Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

BA VÀ TÔI

BA VÀ TÔI
Nguyễn Diệu Anh Trinh


                                   Hình minh họa
Nếu bạn sống bên cạnh cha mẹ và có thể nhìn thấy những đổi thay từ từ của hai đấng sinh thành mỗi ngày thì chắc bạn cũng như tôi... ngậm ngùi nuối tiếc, ngay cả khi đang cùng Ba Mẹ ngồi ăn một bữa cơm tối. 

Ba tôi đưa đủa gắp thức ăn cho vào chén, tôi giúp ông: 

- Ba, để con gắp cho. 

- Không, Ba tự làm được mà! 

Đầu đủa của Ba cứ gắp gắp xuống mặt bàn... 
- Ba để con gắp cho! 

- Được mà! 

Hai, rồi... ba lần. Ba chỉ gắp được một cọng hành trong đĩa thịt xào.

Miếng cơm trong miệng tôi bổng đắng ngắt. 

Một lần khác, Ba chan canh vào chén mà đổ tràn ra bàn, Ba đổ rác vô thùng mà tung tóe ra ngoài và còn nhiều lần nữa... 

Nhìn bên ngoài, so với những ông cụ cùng lứa tuổi thì Ba tôi thật khỏe mạnh, nói chuyện giọng còn sang sảng... Ba lúc nào cũng là người đàn ông trong gia đình. Ba trông coi sân trước, vườn sau chu đáo, đóng cửa khoá phòng cẩn thận, tắt bếp tắt đèn trước khi đi ngũ, thu dọn rác rưởi sau những bữa tiệc, dành xách những túi đi chợ nặng nhất...  Bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì... không cần vợ con lên tiếng yêu cầu, Ba đều hăng hái chu toàn. Ba đúng là hình ảnh trụ cột của gia đình, gương mẩu và đầy vị tha. Nhưng tôi biết mỗi ngày qua là mắt Ba mờ hơn một chút, tai lãng hơn, tay chân lọng cọng và trí nhớ cũng dần mai một. Vậy mà khi tôi đưa Ba đi Bác sĩ khám tai để mua máy trợ thính thì ông la chới với: 

- Ba đâu có điếc mà đeo ba thứ đó.

Hoặc triết lý hơn một chút: 

- Ôi, thôi, già rồi... bớt nghe một chút cũng không sao. Lổ tai là cái gây nghiệp chướng nhiều nhất, bớt nghe bớt gây nghiệp!

Cho đến lần bạn già gọi điện thoại hỏi thăm, Ba khoác tay ra hiệu: 

- Nói ổng... Ba ngủ rồi hoặc... Ba đi vắng!

Khi tôi cằn nhằn: 

- Ba lạ ghê, không ai gọi thì trách mà có người gọi thăm thì không chịu nói chuyện. 
Ba bỏ nhỏ: 

- Tai Ba... không nghe rõ, kẻ hỏi gà, người trả lời vịt, phiền lắm, con!

Ba và mấy chị em tôi định cư ở USA tháng 7 năm 1994. Năm đó, Ba tôi đã 64 tuổi. Sau mười môt năm trong trại cải tạo, đã biến Ba tôi từ một người đàn ông trung niên đầy sức sống, đang thăng tiến về mọi mặt trong đời sống trở thành một ông già sáu mươi ốm yếu, bệnh hoạn. Tài sản trong nhà lần lượt ra đi vì vợ con không có cơ hội để kiếm được một công việc làm ổn định. Tôi, đứa con gái lớn của Ba, sau một cuộc tình duyên dang dở thì cũng đang vất vả nuôi một đứa con gái nhỏ không có quê nội để về. 

Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của Ba nhìn tôi ngày tôi lên thăm Ba ở trại tù Tiên Lảnh- Quảng Nam. Ánh mắt ấy đã theo tôi suốt những tháng ngày còn lại trong đời. Vừa xót xa và tràn đầy thông cảm, Ba đã nói: “Con gái, khi chúng ta không thể nào thay đởi được hoàn cảnh thì nên vui vẻ chấp nhận nó, biết đâu… trong cái rủi còn có cái may, con à!” 

Câu nói của Ba như một lời tiên tri. Cùng với nước mắt của hai mẹ con và lời khai theo sự hướng dẫn của Ba, tôi và đứa con gái nhỏ đã may mắn được chấp thuận của phái đoàn phỏng vấn cho đi định cư tại USA theo diện H.O. cùng với Ba và mấy người em. Lúc đó tình hình phỏng vấn rất căng thẳng cho con em của cựu tù nhân trên 21 tuôỉ. Năm đó,  tôi đã ba mươi sáu tuổi, trường hợp của hai mẹ con tôi được xem như là một kỳ tích. Tuy vậy, quyết định đưa đàn con đi định cư ở một đất nước xa xôi khiến Ba tôi ray rứt nhiều ngày tháng, sau khi đến Mỹ. Thực tế chẳng bao giờ giống như mình tưởng tượng. Những lá thư từ bạn bè, người thân gởi về trình bày hoàn cảnh nơi sống mới không chính xác. Thật ra, họ cũng chẳng am tường gì cho lắm. Mấy cha con tôi lê thê lếch thếch ra đi, ra khỏi nước bằng máy bay hẳn hoi, không phải vượt rừng, vượt đại dương gì cho cam go. 

Những tháng ngày đầu tiên trên đất Mỹ thật gian nan. Má tôi vì lý do sức khoẻ đã không cùng đi với gia đình vào năm đó. Dưới sự dìu dắt của Ba, tôi vừa làm chị vừa quán xuyến việc nhà thay cho mẹ. Tôi đã phải vật lộn với cơm áo và ngôn ngữ để vươn lên và tồn tại trong xã hội mới này. Mỗi ngày tôi đã phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, lái xe đi và về gần 3 giờ. Ba tôi dù tuổi đã cao, cũng kiếm được một việc làm gần nhà. Những lúc rảnh, Ba còn giúp tôi chăm sóc đứa cháu ngoại. Vốn thấm nhuần giáo lý nhà Phật, Ba dạy cho con gái tôi nên làm điều thiện, tránh điều ác, giảng cho cháu thế nào là nhân quả, luân hồi và lòng vị tha. Sau này, cả hai mẹ con tôi đều chịu ảnh hưởng quan niệm sống của Ba tôi rất sâu đậm. 

Tôi nhớ rõ ràng sáu người trong gia đình tôi đặt chân đến vùng đất tự do này với vẻn vẹn hai trăm đô la trong túi, không kể là biết bao nợ nần còn vương vấn nơi quê nhà. Vậy mà cái xách tay đựng tiền đó, tôi đành đoạn bỏ quên trên máy bay khi chuyển phi trường ở Los Angeles. Máy phóng thanh réo tên mình oang oang tôi cũng chẳng nghe được, đến khi có nhân viên của chương trình IOM đến giúp đỡ, tôi trình bày đúng những gì trong xách tay của mình và được hoàn lại nhanh chóng, dễ dàng. Buổi tối đặt chân lên đất Mỹ, tiếng Anh đầu tiên tôi xử dụng là lắp bắp hai chữ “Thank you” trong ràn rụa nước mắt.

Mấy cha con sau một đêm nghỉ lại ở một hotel sang trọng, món gà chiên cho buổi ăn tối đầu tiên nơi xứ người đã khiến chúng tôi muốn ói vì chưa quen với mùi bơ. Cả nhà ăn tạm bánh tráng, bánh in mang từ VN sang, trong ba lô. Sáng hôm sau, chúng tôi được lên máy bay qua Denver rồi về Georgia. Chỗ ở đầu tiên là căn nhà ngay trung tâm thành phố Atlanta.

Ngày ngày chúng tôi đón xe bus đi học tiếng Anh, học chữ và học cả cách giao tiếp. Mỗi học sinh có mặt trong buổi học trước khi ra về được cô giáo cho hai đồng token, là loại tiền để dùng trả cho xe bus hoặc tàu điện ngầm. Đó là một cách khuyến khích những người di dân đến với lớp dạy tiếng Anh. Chúng tôi vừa học sinh ngữ vừa lo học lái xe. Những tháng đầu, cuối tuần nào cũng có môt vài người Việt đến thăm và chở chúng tôi đi chợ mua thức ăn, có người mang gạo, nước mắm, bánh mì hay thịt hộp đến cho. Thỉnh thoảng có người từ các cơ quan từ thiện đến đưa chúng tôi đi nhận áo quần ở những nơi cho áo quần cũ. Mỗi người trong gia đình được phát một cái bao nylon loại lớn, đi vòng vòng trong tiệm tha hồ chọn những món mình ưa thích, miễn sao đầy bao là được. Chị em tôi tham lam chọn toàn là đồ vest, com lê dày cộm, cháu bé con gái tôi thì ôm vô số gấu nhồi bông, búp bê… Ai cũng mừng rỡ vì khỏi phải chi tiền ra mà có đồ dùng, tiết kiệm được những đồng tiền trợ cấp, ai cũng vui. 

Tôi nhớ có lần đi chợ, muốn mua một cái chổi quét nhà mà ngần ngừ mãi, giá một cái chổi là $7, tôi nhẩm tính ra tiền VN mà hoảng hồn, không dám mua. Vậy mà Ba tôi trong một lần đi chợ, ông mua một bộ dao kéo, tông đơ điện để cắt tóc, tôi nhớ dạo đó chừng $19.99, thật là một khoản tiền khá lớn. Ba tôi giải thích: Nhà có hai người đàn ông, mỗi lần ra tiệm cắt tóc mất cũng hai ba chục rồi, chưa kể là phải nhờ người ta chở đi nữa. Mình cắt môt vài lần là lấy lại vốn. Sau khi Ba tôi nghiên cứu tập giấy kèm trong bộ đồ nghề về hướng dẫn cách xử dụng, ông đem tự điển Bách Khoa Toàn Thư ra tra tới, tra lui, thái độ rất tự tin, vui vẻ, yêu đời. 

Thế là một ngày đẹp trời, Ba tôi hy sinh làm người mẫu cho chị em tôi luyện tay nghề. Đầu tiên là cô gái út, nổi tiếng khéo tay và từng là thợ cắt Âu phục bên VN. Không biết sao, mới cắm điện vào, đưa một phát, đầu tóc ba tôi bên phải trắng hếu. Con nhỏ hoảng hồn la lên: 

 - Chết, sao nó ủi nhanh quá vậy? 

Con bé lấy cái kéo sửa tới sửa lui, nó lẩm bẩm, cắt bằng kéo coi bộ chắc ăn hơn. Hì hục cả buổi con nhỏ vẫn chưa dám đưa cái gương cho Ba tôi soi. Cô em kế ngồi nhìn em mình làm thợ cắt tóc, coi bộ không xong bèn làm khôn lên tiếng: 
- Để tau, tông đơ bằng điện mà, mi giởn hoài. 

Cô bé cẩn thận để cái lược lên rồi mới bấm tong đơ, vèo… liếm sát da đầu, trắng hếu nữa. 

- Kỳ ghê ta! 

Con nhỏ sửa tới sửa lui, chê: 

- Ui, cái đầu Ba mình bị méo nên khó cắt cho đẹp. 

Cậu em tôi chê hai con em gái không biết xử dụng đồ nghề bằng điện, nó cũng thử tay nghề, húi một phát, phía trước, mặt tiền của Ba tôi bị xẹt một phát, bên cao bên thấp. Đến phiên tôi ra tay nữa thì trời ơi, trông Ba tôi ngố như một người thường trú ở bệnh viện tâm thần đi lạc ra ngoài. Vậy mà Ba tôi soi gương, dòm khuôn mặt khùng khùng của mình rồi cười cười: 

- Kệ, xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy lúc, mai mốt tóc dài ra mấy hồi. 

Thằng em trai nhìn thấy mái tóc quái đản của Ba tôi thì e dè. Không dám chê, không dám phê bình, ngậm ngùi leo lên ghế ngồi đưa đầu tóc cho ba đứa tôi thực hành tiếp. Hắn khôn ngoan phán cho một câu:

Cắt tự do, đi ra ngoài… tui đội mũ lên là chắc ăn nhất.

Tôi thương cái tính của Ba tôi dễ dãi, hiền hòa, ông chẳng những không phàn nàn về mái tóc không giống ai của mình mà còn lạc quan kể về những ngày mới vào trại cải tạo. Trên đó cũng đâu có ai biết cắt tóc là gì. Có một chú vì quá ốm yếu, không đi ra ngoài lao động được nên khi cán bộ hỏi ai biết cắt tóc, chú giơ tay lên. Hy vọng làm chức thợ cạo này được nhàn nhã một chút. Đồ nghề giao cho chú chỉ là một cái kéo cùn. Ba tôi kể, khi chú nhắp nhắp, cắt tới cắt lui xong cái đầu tóc thì đúng là cha mẹ còn nhận không ra nữa, đừng nói gì chính đương sự.

Vậy đó nên khi được đám thợ không chuyên nghiệp là bầy con của ông với dụng cụ cắt tóc bằng điện quá văn minh, ba tôi chấp nhận làm người mẫu cho chị em tôi dài dài suốt hơn hai mươi năm. Đến nay, em gái út tôi đã có bằng cắt tóc, con nhỏ chỉ cắt tóc cho người nhà. Ba vẫn là người mẫu trung thành, dễ dãi, dễ thương nhất trên đời. 

Nhớ ngày ấy, nơi chúng tôi ở là vùng ít bóng dáng người Việt Nam. Hội Từ Thiện đã mướn nhà cho gia đình tôi căn nhà nhỏ ở tạm, chắc là vì giá nhà quá rẻ. Mỗi ngày đón xe buýt đi học Anh Ngữ về, mấy chị em từ xe buýt nhảy xuống, lội bộ thêm chừng năm phút mới đến nhà. Quãng đường không xa nhưng đây là quãng đường thích thú của chúng tôi vì khi đi bộ, thấy người ta có nhiều món đồ cũ đem ra để trước mặt nhà, có người dán tờ giấy “FREE” nghĩa là...đồ cho không, biếu không, ai cần thì cứ việc mang về xài. Ngày nào chúng tôi cũng lượm lặt được vài món: khi thì cái bàn nhỏ, lúc thì cái kệ để TV, vài cái đèn ngủ … Một hôm, đi ngang qua khu vườn của một người da màu, thoang thoảng nghe hương thơm dìu dịu của rau húng. Mấy chị em lục lọi trong đám cỏ vừa mới cắt, thì ra có vô số rau húng mọc lẩn trong cỏ. Mấy đứa nhìn nhau cười, nét hân hoan hiện rõ trên mặt như gặp người quen. Cái cảm giác mà văn thi sĩ gọi là “tha hương ngộ cố tri”. 

Về nhà, tôi nói liền với Ba:

- Ba ơi, đất ở đây chắc dễ trồng trọt, con thấy có rau húng mọc hoang trong cỏ. 
- Ôi cha, thôi con ơi, Ba làm gì cũng được nhưng miễn cái vụ trồng tỉa nghe. 

Tôi tròn mắt: 

- Răng rứa Ba? 

- À, thì…hồi xưa tới giờ, mỗi lần bà Nội con giú chuối trong khạp cho chín, hễ Ba ngó tới là kể như nó héo hon, không chín được. Bà Nội nói Ba rắn mắt, không trồng cây, không làm dưa, không… 

- Xời ơi, rứa mười mấy năm cải tạo Ba không trồng được rau, lấy chi mà ăn? 
- Ba làm thợ đan giỏ, đan rổ tre, sau đó tụi nó đồn ba là Kỹ Sư Đường (Ba tôi xưa kia làm ở Ty Công Chánh thành phố Đà Nẵng) nên khi Trại có cái lò nấu đường bát, cán bộ bắt Ba qua nấu đường. Từ đường sá, cầu cống Ba qua làm ông thợ nấu mía thành đường ngon lành… Ba đổi đường lấy rau ăn, cần chi phải trồng với trọt?

Thế là sau đó, Ba tôi say sưa ca đi ca lại bản nhạc “Hồi đó, trong trại cải tạo….” Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: "Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!"

Một hôm, có người quen biếu Ba mấy dây khổ qua con, Ba đem ra sau vườn cắm xuống đất một cách bất đắc dỉ, ngày ngày Ba ra tưới nước, thăm chừng một cách e dè, khổ sở. Dây khổ qua be bé như hiểu được nổi khổ của Ba nên vươn vai lớn mạnh mẽ. Ba nhặt nhạnh mấy cành cây khô gác lên làm giàn. Cái giàn đơn sơ đón nhận những ngọn khổ qua với nhiều nụ vàng dễ thương. Đến khi mấy trái khổ qua nhỏ xíu, e ấp lẫn trong đám lá xanh mướt thì nụ cười của Ba như trọn vẹn hơn. Sau đó, mỗi khi “được” chở đi ăn phở, Ba len lén gói vài cọng rau quế vào trong giấy, về nhà tỉ mỉ đem ngâm vào ly nước cho tươi rồi trồng vào cái chậu nhỏ, Ba bón xác trà và tưới nước đều đặn, gặp ai cũng hỏi thăm mua phân bón ở đâu… Ba vì nhu cầu “ăn uống” của mấy đứa con mà hết lòng hết sức với mấy cây rau thơm, mấy cây ớt. Dần dà, vườn rau nhỏ của Ba với dây khổ qua, vài cây ớt, rau quế, rau húng…lại là niềm đam mê và tự hào của Ba. 

Ba năm sau khi định cư ở quê hương mới này, tôi đi mua căn nhà mới, chính là căn nhà tôi đang ở bây giờ. Hai cha con chọn nhà có sân sau bằng phẳng. Ba ra sức cuốc thêm ra phía sau, lấn vào bìa rừng để mở mang “bờ cõi”. Đất ở Georgia là vùng đồi núi nên toàn là đất đỏ lẫn với đá. Ba miệt mài “có công mài sắt, có ngày nên kim” 

Sân sau nhà tôi sau nhiều năm trồng trọt bây giờ là vườn rau với đấy đủ những thứ cần thiết. Nào là dưa leo, mướp, bí đỏ, bí đao, rau muống, rau lang, đậu bắp, rau thơm các loại, diếp cá, ớt, tía tô, khổ qua, đậu ve, rau mồng tơi, dền…là những thứ trồng vào mùa xuân, ăn suốt mùa hè, mùa thu. Đầu mùa thu, Ba còn tỉa được ngò rí và rau cải con, cải bẹ xanh để ăn bánh xèo. Những dịp này, buổi sáng ra vườn rau, hương của các loại rau thơm, ngò…tỏa lên ngan ngát, dịu dàng khiến tâm hồn khoan khoái thật dễ chịu. Ba còn ra công đào một rãnh nước song song theo những luống rau; dưới đó, Ba thả vài nhánh ngò ôm tức là rau ngổ, bên cạnh là đám bạc hà, hai thứ để nấu canh chua. 

Ba tận dụng mảnh đất sau nhà làm thành một vườn rau rất tươi tốt, ngăn nắp. Giàn khổ qua phải cách xa giàn mướp ngọt một khoảnh sân vì ngọt đắng là hai vị khắc nhau. Rau quế là thứ kén nhất nên ưu tiên được “ngồi” trong chậu. Dây bí đỏ không lên giàn mà được thả cho bò lên đồi, như vậy chịu được mấy chục quả bí nặng nề, chắc nụi. Rau thơm và diếp cá, rau răm được sắp xếp ở gần nhau trông rất đoàn kết. Ba nói, mỗi khi cần ăn rau sống, đem rổ ra cắt một loạt là có đủ các thứ rau thơm không cần đi đâu xa. Rau muống là thứ thích nước nên Ba trồng ô rau muống ở giữa hai rãnh nước, những cọng rau muống xanh mướt thấy mà ham! 

Bao nhiêu tiền con cái cho Ba vào những dịp lễ hay Tết, Ba đều để dành mua dụng cụ làm vườn, mua phân bón. 

Cách đây cả chục năm, khi khu nhà này đang còn xây dựng, Ba thường lang thang vào xóm trong, nhặt những mảnh gỗ, khúc cây… sau đó ra Home Depot mua thêm một ít ván, Ba chăm chỉ đẽo đục, đo đạc… cuối cùng dựng lên được một căn nhà nhỏ ở góc vườn. Căn nhà làm theo kiểu ông bà thuở xưa, có cột kèo làm bằng mộng, không phải đóng đinh, có hai mái, có cửa chính, cửa sổ. Bên trong có hai dãy kệ để Ba chứa đồ đạc làm vườn, phân bón, máy cắt cỏ, một dạng như căn nhà kho của Ba. Bên ngoài ông còn làm cái khóa rất kiên cố. 

Trải qua bao mùa mưa nắng, tuyết phủ, căn nhà nơi góc vườn của Ba tôi vẩn rất chắc chắn, hiên ngang chịu đựng. Đám con cháu khen ngợi, ông thường hảnh diện: "Nhà lầu mấy tầng, cầu treo qua núi ông Ngoại còn làm được, dễ như chơi huống chi thứ nhà nhỏ này". Hình như bao nhiêu kiến thức thời Ba học ở trường Công Chánh năm xưa nay được ông đem ra áp dụng. Tuy thất cơ lở vận nhưng Ba tôi không thất chí nãn lòng. Điều này thật đáng để chúng tôi ghi nhớ, noi gương và nhớ đến Ba với muôn vàn hãnh diện.

Vườn rau của Ba tôi mỗi năm thêm xanh tốt, mùa hè ông say sưa với mảnh đất nhỏ mà quên ăn quên ngủ, không ngại nắng mưa. Chúng tôi ủng hộ Ba bằng cách hăng hái chở Ba đi mua phân, mua đất xốp, thêm chuyện trả tiền nước hằng tháng không cằn nhằn. Má tôi thì động viên bằng cách siêng năng đếm từng trái bí, trái mướp. Mỗi khi Ba cắt rau để đầy trong tủ lạnh, chia cho con cháu ăn không hết thì Má chịu khó bỏ vào bịch nylon, buổi sáng sau khi đi bộ về, Má rủ vài người bạn già ghé qua khoe vườn rau và chia phần. Vườn rau nhỏ mang lại niềm vui cho nhiều người.

Ba tôi thường ví von chăm sóc vườn rau như nuôi bầy con: Có đứa dễ nuôi, không chăm sóc nhiều cũng lớn vùn vụt, mạnh mẻ ra đời thành công, có đứa cần phải o bế tỉ mỉ mới lớn, cũng có đứa cưng chiều quá mức thì lại ốm o hư hỏng, đem lại cho mình nổi buồn phiền. Rau quả ngoài vườn của Ba cũng vậy, có thứ thả lơ lửng vẫn tươi tốt cho ra hoa, ra quả ngon lành, có thứ được tưới nhiều nước, bón phân đều đặn lại èo uột, quắt queo. Ba tôi trồng rau với cả tấm lòng như thế. Dây bí đao mùa này yếu ớt, Ba tôi đâm lo như thấy đứa con bị bệnh, mỗi ngày tưới nước, Ba đếm từng cái lá, hôm qua được mười bảy lá, hôm nay héo mất một lá rồi. Ba hỏi thăm người này người nọ lý do tại sao. Ba xem lịch VN coi có phải tại tiết trời quá độc, cây cỏ cũng hư hao, nhà nông gọi là mất mùa… Dây bí đao đã không phụ lòng Ba, dây bí nhỏ xíu mà cho ra quá nhiều trái, tròn trịa như một bầy heo con.

Ngày hè, chừng mười một giờ trưa là Ba ra nhà sau, lấy cạc tông che nắng cho đám rau, chiều về bớt nắng Ba giở ra, săm se từng ngọn rau, từng cái lá. Mùa đông, Ba theo dỏi dự báo thời tiết trên TV để thu hoạch hết ngoài vườn trước khi những đợt gió lạnh tràn về. Có lần Ba tiếc mấy cây ớt còn đầy trái, bụi sả tốt tươi chưa muốn nhổ thì tuyết rơi tuy không nhiều lắm nhưng cũng thừa sức làm đám rau của Ba héo hon ủ dột. Đứng trong nhà nhìn qua khung cửa kính, Ba chép miệng liên tục, thương cho vườn rau bị nhiễm lạnh.

Ba tôi là thế, việc gì làm Ba cũng bỏ hết tâm trí vào. Ba nói có như thế mới đạt được kết quả bằng ngược lại, mình cũng không lấy làm buồn vì dù sao mình cũng đã hết lòng hết sức, coi như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” là ý trời mà, buồn làm gì!

Ba tôi sống lạc quan, nhẹ nhàng theo quan niệm Phật Pháp. Luôn có ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người nên cách hành xử của Ba tôi cũng sâu sắc, luôn trân trọng những niềm vui hiện tại. Ba tôi chăm sóc vườn rau mà đặt cảm tình vào như đang nuôi đàn con.

Vườn rau là niềm vui tuổi già của Ba, không những đem lại lợi tức nho nhỏ hàng ngày mà qua đó, những suy tư của Ba cũng triết lý theo từng mầm xanh đang nảy nở mỗi ngày, bao muộn phiền như tan biến. Tôi tự hào mình là người đã “khuyến khích” Ba bước vào con đường trồng trọt này. Nhìn dáng Ba cặm cụi bên những luống rau, dây bí, giàn mướp, tôi ao ước cho Ba tôi mãi mãi có sức khỏe bên cạnh người bạn đời, ngoài niềm vui với gia đình, con cháu còn vui với cỏ cây. Mong cho những ngày tuổi già của Ba được thanh thản, nhẹ nhàng như quan niệm sống đầy bao dung của Ba vậy.

Nhắc đến Ba Má thì tôi không thể nào quên một câu chuyện, đó là một chiều cuối tuần đầu tháng Sáu, cách đây đã mười năm…

Chuông điện thoại reo: 

- Con rảnh không, chở Ba Má đi shopping. 

Tôi giật mình, suýt làm rơi cái điện thoại xuống đất. Thường thì Ba Má tôi nhờ chở đi Chùa, đi chợ hoặc đi Bác sĩ. Tôi chưa bao giờ nghe Ba Má tôi muốn đi shopping. Tôi hỏi lại một lần nữa cho chắc ăn: 

- Dạ, đi đâu Ba?

- Đi Mall. 

Rồi không đợi tôi điều tra thêm, Ba tôi nhỏ nhẹ giải thích:

- Ba muốn đưa Má con đi Mall để mua tặng Má con món quà kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới. 

Ôi, đúng là Ba tôi, môt người đàn ông Việt Nam vô cùng lãng mạn dù tuổi đời đã hơn tám mươi.

Thuở tôi còn bé và cả khi tôi đến tuổi cần để xây dựng hình tượng một người đàn ông cho đời mình, tôi vẫn mong ước đó sẽ là một người chồng, một người cha giống hệt Ba tôi vậy. Tôi nhớ những khi Ba Má tôi có chuyện cãi nhau, Má tôi lúc nào cũng nóng nảy hay hờn giận trong khi Ba tôi lúc nào cũng nhỏ nhẹ “Mình ơi, mình hỡi” ngọt xớt. Ngày Ba Má tôi có cơ hội đoàn tụ thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng theo thời gian mà giảm sút nhưng tình yêu của Ba dành cho Má vẫn tràn đầy, ấm áp. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc của Má khi nhận món quà kỷ niệm ngày cưới từ người chồng năm mươi năm mà Má thường đánh giá là “xấu trai, con nhà nghèo nhưng... học giỏi”. Cuộc hôn nhân kéo dài tính đến nay đã hơn sáu mươi năm với tám người con, bốn trai, bốn gái, Ba Má tôi và các con dĩ nhiên cũng trải qua những cơn sóng trong gia đình, cũng trải qua bao thăng trầm của thế cuộc nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, tận đáy lòng tôi, Ba vẫn là một người dàn ông mẫu mực tuyệt vời.
Đến năm 2012 thì cả nhà tôi các anh em, cháu nội ngoại được Ba tôi lần lượt bảo lảnh để đoàn tụ. Tuy hơi lâu vì ngày tuyên thệ quốc tịch của Ba bị trì hoản, lý do: Ngón tay trỏ của Ba bị tai nạn lao động ở chổ làm, cắt cụt mất một lóng nên khó khăn trong việc lấy dấu tay, phải làm tới làm lui mấy lần. Thời gian chờ đợi quả là thăm thẳm, mỗi khi có tin tức bên nhà lộn xộn là Ba Má lo canh cánh. Tội nghiệp nhất là những mùa đông giá buốt, nếu Ba có cảm lạnh hay sốt, ho là Ba lo uống thuốc, chăm sóc bản thân, khi thắp hương trên bàn thờ Phật thì lẩm bẩm hoài: 
- Cho tui mạnh giỏi để đón mấy đứa con, đứa cháu qua sum họp, đừng kêu tui đi sớm nghe ông bà.
- Ôi nghe mà xót cả ruột!
Đợt cuối cùng đón người nhà từ VN qua, trong bữa cơm đoàn viên, Ba tôi thắp nhang ở bàn thờ Phật xong và nói trong nước mắt:
- Bây giờ Ba có chết cũng yên tâm, cả nhà mình ở đây hết rồi, cháu nội, cháu ngoại Ba đứa nào cũng có cơ hội học hành, làm ăn đàng hoàng. Ba hoàn thành tâm niệm rồi, cảm ơn Trời Phật! 
Tôi không biết các anh, em tôi khi nghe câu nói này, cảm giác như thế nào chứ riêng tôi, thật là đứt ruột! 
Năm này Ba tôi đã 88 tuổi, mắt mờ, tai nghễnh ngãng, thần thái không còn tươi. Ba mang đầy đủ các chứng bịnh của người già, ngủ li bì cả ngày. Sau một lần đi ra ngoài không nhớ đường về nhà thì Ba như rơi vào trạng thái trầm cảm, biếng ăn, lặng lẽ đến ngạc nhiên. 
Mùa hè đang đến, những lúc nhìn ánh mắt mờ đục của Ba khi ngắm khu vườn sau nhà không còn xanh mướt nhiều loại cây quả nữa, tôi thật quá đau lòng. Má tôi đi ngoại giao hàng xóm, xin về mấy gốc cây con Ba cũng không màng chăm bón. Những thú vui đọc sách, xem TV... ba cũng lơ là hẳn, không còn lạc quan thuởng thức cuộc sống như trước kia. 
Còn đâu giọng nói sang sảng kể chuyển tù cải tạo, còn đâu hình ảnh Ba cặm cụi bên những luống rau, săm se những búp non hay tỉ mỉ sửa sọan những quả mướp, quả khổ qua mơn mởn, lủng lẳng trên giàn. Ba giờ đây lúc nhớ, lúc quên, chẳng còn biết phân biệt thời gian. Suốt ngày Ba lục lọi, tìm kiếm. Nếu hỏi: Ba kiếm gì vậy? Câu trả lời: Ờ, không biết Ba kiếm gì nữa! Khuôn mặt, ánh mắt Ba lúc ấy ngơ ngẩn như một đứa trẻ, trông thật tội! Vậy mà con cháu mời ăn một món gì là ông cứ buộc miệng hỏi: Má ăn chưa? Má đâu rồi? Một đời Ba tôi, lúc nào cũng nghĩ đến vợ con trước hết, quên cả bản thân mình. 

Tôi không là một phụ nữ may mắn về đường tình duyên nhưng tôi cảm nhận mình là một người hạnh phúc. Và lẫn lộn trong vùng trời kỷ niệm của đời mình, tôi chợt nhận ra hình ảnh của Ba tôi lúc nào cũng hiện hữu bên cạnh tôi như một cái bóng khi vui khi buồn. Cùng tôi đi du lịch, cùng ngồi xem giải vô địch bóng đá, cùng bàn bạc chuyện nhân tình thế thái, chuyện thời sự đó đây… Ba tôi là thế, đơn giản mà gần gủi. Chiếc bóng của Ba đã phủ trùm lên cuộc đời tôi mãi mãi và duy nhất, không có gì thay thế được. Tôi biết rằng không có ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ về lòng biết ơn của con cái đối với bậc cha mẹ, không có tặng phẩm vật chất nào xứng đáng, có đủ ý nghĩa để tặng cha mẹ trong các ngày Lễ Trọng. Tôi cầu mong cho Ba Má tôi luôn khoẻ mạnh, vui vẻ thanh thản tâm hồn trong những tháng năm còn lại của cuộc đời như quan niệm sống của Ba vậy. 
Mỗi một ngày qua đi, bình minh rồi hoàng hôn... tôi dành phần sâu thẳm trong trái tim tạ ơn đất nước đầy tình người và bao dung này đã cưu mang gia đình tôi.
Cám ơn Ba, cám ơn cuộc đời đã cho tôi một món quà vô giá mà không phải thế gian này ai ai cũng may mắn có được.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

BA TÔI, NGƯỜI ĐÁNH MÁY MƯỚN

BA TÔI, NGƯỜI ĐÁNH MÁY MƯỚN
Đoàn xuân Thu

Năm 1961, thằng em thứ sáu vừa lên 5 của tôi bị viêm màng não rồi chết. Thân phụ tôi đang làm trưởng ty Bưu Ðiện Rạch Giá buồn bã quá, xin đổi về Sài Gòn làm ở Bưu Ðiện Trung Tâm gần Vương Cung Thánh Ðường, dắt cả gia đình chạy trốn một kỷ niệm buồn đau!
Nhà thì chính phủ cho một căn, ở lầu hai cư xá Bưu Ðiện trên đường Hai Bà Trưng, nằm trong con hẻm lớn đối diện nhà thờ Tân Ðịnh.
Rồi năm 1963, cuộc đảo chánh 1/11 của các tướng lãnh, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu bị giết. Cái chết của Tổng Thống Diệm đã chấm dứt luôn cuộc sống tương đối dễ thở của các công chức bậc trung. Nhà đông con, vật giá càng lúc càng tăng, con cái ngày một lớn, tiền ăn tiền quần áo, tiền trường đè nặng lên vai Ba nên Ba phải làm thêm ‘job’ nữa: Ðánh máy mướn!
Vốn xuất thân từ thư ký, sau vừa làm vừa học, thi đậu cải ngạch thành Cán Sự Bưu Ðiện, Ba đánh máy rất nghề, chỉ nhìn vào văn bản mà không cần nhìn vào bàn phím chữ, đánh bằng mười ngón, tốc độ nhanh, nghe như tiếng rào rào đổ trên mái tôn. Mưa!
Cuối đường Phan Ðình Phùng, đi về phía Chợ Lớn rồi quẹo tay phải sang đường Lý Thái Tổ có rất nhiều tiệm Ronéo. Trong tiệm, ngoài giàn máy Ronéo, còn có vài cái máy đánh chữ, bàn ghế ngồi do chủ tiệm cung cấp, làm ăn chia tứ lục (6/4).
Muốn in Ronéo, phải đánh trên giấy stencil. Ðó là loại giấy có tráng sáp để khi đánh, chữ sẽ khắc dấu trên sáp rồi khi đưa vào máy, mực sẽ tràn ra phủ đầy trên những dấu lõm. Dán stencil vào máy rồi quay bằng tay hay bằng điện, bài viết sẽ lần lượt được in ra.
Khách hàng đến là các giáo sư mướn đánh máy bài giảng ở trường đại học, bán “cours” cho sinh viên.
Khách hàng cũng có thể là các nhà văn chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton” như Dương Hà, An Khê, Ngọc Linh, Sơn Nam… Họ mang những bản thảo viết tay, thường là khó đọc, đến mướn đánh máy cho rõ ràng để thợ sắp chữ nhà in dễ đọc, dễ sắp chữ trên bản kẽm rồi in ra thành tiểu thuyết.
Giá cả có khác nhau tùy theo khách hàng thường xuyên như các giáo sư hay các nhà văn. Ngoài ra, cũng có nhận đánh đơn từ các loại.
Mỗi ngày, Ba cỡi chiếc xe đạp đòn dông đi làm theo giờ hành chánh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tan sở, Ba lại phải chạy xuống tiệm Toàn Thắng ở cuối đường Phan Ðình Phùng để làm cái “job” thứ hai.
Khoảng 9, 10 giờ đêm, mệt mỏi, rã rời sau 16 tiếng đồng hồ làm việc, Ba mới theo đường Phan Thanh Giản chỉ cho chạy một chiều để quay trở về Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh.
Má vẫn thường chờ Ba cơm tối còn 8 anh em tôi thì đã đi ngủ mất rồi. Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Ðại Ðồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.
Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn rồi bảo: “Ăn đi con!” Ăn thì khoái thiệt nhưng “bù ngủ” híp con mắt luôn!
Em gái tôi cắn miếng bán mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.
Người ta thường bảo người mẹ như cánh cò. Cánh cò lặn lội bờ sông… Ba tôi không phải là cánh cò, Ba tôi là đại bàng nhưng con đông quá, bám vào đôi cánh của Ba nặng trĩu. Ba không bay cao, bay xa được mà chỉ bay là đà nhưng vẫn phải ráng mà bay để tìm mồi về cho vợ và con trong thời khốn khó!
Ba chưa từng bao giờ từ bỏ ước vọng là con mình sẽ được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn để cuộc đời chúng nó sau không phải vất vả như Ba!
Bước ra đời, nếu mình có thành công, có giỏi hơn người khác thường là bị gièm pha, xúc xiểm, ganh tị… nhưng mỗi thành công dù rất nhỏ trên trường đời của con thì Ba lại tự hào, hãnh diện coi thành công đó là rất lớn và là chính của Ba luôn!
Năm 1963, tôi thi đậu vào Petrus Ký, đỡ cho Ba không phải lo tiền trường vì nếu rớt, phải đi học tư, tốn lắm! Việt Nam lúc đó đậu vào một trường công lập nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký cho con trai hay Gia Long cho con gái là rất khó. Trường rất có kỷ luật nên học trò trường công không dám “cúp cua” đi chơi và thường học giỏi hơn học trò trường tư dù giáo sư trường tư lại nổi tiếng dạy hay hơn: Dạy hay hơn nên mới được chủ trường tư mời dạy!
Ngày coi kết quả thi vào Petrus Ký, trời đổ trận mưa to. Thầy Trường dạy luyện thi đệ thất, có danh sách học trò thi đậu, báo tin vui. Ba nhường áo mưa cho con, còn mình đội mưa đến. Thầy và Ba bắt tay nhau, hỉ hả cười rạng rỡ, dù nước mưa còn chảy ròng ròng trên má. Tôi thấy thương Ba quá trời. Sao mà khổ dữ vậy! Tôi thấy đậu vô đệ thất cho dù là của một trường trung học nổi tiếng nhứt miền Nam đi chăng nữa thì có gì là… lớn lao lắm đâu! Mấy thằng bạn học chung với tôi cũng thi đậu đó thôi.
Rồi khi thi đậu tú tài một, tú tài hai, Ba cũng mừng như chính Ba thi đậu vậy!
Khi vào đại học, Ba muốn con học Luật Khoa để trở thành luật sư chẳng hạn… Có lẽ đường hoạn lộ công danh của Ba đã từng bị xui xẻ, bị đối xử bất công quá hay chăng mà Ba không muốn con mình phải gánh chịu: Phải biết Luật để cho tụi nó sợ mà không dám áp bức lại mình?
Tôi thì thấy những chồng “cours” là đã “ớn.” Lại phải tốn rất nhiều tiền để mua nên không muốn đi học Luật dù trường đó trên con đường Duy Tân thơ mộng và có biết bao nhiêu là con gái, tiểu thơ con nhà giàu chưng diện, ẹo tới, ẹo lui…
Ba nói một, hai lần thì tôi vẫn giả bộ tảng lờ nhưng lần thứ ba thì con Ba, cái thằng bất hiếu, cứng đầu cãi lại: “Con là con ếch mà Ba muốn con to bằng con bò! Không được đâu!”
Tôi đã nhẫn tâm làm tan nát niềm ước vọng của Ba tôi rồi mà tôi cứ “thản nhiên” như không. Trời ạ!
Sau nầy vào Ðại Học Sư Phạm ra trường, đi dạy, một hôm Ba nói: “Thôi không làm luật sư, làm giáo sư cũng được!” dù tôi chỉ là Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhứt Cấp “quèn” mà thôi!
Rồi 1975 đến, nước mất nhưng nhà tôi nhứt định không tan. Cũng sống lầm than mà cũng không nghe Ba một tiếng thở than: Ði tù cải tạo sáu tháng vì là viên chức ngụy quyền, cấp trưởng ty. Trong tù, Ba tôi vẫn ăn mặc một cách đàng hoàng, tề chỉnh. Ðêm trong trại, Ba xếp quần áo lại, lót dưới gối trên đầu nằm cho thẳng thớm. Sáng ra, mặc áo bỏ vô quần, mang giày như thuở còn đi làm dù mấy cán bộ nhiều lần phê bình Ba là còn giữ tác phong “tiểu tư sản”! Ba chỉ nói: “Mình mất nước chớ không mất tư cách!”
Ra tù, Ba lại trở về Sài Gòn, ra Lý Thái Tổ ngồi đánh máy mướn để nuôi đàn con: đứa thì đi tù vì là sĩ quan Ngụy, đứa thì bị đuổi! Ba vẫn ăn mặc rất đàng hoàng, vẫn áo trắng bỏ vô quần, vẫn mang giày, dù cũ, ra đánh máy mướn, làm đơn cho bà con cô bác Sài Gòn đi thăm nuôi chồng, con đang ở tù cải tạo. Cuộc sống cực kỳ khốn khó mà Ba vẫn không than vãn, vẫn không phiền trách ai!
Bà con ở Hố Nai, có thời đi lính Liên Hiệp Pháp, xuống nhờ Ba đánh đơn gởi Tổng Thống Francois Mitterrand để xin đi định cư. Là người học chương trình Pháp, Ba viết thơ giùm họ cảm động làm sao đến nỗi ông chánh văn phòng của tổng thống hồi đáp ngay, rồi Ba dịch ra tiếng Việt cho bà con nghe là: “Tổng Thống Cộng Hòa Pháp đã nhận được thơ ông và đã chỉ thị chuyển hồ sơ qua Bộ Ngoại Giao để hoàn tất tiếp hồ sơ!”. Sau đó cũng có vài gia đình được đi Pháp định cư.,
Có lần ông chủ một cây xăng ở Rạch Giá bị đánh tư sản, bị đuổi đi vùng kinh tế. Khổ quá, ông trốn về Sài Gòn và gặp lại Ba. Ông vẫn còn gọi Ba là ông trưởng ty như ngày cũ! Ông nói vì không có hộ khẩu nên không làm được thông hành và chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ dù con ông đã gởi đơn về bảo lãnh. Ba lại giúp ông làm đơn gởi cho công an, bộ phận xuất nhập cảnh, ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn và Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand. Ðơn thành công và ông được ra đi! Bùi ngùi từ giã, ông nói: “Tôi đi rồi, không biết chừng nào mới có dịp gặp lại ông trưởng ty.” Rồi rưng rưng nước mắt, bắt tay chào vĩnh biệt!
Ðọc sử thế giới, tôi nhớ rằng Raoul Wallenberg (1912-1947), nhà ngoại giao Thụy Ðiển, đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái ở Hungary thoát khỏi Holocaust, lò hơi ngạt của Phát Xít Hitler trong Thế chiến thứ hai. Ông đã cấp những thông hành bảo vệ (Schutz-Pass) và cho những người Do Thái ẩn náu trong những tòa nhà thuộc tòa đại sứ Thụy Ðiển ở hải ngoại. Ngày 17 tháng 1 năm 1945, Hồng quân Cộng Sản Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary bắt ông giam cầm và ông chết ngày 17 tháng 7, 1947 trong nhà tù Lubyanka ở Moskva. Trái tim vĩ đại của một con người nhân hậu đã mãi mãi thôi đập nữa!
Dĩ nhiên thân phụ tôi không thể cứu được nhiều nạn nhân như ông Raoul Wallenberg đã từng làm nhưng chí ít Ba tôi cũng đã giúp được một số người dù con số đó rất nhỏ nhoi. Chỉ có một trái tim nhân đạo mới dám làm được như thế! Ba từng nói: “Giúp được ai, dù là chuyện nhỏ, để làm cho họ bớt thống khổ hơn là điều phải làm, con ơi!”
Năm 1981, thằng em thứ 5 của tôi liều chết vượt biên đến được Pulau Bidong, Mã Lai. Về Adelaide, Nam Úc định cư, nó lần lượt lãnh Ba và các anh em qua. Cuối cùng cả gia đình đoàn tụ!
Ðêm nay, ngồi trước bàn phím computer, viết bài này nhân Father’s Day, tôi lại nhớ đến cái bàn máy đánh chữ của Ba. Nhớ mười ngón tay xương xẩu, cong vòng của Ba gõ trên bàn đánh máy mà ngày xưa người ta thường cảnh báo về già sẽ bị đau tim mà chết nhưng Ba không sợ! Mười ngón tay đó của Ba đã nuôi anh em tụi con ăn học, đủ để sống sót và làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Tụi con xin cảm ơn Ba!
Ba bỏ tụi con đi, năm nay nữa là 15 năm chẵn. Tiếng gõ trên bàn máy chữ vẫn rào rào như tiếng mưa rơi… vẫn còn vang động đâu đây! Nhớ và thương vô cùng cái dáng của Ba còng lưng trên xe đạp trong những ngày ngược gió. Nhớ bánh mì Tám Cẩu Ba mua mà đút vào miệng chưa kịp nhai, tụi con đã gục đầu xuống bàn… mà ngủ tiếp. Nhớ cái bắt tay của Ba với thầy Trường ngày con đậu vào đệ thất.
Người ta cần tới Father’s Day, Chúa Nhựt, tuần lễ thứ ba của Tháng Sáu như ở Hoa Kỳ hay Chúa Nhựt, tuần lễ thứ nhứt của Tháng Chín ở Úc để kỷ niệm ngày từ phụ, để nhớ tới phụ thân!
Còn con, con nhớ Ba mỗi ngày, khi còn sống… và cho đến lúc nào đó, con sẽ được gặp lại Ba!

TÌNH CHA

TÌNH CHA
Nhạc và lời: Nhạc sĩ Vĩnh Điện
Tiếng hát: Ca sĩ Diệu Hiền

 

MỪNG LỄ PHỤ THÂN

MỪNG LỄ PHỤ THÂN


BLOGGER THÀNH PH GIÓ
Kính chúc những người Cha một ngày lễ Phụ Thân
thật vui vẻ và hạnh phúc cùng thân quyến và bạn hữu!

MONG CHA MẸ AN VUI

MONG CHA MẸ AN VUI
Nhạc chế của Quỳnh Vũ 
(dựa trên nền bản nhạc " Một mai giã từ vũ khí " của nhạc sỉ Trịnh lâm Ngân)
Lời bài hát rất có ý nghĩa. Xin chia sẻ nhân dịp lễ Father's day 😊  



Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

ẢI NAM QUAN NGÀY XƯA

ẢI NAM QUAN NGÀY XƯA

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (1882) đoạn nói về Ải Nam Quan: "Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Ðại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia" dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh. Phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ."
Theo "Ðịa dư các tỉnh Bắc Kỳ" của Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư và Ðỗ Ðình Nghiêm (Nhà in Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội, 1926): "Cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ Hà Nội lên đến tỉnh lỵ Lạng Sơn là 150 km, đến cây số 152 là chợ Kỳ Lừa; đến cây số 158 là Tam Lung, đến cây số 162 là Ðồng-Ðăng, đến cây số 167 là cửa Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy từ Ðồng Ðăng lên cửa Nam Quan có 5 km, từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15 km [về phía tây nam chợ Kỳ Lừa có động Tam Thanh, trước động Tam Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng Sơn] và từ tỉnh lỵ Lạng Sơn lên Nam Quan là 17 km."
Các bức ảnh trong entry này sắp xếp không theo trình tự thời gian mà theo trình tự không gian của chuyến đi từ Đồng Đăng sang Long Châu - Trung Quốc. Trong số đó có các bức ảnh do vợ chồng Imbert chụp vào khoảng thời gian cuối năm 1906 trong chuyến đi tới vùng biên ải Trung Hoa.
Hình 1: Thị xã Đồng Đăng nhìn từ đỉnh cao của trạm quan trắc, nơi đóng quân của một đội trưởng bộ binh bản xứ và một trung úy Pháp. Ảnh: Imbert Edgard (cuối 1906 - trang Ecpad)
Hình 2: Ga Đồng Đăng, ga cuối trên biên giới của tuyến đường sắt đường sắt Hà Nội - Vân Nam. Ảnh: Imbert Edgard (cuối 1906).
Hình 3: Một trong những bức ảnh của tạp chí LIFE về Việt Nam thời thuộc Pháp. Hình ảnh chuột Mickey cầm súng đứng gác giúp ta ước đoán bức ảnh được chụp vào những năm 30, khi hình tượng chuột Mickey trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Bảng chỉ dẫn mang dáng hình cửa ải ghi rõ khoảng cách từ Đồng Đăng đến Nam Quan là 4 km. Hoạt động canh giữ cửa khẩu biên giới thể hiện qua số lượng binh sĩ và các xe quân sự.
Hình 4: Chỉ dẫn ghi trên tường: Đường sang Trung Hoa qua cửa Nam Quan
Hình 5: Ảỉ Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng
Hình 6: Đường lên biên giới Việt - Trung đi qua những ngọn núi. Đường mòn quanh co, gập ghềnh qua những sườn dốc nguy hiểm. 
Hình 7: Cùng một góc chụp với bức trước
Hình 8: Đồng Đăng - Đồn canh của Pháp trên đường biên giới. Nhìn về phía Ải Nam Quan đã hiện ra vệt mờ của bức tưòng thành trên sườn dốc của ngọn núi bên phải dẫn tới điểm cao nơi đặt đồn canh của Pháp
Hình 9: Đồn Pháp nhìn từ Ải Nam Quan
Hình 10: Một bức trong loạt bưu ảnh "Đồn và lô cốt địa đầu Bắc Bộ" - Nam Quan: Cửa khẩu sang Trung Quốc. Đồn biên giới Trung quốc và lô cốt Pháp
Hình 11: Hình chụp từ cao điểm thấy rất rõ hai cửa quan 
Hình 12: Toàn cảnh Ải Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng đã thấy rõ hai cửa quan: cửa của Việt Nam nhỏ bé, khiêm nhường, một tầng mái, cửa của Trung Hoa lớn hơn, hai tầng mái. Một dải tường thành chạy lên núi từ hai bên cửa quan Trung Hoa. Trên con đường chạy về cận cảnh bức ảnh có một số nhân vật đang di chuyển. Rõ ràng, mặc dù về mặt tự nhiên đây là vùng rừng núi nhưng cả người Pháp và nhà Thanh đều chủ ý để khu vực cửa khẩu trơ trọc nhằm theo dõi mọi biến động.
Hình 13: Ải Nam Quan (trước) năm 1905. Dù hướng chụp chính diện làm cho cửa quan của Việt Nam lẫn vào công trình đồ sộ của nước lớn Trung Hoa nhưng vẫn thấy rõ ba tầng mái của hai cửa quan. Hai phía Ải Nam Quan của Việt Nam cũng có hai bờ tường chạy về hai ngọn núi, nhưng ngắn hơn và có hình bậc thang.
Hình 14: Khoảng cách chụp gần lại, phân biệt rất rõ hình dáng của hai cửa ải
Hình 15: Hướng chụp từ trên điểm cao cho thấy giữa hai cửa quan là một vùng đệm. Bưu ảnh gửi đi ngày 6.03.1907
Phụ ảnh với chú thích của người sử dụng
Hình 16: Vị trí chụp từ đường đi.
Hình 17: Việc ghi thời điểm chụp bức ảnh này là ngày 2 tháng 8 năm 1940 như phụ ảnh dưới hoàn toàn không có cơ sở. Đến cuối năm 1906, cửa quan của Trung Hoa chỉ còn một mái lầu (xem hình 2...6), nhưng trong bức ảnh này ta vẫn thấy rõ hai mái lầu giống như các bức ảnh chụp trước đó.
Hình phụ: có thể suy luận ngày 02 tháng 8 năm 1940 là ngày đăng bức ảnh này trêm một tài liệu (báo) nào đó chứ không phải ngày chụp. 
Hình 18: Khoảng cách từ phía người chụp rút ngắn lại
Phụ ảnh: Bức tô mầu hình 16
Hình 19: Một bức bưu thiếp rất đẹp và có giá trị bởi dòng lưu bút của người sử dụng cho biết vị trí Ải Nam Quan cách tỉnh lỵ Lạng Sơn 17 km, được tu sửa vào năm 1908.
Hình 20: Một tốp lính và sĩ quan Pháp trước Ải Nam Quan
Hình 21: Cận cảnh
Hình 22: Hoạt động bang giao diễn ra nơi cửa khẩu có vẻ rất hòa hảo. Còn nhớ sau Công ước Thiên Tân 1885, người Pháp đã xúc tiến một dự án rất tham vọng: xây dựng mạng lưới đường sắt từ phần lãnh thổ Đông Dương sang Vân Nam. Tuyến đường này khánh thành ngày 31 tháng Ba năm 1910.
Hình 23: Một bức ảnh vô cùng quý hiếm với cận cảnh hình trang trí trên cửa ải, các vòm cổng của hai bên cũng như bức bình phong chắn ngang phía Trấn Nam Quan.
Hình 24: Đây là một bức ảnh gây tranh cãi bởi sự khác biệt trong hình dáng của Ải Nam Quan
Hình 25: Vùng đệm nằm giữa hai cửa quan. Hướng chụp vẫn từ phía Việt Nam. Người chụp đứng trên sườn núi, ngay sau phia bức tường đá. Quả là người Trung Hoa rào giậu rất kĩ. Trấn Nam Quan (cửa quan của Trung Hoa) xây liền sau bờ tường thành chạy từ trên ngọn núi đá vôi xuống. Chỗ cao nhất của bờ thành gần tới mái của cửa quan. Bên trái bức ảnh, ở lưng chừng núi có một công trình giống ngôi miếu (ở hình số 15 ta đã có thể nhìn thấy nó). 
Hình 26: Vùng đệm nằm giữa hai cửa quan. Phía sau cửa quan Trung Hoa có một bức bình phong

Hình 27: Viên quan nhà Thanh phụ trách Trấn Nam Quan
Hình 28: Một viên quan nhà Thanh chỉ huy quân đội trấn giữ cửa ải
Hình 29: Viên quan nhà Thanh cùng tùy tùng mang cờ phướn khi sang giao tế vùng đất thuộc Pháp.
Hình 30: Sang địa phận Trung Hoa. Đối diện với cổng có một bức bình phong chắn ngang. Trong kiến trúc cổ, theo quan niệm phong thủy, bình phong có tác dụng khắc phục, hạn chế những yếu tố xấu, phát huy những yếu tố tốt về phong thuỷ. Bức bình phong chắn sự dòm ngó từ ngoài vào. Hoạt động ngoại giao nơi này diễn ra sôi động với chương trình khảo sát, hoạch định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh. Có thể phân biệt được quan chức Pháp trong bộ Âu phục trắng, cưỡi ngựa trắng và quan chức nhà Thanh đội nón, cưỡi ngựa ô trong số các nhân vật trong ảnh. Hãy chú ý đến cụm nhà ngói có tường bao ở góc trái bức ảnh.
Hình 31: Bức ảnh có dòng lưu bút đề ngày 9.08.1907. Các quan chức Pháp - Hoa chụp ảnh kỉ niệm bên bức bình phong.
Hình 32: Những đứa trẻ Trung Hoa trên cửa ải. Ảnh: Imbert Edgard (cuối 1906)
Hình 33: Thời gian trôi qua thể hiện qua chiều cao cây cối. Ta dễ dàng nhận thấy Trấn Nam Quan chỉ còn một mái lầu và xuất hiện hàng lan can. Có thể cuộc khởi nghĩa Trấn Nam Quan năm 1907 của Tôn Trung Sơn đã làm thay đổi diện mạo của cửa quan này.
Hình phụ: Dấu bưu điện 1911. Hãy để ý đến hai người đàn ông mặc Âu phục mầu trắng đứng gần bức tường bao của cụm nhà trước cổng quan. Vóc dáng, tư thế và đồng phục cho biết họ có thể là những viên chức Pháp làm việc tại văn phòng quản lý biên giới. Cụm nhà nhỏ nơi họ đứng, trước kia là Quan Đế Miếu (miếu thờ Quan Công) và Đền Chiêu Trung. Năm 1896, trong chương trình khảo sát biên giới giữa Trung-Pháp đã xây trên nền này một văn phòng quản lý cùng với 9 điểm khác trên biên giới Trung-Việt. Năm 1914, văn phòng được xây lại lần hai thành kiến trúc nhà lầu kiểu Pháp nên còn gọi là “Pháp Lầu” hoặc “Pháp Quốc Lầu”. Công trình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay nhưng thông tin không rõ ràng, có phần mâu thuẫn về niên đại lịch sử khiến Pháp Quốc Lầu có một lai lịch mờ ám (Đọc thêm tại đây
Hình 34: Trấn Nam Quan nhìn từ điểm cao phía Trung Hoa. Vẫn thấy rõ bức bình phong và cụm nhà ngói trước cổng quan. Trên đỉnh núi bên trái có một doanh trại khá lớn.
Hình 35: Toàn cảnh Trấn Nam Quan bên phía Trung Hoa. Ngôi làng trong thung lũng nằm hai bên con đường nhỏ, phía trước là khu doanh trại. Cuối con đường chính dẫn về phía Trấn Nam Quan vẫn thấy cụm nhà nơi đặt văn phòng quản lý biên giới Pháp - Trung. Thời điểm này văn phòng chưa được xây lại thành toà nhà 2 tầng mà người ta quen gọi là Lầu Pháp Quốc.
Phụ ảnh: Dòng lưu bút ghi ngày 17.04.1911. Bưu cục Lạng Sơn đóng dấu ngày 19.04.1911
Hình 36: Ngôi làng Trung Hoa ở Nam Quan (trong khung mầu vàng của phụ ảnh 34). Hai dãy nhà lá nằm bên con đường lát đá. Đây có lẽ là khu dân cư, cuối đường có một khu nhà ngói khang trang hơn có lẽ là doanh trại hoặc khu gia binh.
Hình 37: Ngôi làng nhìn từ điểm cao
Hình 38: Xử trảm một người Hoa tại khu vực Ải Nam Quan
Hình 39: Một lễ hội người Hoa ở Lang Cang Tchap gần Ải Nam Quan.
Xen vào loạt ảnh của Union Commerciale Indochinoise, chụp cùng một thời gian, đánh số từ 228 đến 233, miêu tả con đường từ Ải Nam Quan sang Long Châu là những bức ảnh của vợ chồng Imbert Edgard chụp cuối 1906.
Vợ chồng Imbert được những người Trung Hoa đưa tới ngôi làng Loc Kan Thiap.
233. Đường đi Long Châu chạy qua khu vực những đồi cỏ.
232. Phong cảnh đường đi Long Châu
229. Một dinh thự trên đường đi Long Châu. Không rõ Loc Hang Thiap là địa danh gì.
Vợ chồng Imbert chụp ảnh trước dinh thự của chỉ huy tên Sen ở Loc Hang Thiap.
Cùng người đồng hương và chủ nhà Trung Hoa đến thăm một nhà hát ở Loc Hang Thiap.
228. Những ngôi miếu.