Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

TRIẾT LÝ SỐNG CỦA MỘT ÔNG BẠN GIÀ

TRIẾT LÝ SỐNG CỦA MỘT ÔNG BẠN GIÀ
Tuổi Già Nên Phiên Phiến Mọi Chuyện... 
Tràm Cà Mau
Bạn tôi có ông tự xưng là Hai Hô bởi vì răng ông hô. Ông rất thú với danh xưng nầy. Ông thường nói rằng ngày xưa còn trẻ, hăng tiết vịt, ai nói gì đúng hay sai cũng tìm lời cãi lại. Bây giờ già rồi, nghe ai nói gì cũng thấy xuôi tai, đúng hết bởi già rồi có nhiều kinh nghiệm thấy được đúng-sai, có nhiều mặt khác nhau.
Bà mẹ ông đã 92 tuổi mà thường hay nói câu: "Mai mốt, tôi già rồi thì…" Mỗi lần nghe câu đó, ông vội cắt ngang lời mẹ và hỏi lại: "Hơn chín mươi tuổi rồi mà chưa già hở mẹ? Thế thì bao nhiêu tuổi mới là già?" Bà cụ chỉ cười, không đáp lại. Vợ ông thường nháy mắt, nhìn ông che dấu nụ cười bí mật. Người em ông nói: "Theo tôi thì không có ai già và cũng chẳng có ai trẻ. Già hay trẻ là một khái niệm rất tương đối. Hồi tôi mười bốn, mười lăm tuổi, thấy các chị hàng xóm mười bảy hay mười tám tuổi là đã già khú đế. Già như sắp mua hòm được rồi. Thế mà khi tôi sáu mươi tuổi, tôi thấy các bà năm mươi là trẻ và các bà bốn chục tuổi là bọn con nít. Thế thì già hay trẻ, không phải tùy theo số tuổi của họ".
Ông Hai nói có một lúc nào đó, con người trở nên già. Nầy nhé, mỗi khi đi ra đường, nếu chỉ thấy các bà già nhìn mình mà các cô gái trẻ không dòm mình nữa thì phải hiểu là mình đã già rồi. Lại nữa, mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, tóc rụng nhiều, đừng tưởng mình trở nên thông thái mà phải biết đó là dấu hiệu già. Nếu mình thấy mọi người dường như trẻ lại thì chính mình già đã đi vì mình so sánh thiên hạ với cái bóng của mình trong gương soi mỗi ngày.
Ông nói tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ 'gần gũi' của vợ chồng thưa dần và đôi khi cố gắng làm vừa lòng bà vợ theo định kỳ mà không có hứng khởi. Những khi đó, nếu bà vợ gạt ra, không cho gần gũ thì trong lòng lại mừng húm vì có cái cớ để không làm tròn 'bổn phận' mà không áy náy. Ông nói bực nhất là những lúc mình đang hăng, đang nóng máu, sắp xáp chiến mà bà vợ cứ cằn nhằn về những chuyện không đâu như cái hàng rào bị gió vật nghiêng, cây hoa hồng lá bị bạc mốc, con chó bị rận bọ chét. Thế là cả cái thân già nó xìu xuống như cọng bún thiu, chẳng làm ăn chi được nữa cả, đành bỏ cuộc vui nửa chừng. Khi còn trẻ, vào những lúc sắp gay cấn như thế nầy thì dù cho sét nổ trên đầu cũng không nghe, không biết.
Có người hỏi ông sao không dùng viên thuốc thần kỳ làm cho vợ chồng vui như thuở ba mươi. Ông nói đừng tin mà chết sớm, đau tim mà dùng thuốc nầy thì lăn đùng ra mau lắm. Hồi trước, ông cũng xin ông bác sĩ cho toa thuốc nầy, bác sĩ ấy không chịu. Ông cũng hơi giận nhưng bây giờ thì cám ơn vì biết được cái nguy hại của nó. Vui chốc lát mà bỏ mạng, lãng nhách. Theo ông thì vợ chồng già, ghiền cái hơi của nhau hơn là chuyện vật nhau lăn lộn trên giường. Chỉ cần luồn tay vào áo bà vợ già mà tìm trái mướp cũng đủ làm cho bà ấy vui rồi.
Nói về cái tai điếc, ông bảo: "Có một lúc nào đó, mình nghe nhạc, cứ tưởng là các anh chị ca sĩ dạo nầy không còn hát hay như ngày xưa. Không phải vậy đâu. Thời nào cũng có ca sĩ giọng hay. Nghe không hay vì cái tai mình đã nặng, lãng rồi cứ tưởng nhạc dở. Ðó là dấu hiệu già. Nhất là khi nghe truyền thanh, truyền hình thì con cái, hàng xóm, cứ than phiền mở âm thanh quá lớn. Theo mình, âm thanh như vậy chỉ vừa đủ nghe mà họ bảo oan cho mình là quá lớn".
Ông Hai nói với một bạn già rằng khi già, lãng tai, điếc tai cũng có cái lợi lớn. Khi nào vợ nói lời êm ái, dịu dàng, yêu thương thì nghe cho sướng tai. Khi nào bà trở chứng trách móc, chê bai, than vãn, nói nặng lời thì cứ nhè-nhẹ gỡ cái máy trợ thính ra, chỉ thấy bà nhóp nhép cái miệng, trông tức cười lắm. Không nghe thì không bực mình, không giận hờn mà còn cười, đôi khi nụ cười rất rạng rỡ, cười rất dễ thương nữa. Bà vợ nói như gió vào phòng trống, thấy ông chồng không giận mà còn cười vui thì đành im miệng cho đỡ tốn hơi và đôi khi còn thương thêm vì tưởng ông chồng khéo nhịn. Nhưng một ông bạn khác nói rằng khi bà vợ trách móc và thở than thì để bà ấy nói cho xả ra, nhẹ bớt bực tức trong lòng. Bởi vậy, mỗi khi vợ ông than vãn, trách móc thì ông mừng và lắng nghe. Nếu bà ngưng nói thì hỏi rằng em có gì cần nói thêm, than vãn thêm không, hãy nói cho hết đi, anh nghe đây. Thế là bà dịu xuống và bà cảm thấy hơi quê quê nên thôi.
Ông Hai nói khi già, mắt yếu, cầm cuốn sách lên là móc túi tìm cái kiếng. Không có kiếng thì đành chịu thua. Khi đó, mình ít đọc sách hơn ngày xưa. Rất nhiều bạn ông than phiền rằng dạo nầy, sách vở, báo chí họ in chữ nhỏ hơn, khó đọc. Không phải đâu! Mắt mình mờ, kém chứ không phải chữ in nhỏ lại. Mấy anh trẻ hỏi ông có bực vì mắt kém không, ông Hai nói rằng việc chi mà bực? Phải mừng chứ đừng bực. Mừng và cám ơn khoa học tiến bộ, giúp cho mình còn thấy rõ hơn, nghe rõ hơn mà nếu mình sống mấy trăm năm trước thì đã mù loà và điếc đặc rồi. Dù cho nghe ít, thấy không rõ hoàn toàn nhưng có thấy, có nghe đã là quá quý rồi. Tuổi đã cao mà còn thấy được người thương yêu, con cháu, bạn bè, còn xem truyền hình, phim truyện thì đã nhận được rất nhiều ân phước của Trời ban cho. Phải biết cảm nhận và cám ơn Trời .
Bây giờ, đi đâu xa ông cũng ngại. Ði du lịch, điều nghĩ đến trước tiên của nhiều người già như ông, không phải cảnh đẹp, điều hay, cái lạ mà nghĩ đến cái cầu tiểu, không biết nơi đó có hay không. Cứ vào quán xá, hội trường thì có thói quen trước tiên là xem cầu tiểu nằm đâu. Quán nào mà không có cầu tiểu thì đừng hòng có nhiều ông bà già bước vào. Ông rất sợ mai đây xui xẻo, người ta tôn ông lên làm lãnh tụ vì thấy mấy ông lãnh tụ đứng đọc diễn văn, họp báo, duyệt binh, diễn hành, đứng hàng giờ, phải nín tè, khó chịu, mệt và khổ lắm. Ông cũng rất ngại ngủ nhà lạ, cứ nửa đêm, nhiều lần mò mẫm trong bóng tối dậy đi tiểu, xối nước ào ào làm người khác mất ngủ, chưa kể lạ nhà, đêm tối, lạc đường mở lầm cửa phòng vợ, con người ta thì cũng bẽ bàng.
Một lần, bà vợ đè đầu ông xuống mà nhuộm tóc cho ông. Mấy hôm sau, lên xe công cộng, ngồi vào ghế dành cho người cao niên. Ông thấy có một 'lão trượng' đứng nhìn ông chằm chằm như ngầm hỏi sao không nhường ghế ngồi cho người già cả. Ông đoán chắc, chín mươi phần là 'lão trượng' kia còn nhỏ tuổi hơn ông. Ông cứ ngồi lì, làm lơ nhưng khi thấy hành khách chung quanh nhìn như thúc dục, như nhắn nhủ bằng ánh mắt khó chịu thì ông nhột quá, đứng dậy nhường ghế cho lão trượng kia. Ông nghĩ, không lẽ phải thét lên là tôi còn già hơn lão và không lẽ phải móc căn cước ra mà chứng minh. Thôi thì đứng dậy cho bớt nhột và ngượng ngùng rồi tự an ủi rằng đứng cũng là một cách tập thể dục tốt.
Khi có ai hỏi tuổi, ông Hai Hô cũng tự cộng thêm gần chục năm. Thế là thiên hạ rối rít khen trẻ, xít xoa hỏi làm sao mà giữ được trẻ trung như thế. Ông cười, nói đùa rằng cứ theo đúng lời dạy vàng ngọc của người xưa để lại, là 'đêm bảy, ngày ba' cho khí huyết lưu thông, điều hoà thì cơ thể trẻ trung mãi. Ông nói rằng nếu có khai trụt đi năm ba tuổi cũng chẳng có lợi ích gì vì mình đâu có toan tính chinh phục, tán tỉnh ai. Khai trụt tuổi, đôi khi người ta còn chê là trông già trước tuổi.
Lại nữa, phong tục của mình là kính trọng người lớn tuổi nhưng các bà, các cô thì khi nào cũng giấu tuổi, cứ 18 tuổi thì khai là 16, khi 20 khai là 18 và lúc 23 khai là 20. Cứ khai trụt vài ba tuổi và cảm thấy sướng khi được người khác tin. Khi phải đoán tuổi, ông thường rộng rãi hạ xuống cho các bà, các cô từ năm đến bảy tuổi để họ sướng mà ông không mất chi cả, cũng là làm một điều thiện nho nhỏ trong ngày, làm cho người khác vui, yêu đời hơn.
Dạo sau nầy, khi ông ăn uống, thường thức ăn bị đổ vung vãi. Nhiều lần ông tự bảo là cẩn thận nhưng hình như cái tay nó không hoàn toàn theo mệnh lệnh của cái đầu nữa. Ðưa cơm vào miệng không gọn gàng, cứ rớt ra vài chút. Ðôi khi tay run mà ông không biết. Ông cho đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhiều lần bà vợ ông nhăn nhó, la nạt vì làm đổ thức ăn. Một lần ông nhớ lại câu chuyện đứa bé đẽo cái chén gỗ, cha mẹ hỏi đẽo làm gì, nó nói là để sau nầy cho cha mẹ ăn như cha mẹ đã cho ông nội ăn chén gỗ. Ông nhỏ nhẹ nói với vợ rằng, nhờ bà đẽo cho ông một cái chén gỗ rồi mỗi bữa dọn cho ông ăn sau vỉa hè, bên thềm. Nghe thế, bà vợ nhìn ông một lúc lâu rồi rưng rưng nước mắt. Từ đó, bà hết cằn nhằn khi ông làm đổ thức ăn. Ông hay quên, đôi khi đi xuống nhà kho mà ngẩn ngơ không biết định xuống để làm gì. Quên trước, quên sau. Một bạn già của ông nói nếu 'cái đó' mà ông trời không bắt dính chặt vào người thì có khối ông già để quên trên xe buýt, trên tàu điện, ngoài công viên và khi cần đi tiểu thì chạy quanh, quýnh lên mà tìm không ra. Còn triệu chứng khác nữa là làm biếng tắm, đôi khi hai ba ngày ông chưa tắm. Cứ nghĩ là có làm chi dơ đâu mà phải tắm nhưng rồi nhận ra thì tuổi già sợ lạnh, nhạy cảm với cái lạnh nên ngại tắm. Vì thế, có nhiều cụ già có mùi, họ đâu biết. Ông phải rán tập thói quen, nóng lạnh chi cũng ráng tắm mỗi ngày một lần, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.
Bà mẹ ông 92 tuổi, đi ăn tiệm, cắn càng cua-rang-muối nghe rau ráu. Thực khách trong tiệm tròn mắt ra mà nhìn. Còn ông thì ngay cả bánh mì mềm của Mỹ cũng không dám cắn, dùng tay xé nhỏ ra rồi bỏ vào miệng. Bà mẹ ông ăn uống không kiêng cữ chi cả. Thịt heo quay, vịt quay, cá chiên, gà chiên, bún bò giò heo, phở, nước béo, các thứ độc địa đều ăn tuốt. Thế mà bà không cao mỡ, không cao máu, dù thân thể tròn quay. Cái đó cũng nhờ trời cho. Nhiều bác sĩ cũng khuyên bà cứ ăn uống thả dàn cho sướng cái miệng, đừng kiêng cữ làm chi nữa khi ở cái tuổi nầy.
Nhiều ông bạn của ông kiêng khem kỹ lắm, kiêng đủ thứ. Họ xem ba thứ sau đây ngang hàng với thuốc độc: Ngọt, mặn và béo. Họ ăn lạt, không dám ăn đường, ăn béo. Thấy đồ chiên là họ đã tái mặt. Họ ăn mãi quen miệng và thấy các thứ thức ăn không mùi, không vị kia cũng ngon bởi khi đói thì cơm thiu, cơm cháy cũng thành ngon. Có kẻ bảo uổng quá, phí thức ngon của trời cho nhưng những người kiêng cữ nầy nói rằng không tội chi đem chất độc vào người rồi bệnh hoạn, hối không kịp.
Một ông bạn cho biết rằng, theo nghiên cứu của đại học Rockefeller thì có ba điều kiện để cho người già khỏe mạnh và ít bệnh là: 1) ăn bằng một nửa của bữa ăn bây giờ, 2) thể dục thường xuyên và 3) làm tình đều đều. Ông không tin và cho rằng cái đó chỉ đúng cho người Mỹ mà thôi. Mỗi bữa, họ ăn miếng thịt to bằng bàn tay, một bữa ăn của họ mình có thể ăn ba bốn ngày mà chưa hết. Nếu mình chỉ ăn bằng một nửa của bây giờ thì sẽ suy dinh dưỡng, sớm đau ốm mà chết. Còn chuyện thể dục thường xuyên thì đúng trăm phần trăm. Phần làm tình đều đều, có lẽ không ai chắc, vấn đề là còn làm được hay không mà còn đòi đều đều. Mình cứ ăn bình thường, đừng ăn quá no, cũng đừng ăn đói. Cứ theo cái đạo trung dung của người xưa đã bày ra từ mấy trăm năm nay. Rượu chè, nếu uống được thì uống vừa vừa cũng tốt cho sức khoẻ, đừng say sưa là được. Lâu lâu cũng ráng vui vợ, vui chồng cho khỏi lạt lẽo. Ông Hai đã chữa bệnh biếng ăn cho nhiều bạn bè rất công hiệu. Ðó là đừng ăn vặt và chờ cho khi thật đói mới ăn, chưa đói rã thì chưa ăn. Như vậy thì ăn gì cũng thấy ngon.
Ông có quan niệm phóng khoáng hơn về sự sống và cái chết. Ông cho rằng chết là một tiến trình của đời sống, hợp với luật thiên nhiên của tạo hóa. Sợ chết là vô lý. Không ai tránh khỏi cái chết, không sớm thì muộn. Ai cũng sẽ chết cả. Ngay cả Phật, Chúa, thần thánh cũng phải chết, huống chi mình là người trần mắt thịt. Chúa Giê-Su chết lúc mới 33 tuổi. Phật cũng chết, thọ không bằng các ông, các bà cụ bây giờ.
Cứ thử nghĩ, nếu già mà không chết thì bây giờ trên thế giới có đến hơn chín mươi phần trăm cụ già, cụ nào cũng mấy trăm tuổi, mấy ngàn tuổi, ho hen, run rẩy, chậm chạp thì lấy ai làm lao động mà nuôi các cụ? Nhân loại sẽ đói cho vêu mỏ ra. Già thì phải chết để cho thế giới được trẻ trung hoá. Khi nào anh chị nghe tin một người già chết mà lòng không buồn, không thương tiếc thì anh chị được giác ngộ rồi đó. Có chi mà buồn? Nếu người chết không để lại một gánh nặng gia đình, một đàn con dại cần nuôi dưỡng, dạy dỗ, một bà vợ chân yếu tay mềm thì mừng cho người ta thoát được cái hệ lụy của trần gian. Khỏi lo công ăn việc làm, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo thương ghét, ghen tuông, giận hờn, khỏi lo khai thuế cho đúng hạn kỳ. Khoẻ ru!
Nếu người chết đã cao tuổi, trong nhiều năm nằm một chỗ, không nói năng, bại liệt, ăn bằng cách bơm qua ống nối với bao tử, nghe họ chết mà mình khóc lóc, tiếc thương, bi ai thì hoá ra là không biết điều. Muốn người ta bị kéo dài thêm cái cực hình đó lâu hơn nữa, rồi mới được chết sao? Nhiều khi, con cháu mừng cho thân nhân họ được chết mà mình thì sụt sùi thương tiếc.
Ông thường nói trong tuổi già, sức khoẻ là quý nhất nhưng nếu ai đó có sức khoẻ tốt, không hề đau ốm thì cũng là một sự nhàm chán. Họ đâu biết họ đang có cái quý báu nhất trong đời. Lâu lâu phải đau vài trận để nhắc nhở và nhớ rằng, không ốm đau là sung sướng, là hạnh phúc lắm lắm. Làm sao bọn trẻ và những người khoẻ mạnh biết được cái hạnh phúc, cái sung sướng của người già, khi buổi sáng ngủ dậy mà thân thể không đau rêm, nhức nhối? Cũng như nếu người ta chưa sống dưới chế độ kềm kẹp, hà khắc thì làm sao biết được nỗi sung sướng khi được đặt chân lên miền đất tự do? Nên quan niệm rằng với sức khoẻ nào cũng tốt cả, đừng so sánh với trường hợp tốt hơn. Cứ vui với cái sức khỏe mà mình đang có. Ðược khoẻ nhiều thì sướng nhiều, khoẻ ít cũng sướng hơn vì chưa đến nỗi tệ hại lắm. Nhớ đi khám bác sĩ đều đều để khám phá ra bệnh, kịp thời chạy chữa. Một người bạn của ông cho biết không dám đi khám bệnh thường niên vì sợ 'bói ra ma, quét nhà ra rác'. Thế nào bác sĩ cũng tìm ra bệnh nầy, bệnh nọ trong cơ thể và thêm lo. Cứ để thế rồi khi bệnh nặng thì chết. Bà vợ ông nầy khổ sở lắm nhưng không thuyết phục ông được. Ông còn nói bác sĩ thường cho uống thuốc chữa bệnh nầy thì sinh ra thêm bệnh khác nữa. Hoặc bác sĩ chẩn đoán sai bệnh là thường. Có người đọc báo cáo y khoa cho biết trên nước Mỹ, mỗi năm có đến hai trăm ngàn người chết, hoặc thương tật vì bác sĩ kém hiểu biết hoặc sơ suất gây ra.
Theo ông Hai Hô thì đừng sợ vì bác sĩ giỏi nhiều hơn bác sĩ dở và bác sĩ có lương tâm nhiều hơn bác sĩ thiếu lương tâm. Ðừng vì một số trường hợp xấu mà sợ đi khám bệnh. Khám bệnh để biết trước mà đề phòng, để chữa trị khi bệnh mới chớm, còn kịp, chữa trị dễ dàng hơn. Ðể ung thư ăn tràn lan ra rồi thì chỉ có phép lạ mới cứu được. Người ta có thể mạnh khỏe cho đến khi chết. Ðó là trường hợp hiếm hoi nhưng đau yếu trong tuổi già là thường, không đau yếu là bất thường. 
Có một người than rằng cứ đi vào, đi ra trong nhà hoài, chán quá. Ông Hai bảo rằng được đi vào đi ra như thế là sướng lắm rồi, sao mà chán vì có nhiều người khác mong được đứng dậy đi vài bước mà không làm được vì bệnh. Nhưng theo ông thì cái người nằm liệt trên giường, cũng tìm được cái thú vui riêng, khi nghe nhạc, nằm mơ mộng, nghĩ đến các kỷ niệm thời còn vàng son, nhớ đến những tội lỗi nho nhỏ mà họ đã phạm một cách cố ý và thích thú.
Ông Hai Hô tập thể dục đều đặn. Ông nói không ai chối bỏ được ích lợi của thể dục, dù già dù trẻ. Không bao giờ trễ để bắt đầu tập thể dục. Không thể dục thì tấm thân nhão nhẹt ra, rất dễ làm mồi cho bệnh hoạn. Ði bộ trong tuổi già là tốt nhất. Còn khoẻ thì đi nhanh, yếu thì đi chậm hơn, yến hơn nữa thì chống gậy mà đi. Có vận động là tốt. Ði bộ, xương đỡ rỗng, đỡ gãy tay chân khi vấp té. Ði bộ cũng làm cho mặt mày trẻ ra, lưng đỡ còng, thân thể đỡ đau đớn, mệt mỏi. Ði bộ cũng vui, nhất là đi với vợ, với chồng, nói đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng khi bà vợ bắt đầu cằn nhằn vì những chuyện không đâu thì phải giả vờ chạy để bà lại phiá sa cho bà nói với cột đèn, cằn nhằn với cây cỏ. Không có vợ đi cùng thì đi với bà cụ hàng xóm cũng vui. Bà sẽ không bao giờ dám cằn nhằn ông vì những chuyện không đâu. Bà sẽ lịch sự hơn. Ði với bà hàng xóm, ông bảo đừng sợ thiên hạ hiểu lầm, cũng đừng sợ chính bà ấy hiểu lầm. Không hiểu lầm thì tốt. Hiểu lầm thì càng tốt hơn vì làm cho bà ấy vui, làm bà nghĩ là còn sáng giá, còn có người ngưỡng mộ đến cái nhan sắc mùa thu của bà. bà sẽ yêu đời hơn, sẽ ăn ngon, ngủ được, thế thì ông cũng đã làm được một điều thiện nho nhỏ. Ông nói ông được nghe chuyện một bà cụ 88 tuổi, bà nói rằng phải đi bộ, phải tập thể dục để chống lại bệnh hoạn. Mỗi ngày bà đi bộ hơn một giờ. Bà nói rằng: "Mình phải biết tự thương mình. Con cái có thương mình, chúng có thể cho tiền bạc, quà cáp chứ không cho mình sức khỏe được. Mình phải tự lo lấy để mà sống cho vui, sống cho có chất lượng."
Ông nói rằng thể dục làm tăng tuổi thọ chứ không làm giảm, ngoại trừ ham tập, tập quá sức thì lăn kềnh ra mà chết mau lắm. Bơi lội là tốt nhất, vận động đủ các thứ bắp thịt nhưng tuổi già thường sợ nước, sợ lạnh. Cái gì sợ thì không nên làm, hại cho sức khoẻ, hại thần kinh.
Mỗi lần nghe có người than là mất ngủ, ông thường nói say sưa về bệnh nầy. Theo ông thì những người nầy đã ngủ đủ, ngủ thừ nên không ngủ thêm được mà tưởng là mất ngủ vì ban ngày, họ cứ thấy mệt, mắt ríu lại là ngủ những giấc ngắn. Nên biết, ngủ một giấc chừng 15 phút lúc ban ngày có thể tương đương với một giấc ngủ 1 hay 2 giờ ban đêm. Mỗi đêm, người bình thường chỉ cần ngủ ngon chừng 3 hay 4 giờ là đủ mạnh như gấu bắc cực. Nếu không ngủ ngày thì đêm về, ngủ dễ lắm. Không phải tuổi già là mất ngủ, bằng chứng cho thấy chó mèo già ngủ li bì, ngủ ngày, ngủ đêm, ngủ liên miên. Người già dư thì giờ, ban ngày ngủ rồi thì ban đêm khó ngủ là chuyện thường. Ông thường nói rằng đừng sợ mất ngủ. Khi không ngủ được thì dậy đọc sách, viết thư, làm thơ, xem truyền hình, gõ máy vi tính, đọc thư bạn bè. Hãy tận hưởng cái thời gian quý báu đang có rồi chờ cho thật buồn ngủ, không thức nổi nữa thì vào giường nằm thì sẽ ngủ được ngay và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Ðừng ép giấc ngủ, ép giấc ngủ sẽ khó ngủ hơn. Cũng đừng uống thuốc ngủ. Ðại kỵ. Uống thuốc ngủ nhiều làm hư hại hệ thống thần kinh. Ðừng nằm nhắm mắt mà đếm cừu, nếu phải đếm thì đếm những người tình cũ, mau ngủ hơn. Nếu đời chỉ có một hai người tình thôi thì đừng đếm một hai, một hai, không có lợi. Hoặc nằm mà hát trong trí những bài ca du dương, đẹp, gợi nhiều kỷ niệm êm ái, thân thương.
Bà chị ông cứ than phiền là mất ngủ nhưng khi đi chơi, cứ leo lên xe thì quẹo đầu ngáy khò khò, ngủ suốt buổi, suốt ngày, ngủ mà quên xem phong cảnh. Ngủ như thế thì no rồi, dư rồi nên khi đến khách sạn thì làm sao mà ngủ thêm được nữa. Bà chị nói đi chơi xa sợ mất ngủ. Bà ấy thực sự ngủ nhiều hơn ai cả mà bà tưởng là mất ngủ. Một chị khác than là mất ngủ kinh niên, ghé nhà ông chơi. Ông nói là sẽ chữa bệnh mất ngủ cho chị. Ông dẫn chị kia đi chơi, suốt ngày lội bộ, chị vừa đi vừa ngủ gật, ông không cho ngủ. Ông nhờ hết việc nầy qua việc nọ, không để chị có thì giờ mà ngủ gật. Ðêm không cho đi ngủ sớm. Mới mười giờ đêm, mệt quá chị năn nỉ xin đi nằm và đánh một giấc ngon lành dài đến sáng hôm sau.Trong mấy hôm liên tiếp, đêm nào chị cũng ngủ li bì, ngủ ngon, không cần thuốc thang chi cả. Ông truyền bí quyết là không ngủ ngày, mệt mấy cũng không ngủ, ban đêm đừng đi ngủ sớm, phải chờ cho mắt ríu lại, mở không ra, mới đi ngủ thì ngủ ngon.
Nhiều người già tự đặt cho họ một kỷ luật để sống. Theo ông thì có kỷ luật cũng tốt mà không kỷ luật lại càng khỏe hơn. Nhiều người tính tình nghiêm khắc, mọi sự đều phải răm rắp đúng như quy định mới chịu. Tội chi vậy, nếu không răm rắp mà không chết ai, hại ai thì răm rắp làm chi cho khổ mình, khổ người? Nên dễ dãi với mọi sự, dễ dãi với chính bản thân mình, kẻo tội nghiệp nó. Khắc kỷ cũng là điều hay nhưng tội gì mà tự khắt khe với chính mình, người khác không khắt khe thì thôi nên cứ xem mọi sự như trò chơi. Chơi vui nhiều thì tốt, vui ít cũng tốt luôn. Ông không mong cái tuyệt đối, hoàn hảo. Trong một cuộc chơi, ông không hy vọng được tất cả mọi người tham gia, có ít vui ít, có nhiều vui nhiều. Hai ba chục người cũng vui mà năm bảy bạn bè cũng vui luôn. Nếu hụt một cuộc chơi, một cuộc gặp gỡ, ông cũng không tiếc, chẳng sao cả, ông về nhà mở nhạc, mở TV ra mà thưởng thức. Ông nghĩ, được thêm một dịp nghỉ ngơi, yên tĩnh. Có lần đi trễ máy bay, ông bình tĩnh xin đi chuyến sau mà không được, ông cũng cười, không bực mình, quay về nhà, pha một bình trà, đem một tập thơ ra mà ngâm vịnh, nằm ngửa mà thưởng thức cuộc tranh tài thể thao. Ông nói đôi khi nhờ trễ một chuyến may bay mà sống sót, nếu máy bay rớt. Chiều ra ngoài quán uống cá phê xem sinh hoạt phố phường. Nói chuyện tào lao với chủ quán.
Ông không bao giờ tranh luận gay gắt với ai. Ông nói, tranh luận làm chi cho mệt, rồi giận nhau. Trong tuổi già, khi có cuộc tranh luận thì tránh là tốt nhất. Nếu không tránh được thì chịu thua đi, thắng làm chi để cho đời ngắn lại? Thắng tranh luận làm thiên hạ ghét, làm mất lòng bạn, làm người bị thua tứcgiận và nóng mặt, không ưa mình. Không ai ghét người thua trong cuộc tranh luận. Người thắng cuộc dễ bị ghét hơn. Thử đánh một ván cờ xem, nhường cho đối phương thắng làm họ vui hơn, không chừng mình đưọc đãi đằng hậu hỉ hơn.
Ðến nhà người ta mà cãi nhau, tranh thắng, làm họ mất mặt với vợ con, với bạn bè thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết. Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương, tại sao không chọn tình thương mà chọn cái bị ghét? Thắng tranh luận cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu! Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Ðừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá 'lừng'. Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình 'lừng' đi cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám 'lừng' với thiên hạ mà về nhà lại 'lừng' nhau làm chi cho mất vui?
Ông thường nói cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông đã thua thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Ðúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông nầy đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot nói với một phóng viên Tây phương rằng những điều ông đã làm là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.
Khi có ai chê bai ông, ông chẳng bực mình, không giận hờn mà cứ cười và xem như không. Ông tự nhủ, biết đâu ông cũng đáng chê, đáng trách. Nghe thiên hạ chê để mà sửa mình, biết mình còn cái chưa hay, sai sót. Không phải ông là kẻ mặt dày không biết xấu hổ nhưng thiên hạ chê mà không phản ứng thì như gió qua truông. Có một ông khác, bị vợ chê bai hoài, chê đủ thứ. Ông nầy chỉ cười mà nói với bà vợ rằng ông không ngờ bà xui xẻo đến thế, lấy phải một thằng chồng tệ hại như vậy, tội nghiệp cho bà quá. Bà vợ nghe mà chột dạ và biết đã ăn nói quá trớn.
Khi nghe ai khoe khoang, ông cũng không bắt bẻ, không lật mặt thật của họ ra, sợ làm cho họ xấu hổ, bẽ bàng. Ông cứ giả vờ tin, để mà đãi họ vài phút vui sướng, cũng là làm được một việc thiện nho nhỏ. Ông không mất gì và chẳng thiệt hại cho ai mà cuộc đời nầy thêm vui, thêm tử tế. Bởi nghĩ thế mà ông làm.
Ông Hai Hô quan niệm rằng trong tuổi già, có hoài bảo thì cũng tốt mà không có hoài bảo chi cả thì tốt hơn và khôn ngoan hơn. Khi trẻ, nhiều thì giờ, nhiều năng lực mà chưa có hoài bão nào làm xong thì khi già rồi, mong chi đạt được. Tội chi đeo vào thân cái hoài bão cho khổ. Già rồi, đừng xem cái gì là quan trọng cả. Từ danh vọng, tiền tài, tình yêu. Ngay cả cái mạng sống của mình cũng đừng xem là quá trọng. Có lần, ông đến thăm một nhà văn đang nằm thoi thóp, miệng ngậm một cái que gỗ có thấm nước cho đỡ khát, sắp chết vì ung thư. Ông nhà văn còn thao thức vì một tác phẩm để đời chưa khởi đầu được, chết chưa an lòng. Ông nói: "Thôi bác ơi, chuyện gì mình chưa làm được thì thế nào con cháu mình sau nầy cũng làm. Yên tâm mà dưỡng bệnh đi."
Ông Hai Hô cho rằng cứ năm ba ông bà bạn già gặp nhau, uống vài ly trà, cà phê mà nói chuyện nhảm cũng là một thứ hạnh phúc trong đời. Ông nói dù đến để nghe thằng bạn già nó chửi mình cũng cứ vui, được người ta chửi tức còn có người để ý đến mình còn hơn là không ai khen, ai chửi cả. Những dịp ra mắt thơ, ra mắt sách, ông thường tham gia cho cuộc họp thêm xôm tụ, cho tác giả sướng. Ông khoái các buổi ca nhạc cây nhà lá vườn, tài tử. Nó cũng có những cái hay của nó.
Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng tuổi già mà còn gặp lại được bạn xưa thì không còn gì quý báu hơn. Nằm nhà xem sách, xem truyền hình, đá banh đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui thì cứ vui kẻo uổng, biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc.
Mỗi khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ mà thiên hạ tà tà đến trễ, ông cũng không bực mình bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm thì cũng có cái lợi khác, được nói chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Ðến khi dọn thức ăn ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa vì ai nấy lo gắp, lo nhai, không rảnh mà nói chuyện. Khi ăn xong thì bạn bè vội vã ra về vì đường xa, vì đêm khuya, vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ và bằng lòng với câu "Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ, không phải Việt Nam." Ông Tư Hô thường nói tuổi già cứ phiên phiến với mọi sự cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình./.

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI

MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI
Nhạc và lời: Phạm Trọng
Tiếng hát: Ca sĩ Vũ Khanh
Video: Long Kangaroo

 

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN TẠI MỸ

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN TẠI MỸ
Võ thị Diệu Hằng

Truyền thống kể rằng nhà cầm quyền Massachussets William Bradford đã định ngày lễ này lần đầu tiên vào năm 1621, khi làm bữa tiệc chung chia giữa những di dân Mỹ và những người thổ dân da đỏ khi họ giúp những thực dân sống sót vào những ngày đầu Ðông.
Lễ Tạ Ơn đã được cử hành trên khắp nước Mỹ nhưng mỗi nơi mỗi khác, tùy phong tục của những người di dân nên ngày lễ không đồng nhất. Nhưng khi các di dân Mỹ bắt đầu đứng lên chống lại đế quốc Anh để giành độc lập và khi George Washington thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forge, ông đã tuyên bố ngày lễ quốc gia Thanksgiving đầu tiên vào ngày 26 tháng 11 năm 1789.
Đến năm 1830, dân tộc bắt đầu chia rẽ, các tiểu bang miền Bắc thành lập ngày lễ Tạ Ơn và sau đó, bà Sarah Josepha Hale đi cổ động trên khắp nước Mỹ để có được một ngày lễ Tạ Ơn đồng nhất cho tất cả các tiểu bang.
Đến khi Nam Bắc nước Mỹ phân tranh, các tiểu bang miền Nam đòi ly khai, tổng thống Abraham Lincoln lấy ngày lễ Thanksgiving để nhắc đến công ơn của các di dân Pilgrims đầu tiên đã dựng nên nước Mỹ. Ông làm tăng thêm ý nghĩa của lễ năm 1863 và định ngày cho lễ này hàng năm vào thứ Năm cuối cùng của tháng 11.
Trong nhiệm kỳ của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, vào những năm 1940, là thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, Quốc Hội Mỹ đang trong thời kỳ chiến tranh, đã biểu quyết ngày lễ Tạ Ơn là ngày quốc lễ của toàn thể liên bang để tưởng nhớ tới công lao của những người đã hy sinh và ông Franklin DelanoRoosevelt quy định lấy ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 của tháng 11.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

XIN TẠ ƠN

XIN TẠ ƠN
Nhạc và lời: Trúc Ca Dương Vân Châu
Tiếng hát: Ca sĩ Vân Quỳnh
Video: Trần Hải Long

 

BA CÁCH THẮT CÀ VẠT DỂ DÀNG

BA CÁCH THẮT CÀ VẠT DỄ DÀNG
Nguồn: Facebook

Mời click vào xem và thực hành:

TẠ ƠN

TẠ ƠN
Phan Lục

Tạ ơn tạo hóa dựng nên
Hình hài nhân loại sang hèn bất phân.
Tạ ơn tiên tổ tiền nhân
Cho con huyết thống truyền sang muôn đời.
Tạ ơn cha mẹ tuyệt vời
Sinh con, nuôi dưỡng thành người hôm nay.
Tạ ơn quý bậc cô thầy
Có công dạy dỗ từ ngày trẻ thơ.
Tạ ơn dì, cậu, chú, cô...
Hỏi han, khuyên bảo như cho con mình.
Tạ ơn huynh đệ thân tình
Luôn luôn sát cánh như cành liền cây.
Tạ ơn bằng hữu đó đây
Nhớ nhau, giúp đỡ, tỏ bày tình thân.
Tạ ơn sâu sắc phu nhân
Một lòng chung thủy chẳng cần phô trương.
Tạ ơn đất Việt yêu thương
Dạy lòng yêu nước noi gương anh hùng.
Tạ ơn nước Mỹ bao dung
Cho ta cuộc sống vô cùng thần tiên.
Tạ ơn con cháu ngoan hiền

Thuận hòa, hiếu thảo, ta yên tuổi già!

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

ĐỘNG TÁC "CHIM YẾN BAY" CHUA74TRI5 BỆNH ĐAU LƯNG, THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

ĐỘNG TÁC "CHIM YẾN BAY" CHỮA TRỊ BỆNH ĐAU LƯNG, THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Nguồn: Soha.vn

Nếu bạn bị bệnh đau lưng hoặc các bệnh liên quan đến xương sống, mỗi ngày hãy tập động tác chim yến này sẽ giải thoát khỏi những cơn đau một cách dễ dàng mà không cần thuốc.
Chim yến bay - Động tác thể dục hiệu quả triệt để
Mỗi ngày tập động tác này, cả đời bạn không lo bị đau lưng, lồi đốt xương sống. Đó là chia sẻ của ông Lưu – một bệnh nhân người Trung Quốc bị đau đốt sống lưng chia sẻ sau khi thực hành động tác chim yến bay.
Ông Lưu cho biết, hơn 5 tháng trước đó ông bị đau lưng, có biểu hiện lồi đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm, tình trạng bệnh ngày càng xấu đi và đau rất nhiều.
Sau khi đi khám bác sĩ với mong muốn nhận được lời khuyên về cách ăn uống và chữa trị phù hợp. Các bác sĩ cho biết, qua ảnh chụp Xquang, lưng của ông xuất hiện hiện tượng phồng đĩa đệm.
Ông hỏi bác sĩ nên uống thuốc gì và chữa trị theo cách nào thì tốt nhất. Các bác sĩ nói rằng, trong trường hợp của ông, hãy tập động tác chim yến bay sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với uống thuốc.
Ông Lưu đã tiến hành tập và kết quả thu được mang đến cho ông niềm vui nhiều hơn cả mong đợi.
Một bệnh nhân khác sau khi đến bệnh viện khám, kết quả chụp phim cho thấy ông bị đau lưng vùng đĩa thắt lưng, một chỗ phình rộng ra , một chỗ nhô cao lên.
Sau khi nghe lời khuyên của bác sĩ, ông cũng đã thực hiện động tác chim yến bay trong 2 tháng, kết quả cảm thấy bệnh tình chuyển biến tốt lên rất nhiều. Sau đó ông tập đến tháng thứ 3 thì bệnh đau lưng lồi lõm của mình gần như không cảm thấy nữa.
Khoảng 9 tháng sau khi thực hiện bài tập, ông không còn cảm giác đau nên đã đi chụp lại phim và thật bất ngờ là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh kết luận tình trạng là bình thường.
Vì sao nói động tác chim yến bay tốt hơn cả thuốc?
Đĩa đệm là phần kết nối giữa các khớp xương, gồm các sụn và dây chằng kết nối nhịp nhàng với nhau. Chức năng của đĩa đệm giúp kết nối linh hoạt các bộ phận và vận hành mềm mại, trơn tru.
Theo thời gian và sự tăng dần của tuổi tác, các cơ bắp và dây chằng xung quanh đĩa ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài, dẫn đến các đĩa sẽ bị lão hóa, rạn nứt.
Khi xương hay đĩa đệm phát bệnh, nếu cố gắng uống thuốc, nó chỉ giúp giảm nhẹ các biểu hiện đau bên ngoài như tác dụng của thuốc giảm đau.
Điều này thực sự không được cải thiện nếu chỉ uống thuốc. Kể cả các bác sĩ cũng cho rằng chỉ chữa bằng thuốc mà khỏi được là sự ảo tưởng.
Chính vì vậy, cách tốt nhất là luyện tập các cơ bắp và dây chằng xung quanh đĩa để sắp xếp lại và củng cố cho đĩa đệm từng bước trở lại vị trí ban đầu.
Động tác chim yến bay có thể mang lại tác dụng cho phần dưới lưng nhưng cũng là cách tập thể dục cổ, cùng lúc mang lại nhiều lợi ích cho xương khớp.
Hầu hết bệnh nhân đau xương khớp đều được hướng dẫn thực hành bài tập này (Ảnh minh họa)
Ở những trung tâm trị liệu cũng tập thường xuyên (Ảnh minh họa)
Cách thực hiện bài tập
Có 2 cách thực hiện động tác này là đứng và nằm.
1. Động tác chim yến bay đứng
Giữ cơ thể ở tư thế đứng, có thể dựa bụng vào tường làm tâm điểm. Vai mở rộng ra phía sau lưng, hai cánh tay thả lỏng để nhẹ nhàng ra sau, lòng bàn tay có thể hướng vào nhau hoặc đều hướng ra sau.
Mô phỏng động tác chim yến đang nhào lượn, sau đó cánh tay nhẹ nhàng trở lại. Đầu ngửa ra sau, chân và tay hướng về phía sau lưng để cho vùng bụng căng hình vòng cung như hình minh họa.
Mỗi ngày nên tập 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 50 cái uốn lưng như vậy. Tập từ ít đến nhiều để tránh bị quá sức.
2. Động tác chim yến bay nằm
Hướng dẫn cách thực hiện (Ảnh minh họa)
Nằm trên giường cứng hoặc mặt sàn, nơi bằng phẳng. Bụng úp xuống mặt sàn, nhẹ nhàng giơ cánh tay về phía sau lưng, cánh tay giơ cao dần lên theo khả năng, mỗi ngày một tăng độ khó lên.
Khi giơ tay đồng thời ngóc đầu lên cao, càng uốn cong người thì càng tác động đến vùng xương lưng.
Đồng thời, nhẹ nhàng nhấc chân, thắt lưng và co cơ đáy, cố gắng nhấc chân cao dần lên theo khả năng và giữ yên cơ thể trong 3-5 giây, sau đó thư giãn các cơ bắp, hạ chân tay và đầu trở lại tư thế nằm và nghỉ 3-5 giây rồi lại tiếp tục.
Mỗi ngày làm khoảng 30-50 cái. Để tránh bị đau, người mới tập nên tập nhẹ, sau đó nâng dần lên, có thể là từ 10-20 cái sau đó tăng dần lên 50 cái/lần.
Người khỏe mạnh cũng nên xem đây là bài tập phòng bệnh càng sớm càng tốt (Ảnh minh họa)
Càng tập nhiều, cơ thể càng mềm dẻo, linh hoạt, tránh lão hóa (Ảnh minh họa)
Nếu bạn bị đau lưng, đừng chần chừ thêm ngày nào nữa, hãy tập ngay để xem kết quả (Ảnh minh họa)

CIRQUE DU SOLEIL WORLDS AWAY 2012

CIRQUE DU SOLEIL WORLDS AWAY 2012
Nguồn: Youtube

 
Click vào "YouTube" ở góc dưới bên phải của màn hình để xem tiếp nhiều màn kịch đặc sắc khác.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

PHỤ NỮ GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN ĐẮC CỬ DÂN BIỂU LIÊN BANG HOA KỲ

PHỤ NỮ GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN ĐẮC CỬ DÂN BIỂU LIÊN BANG HOA KỲ
Vũ Thất
Stephanie Murphy trong cuộc phỏng vấn của Roll Call. (Hình Thomas McKinless/ CQ Roll Call)
Một phụ nữ mang tên Mỹ nhưng có dòng máu Việt Nam một trăm phần trăm đã tạo lịch sử tại Florida vào đêm thứ Ba 8/11/2016. Trong lúc mọi người còn bận theo dõi cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên tổng thống trên toàn quốc với tiểu bang Florida nắm vai trò then chốt cho người thắng cuộc thì tại một địa phương thuộc khu vực thành phố Orlando, một ứng cử viên trẻ tuổi gốc Việt đã chiến thắng vẻ vang và đồng thời tạo lịch sử.
Đó là cô Stephanie Murphy, 37 tuổi, đã thắng đương kiêm Dân Biểu Liên Bang John Mica, 73 tuổi. Cuộc đua giữa cô Murphy thuộc đảng Dân Chủ và ông Mica thuộc đảng Cộng Hòa đã được xem là một trong những cuộc tranh cử vào Hạ Viện tốn kém nhất trên toàn quốc và cũng khít khao nhất. Cả hai đảng đều yểm trợ tài chánh cho ứng cử viên của họ. Bên Dân Chủ muốn giành thế đa số tại Hạ Viện trong khi bên Cộng Hòa muốn duy trì một ghế mà họ đã có trong hơn hai thập niên.
Ngoài vấn đề tuổi tác, cô Murphy chỉ bằng nửa số tuổi của ông Mica, nữ ứng cử viên này chưa bao giờ nắm một chức vụ nào trong chính quyền.
Stephanie Murphy chỉ bắt đầu vận động cử tri trong tháng Sáu, khi mà ảnh hưởng không tốt từ ông Donald Trump cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Mica bị giảm xuống tại Khu Vực Cử Tri số 7 thuộc Hạt Seminole. Nơi đây, dân số đã thay đổi sau mấy thập niên với nhiều di dân đến sống và di dân đã không mấy hưởng ứng việc bầu cho người của đảng Cộng Hòa liên hệ đến ông Trump.
Mấy tuần sau, trong tháng Bảy, Stephanie Murphy xuất hiện tại Đại Hội Đảng Dân Chủ ở Philadelphia và được sự ủng hộ của các nữ dân biểu liên bang trên toàn quốc.
Trong suốt thời gian tranh cử, cô Murphy đã tận dụng thái độ chống ông Trump tại Seminole để giành phiếu. Với sự tài trợ từ đảng Dân Chủ, cô chạy nhiều quảng cáo và liên kết ông Mica với ông Trump, đặc biệt là trong hai vấn đề súng và sức khỏe của phụ nữ.
Ông Mica đã bênh vực quyền có súng. Lằn ranh của Khu Vực Cử Tri Số 7 chạy sát hộp đêm Pulse, nơi mà một tay súng đã bắn chết 49 người khác trong tháng Sáu. Đây cũng là nơi từng xảy ra vụ anh da trắng George Zimmerman bắn chết thiếu niên da đen Trayvon Martin vào năm 2012. Cô Murphy đã chống súng.
Để đối phó với Stephanie Murphy, ông Mica nói rằng cô hoàn toàn mới trong chính trị, chẳng biết gì hết, cũng không có kinh nghiệm tại Hoa Thịnh Đốn. Ông cho rằng đảng Dân Chủ không tìm được ai muốn đứng ra đối đầu ông như trong những lần tái tranh cử khác của ông nên họ mới đưa Stephanie Murphy.
Ông Mica đã giữ chức dân biểu trong 12 nhiệm kỳ tức là 24 năm. Ông từng được xem là một chính trị gia có thế lực tại Florida, “không ai có thể đụng tới” để lay chuyển sức mạnh của ông trong nhiều năm. Vào đêm thứ Ba, ông đã tuyên bố thất cử và công nhận cô Murphy đã đắc thắng.
Trong văn bản đáp lời, cô Murphy cám ơn ông Mica đã phục vụ cho miền trung Florida trong nhiều năm.
Cô viết: “Đêm nay, người dân tại miền trung Florida đã bác bỏ tình trạng bế tắc và rối loạn do sự chia rẽ đảng phái gây ra và họ đón chào một phương thức mới. Tại Hạ Viện, tôi sẽ làm việc với cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa và tôi sẽ luôn luôn đặt người dân bên trên chính trị.”
Với chiến thắng này, cô Stephanie Murphy là phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ Viện Hoa Kỳ. Trước đây thì ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh) từ Louisiana đã tạo lịch sử khi trở thành người Việt Nam đầu tiên thắng chức dân biểu liên bang.
Gia đình của Stephanie Murphy là người tị nạn Việt Nam, từng vượt biển tìm tự do mấy thập niên trước. Khi còn là một hài nhi, Stephanie được cha mẹ ẵm thoát ra khỏi chế độ cộng sản. Thuyền của họ đã đến Mã Lai Á. Một nhà thờ Lutheran đã bảo trợ họ đến Mỹ, nơi mà cha mẹ của cô đã làm lao công tại hai, ba job khác nhau để nuôi con ăn học. Nay họ có thể hãnh diện về những thành quả của Stephanie.
Stephanie được xem là thế hệ di dân thứ nhì trên xứ Mỹ. Cô đang là giáo sư môn kinh doanh tại trường Rollins College và từng là phân tích gia của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

LẦN ĐIỀU TIÊN, MỘT NGƯỜI VIỆT ĐẮC CỬ THỊ TRƯỞNG MILPITAS, CALIFORNIA

LẦN ĐẦU TIÊN, MỘT NGƯỜI VIỆT ĐẮC CỬ THỊ TRƯỞNG MILPITAS, CALIFORNIA
Linh Nguyễn/Người Việt

Ông Rich Trần. (Hình: Rich Trần Facebook)
Thành phố Milpitas (Bắc California) lần đầu tiên sẽ có một thị trưởng gốc Việt. Đó là ông Rich Trần, 31 tuổi, hiện là người có số phiếu cao nhất trong số năm người ứng cử chức thị trưởng Milpitas hôm Thứ Ba vừa qua, trong khi các khu vực bầu đã đếm xong phiếu, theo Văn Phòng Bầu Cử Santa Clara County. 
“Trước ngày bầu cử, cá nhân tôi và cha mẹ tôi, cùng nhiều người trong cộng đồng Bắc California đã cầu nguyện cho cuộc tranh cử của tôi. Tôi xin cám ơn tất cả và hãnh diện là thị trưởng gốc Việt đầu tiên của Milpitas,” ông Rich Trần nói với nhật báo Người Việt.
“Tôi sẽ cố gắng làm các công việc ích lợi, tìm những giải pháp tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của cư dân trong thành phố,” ông nói thêm.
Ông cho biết Milpitas sẽ phải đối đầu với một số vấn nạn và đó là lý do ông ra tranh cử kỳ này. Tuy nhiên, còn quá sớm để cho biết các giải pháp, vì sau khi đắc cử ông còn phải họp với hội đồng thành phố.
“Tôi may mắn được tín nhiệm trong cuộc tranh cử khó khăn, vì phải đương đầu với bốn ứng cử viên, trong đó có hai nghị viên là bà Debbie Indihar Giordano với 12 năm tại chức, và bà Carmen Montano hiện là nghị viên,” ông Rich Trần cho biết.Kết quả bầu cử chức thị trưởng Milpitas. (Hình minh họa: Rich Trần Facebook)
Tính đến chiều Thứ Năm, tức hai ngày sau khi bầu cử, kết quả cho thấy ông Rich Trần được 5,625 phiếu (37.21%) và hiện dẫn đầu.
Trong khi đó, nghị viên Debbie Indihar Giordano được 3,619 phiếu (23.94%), về nhì. Nghị Viên Carmen Montano được 3,536 phiếu (23.39%) về thứ ba. Hai người còn lại là ông Robert Marini, một kỹ sư về hưu, được 1,379 phiếu (9.12%); và ông Voltaire S. Montemayor, một nhà địa chất về hưu, được 957 phiếu (6.33%).
Ông Rich Trần chia sẻ các vấn nạn mà thành phố Milpitas gặp phải.
“Trước hết, hợp đồng Newby Island Landfill của thành phố sẽ hết hiệu lực vào năm 2025 và tôi muốn ra tranh cử để tránh không gia hạn hợp đồng này. Dự Luật L ra đời được trưng cầu dân ý, vì cư dân rất khó chịu phải chịu mùi hôi tại những vùng đất đầy rác thải, và tôi đồng ý với cư dân để làm hợp đồng khác với công ty Waste Management. Thứ hai, dân số Milpitas gia tăng, vì nhân viên các hãng xưởng ở Silicon Valley dọn về. Nhu cầu là khu condo mới với 7,000 căn,” ông giải thích.
Khi dân số tăng, nhu cầu xây thêm trường học cũng tăng.
“Hiện nay học sinh có đến 40 em trong một lớp học. Như thế là quá đông. Vấn đề xây thêm trường lại kéo theo nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Tôi lại rất chú trọng về giáo dục và đặt gia đình lên hàng đầu,” vị thị trưởng tương lai tâm sự.
Cũng theo ông Rich Trần, dân số tăng cũng sinh ra nạn kẹt xe.
“Nhiều người chọn nơi này để sinh sống, nhưng đường xá chưa kịp xây nên nạn kẹt xe xảy ra cũng là chuyện dễ hiểu thôi,” ông nói thêm.
Ông cho biết thêm, ông ra đời ở San Jose và cư ngụ tại Milpitas từ năm 1995. Cha mẹ vượt biên năm 1980. Khi còn trẻ, ông theo học Milpitas High School.
Ông tốt nghiệp cử nhân chính trị học và xã hội học tại đại học UCLA, rồi tốt nghiệp cao học ngành phụng sự xã hội tại đại học San Jose State University. Ông cũng tốt nghiệp cao học ngành quản trị công quyền đại học New York University.
Ông cho biết hiện nay ông làm cán sự y tế tại Trung Tâm Y Tế Santa Clara Valley ở San Jose, phục vụ cư dân lợi tức thấp nhất ở Santa Clara County.
“Tôi mong sẽ có thêm các công viên và xây dựng các khu vực hỗn hợp, nghĩa là nhà ở và các khu thương mại, để tận dụng sự phong phú về đất đai của Milpitas,” ông nói.
“Sau cùng là với kinh nghiệm có cha mẹ phải vượt biên tìm cuộc sống mới, tôi sẽ cố gắng làm việc để lót đường cho thế hệ trẻ sau tôi noi gương, tham gia vào sinh hoạt chính trị dòng chính của nước Mỹ,” ông tâm sự.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI

ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI
Chuyện phiếm của Phan Lục
Image result for chú thoong xã xệ
Nhu cầu cấp bách của người Pháp khi đô hộ nước ta hồi gần cuối thế kỷ 19 là phải hủy bỏ nền Hán học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, khi chiếm được Nam kỳ xong, người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Hán học với chủ tâm cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Các kỳ thi Hương bị hủy bỏ và chữ Hán cũng như chữ Nôm trong các công văn, giấy tờ hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Các trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ được thiết lập. Lúc sơ khai, ở mỗi tỉnh chỉ có một hoặc hai ngôi trường tiểu học và ở vài ba làng xã mới có một ngôi trường Sơ học gồm có 3 lớp là Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng (tương đương với các lớp 1, 2 và 3 bây giờ). Những vị khoa bảng Hán học như Tú tài, Cử nhân và Tiến sĩ đều phải tìm học chữ quốc ngữ ở kinh đô, nơi mà các vị đã từng mang lều chõng đi thi Hương hoặc thi Hội. Còn một số ít con em của nông dân ở thôn quê thì được cha mẹ dành tiền cho theo học ở các trường Sơ học. Những gia đình khá giả mới đủ điều kiện cho con em lên tỉnh học Tiểu học. Sau khi học xong 3 lớp Sơ học, các học sinh phải dự thi lấy bằng Sơ học Yếu lược. Lúc bấy giờ, ai đậu được cái bằng Sơ học Yếu lược thì cũng hãnh diện chẳng khác nào ngày trước các vị thi đậu bằng Tú tài hay Cử nhân Hán học vì da số dân quê không có điều kiện đi học và đến 90% đều mù chữ.
Về mặt hành chánh, mỗi làng quê có một Hội Đồng Hương Chính gồm có 5 hương chức gọi là ngũ hương nắm quyền cai trị là Lý trưởng (lo điều hành tổng quát công việc làng), Hương bộ (lo việc sổ sách và hộ tịch), Hương bổn (lo việc thu thuế và chi tiêu công quỹ), Hương kiểm (lo việc tuần phòng và tư pháp) và Hương quản (lo việc điền thổ và đường sá). Ở làng tôi chỉ duy nhất một ông có văn bằng Sơ học Yếu lược. Ông được xem là người hay chữ nhất làng tuy hồi nhỏ, ông học hành cũng không được thông minh cho lắm. Người ta học 3 năm thì thi đậu bằng Sơ học Yếu lược nhưng ông phải học đến 4 năm mới thi đậu vì môn tập làm văn của ông quá kém, phải ở lại lớp Sơ đẳng thêm một năm. Tệ nhất là môn chính tả, ông không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã cũng như chữ nào có g, chữ nào không có g và chữ nào tận cùng bằng c, chữ nào tận cùng bằng t … Thế mà lớn lên, ông được cử giữ chức Hương bộ vì trong làng không có ai có học thức hơn ông để lo việc sổ sách của làng. Trong việc ghi sổ bộ hộ tịch, phần lớn dân quê mù chữ đến khai miệng tên con mới sinh, ông đã ghi tên của họ vào sổ bộ sai chính tả đến nỗi sau này khi lớn lên, người ta rất xấu hổ với cái tên của mình. Ví dụ: ông họ Trương đến khai tên con mình là Trương Mục Đích thì ông ghi vào sổ là Trương Mụt Đít, bà lai Tàu đến khai tên con là Trần Đại Hán (ý muốn nhớ về tổ tiên của mình) thì ông ghi vào sổ là Trần Đại Háng và các dân quê khác đến khai tên con mình là Trần thị Mưu, Phạm Mộng Thúy, Nguyễn Thu Cúc v.v… thì ông ghi là Trần thị Mu, Phạm Mộng Thúi, Nguyễn Thu Cút v.v… Tuy nhiên, cái dốt chính tả của ông ít ai biết đến vì đa số dân làng đều mù chữ và lúc nào ông cũng tỏ ra ta đây là người có học nên chê bai hết mọi người. Từ đó, ông dương dương tự đắc coi mình là “số một trong làng” nên rất hống hách và ăn nói bừa bãi, đôi khi còn văng tục với bất kể người lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Tính khí như vậy khiến ai cũng ghét và muốn tránh xa nhưng ông đâu có hay biết. Trái lại, đối với cấp trên có quyền thế như Lý trưởng, Chánh tổng hay Tri phủ, Tri huyện thì ông khom lưng, cúi đầu nịnh bợ và tìm cách nói tốt về họ để mong có ngày được những người này nâng đỡ cho thăng quan tiến chức. Vì thế, hễ ai nói động đến cấp trên của ông thì ông phùng mang trợn mắt chửi rủa họ như họ đến đào mả tổ của ông không bằng.
Đến tháng 8 năm 1945, Việt Minh  cướp chính quyền và cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông chạy theo Việt Minh lên tản cư trên vùng rừng núi và cũng hô hào chống Pháp. Cũng nhờ có chút "học thức", ông mở một lớp dạy tư cho các trẻ trong vùng, vẫn cứ giữ tính nết xem thường và hay châm biếm mọi người. Trái lại, nhiều người không ưa ông nên chế giễu gọi ông là "anh Thọt" vì ông có tật chân đi cà nhắc. Không ngờ trong vùng có một cậu bé con nhà thành thị cũng lên đó tản cư, trông mặt có vẻ thông minh, đã biết chút ít chữ nghĩa, thường đến trước lớp dạy của ông, cười khẩy khi ông giảng nghĩa sai hoặc viết trật chính tả. Ông tức lắm nhưng chưa biết làm sao để trị cậu bé này. Một hôm, đi ngang qua nhà cậu bé, thấy cậu đang đứng quậy cám cho heo ăn trong chuồng, ông liền lên giọng thách đố cho bõ ghét: "Này, nghe nói mày học giỏi lắm, thử đối câu "Heo ăn cám nóng" được không?". Vừa lúc đó, cậu bé trông thấy con chó Vện đến ngửi chân khách lạ, liền nhanh trí đối lại: "Chó cắn chân què" có ý nói xỏ ông ta. Ông Hương bộ lúc đó hết sức sững sờ và xấu hổ bỏ đi một mạch. 
Sau đó, cũng do tính ăn nói bừa bãi mà bị Việt Minh sưu tra lý lịch, lòi ra là hương chức dưới thời Pháp thuộc nên bị bắt nhốt một thời gian. Sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách "dinh tê" trở về làng cũ, nơi đã bị quân Pháp chiếm đóng, để tham gia "ban hội tề" và vỗ ngực nói là mình đã chống Việt Minh  nên mới bị bắt giam. Tất nhiên lúc này, ông lại bày chuyện nói xấu Việt Minh nên cứ phải vô ngủ đêm trong đồn Tây vì sợ du kích về làm thịt. Vì thế, ông bị Việt Minh kết tội là Việt gian và rồi ông cũng bị hạ sát theo chủ trương "giết lầm hơn bỏ sót" của Việt Minh.
Rốt cuộc, với cái học thức và tính nết như thế, ông Hương bộ làng tôi chẳng làm được trò trống gì nên hồn mà còn bị nhiều người khinh ghét và ông đã để lại trong làng tôi những cái tên kỳ cục do dốt chính tả khi ông làm sổ hộ tịch.
Bây giờ, tự nhiên tôi lại nhớ đến ông Hương bộ làng tôi trong non một thế kỷ trước vì thấy nhan nhản những lỗi chính tả trên các sách báo như: bảo đãm (bảo đảm), bão lãnh (bảo lãnh), bờ cỏi (bờ cõi), bỏ ghét (bõ ghét), chế diểu (chế giễu), chia rẻ nhau (chia rẽ nhau), chia xẽ nỗi đau (chia sẻ nỗi đau), chia xẽ lực lượng (chia xẻ lực lượng), chín xác (chính xác), chính chắn (chín chắn), chu vi tam tộc (tru di tam tộc), chúng mài (chúng mày), chú rễ (chú rể), chưởi mắng (chửi mắng), dành dựt (giành giựt), dấu diếm (giấu giếm), dây thung (dây thun), dẫm chân (giẫm chân), đặt biệt (đặc biệt), gập gỡ (gặp gỡ), giặt dũ (giặt giũ), giặt dịa (giặt gịa), giữ chọn tình (giữ trọn tình), khoản cách (khoảng cách), lục lội (lụt lội), lần lược (lần lượt), lười nhát (lười nhác), mai mắn (may mắn), nỗi bậc (nổi bật), nhác gan (nhát gan), phát họa (phác họa), phơi bài (phơi bày), rảnh rổi (rãnh rỗi), se tơ (xe tơ), sợi giây (sợi dây), thái độ bàng quang (thái độ bàng quan), tụt dép (tuột dép), tuột hậu (tụt hậu), vang vội (vang dội), viêm bàng quan (viêm bàng quang), xàm xỡ (sàm sỡ), xâm da (xăm da), giòng giỏi (dòng dõi), giòng nước (dòng nước), cậc lực (cật lực), lậc ngược (lật ngược), canh gát (canh gác) v.v...  Đặc biệt các chữ giòng, cậc, lậc, gát... không có trong tiếng Việt.

Đến nay, ông Hương bộ làng tôi đã để lại một lớp người thừa kế cái nền chính tả "đặc thù" của ông mà trớ trêu thay, trong số người đó lại có những nhà văn, nhà báo hiện đại! 

Ghi chú: Những chữ trong dấu ngoặc đơn (.) là những chữ viết đúng chính tả.

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

LÀNG QUÁCH LƯỢNG (TRUNG QUỐC)

LÀNG QUÁCH LƯỢNG (TRUNG QUỐC) 
Minh Xuân

Người ta vẫn nói rằng, để đi lên làng Quách Lượng được đã khó nhưng chiêm ngưỡng nó còn cần phải có đủ dũng khí và lòng can đảm. Hãy cùng khám phá xem nơi đây có đúng như lời đồn đại đó không?
Ngôi làng được bao quanh bởi những ngọn núi lớn, thế núi dựng thẳng đứng, cao ngút ngàn tầm mắt.
Ngôi làng cao 1700m so với mực nước biển nên vốn trời sinh đã có cái khí thế sừng sững, oai nghiêm.
Chỉ nhìn thôi cũng khiến người xem phải “thót tim”. Nếu thực sự đứng từ trên cao nhìn xuống, chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy nôn nao, chếnh choáng.
Anh chàng này chắc cũng đã phải trang bị một “tinh thần thép”!

Lý Bạch có bài thơ “Thục đạo nan” nói rằng: “Đường đến nước Thục khó, khó hơn lên trời xanh” nhưng xem ra vẫn không thấm gì với đường lên ngôi làng này.
Có thể nói sự can đảm của những thôn dân nơi đây còn cao hơn độ cao của ngôi làng.
Nhiều năm trước đây, 13 thanh niên trai tráng đã mất 5 năm để hoàn thành con đường dài 1250 mét nối liền từ mặt đất lên đỉnh núi, phá vỡ thế cô lập của ngôi làng.
Cây lê già đầu làng không biết đã ở đây bao nhiêu năm, chứng kiến bao nhiêu vui buồn của làng Quách Lượng?
Một trong 13 chàng thanh niên năm xưa giờ cũng đã già, làm nghề buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.
Kiến trúc của những ngôi nhà ở đây cũng mang phong cách rất mộc mạc, khoẻ khoắn.
Một góc sân của ngôi nhà. Chẳng ai có thể tưởng tượng được nơi đây cách mặt đất hơn 1000 mét.
Phải khó khăn lắm khách tham quan mới tìm được một chút gì đó của nền công nghiệp hiện đại.
Đứng từ trên cầu, người ta có cảm giác như đang cách biệt cõi hồng trần xô bồ và chật hẹp.
Con đường hình chữ “Chi” (之) là lối đi duy nhất lên núi.
Bức tranh sinh động này có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy nao lòng…
Hãy giữ lại trong tâm trí cảnh tượng hùng vĩ, nơi sơn cùng thủy tận…
Ngôi làng Quách Lượng nằm lọt thỏm trong vùng núi Thái Hàng thuộc hệ thống núi tiếp giáp giữa 2 huyện Sơn Tây và Hà Nam, Trung Quốc. Trong hơn 10 năm trở lại đây, khu vực này mới có người biết đến.
Điều đặc biệt nhất của ngôi làng này là con đường duy nhất đi lên đây có nhiều đoạn hầm được đào xuyên qua núi hoàn toàn bằng thủ công.
Đây được cho là con đường đáng sợ nhất thế giới.
Vượt qua những hầm đá này, bạn có thể được chiêm ngưỡng kỳ quan tuyệt đẹp được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 9 của Thế giới”.
Năm 1972, 13 chàng thanh niên không chút phương tiện hiện đại nào trong tay, đã mất 5 năm để khai phá con đường núi dài 1250 mét, rộng 6 mét, cao 4 mét để thông ra bên ngoài.
Điều đáng nói ở đây là đá tại vùng núi này thuộc loại đá trầm tích, có độ cứng cấp 8,3, vậy mà họ lại có thể đào thủ công hoàn toàn như vậy. Thật đáng khâm phục!
Cả đoạn đường uốn lượn, gấp khúc liên tục.
Có đoạn đường thì bằng phẳng, có đoạn thì khúc khuỷu gập ghềnh.
Cứ cách một đoạn lại có một hầm nhỏ xuyên qua vách núi như thế này, người đi đường có cảm giác như được mở ra một cảnh sắc mới.
Nơi đây thực sự vẫn còn rất thô sơ, dường như nền văn minh bên ngoài khó có thể ảnh hưởng quá nhiều…
Vài chục hộ gia đình sống trong những ngôi nhà có tường được xây bằng đá núi, dính bằng vôi, cửa làm bằng gỗ…
Đặc biệt nhất là mái ngói được làm bằng những phiến đá ngọc tìm thấy trong núi, dưới làn sương mỏng, hiện lên trông vô cùng tinh tế.
Ngôi làng có tổng cộng 83 hộ dân, gồm 329 người, đa số đều là người Sơn Tây di cư lên.
Làng Quách Lượng còn có tên gọi khác là Ao Trời. Năm 1975, người dân nơi đây đã cải tạo lại con đập, tạo thành 1 hồ nước nằm ngay giữa Thiên – Địa – Nhân. Thật quả đúng như tên gọi!