Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

NHỮNG CÂU ĐỐI TẾT ẤT MÙI

NHỮNG CÂU ĐỐI TẾT ẤT MÙI
Tết Ất Mùi sắp đến, Ngaynay.vn giới thiệu đến độc giả những câu đối hay và ý nghĩa nhất.


Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, tết an khang

Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa, 
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà 
(Nguyễn Công Trứ)
 
An khang phú quý thái thái bình
Bách lão bá niên trường trường thọ

Cạn ly mừng năm qua đắc lộc
Nâng cốc chúc năm mới phát tài
 
Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Đón tết từ bi bớt não phiền

Đa phúc đa thọ đa phú quý
Đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm

Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc
Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì

Đón năm mới, Dân tộc vững tin, một lòng đoàn kết
Mừng xuân về, Đất nước vững vàng tiếp tục vươn xa

Xuân tha hương, ngoài sân phủ đầy hoa tuyết trắng,

Tết quê người, trong nhà thiếu vắng cánh mai vàng.
NHỮNG CÂU ĐỐI KHÁC:
1. Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng Xuân sang vạn sự thành công
2. Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển)
Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi)
3. “Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân”
4. Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
(Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về)
5. Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang
Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
Tóc râu thêm một sợi tuổi trời cao.
6. Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ
Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên
7. Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)
8. Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh
Lộc tiến vinh hoa phú qúy xuân
(Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh
Lộc nảy vinh hoa phú qúy xuân)
9. Niên niên như ý xuân
Tuế tuế bình an nhật
(Năm năm xuân như ý
Tuổi tuổi ngày bình an)
10. Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới,
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.

11. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
12. Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

TỤC LỆ NGÀY TẾT

TỤC LỆ NGÀY TẾT
Phan Lục
Từ ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết làm cho cái Tết trở nên có ý nghĩa và làm tăng thêm niềm vui lúc Xuân về. Đối với người Việt chúng ta, ngày Tết Nguyên Đán là ngày trọng đại và cũng là một nét văn hóa độc đáo. Tết Nguyên Đán là một tục lệ cổ truyền cao quý nhất của dân tộc ta. Ai cũng tha thiết với Tết, nhất là ở nông thôn, vì sau một năm dài làm việc cực nhọc thì đây là dịp để nghỉ ngơi. Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến và bao nhiêu những điều xui xẻo, không may của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết. Bao nhiêu lo nghĩ được gác lại một bên để đón Tết một cách trịnh trọng, vui Tết một cách nồng nhiệt. Những người đi làm ăn xa, dù thu nhập thấp kém, cũng ráng dành dụm để về quê ăn Tết. Vì thế, hiện nay ở nước ta, trước ngày Tết, các phương tiện giao thông công cộng đều được tăng cường mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Các chuyến tàu xe Nam-Bắc đều không còn chỗ cho những người mua vé trễ. 
Tuy ngày nay, lễ tục ngày Tết đã có phần đơn giản, ở nhiều nơi vẫn còn giữ lề thói cũ theo những lễ nghi truyền thống. Ngày mồng một tháng giêng âm lịch mới bắt đầu Tết Nguyên Đán nhưng người ta đã sửa soạn Tết từ một tháng trước. Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong hay lá chuối để nấu bánh chưng hay bánh tét. Người ta còn lo làm dưa hành củ kiệu, làm các loại bánh mứt, mua sẵn gà vịt thả nuôi trong vườn, cả xóm rủ nhau mua heo xẻ thịt v.v… Bây giờ ở thành thị thì các loại bánh trái và các loại thịt đều có bán sẵn nên khỏi phải lo mua sắm sớm như ngày xưa. Người ta còn phải đi lo mua sắm những bộ áo quần, giày dép mới, đặc biệt cho trẻ em. Người ta còn phải mua sắm quà biếu Tết cho những bậc trên, cho người ban ơn, cho thầy học, cho bà con, bạn bè v.v… Ngày nay, có người còn mua thiệp chúc Tết để gởi cho mọi người thân thích. Trong thời đại vi tính hiện nay, nhiều người đã dùng điện thư chúc mừng nhau thay vì gởi thiệp Tết. Cũng trong thời gian này, các nhà buôn, các nhà hàng, các hãng xưởng v.v… thường kết toán sổ sách, tặng thưởng nhân viên và mở tiệc tất niên thết đãi khách hàng và bạn bè, người làm công. Nợ nần cũng lo thanh toán trước cuối năm vì con nợ sợ xui nếu để nợ qua 2 năm và chủ nợ lại không dám đòi vì sợ con nợ kiêng cử. Các trường học, các hội đoàn, các công tư sở cũng tổ chức tiệc tất niên để họp mặt chúc Tết và chia tay nhau trước khi nghỉ Tết. Những gian hàng Tết tại các chợ từ thành thị đến thôn quê đều bắt đầu trang hoàng và bày bán đủ các loại thực phẩm, hoa quả, đồ chơi, y phục…. cho ngày Tết. Ngày 23 tháng chạp lại có lệ sắm áo mão bằng giấy và lễ vật để cúng đưa ông Táo vì người ta tin rằng ngày đó, ông Táo sẽ lên chầu Trời tâu trình những điều thiện ác ở trần gian. Người ta cũng bắt đầu họp chợ hoa trong những ngày trước Tết với mọi thứ hoa đẹp của các nhà vườn đã có công trồng trỉa và chăm bón từ nhiều tháng trước.
Gần đến ngày Tết, nhà nhà đều lau chùi, quét vôi, sơn phết và trang trí nhà cửa cho có một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Con cháu phải lo lau các vật cúng trên bàn thờ tổ tiên, đánh bóng các loại đồ đồng, các câu liễn đối v.v… Bàn thờ tổ tiên được cắm hoa mới và chưng các loại trái cây. Các con cháu, những người đã ra ở riêng hoặc thuộc các chi tộc thì mua lễ vật mang đến nhà trưởng tộc hoặc nhà thờ tộc để dâng cúng tổ tiên.. Chiều ngày 30 tháng chạp hoặc 29 (nếu tháng thiếu), sau khi đi viếng mộ về, mọi nhà đều sắm sửa mâm cỗ cúng gia tiên gọi là lễ rước ông bà và sau đó, giữ nhang đèn sáng trong suốt 3 ngày Tết vì người ta tin rằng trong mấy ngày này, trên bàn thờ luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Suốt trong ba ngày Tết, mỗi ngày đều dâng mâm cỗ dâng cúng tổ tiên đủ 3 bữa (ngày nay có nhà tinh giảm chỉ còn một bữa).
Giữa khuya ngày 30 tháng chạp là lễ cúng giao thừa. Giao thừa nghĩa là “cũ giao lại, mới thừa tiếp lấy”. Lễ giao thừa có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” nên lễ được cử hành rất long trọng từ tư gia đến đình chùa. Cúng tế cốt ở tâm thành và cúng lễ vào lúc nửa đêm nên có vẻ thần bí và trang nghiêm. Ngày xưa, vào giờ này, chuông trống đánh vang, pháo nổ liên hồi truyền từ nhà này đến nhà khác. Tại các tư gia, chủ nhà thường lập bàn thờ giữa sân hoặc trước cửa nhà với một mâm lễ vật thật đơn giản có thể là một con gà, bánh chưng, hoa quả, trầu cau, trà rượu… và nhang đèn. Trong đêm giao thừa, người ta cúng Trời Đất và thần thánh chứ không cúng tổ tiên nữa vì đã cúng từ lúc chiều rồi. Một năm chấm dứt vào lúc giao thừa và cũng bắt đầu từ lúc giao thừa. Có người đi dự lễ cúng giao thừa tại các chùa chiền hoặc nhà thờ. Sau lễ giao thừa, người ta rước nhang từ các chùa và hái lộc rồi chọn giờ tốt và hướng tốt để xuất hành. Ra đi theo hướng tốt bằng một lối và trở về bằng một lối khác chứ không ai đi ngược lại vì sợ gặp điều không may trong năm. Trên đường xuất hành, người ta gặp nhau, nói cười vui vẻ và chúc tụng lẫn nhau.
Bước sang năm mới, người ta vui mừng vì có thêm được một tuổi: người già thì thêm tuổi thọ, người trẻ thì thêm tuổi để thêm lớn. Bởi lẽ đó, người ta có lệ mừng tuổi trong dịp Tết. Sáng mồng một Tết, sau khi làm lễ cúng gia tiên, các cụ thường ngồi nhà chờ con cháu nội ngoại đến, trước là để dâng hương cúng lạy tổ tiên, sau là để chúc Tết và gởi quà biếu Tết các cụ và các cụ cũng chúc lại con cháu những điều tốt đẹp nhất. Sau đó, trong những ngày Tết, người ta ăn mặc chỉnh tề rồi lần lượt đi chúc Tết ở từng nhà các họ hàng thân tộc gần xa, các thầy học, các bậc trưởng thượng, các láng giềng, các bạn bè v.v… nên mới có câu “mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Đến mỗi nhà, phải thắp hương lễ bái bàn thờ trước đã rồi mới chúc tụng nhau và ăn uống, chuyện trò. Vì vậy, Tết đến thật là vui mà cũng thật là mệt! Ngày nay, ở thành thị, người ta chúc Tết nhau vì xã giao nhiều hơn chứ không cố chấp như ngày xưa. Trong dịp này, những người lớn thường mừng tuổi các cháu nhỏ bằng những bao tiền “lì xì”.
Trước kia, từ lúc giao thừa đến hết những ngày Tết thì pháo nổ vang khắp nơi, các nhà thi nhau đốt pháo nên bọn trẻ nhỏ rất thích và kéo nhau lượm pháo tịt ngòi về đốt đì đùng hoặc làm pháo chuột chỉ xịt khói thôi. Trong xóm làng, người ta tổ chức những lễ hội tại đình làng, những đoàn múa lân khắp phố phường hoặc những đêm văn nghệ ngoài trời để giúp vui và rải rác đó đây là những sòng bài bầu cua cá cọp, tứ sắc, xì dách, tam cúc v.v.. Đến chiều ngày mồng ba hoặc sang ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch, tùy mỗi nhà, sẽ làm một mâm cỗ thịnh soạn để cúng tiễn đưa ông bà.
Trong ngày Tết, còn có lệ xông nhà. Người ta tin rằng vào đầu năm mới, người nào bước vào nhà mình trước nhất mà người đó nhanh nhẹn, vui vẻ, dễ dãi thì năm đó, mình sẽ làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn; còn ngược lại thì sẽ gặp toàn chuyện xui xẻo. Bởi vậy, sáng mồng một Tết, người ta không đến nhà ai vội vì sợ trong năm đó, rủi họ gặp xui xẻo thì lại đổ lỗi cho mình. Những người đang thọ tang thường kiêng cử không đi chúc Tết ai cả vì sợ đem điều tang tóc đến cho họ.
Ngày nay, ở trong nước, việc tổ chức Tết vẫn còn rầm rộ nhưng so với trước cũng đã đơn giản rất nhiều. Cũng còn có những người quá nghèo không có đủ miếng ăn hàng ngày thì lấy gì mà vui Tết nên gần như họ không biết Tết là gì! Đặc biệt ở hải ngoại, Tết đến với chúng ta vào những ngày làm việc và lạnh lẽo nhưng trong công đồng vẫn còn cố giữ tục lệ Tết bằng các lễ hội ngắn ngủi để chung vui với nhau, gặp nhau chúc tụng những lời tốt đẹp và cùng hướng về đất tổ để tưởng nhớ tổ tiên và mong có một ngày thanh bình cho quê hương xứ sở cũng như tự do, no ấm và hạnh phúc cho toàn dân.
Mọi người ở mọi nơi đều vui vẻ đón Xuân mới, xóa bỏ mọi tị hiềm, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn mới. Ai ai cũng hân hoan nên không ai bảo ai mà hễ cứ gặp nhau là “chúc mừng năm mới” hoặc cầu cho nhau những điều tốt đẹp: PHƯỚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

TÔI CHỈ LÀ...

TÔI CHỈ LÀ….
Thích Tánh Tuệ




Tôi chỉ là tờ giấy
Mà uy lực vô song
Trước tôi, người run rẩy
Đổi giọng, đổi cả lòng.


Tôi chỉ là tờ giấy
Mà khiến đời long đong
Ngược xuôi hai dòng chảy
Mãi kiếm tìm, chờ trông...

Đời đen, tôi tẩy trắng,
Trắng- tôi nhuộm thành đen
Đường cong tôi bẻ thẳng
Lạ biến thành thân quen.


Tôi là một mảnh giấy
Người cao thượng.. bỗng hèn,
Kẻ hèn thành.. ” thượng đế ”
Dù tâm hồn lấm lem..

Ai cho tôi giá trị,
Ai cho tôi quyền năng,
Ai cho tôi tiếng nói,
Ai vì tôi nhọc nhằn ?

Tôi chỉ là mảnh giấy
Thiện, Ác cũng là tôi,
Dù chà tôi dưới đất
Thoáng chốc trèo lên ngôi.

Hỏi trên đời mấy kẻ
Thoát được bàn tay tôi ?
Tôi xua Đời lẫn Đạo
Chạy vào trong luân hồi..

Tôi là một tờ giấy
Đời vui, buồn mênh mông…
Chỉ ai Luôn Tỉnh Thức.
Hết bị tôi quay mòng!

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

CHÙA BỬU LONG

CHÙA BỬU LONG
Phan ngọc Hạnh

Bảo tháp Gotama Cetiya là nơi lý tưởng để bạn vừa tham quan du lịch, ghi lại những bức hình độc đáo, vừa rũ bỏ mọi căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống.
Men theo đường Nguyễn Xiển, bạn sẽ đến nơi có ngôi chùa nguy nga và tráng lệ. Đó là chùa Bửu Long (hay còn gọi là Thiền viện Bửu Long) với không gian yên tĩnh, tách biệt với sự náo nhiệt giữa chốn Sài Gòn.
Chùa có khuôn viên rộng hơn 11 ha, nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi rừng cây xanh, hướng ra bờ sông Đồng Nai. Đây là nơi lý tưởng để bạn vừa tham quan du lịch vừa tìm thấy sự thanh tịnh cho riêng mình.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đặt văn phòng tại đây để làm trung tâm nghiên cứu và giới thiệu lịch sử hình thành Phật giáo nguyên thủy.
Chùa Bửu Long có sự kết hợp độc đáo bởi lối kiến trúc của bốn quốc gia gồm Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây cũng là nơi được xây dựng theo nền văn hóa Phật giáo cổ đại cùng nét kiến trúc triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam. Do đó, Bửu Long mang một vẻ đẹp riêng, độc đáo và lạ so với những ngôi chùa khác trong nước.
Bảo tháp Gotama Cetiya nằm trong khu chùa này, có quy mô lớn nhất Việt Nam, là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng, rộng trên 2.000m, cao 70 m. Nơi đây thể hiện nét cổ kính của Phật giáo Ấn Độ thời đại vua Asoka.
Trước tòa tháp là hồ nước hình bán nguyệt với màu xanh ngọc, được xem là điểm nhấn giúp ngôi chùa thêm lộng lẫy.
Thỉnh thoảng, từng cơn gió thổi ngang qua giữa không gian tĩnh lặng. Tiếng chuông gió trên đỉnh tòa tháp lại ngân vang leng keng. Ngước nhìn bầu trời xanh thẳm, chiêm ngưỡng tòa tháp uy nghiêm và lắng nghe tiếng chuông gió, hẳn du khách sẽ thấy lòng bình yên vô cùng.
Lối dẫn vào chính điện với những con rồng uốn lượn đang ngậm ngọc rất uy nghi.
Giữa lối vào chính điện là một cánh cửa lớn màu vàng đồng với những biểu tượng, hoa văn Phật giáo được chạm trổ tinh xảo.
Bên trong chính điện mỗi tầng tháp là khu vực thờ các vị Thánh Tăng ngồi quanh đức Phật Thích Ca trông giống người thật.
Leo hết bốn tầng thang gỗ là tới đỉnh của tòa tháp. Bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh ngôi chùa, ngắm bốn bề cây xanh bao phủ và tàu thuyền qua lại tấp nập trên sông Đồng Nai.

BIỂU DIỄN RẤT NGOẠN MỤC

BIỂU DIỄN RẤT NGOẠN MỤC
Nguồn: Internet

Mời vào đường dẫn dưới đây để xem biểu diễn rất ngoạn mục:
http://www.break.com/embed/2659100?embed=1.

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

NGƯỜI LÍNH CỨU HỎA TÍ HON

NGƯỜI LÍNH CỨU HỎA TÍ HON
Không rõ tác giả
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
                                                
Tại thành phố Calgary tỉnh bang Alberta (Canada), một bà mẹ trẻ 26 tuổi đau khổ  nhìn đứa con trai mới 6 tuổi đầu thật dễ thương và cũng rất tội nghiệp đang chết dần mòn vì chứng bệnh ung thư máu ở giai đoạn cuối cùng. Trên cõi đời nầy, chắc không có  danh từ nào đau thương ngậm ngùi cho bằng hai  chữ “cuối cùng”. Mặc dù  tâm tư rối bời tan nát nhưng người phụ nữ trẻ vẫn quyết tâm  phải làm một cái gì đó cho đứa con bất hạnh của nàng trước khi cháu ra đi. Như muôn ngàn bậc cha mẹ khác, nàng mong con mình lớn lên và thành đạt những ước vọng trong đời nhưng  giờ đây thì mơ ước kia đã tan thành mây khói vì chứng bệnh ung thư oan nghiệt. Tuy thế, nàng vẫn muốn cho giấc mơ của con mình thành sự thực. Cầm lấy tay con, nàng âu yếm hỏi:
- Billy, có bao giờ con mơ ước và mong muốn khi lớn lên con sẽ làm gì hay không?
- Mẹ ơi! Con luôn ôm mộng trở thành người lính cứu hỏa. 
Bà mẹ trẻ nhìn con mỉm cười: 
- Được rồi, hãy xem mẹ có thể làm cho mơ ước của con thành sự thật. 
Ngay sau đó, nàng tới sở cứu hỏa địa phương gần nhà ở Calgary để gặp chàng lính cứu hỏa Bob, người có trái tim bao la như tỉnh bang Alberta. Nàng trình bày ước muốn cuối cùng của con trai mình và hy vọng là Billy sẽ được ngồi trên xe cứu hỏa đi một vòng phố. 

Bob trả lời ngay:
- Được chứ! Chúng tôi sẽ làm hơn thế nữa. Vậy bà cứ chuẩn bị cho cháu sẵn sàng rồi sáng thứ tư lúc 7:00 giờ, chúng tôi sẽ giúp cháu trở thành người lính cứu hỏa danh dự trong suốt một ngày. Cháu sẽ sinh hoạt trong trạm cứu hỏa, ăn  uống chung với chúng tôi, đi công tác khi có kêu gọi cấp cứu. Ngoài ra, nếu bà cho chúng tôi  biết kích thước của cháu, chúng tôi sẽ may cho  cháu một bộ đồng phục lính cứu hỏa thực  sự với nón đồng có huy hiệu Sở Cứu Hỏa Calgary, cộng thêm những sọc vàng chói trên đồng phục và đôi giày cao su. Hảng sản xuất đồ trang bị cũng gần đây để chúng tôi kịp đặt hàng“. 

Ba ngày sau, Bob đến đón Billy, trang phục đầy đủ cho cậu và hộ tống cậu từ nhà thương ra tới xe cứu hỏa có móc và thang đang đứng chờ. Billy ngồi đàng sau và phụ điều khiển xe về trạm cứu hỏa. Trong ngày đó có ba lần gọi cấp cứu và cậu đều được tháp tùng trong cả ba. Cậu ngồi trên xe cứu hỏa, xe hồng thập tự và cả xe của xếp cứu hỏa. Cậu còn được thâu hình trên bản tin địa phương.
Mơ ước đã thành hiện  thực với tất cả tình yêu thương và sự ân cần của những người chung quanh đã như ánh hào quang soi sáng làm cậu sung sướng xúc động tới độ đã kéo dài cuộc sống thêm 3 tháng hơn sự dự liệu của tất cả các bác sĩ nhưng con người không ai vượt qua được định  mệnh. Một đêm buồn nọ, Billy bắt đầu hấp hối và bà y tá trưởng, người luôn tin tưởng theo ý niệm là tại nhà vĩnh biệt, không một ai đáng chết trong cô đơn nên bà bắt đầu gọi thân nhân cậu bé xấu số vào nhà thương gấp. Sau đó, bà sực nhớ lại cái ngày mà Billy sống trọn vẹn vai trò người lính cứu hỏa nên bà vội vả gọi giám đốc Sở Cứu Hỏa hỏi xem họ có thể gởi ngay một nhân viên trong đồng phục tới nhà thương với Billy trong khi cậu đang chết lâm sàng. Vị giám đốc trả lời ngay:
- Chúng tôi sẽ làm tốt hơn thế nữa. Chúng tôi sẽ có mặt  tại nhà thương trong vòng năm phút nhưng xin bà giúp giùm tôi một việc. Đó là khi bà nghe tiếng còi hụ và đèn chớp thì xin bà thông báo trên hệ thống phóng thanh là không có cháy nhà gì hết mà đó chỉ là sở cứu hỏa tới gặp một trong những nhân viên tuyệt vời nhất một lần cuối cùng nữa  thôi. Và cũng xin bà mở rộng cửa sổ căn phòng của Billy.
Độ năm phút sau, một chiếc xe cứu hỏa trang bị móc và thang tới nhà thương và thang được bắt lên một cánh cửa sổ đang mở rộng trên lầu 3. Rồi thì 16 lính cứu hỏa lần lượt leo lên thang vào phòng của Billy. Với sự đồng ý của mẹ cậu, họ lần lượt ôm cậu vào lòng thật lâu trong ngậm ngùi và nói với cậu rằng họ yêu thương cậu vô vàn. 
Qua hơi thở hấp hối, Billy mệt mỏi nhìn vị giám đốc nói: 
- Thưa ông giám đốc! Cháu đã thực sự là người lính cứu hỏa rồi phải không?

Vị giám đốc dịu dàng trả lời:  
- Đúng vậy Bill! Cháu quả là lính cứu hỏa và đấng tối cao Jesus đang cầm tay cháu đó.
Nghe tới đây, Billy mỉm cười nói: 
- Cháu biết rồi. Người đã cầm lấy tay cháu suốt ngày nay và có cả các thiên thần đang ca hát. 
Thế rồi cậu nhắm đôi mắt lại… một lần cuối cùng mang hình ảnh người lính cứu hỏa tí hon đi về vùng miên viễn… 
Tôi tự nhủ lòng là phải gởi câu chuyện buồn nầy tới ít nhất là bốn người mà tôi muốn được Chúa ban phước. Câu chuyện nầy tự nó đã có hấp lực mà không cần nối kết một cái gì cả. 
Xin đừng để mai một khuôn mẫu cao đẹp nầy. Trân quý câu chuyện là món quà tốt nhất mà chúng ta nhận được, không  tốn kém mà nhiều tưởng thưởng. Xin hãy tiếp tục nâng cao giá trị tinh thần lẫn nhau.   

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

CÁC LOẠI NẤM ĐẸP NHƯ HOA

CÁC LOẠI NẤM ĐẸP NHƯ HOA
Nhiếp ảnh gia Steve Axford (Australia)

Marasmius haematocephalus
Campanella sp.

Panus fasciatus
Schizophyllum commune
Leratiomyces sp. / Found in Booyong Reserve, Booyong, NSW

Mycena chlorophos
Campanella sp.

Cyptotrama aspratum or Gold tuft
Marasmius sp.
Mycena austrororida
Cyathus novaezelandiae or Birds Nest Fungi, Tara Ridge
Mycna chlorophos
Tremella fimbriata
Hairy mycena
Campanella sp.

Leratiomyces ceres (Redlead Roundhead)
White mycena
Marasmius haematocephalus

Mycena interrupta
Luminous fungi (Mycena chlorophos)
Hygrocybe anomala
Red cup fungi
Hairy mycena