Con hứa với ông cúng như vậy... nhưng bây giờ xin ông dùng trà bánh với con.” Lại cũng có: “Ối! quýnh quáng quá thì vái vậy, chớ thần thánh ai bắt bẻ mình làm gì...” Đúng là mồm mép dẻo dai! 
Với Thần Bếp, trong lễ tiễn đưa phải sắm đủ lễ vật, nếu không, trong bảy ngày ở Thiên Đình, vị thần đen đúa xấu xí nầy chỉ tâu lên Ngọc Hoàng những điều lầm lỗi của gia chủ ở thế gian và quên mất đi phần nhân đức. 
Trong các Huyền Thần như Thần Tài, ông Địa, Thành Hoàng, Thổ Thần... có thể còn được tin tưởng và kéo dài thêm một thời gian nữa. Nhưng đối với Thần Bếp (ông Táo) có lẽ không thọ (tồn tại) đến vài mươi năm nữa trong thế kỷ 21 nầy, có nghĩa là ông Táo, dù là Huyền Thần nhưng không tránh được luật đào thải bởi sự tiến hóa của nhân loại. 
Mấy mươi năm về trước, từ thành thị đến thôn quê, nhà nhà đều có ông Táo, hiện nay ở thành thị và ngay cả những vùng thôn quê tiến bộ thì “Thần Gas”, “thần Điện” đã tống cổ Thần Táo ra ngồi gốc tre, bụi rậm. 
Ôi! cái luật đào thải sao mà ghê gớm lắm vậy! Đến cả huyền thần cũng không thoát được. Huyền thần còn thế huống chi con người... 
Thời gian sau khi đưa ông Táo về trời là những ngày áp Tết, thường thì để sửa sang mộ phần ông bà cha mẹ cho vén khéo, sạch sẽ. Đêm đến thì nấu bánh tét, gói bánh chưng.
Ở thôn quê trong thời gian từ 23 đến 30 tháng chạp, đa số mọi nhà đều có dựng Cây Nêu đón Tết. 
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng Nêu ăn chè”
(Ca dao) 
“Nêu” có nghĩa cây cắm cao để làm dấu hiệu cho mọi người biết. “Cây Nêu Tết” là một cây tre hay trúc cao, dài, được trồng (chôn gốc) trước nhà, trên có treo một cái sàng (dùng để sàng lọc gạo và thóc sau khi xay lúa) hay vầng (dùng để sàng sau khi giả gạo để lọc tấm, cám) có cột ba dây cân bằng như cái dá của cái cân xách, trên để cau trầu, bùa chú, trù ếm ma quỷ. 
Thông thường, người ta dựng Nêu vào ngày ba mươi Tết hoặc trước đó vài hôm và hạ Nêu vào chiều mùng bảy Tết.
Chiều Ba mươi Tết, mọi nhà đều lo nấu nướng, bày cổ để cúng Tổ Tiên, rước Ông Bà về cùng ăn Tết. Phần nhiều, trong ngày Ba mươi Tết, những ai đi làm ăn xa đều phải tức tốc quay trở lại nhà để rước Ông Bà về vui Tết. Với những dòng tộc có Nhà Từ Đường đàng hoàng, đa số những người trong dòng tộc xa gần, đều quy tụ về đó hoặc nhà tộc trưởng để dự lễ rước Ông Bà. Phần đông mọi nhà đều tự làm Lễ Rước Ông Bà cho riêng gia đình mình. 
Lễ Rước Ông Bà là biểu tượng cho lòng hiếu thảo, nhung nhớ của con cháu đối với Tổ Tiên, Ông Bà. Do đó, thường được tổ chức rất trang nghiêm, trọng đại nhất trong ba ngày Tết. Đây là một tập tục nói lên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” rất đáng duy trì, tôn trọng.
Ngày Ba mươi Tết cũng là ngày sum họp, thanh toán nợ nần - đôi khi tha thứ, xóa bỏ cả ân oán hận thù - để hy vọng được một năm mới an lành, thanh thản, đủ đầy và hạnh phúc. 
Tối Ba mươi Tết gọi là đêm Trừ Tịch. “Trừ Tịch” phát xuất từ hai chữ “Tshoi Chịưch” của tiếng Quảng Đông và biến thành trại âm, có nghĩa: “Tshoi = Bỏ đi; Chịưch = đêm nầy”. Ta có thể hiểu “giã từ đêm cuối của năm cũ” hoặc là “Từ đêm nay, bỏ hết năm cũ”, mọi người đều thức chờ đợi đón Giao Thừa, thời điểm chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. 
Đón Giao Thừa cũng là một tập tục và là một lễ nghi trong những ngày Tết nhất. Lễ đón Giao Thừa cũng như mọi lễ nghi khác đều chịu ảnh hưởng hoàn cảnh của mỗi gia đình nhưng tựu trung cũng để tế “Cựu Vương Hành Khiển” tức là vị thần thay thế Ngọc Hoàng Thượng Đế coi quản việc trần thế và vị Phán Quan - là thư lại cho Cựu Vương Hành Khiển - phụ trách việc nhật tu công đức và cả tội lỗi của mỗi con người trên dương thế. Cuối năm, vị Cựu Vương Hành Khiển về chầu Thượng Đế tấu trình sự việc trong một năm thuộc quyền quản trị của mình (Thượng Đế phân nhiệm còn dẫm chân lên nhau huống hồ con người. Đã có Thần Táo rồi mà còn bổ nhiệm thêm Cựu Vương Hành Khiển tấu trình. Đúng là “Ông Già” lẩm cẩm!) 
Theo huyền thuyết Trung Quốc, có tất cả 12 vị Hành Khiển và mỗi vị được phái xuống dương gian, thay mặt Ngọc Hoàng Thượng Đế quản trị trần thế một giáp (12 năm).
Trong phong tục Tết có tục “Chơi Câu Đối” là một thú chơi tao nhã của khách văn nhân. 
Nói đến Câu Đối là nói đến thể văn có hai câu trên, dưới và có số lượng chữ bằng nhau - trong văn học gọi là hai vế, câu trên gọi là xướng, câu dưới gọi là đối (hay họa). Đặc trưng của hai câu trên, dưới ở điểm: các thanh bình, thanh trắc và ý nghĩa giữa mỗi chữ theo thứ tự trong hai câu đối phải đối nghịch nhau. Với ý nghĩa đó, lẽ ra câu đối phải được một người ra câu xướng và một người khác ra câu đối (họa) lại nhưng thông thường, cả hai câu xướng, đối trong Câu Đối Tết đều do một người làm. 
Người ta dùng Câu Đối để treo, dán trên hai bên bàn thờ gia tiên, lên cột, hai bên cổng hoặc hai cây cột trước cửa nhà tùy theo ý nghĩa của câu đối như thế nào. 
Đặc biệt những câu đối Tết đều được viết trên giấy Hồng đơn (giấy thô có một mặt đỏ, một mặt trắng) và bằng bút lông, mực Tàu. Viết theo thể dọc từ trên xuống dưới. Nhiều câu đối được các cụ Nho học viết bằng Hán tự hoặc bằng chữ Quốc Ngữ với âm Nho Việt. Ví dụ:
“Hiếu tử từ tôn vạn đại như kiến
Tổ tông công đức bách thế bất thiên”
(Con hiếu cháu hiền nghìn năm còn sáng tỏ.
Công ơn Tiên Tổ muôn kiếp chẳng mờ phai)
(Thái Quốc Mưu, lược dịch) 
“Sơn thủy thanh cao xuân bất tận,
Thần Tiên lạc thú cảnh trường sinh”
(Non nước đẹp tươi xuân thắm mãi
Thần Tiên vui cảnh sống lâu dài”
(Thái Quốc Mưu, lược dịch) 
Nữ hạnh, nam tài gia vạn lộc
Huynh hòa, đệ thuận phúc trường xuân.
(Gái nết, trai tài nhà muôn của.
Anh hòa, em thảo phúc ngàn năm)
(Thái Quốc Mưu, lược dịch) 
Môn nghinh xuân hạ thu đông phúc
Bình an nhị tự trị thiên kim
(Cửa đón bốn mùa vui vạn phúc,
An bình hai chữ quý muôn vàng)
(Thái Quốc Mưu, lược dịch)
Sau nầy, khi nền nho học gần cáo chung, bậc thi nhân đổi ra làm câu đối thuần Việt: 
“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương đem quỷ đến.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.”
Hồ Xuân Hương 
Năm mới nói đến câu đối Tết mà không nói đến tranh Tết lại là một khiếm khuyết lớn. 
Tám, chín mươi năm trước, do nền ấn loát Việt Nam còn thô thiển, mọi người thi nhau chọn tranh Đông Hồ sản xuất từ làng Đông Hồ (Hà Bắc) được yêu chuộng nhất, kế đó là tranh Nam Đàn (Nghệ An), tranh Hàng Trống (Hà Nội). Phần nhiều tranh Đông Hồ có nét vẽ đặc thù dân tộc nên rất được nhiều người mến mộ. Tranh Đông Hồ được in trên khuôn gỗ và bằng loại giấy đặc biệt, gọi là giấy điệp. Tranh Tết rất đa dạng đề tài: Cầu Lộc, Nhị Bình (công, cá), Tứ Bình (Mai, Lan, Cúc, Trúc, tượng trưng cho bốn mùa) hoặc bốn tố nữ: chơi đàn, thổi sáo, gõ phách, ca múa. Tiến tài, tiến lộc, tranh gà, hứng dừa, Đám cưới chuột, đàn lợn, đàn gà, phú quý, (đứa trẻ tóc trái đào ôm vịt), vinh hoa (trẻ ôm gà trống), thất đồng (bảy đứa trẻ mụ mẫm).
Ý nghĩa của hình ảnh trong tranh: Quả đào tượng trưng thanh cao, sống lâu. Gà mái tượng trưng đông vui. Cóc tía, can đảm...
Về sau tranh Tàu in trên đá, màu sắc đẹp đẽ hơn nên có phần lấn áp tranh Đông Hồ. Tranh Tàu thường in theo nội dung các truyện cổ Tàu: Tây Du Ký, Đông Du, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Thủy Hử, Phong Thần... và sơn thủy hoặc đề tài với nội dung trong bốn câu thơ: 
春夏秋冬

春遊芳草地
夏賞綠荷池
秋飲黃菊酒
冬吟白雪詩

Phiên Âm
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
(Xuân, Hạ, Thu, Đông - Thôi Hiệu)
Hiện nay, trên đà phát triển chung, kỹ nghệ in ấn rất tối tân, những tranh in trên lịch với hình ảnh các nam nữ nghệ sĩ, tài tử, minh tinh điện ảnh hoặc các thiếu nữ đẹp ở các quốc gia khác nhau gần như... xóa sổ tranh Đông Hồ và tranh Tàu trong những ngày Tết. Đa số những tranh in trên lịch ngày nay, thường không có nội dung nói lên tinh thần Ngày Tết Dân Tộc, thậm chí có nhiều bức tranh thiếu nữ in trên lịch áo quần nghèo nàn, chỉ đáng treo trong phòng the dành riêng cho đôi vợ chồng ngắm, thưởng thức để tăng thêm nồng độ yêu đương, thế nhưng cũng được phơi bày nơi phòng khách, phòng gia đình, điều đó thật... đáng buồn làm sao!
Sáng mồng một Tết, mọi nhà đều kiêng kỵ việc quét nhà vì ngại Thần Của (thần coi việc tiền của) sẽ ra đi trong năm mới. Ngoài ra, còn cấm cãi cọ, ồn ào, vay mượn, đánh đập thú vật, làm vỡ đồ đạc, đòi nợ, mượn hay cho mượn đồ vật, ngồi ngay cửa (ý cản trở điều may mắn trong năm), vỗ vai nhau (làm cho xui xẻo, kém duyên), than khóc, người có tang vào nhà, kiêng giờ xấu, đèn hết dầu (cạn kiệt)... 
Tóm lại, mọi điều đều phải được tốt đẹp với ước vọng một năm mới mọi sự việc được phát đạt, tốt lành. Trong gia đình vào buổi sáng, từ gia trưởng trở xuống, mọi người đều đến làm lễ Mừng Tuổi Ông Bà trước bàn thờ Gia Tiên, tiếp theo con cái Mừng Tuổi Cha Mẹ, ưu tiên theo thứ tự vai vế. Sau đó là phần lì xì. 
“Lì Xì” hoàn toàn là âm ngữ của tiếng Quảng Đông, có nghĩa: “Lì = Lợi; Xì = Là”, ta có thể giải nghĩa theo tiếng Việt trong ngày Xuân: “Đây là lợi (hay lộc) đầu năm”. Vì là “Lợi Đầu Năm” nên “Lì Xì” không giới hạn chỉ ở người lớn trao cho người nhỏ mà cả người nhỏ cũng nên trao cho người lớn. Dường như chúng ta tiếp nhận tục lệ nầy chỉ theo một chiều “nước từ trên chảy xuống.” 
Mồng một Tết được xem là một ngày kiêng kỵ đủ thứ. Vì thế, ít có người nào đi đến nhà người khác vì sợ bị gia chủ kiêng kỵ, tránh trong năm mới ai đó bị xui xẻo điều gì sẽ đổ vạ cho mình. Chỉ có những người được gia chủ mời, sau khi xem sách vở, thấy tuổi tác, số mạng, sự thuận thảo vợ chồng... thích hợp và trong hy vọng qua người khách ấy đến nhà vào ngày đầu năm mới, mình sẽ tiến triển hơn - thì nhân vật ấy mới “hiên ngang” đến thăm gia chủ. Tục ấy gọi là “Xông Đất”. Kỳ dư, mọi người thường rủ nhau đi Chùa Lễ Phật, Hái Lộc Đầu Năm. 
Hái Lộc Đầu Năm là đến Chùa bẻ một cành cây non tơ ở quanh rào, giậu nhà chùa, đem vào chùa nhang đèn bái kiến Phật Tổ; sau đó, đem về nhà cắm lên bàn thờ cho đến héo khô. Tục nầy mang ý nghĩa may mắn quanh năm.
Trong thời gian Lễ Phật, người ta còn có xin Xâm. “Xâm” hay “Xăm” là một cây thẻ, thường làm bằng tre, trên có ghi chữ số cố định, khởi đầu từ cây mang số “Một” đến... có khi đến cây mang số... “Một ngàn”. Những cây thẻ ấy được đựng trong một cái ống (gọi là ống xâm hay ống xăm) lớn, nhỏ tùy theo số lượng thẻ nhiều hay ít. 
Người xin Xâm đến quỳ trước bàn Phật, hai tay cầm ống xâm đưa lên ngay giữa trán, khấn khứa một hồi, sau đó quỳ xuống xốc ống xâm cho đến khi nào có một cây xâm rớt ra ngoài mới thôi. Người xin xem cây xâm mang số mấy, đến nơi để sách giải hoặc những bài giải đã được chiết ra từ sách giải xâm và in sẵn từng tờ, chọn một bài có mang số cùng với cây xâm rớt ra, đọc để đoán vận mệnh của mình trong năm.
Bài giải xâm, thường có nhiều hạng: Thượng Thượng, Thượng, Trung Thượng, Hạ Thượng; Trung, Thượng Trung, Hạ Trung; Hạ, Hạ Trung, Hạ Hạ...
Tất nhiên người nhận được số xâm có bài giảng Thượng Thượng thi vui mừng không thể tả, còn những người nhận được những bài giải mang Hạ Hạ thì lại lo buồn không kém. Thường những bài giải phần đầu là viết Việt Ngữ theo âm Nho bằng bốn hay tám câu thơ; đoạn dưới là phần giảng giải bằng âm Việt để mọi người cùng biết. Nhưng “Thiên Cơ Huyền Bí”, đa số người đọc không hiểu nghĩa một cách đầy đủ, rõ ràng; từ đó, sản sinh ra những ông Thầy giải, đoán xâm.
Xin xâm ở Chùa không mất tiền thù lao cho Phật Tổ nhưng thường thì dâng lễ nhang đèn hay hoa quả cho nhà Chùa. Nếu bạn đến xin xâm mà không có cúng kiến nhang đèn hay hoa quả thì sẽ nhìn được những khuôn mặt sư, ni không mấy gì vui tươi trong khi bạn từ giả ra về. Đó là lẽ tất nhiên, bình thường như tất cả những sự bình thường vì thực tế vẫn là: “Đồng tiền nối liền... khắp nơi”   
Khi ở Chùa về, người ta thường mang theo một cây nhang lớn, cỡ bằng ngón tay trỏ hoặc to hơn, gọi là nhang đại, đến nhà cắm cây nhang đó lên bàn thờ Ông Bà, cây nhang đại ấy phút chốc hóa thân thành “Hương Lộc” tượng trưng cho sự phát đạt trong năm. Người có máu hài hước gọi cây nhang ấy là “Nhang Chùa”, hàm ý chế diễu “Của Chùa”, ai muốn lấy thì lấy. Quả là vừa có nụ cười hóm hỉnh vừa là lời châm chọc cay độc. 
Đa số trong ngày mồng một Tết, mọi người đều quây quần vui vẻ trong nhà. Nếu vì lý do chẳng đặng đừng, phải đi ra ngoài, người ta phải chọn, giờ tốt và hướng đi cho hợp với tuổi tác, năm sinh, vận mệnh của mình để xuất hành.
Xuất hành rất kỵ gặp mặt đàn bà, nhất là phụ nữ có thai vì quan niệm mê tín cho rằng đó là điều xui xẻo trọn năm. Với quan niệm ấy nên đa số người phụ nữ, nhất là thai phụ trong tinh thần “bình an, tốt lành cho người khác”, đều tránh ra khỏi nhà trong ngày mồng Một Tết. 
Sang Mồng Hai Tết, mọi người đều áo quần tươm tất ra khỏi nhà đi viếng thăm, chúc xuân, mừng tuổi bà con, láng giềng, bằng hữu hoặc tham dự các trò chơi xuân ở chợ, ở đình làng qua nhiều hình thức vui xuân: Đánh đu, đánh cờ người, hát bội, cờ bạc... 
Đánh đu là một thú vui xuân lâu đời của nam nữ trong ba ngày Tết. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương để lại cho đời bài thơ Đánh Đu, tả cái thú chơi nầy vừa thực vừa hư, vừa thanh vừa tục: “ai muốn nghĩ sao thì nghĩ”: 
"Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc, khom khom cật,
Gái uốn lưng cong, ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân có biết xuân chân tá?
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!"
Câu cuối của bài thơ có thể làm cho kẻ có tư tưởng bệnh hoạn ở những nhà đạo đức giả rất khó chịu. 
Trước kia, ngày Tết kéo dài đến ngày mồng bảy tháng Giêng; sau đó, mới hạ Nêu và cúng Tất gọi là lễ Khai Hạ. Cúng Tất là bữa cúng được coi là “bữa tiệc cuối cùng chấm dứt thời gian nghỉ, vui Tết”. Tuy nhiên, đó chỉ là tập tục, thực ra ngày “Tết” kéo dài đến hết tháng Giêng: 
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”
Sang tháng hai mọi người khởi đầu bắt tay vào việc cho một năm mới làm lụng vất vả.
Trên đây là một vài hình ảnh của tập tục Tết ở quê nhà. Còn thành phần lưu vong nơi đất khách, dường như tập tục Tết ở quê hương đã xóa mờ theo năm tháng bởi vì “Nhập Gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Ở các Quốc gia Âu, Mỹ có người Việt định cư đều ăn Tết và nghỉ Tết theo Dương Lịch nên những thành phần người Mỹ gốc Á Châu - trong đó có Việt Nam - đều bị chi phối bởi cái Tết tuy không phải là xa lạ (trước kia chúng ta vẫn có ngày nghỉ Tết Dương Lịch) nhưng quả thật rất mới mẻ trong tinh thần của tất cả những người chịu ảnh hưởng của cái Tết theo Âm Lịch gần suốt cả cuộc đời, đang nương nhờ nơi đất khách.
Ở quê người, những người ly hương đã được ăn Tết và được nghỉ ngày đầu năm Dương Lịch nên vì sự sinh sống, không ai dám xin nghỉ làm việc đôi ba ngày để đón mừng và vui hưởng cái Tết truyền thống của Dân Tộc. Ví dầu có nghỉ cũng chẳng... vui vẻ gì lại còn bị... mất thu nhập, thôi thì cứ ăn Tết, vui Tết trong tâm tưởng cũng đủ... buồn. 
Vào dịp Tết đến, hầu hết ở những nơi có cộng đồng người Việt, quý vị trong Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt ở các nước đều có tổ chức vui xuân qua hình thức Hội Xuân Dân Tộc. Có những Ban Chấp Hành đứng ra tổ chức Hội Xuân với tấm lòng cao cả, thật sự vì muốn cho đồng hương tìm lại dư vị ngày Tết quê hương trên đất khách, tạo cơ hội cho đồng bào gặp gỡ, vui chơi, giữ gìn phong tục, tập quán dân tộc và gây quỹ cho công việc điều hành...
Song song với việc làm tốt đẹp ấy, tiếc thay cũng có những Ban Chấp Hành Cộng Đồng ở một vài nơi lợi dụng danh nghĩa cũng tổ chức Hội Xuân với mục đích thủ lợi riêng tư, với ý đồ đạt mục tiêu bất chánh. Điều đó làm cho đồng hương, đồng bào vô cùng chán nản, sinh ra bất hợp tác trên nhiều phương diện và nhiều lãnh vực khác để lại cái hậu quả rã rời, xé lẻ cộng đồng người Việt tha hương - vốn ít ỏi - ra từng mảnh vụn... 
Mỗi độ xuân về là mỗi lần cộng vào quá khứ thời gian thêm một chữ số; trái lại, mỗi lần xuân đến là mỗi lần tình người ly xứ lại bị bào mòn như cồn cát bên dòng nước xoáy. Chỉ năm mười năm nữa thôi, thời gian sẽ cuốn trôi, xóa mất những gì thiêng liêng cao quý nhất của cháu con dòng Âu Lạc ở quê người. Còn chăng chỉ là sống mũi, mái tóc, màu da... trong khi tinh thần Dân Tộc đã lần hồi bị nhạt nhòa bản chất!
Ôi! cái họa lưu vong sao mà khủng khiếp quá!

Chú:
1. Tam Hoàng: Phục Hi, Thần Nông, Huỳnh Đế
2. Ngũ Đế: Thiếu Hiệu, Xuyên Húc, Đế Cốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn
3. Đìa: ao được đào vét nơi chổ trũng ở đồng ruộng để mùa khô nước rút xuống cho tôm cá sống.

4. Đập: Được đắp bằng đất hoặc xây bằng đá, bê tông ngăn ngang một cửa biển, dòng sông, con kinh, rạch, suối với chức năng giữ nước lại. Xổ đập là làm vở đập cho nước tuôn ra hết để bắt cá tôm.

Không có nhận xét nào: