Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

ĐÀO DUY TỪ

ĐÀO DUY TỪ (1572 - 1634)
Nguyễn Lộc Yên sưu tầm
Đào Duy Từ hiệu Lộc Khê, quê huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Cha là Đào Tá Hán sống bằng nghề xướng ca và mất lúc ông lên 5 tuổi. Mẹ là bà Vũ Kim Chi nuôi Đào Duy Từ ăn học. Duy Từ thông minh xuất chúng, học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa.
Thời vua Lê chúa Trịnh cấm con kép hát thi cử vì cho rằng “xướng ca vô loài”. Tương truyền Bà Vũ Kim Chi phải nhờ một viên xã trưởng là Lưu Minh Phương đổi họ Đào Duy Từ thành Vũ Duy Từ theo họ mẹ. Phương ra điều kiện Bà phải ưng Phương mới giúp. Bà hẹn lần lữa, chờ Duy Từ thi đậu mới tiến hành hôn lễ. Khoa thi Hương năm Quý Tỵ (1593), Duy Từ đỗ Á nguyên, Phương bèn đòi cưới nhưng Bà vẫn hẹn nữa. Phương nổi giận, tung ra tin Đào Duy Từ đổi ra họ Vũ. Khi ấy, Duy Từ đang dự thi tại Hội văn ở Thăng Long. Quan thái phó Nguyễn Hữu Chiêu đang phỏng vấn Duy Từ về việc cải cách chính trị. Lại nghe tin Đào Duy Từ mạo họ, liền truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á nguyên. Bà Kim Chi nghe tin này, quá đau đớn cắt cổ tự vẫn. Duy Từ vừa hỏng thi vừa mất mẹ nên rầu rĩ lâm bệnh nặng, nằm ở nhà trọ.
Đoan quận công Nguyễn Hoàng, nhân dịp ra Bắc chầu vua Lê, đến viếng Nguyễn Hữu Liêu, Liêu bèn kể về Đào Duy Từ và lấy bài vở của Duy Từ ra cho Nguyễn Hoàng xem. Đọc xong bài, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng cho Đàng Trong, âm thầm đến nhà trọ gặp Duy Từ an ủi và giúp tiền bạc để chữa bệnh và có chi dùng. Đồng thời mời Duy Từ vào Nam giúp mình. Khi Duy Từ khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến thăm lần nữa. Thấy trên tường có treo bức tranh Lưu Bị đến Long Trung cầu Gia Cát Lượng, Nguyễn Hoàng ứng 2 câu thơ, cho một bài thơ liên ngâm:

Nguyễn Hoàng: Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công
Duy Từ (đáp): Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng
Nguyễn Hoàng: Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông
Duy Từ (đóng): Ví chăng không có lời Nguyên Trực
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long.

Nguyễn Hoàng và Duy Từ cảm kích nhau nhưng ở đất Bắc, Nguyễn Hoàng không dám đón Duy Từ, từ biệt mà lòng luyến tiếc. Năm 1627 (Ất Dậu), Duy Từ lặng lẽ rời Bắc Hà lặn lội vào Nam, ông đến phủ Hoài Nhơn, Bình Định, xin chăn trâu cho nhà giàu Chúc Trịnh Long. Duy Từ đối đáp với tân khách đến nhà chủ về: Chính trị, quân sự, thi phú... rất sâu sắc nên nhiều người biết và danh tiếng bắt đầu vang đến xa gần. Khán lý Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn nghe tiếng, cho người mời Duy Từ đến hỏi han, khi xem bài “Ngọa long cương” của Duy Từ, liền nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngoạ Long đời này chăng” nên giữ Duy Từ lại và gả con gái cho.
Sau đấy, Trần Đức Hòa đem bài “Ngọa long cương” dâng chúa Nguyễn Phúc Nguyên xem. Đọc xong, chúa biết Duy Từ là người có tài thao lược nên muốn gặp. Khi Trần Đức Hòa đưa ông ra mắt Chúa, Chúa mặc sơ sài đứng cửa đợi, ông dừng lại không vào. Chúa vào thay triều phục rồi ra đón, ông mới vào và đàm luận rất hùng hồn. Chúa mời ông giữ chức Nội Tán cùng bàn bạc việc quân cơ và chính sự. Từ đấy, Duy Từ bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn.
Năm 1629, chúa Trịnh Tráng sai sứ giả Nguyễn Khắc Minh đem sắc phong cho chúa Nguyễn; đồng thời, bảo chúa Nguyễn lo tiến cống, còn dặn sứ giả dò xét Đàng Trong. Duy Từ khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Năm 1630, Duy Từ bảo làm một mâm đồng hai đáy, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ Bắc Hà. Duy Từ dặn dò Khuông cách đối đáp với chúa Trịnh, xong việc tìm cớ trốn về ngay. Sứ về rồi, chúa Trịnh cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc khi trước kèm bài thơ:
1- Mâu nhi vô dịch,  2- Mịch phi kiến tích.
3- Ái lạc tâm trường, 4- Lực lai tương địch!.
Xem bài thơ không ai hiểu gì, chúa cho mời Phùng Khắc Khoan đến hỏi thì được giải thích: Các chữ ở đầu mỗi câu theo chữ Hán, chữ mâu viết không có dấu phết thành chữ . Chữ mịch mà bỏ chữ kiến là chữ bất. Chữ ái viết thiếu chữ tâm thì ra chữ thụ. Chữ lực để cạnh chữ lai sẽ thành chữ sắc. Vậy 4 câu trên là: dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc).
Năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn cho đắp thành lũy Trường Dục để ngăn quân chúa Trịnh và giữ vững Đàng Trong. Rồi đề nghị chúa Nguyễn cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố Chánh và chiếm được châu này. Năm 1631, Đào Duy Từ trình chúa Nguyễn, cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km, bắt đầu từ núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), qua cửa biển Nhật Lệ đến làng Đông Hải. Khi lũy này xây dựng xong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặt tên là “Lũy Thầy” để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ như bậc thầy của vua chúa. Nhờ có các chiến lũy này, chúa Nguyễn đã ngăn chận được các cuộc tấn công của quân Trịnh tiến đánh Đàng Trong. Duy Từ còn tiến cử con rể của mình là Nguyễn Hữu Tiến, sau này cũng là một danh tướng của chúa Nguyễn. Duy Từ viết cuốn binh thư “Hổ Tướng khu cơ” và khúc ngâm “Ngọa long cương” bằng thể thơ lục bát dài 136 câu, đã được phổ biến trong văn học Việt Nam. Ông mất ngày 17 tháng 10 Giáp Tuất (1634), hưởng thọ 62 tuổi, được truy phong tước Lộc Khê Hầu. Ông giúp chúa Nguyễn chỉ 8 năm đã xây dựng Đàng Trong vững mạnh. Ông là đệ nhất khai quốc công thần của chúa Nguyễn nên được thờ ở Thái miếu. Người đời khen tặng ông:
“Kim thành thiết lũy sơn hà tán
Nghĩa sĩ trung thần sự nghiệp lưu”
Nghĩa là: 
Luỹ đồng chắc chắn, giang san vững
Nghĩa sĩ trung trinh, tăm tiếng hoài.
Đền thờ Đào Duy Từ
Cảm phục Đào Duy Từ
Đất Bắc, xướng ca lắm thiệt thòi
Đào Duy Từ, gặp khó khăn thôi!
Hỏi han rời Bắc, dù phiêu bạt
Lặn lội vào Nam, dẫu lẻ loi
Binh pháp lẫy lừng, yên vạn nẻo
Lũy Thầy chắc chắn, vững muôn nơi
Miệt mài sang sửa, nên sông núi
Thành tích vẻ vang, danh tiếng đời.
                         Nguyễn Lộc Yên

Không có nhận xét nào: