Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

CÂY TRE

CÂY TRE (trích)
Trần Gia Khang 


Một hình ảnh hết sức thân thương và quen thuộc ở khắp các làng xóm vùng thôn quê Việt Nam là cây tre vì tre được trồng hoặc mọc tự nhiên ở khắp mọi nơi suốt từ nam chí bắc trong đất nước ta.
Tre hoặc trúc (theo chữ Hán) có tên khoa học là Bambusaceae thuộc họ cây cỏ (Gramineae) và ngành cây mộc lan (Magnolia), thường mọc phần nhiều ở nơi có khí hậu ấm áp hoặc vùng nhiệt đới, nhất là miền đông và nam châu Á. Tre là một loại thảo mộc lớn và cao, có khi lên tới hơn 100 feet (30 mét). Tre có hơn 40 loại và 15 giống khác nhau như là lồ ô, là ngà, tầm vông, nứa v.v… 
Tre sống trung bình từ 8 đến 10 năm, cũng có loại sống trên 30 năm sau khi đã sinh các cây non gọi là măng. Thân tre tròn, rỗng, chia thành từng đốt (khoảng 25 đến 40 đốt), đôi khi có gai mọc chen với những lá màu xanh lục ở các đốt và đường kính thân tre có thể đến 10 inches (25,5 cm). Thân tre thẳng và cao, cứng mà mềm mại nhờ có nhiều đốt, đổ ngả nghiêng khi có gió thổi mà không bao giờ gãy, nhờ thớ tre dẻo nên dễ uốn cong theo chiều gió. Tre là loại cây sống quần tụ, mọc thành từng nhóm và chết nguyên bụi. Tre lại còn biết sống theo thứ tự lớp lang thay đổi, hễ tre già là măng mọc lên thay thế:

Anh đi, trúc chửa mọc măng,
Anh về, trúc đã cao bằng cây tre.
Anh đi, lúa chửa chia vè, 
Anh về, lúa đã đỏ hoe ngoài đồng! 

So sánh với các loại thực vật khác thì tre là loại cây có những công dụng đa năng và đa hiệu hơn hết nên đã giúp ích dân tộc rất nhiều trong đời sống. Nhìn vào mọi sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, chúng ta thấy cây tre xuất hiện trong nhiều lĩnh vực thông thường và chuyên môn khác nhau như kiến trúc, thực phẩm, y học, vật dụng, quân sự và ngay cả văn chương lẫn triết lý nữa!
Về phương diện kiến trúc, ở các làng quê Việt Nam, tre được trồng thành các hàng rào quanh nhà quanh xóm, vừa vững vàng vừa thơ mộng, vừa ích lợi cho gia đình vừa bảo vệ cho thôn xóm. Ngoài ra, tre còn được dùng để làm cầu, lót đường, chặn mương rãnh, giữ bờ đê, ngăn mé ruộng… Quan trọng hơn nữa, tre đã cung cấp gần như đủ mọi vật dụng cần thiết để xây cất một căn nhà tranh là một tổ ấm lý tưởng của một gia đình bình dân Việt Nam.

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi…

Về thực phẩm, ở nhiều nơi, hạt tre đã được dùng như một loại gạo (trúc mễ) và măng tre là món ăn thông dụng và được nhiều người ưa thích vì vừa ngon vừa rẻ tiền lại vừa dễ tìm kiếm.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…

Trong y học, tre được dùng dưới dạng các dược phẩm. Đặc biệt thiên-hoa-trà là một loại trà hoa tre có công dụng hồi xuân nghĩa là làm chậm tiến trình lão hóa của các tế bào.

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh!

Về mặt vật dụng, tre cung cấp vô số các đồ dùng cần thiết và tiện lợi cho xã hội Việt Nam. Trong nghề nghiệp có bừa, cào, cán cuốc, cán xẻng, cán búa, cần câu, vó lưới câu, đòn gánh, giỏ cá, nơm, lờ, bè, sào, ống, gầu múc và tát nước… Trong sinh hoạt hàng ngày có giường, chõng, bàn, ghế, thúng, rổ, rá, nia, đũa, tăm, quạt nan… Trong nghệ thuật và giải trí có đàn, ống tiêu, ống sáo, thanh tre, khung lồng đèn, khung diều giấy… Trong kỹ nghệ có thân tre dùng để đốt làm nhiên liệu, bột tre dùng làm giấy, lá tre ủ làm phân bón…

Xấu tre uốn chẳng nên cần,
Xấu mai anh chẳng đặng gần cùng em!

Về quân sự, ông cha chúng ta từ lâu đã biết sử dụng tre để làm nhiều loại vũ khí khác nhau như cung, tên, nỏ, ná, bàn chông, bẫy sập, gậy, tầm vông vạc nhọn, cán dao, cán giáo… cùng với những tiếng nổ vang dội của từng loại pháo tre ròn rã trong chiến trận.

Chặt tre, gài bẫy, vót chông,
Tre bao nhiêu lá, thương chồng bấy nhiêu!

Trong phương diện văn học, cây tre là đề tài và nguồn cảm hứng cho bao nhiêu thi nhân, hoạ sĩ và văn sĩ Việt Nam như các câu thơ và ca dao trích dẫn trên cũng như vô số các bức tranh dân tộc. Trong văn chương triết lý, cây tre tượng trưng cho bậc quân tử, thân ngay thẳng và lòng trống rỗng; còn trúc và mai kết hợp thành biểu tượng dương và âm hoặc cương và nhu để nói lên tình cảm và hào khí của dân tộc.

Lòng anh như thân trúc,
Tình em tựa cành mai.
Bao giờ trúc mọc gần mai, 
Em ơi, xin chớ nhạt phai tấc lòng. 

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

MỘT TOA THUỐC RẤT HAY

MỘT TOA THUỐC RẤT HAY CẢ VỀ TINH THẦN LẪN THỂ XÁC
Nguồn: Internet


Chúng ta cùng nhau tập dùng thử: 

I. Sức khỏe
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất và hoàn cảnh chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật”.
II. Bí quyết trường thọ
1. Chấp nhận với những gì mình đang có
2. Thích nghi với hoàn cảnh của mình
3. Điều chỉnh để đạt được điều mong muốn.
III. Phòng ngừa bệnh tật
1. Không vui quá hại tim
2. Không buồn quá hại phổi
3. Không tức quá hại gan
4. Không sợ quá hại thần kinh
5. Không suy nghĩ quá hại tỳ
6. Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lãng quên
7. Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua
IV. Thức ăn & uống trong ngày:
- Một củ hành: chống ung thư
- Một quả cà chua: chống tăng huyết áp
- Một lát gừng: chống viêm nhiễm
- Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch
- Một trái chuối: làm phấn chấn thần kinh, bớt lo âu, chống táo bón, giảm được béo.
- Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng.
- Uống 1 đến 2 lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.
V. Triết lý của người Trung Hoa hiện đại:
1. Một Trung Tâm là sức khỏe
2. Hai Tí: Một tí thoải mái – Một tí nhiệt tình
3. Ba Quên: Quên tuổi tác – Quên bệnh tật – Quên hận thù
4. Bốn Có: Có nhà ở – Có bạn đời – Có bạn tri âm – Có lòng vị tha.
5. Năm Phải:
- Phải vận động
- Phải biết cười
- Phải lịch sự hòa nhã
- Phải biết nói chuyện và
- Phải coi mình là người bình thường..
VI. Bảo Sinh Thái Ất Chân Nhân
1. Ít nói năng để dưỡng Nội Khí
2. Kiêng sắc dục để dưỡng Tinh Khí
3. Bớt ăn hăng mạnh để dưỡng Huyết Khí
4. Đừng nhổ nước bọt để dưỡng Tạng Khí
5. Chớ giận hờn để dưỡng Can Khí
6. Chớ ăn quá độ để dưỡng Vị Khí
7. Ít lo lắng để dưỡng Tâm Khí
8. Tránh tà tâm để dưỡng Thần Khí.
VII. Hãy dành thì giờ
1. Hãy dành thì giờ để suy nghĩ. Đó là nguồn sức mạnh.
2. Hãy dành thì giờ để cầu nguyện. Đó là sức mạnh toàn năng.
3. Hãy dành thì giờ cất tiếng cười. Đó là tiếng nhạc của tâm hồn.
4. Hãy dành thì giờ chơi đùa. Đó là bí mật trẻ mãi không già.
5. Hãy dành thì giờ để yêu và được yêu. Ưu tiên TẠO HÓA ban.
6. Hãy dành thì giờ để cho đi. Một ngày quá ngắn để sống ích kỷ.
7. Hãy dành thì giờ đọc sách. Đó là nguồn mạch minh triết.
8. Hãy dành thì giờ để thân thiện. Đó là đường dẫn tới hạnh phúc.
9. Hãy dành thì giờ để làm việc. Đó là giá của thành công.
10.Hãy dành thì giờ cho bác ái. Đó là chìa khóa cửa TỪ BI.


Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN

LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN
Sưu tầm

Lởi nói của Tiền Nhân vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay và mãi mãi ,,,
Chúng ta phải nhớ rằng bọn giặc phương Bắc là mối thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.

LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN:
VUA TRẦN NHÂN TÔNG
(1258-1309)



Các Người chớ quên!
Nghe lời Ta dạy
Chính nước lớn
Làm những điều bậy bạ
TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
Bất nghĩa bất nhân
Ỷ nước lớn
Tự cho mình cái quyền ăn nói!
Nói một đường làm một nẻo! Vô luân!
Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!
Họa Trung Hoa!
Tự lâu đời truyền kiếp!
Kiếm cớ này bày chuyện nọ! TÀ MA!
Không tôn trọng biên cương theo quy ước
Tranh chấp hoài! Không thôn tính được ta
Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy!
Gặm nhấm dần
Giang Sơn ta nhỏ lại
Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di
Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
Canh cánh bên lòng “ĐẠI SỰ QUỐC GIA!
Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VIỆT
Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa!
VẬY NÊN
CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
KHÔNG ĐỂ MẤT
MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
HÃY ĐỀ PHÒNG
QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA!
LỜI NHẮN NHỦ
CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.

VUA LÊ THÁNH TÔNG
(1442-1497)



“Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.


***

HOÀNG SA, TRƯỜNG SA, QUẦN ĐẢO QUÊ TA 
Sáng tác: Trần Chí Phúc - Trình bày: Ban Hợp Ca vùng Hoa Thịnh Đốn




TRƯỜNG SA, LƯƠNG TRI THẾ GIỚI
Sáng tác: Nguyễn Văn Đông - Trình bày: Ban Hợp Ca Xuân Điềm







DANH NGÔN CUỘC SỐNG

DANH NGÔN CUỘC SỐNG
 PPS: Bùi Phương


Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

VŨ ĐIỆU TUYỆT VỜI

VŨ ĐIỆU TUYỆT VỜI
(Funny courtship dances of our feathered friends)
Susan Jeffels

TIẾC THU

TIẾC THU
Thơ: Nguyễn Thu Hà
Nhạc: Trúc ca Dương Vân Châu
Tiếng hát: Cẩm Tú

NGUYÊN TẮC SỐNG LÂU 100 TUỔI

NGUYÊN TẮC SỐNG LÂU 100 TUỔI 
Bác sĩ Trường Xuân


Các nhà khảo cứu tại Anh Quốc vừa trình bày những khám phá mới nhất của ngành lão khoa (Geriatrics) và di truyền học (Genetics) và tiên đóan là những thế hệ trẻ trong tương lai sẽ có thể sống được trên 100 tuổi dễ dàng. 
Một khảo cứu khác trên 20.000 người dân Anh đăng trên tờ báo Y học British Medical Journal thì cho biết là có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch như đau tim, tai biến mạch máu não bằng 4 biện pháp sau đây : đi bộ 30 phút mỗi ngày, ăn nhiều rau cỏ và trái cây, không hút thuốc lá và giảm bớt uống rượu. Những nguyên tắc kể trên cũng được Y học Mỹ xác nhận từ lâu nhưng gần đây BS Thomas Perls của Đại học Boston cho biết là dựa trên kinh nghiệm của những người đã sống trên 100 tuổi thì ông đã rút ra được những kinh nghiệm như sau :
1/ Hưu trí
Các khảo cứu về tử vong đều xác nhận là khoảng thời gian 1 năm sau khi hưu trí là nguy hiểm nhất ở những người về hưu rồi không hoạt động gì cả vì tình trạng mập phì gia tăng, tâm thần suy nhược, cholesterol xấu LDL lên cao, còn cholesterol tốt HDL giảm, huyết áp gia tăng.. 
BS Luigi Ferruci tại Baltimore sau khi khảo sát tình trạng sức khỏe của vùng Chianti bên Ý là nơi có rất nhiều người sống trên 100 tuổi thì thấy rằng những người sau khi hưu trí vẫn tiếp tục hoạt động thể chất và tinh thần như trồng rau, trồng hoa, thăm viếng bạn bè, chăm đi lễ nhà thờ… 
Tại Mỹ có nhiều chương trình hoạt động thiện nguyện như Expericence Corps, Masters Gardeners giúp cho những người cao niên đem kiến thức truyền lại cho giới trẻ, đem lại hứng khởi cho tất cả mọi người và kéo dài tuổi thọ. 
2/ Vệ sinh răng miệng
Phần này hết sức quan trọng nhưng ít khi được chú ý đúng mức. Một khảo cứu của Đại học Minnesota cho thấy là những người bị viêm nướu răng (gum disease) dễ bị tai biến mạch máu não và đau tim vì trong miệng có những vi khuẩn tiết ra những độc chất làm cho máu bị đông và các mạch máu bị viêm. Cần dùng chỉ đánh răng (dental floss) và chữa trị bệnh răng miệng thật sớm dể tránh bệnh đau tim và cả chứng hôi miệng (halitosis) như vua Câu Tiễn đã được mô tả thời xưa !
3/ Hoạt động thể chất, đi bộ
BS Jay Olshansky thuộc Đại Học Chicago nói: “đi bộ là môn thuốc trường sinh tốt nhất và không tốn tiền”. Tất cả những khảo cứu về tuổi thọ đều xác nhận là đi bộ giúp cho tinh thần thoải mái, sáng suốt (tăng chất endorphins), tránh té ngã, tăng sức cơ bắp, xương cứng, tránh bị gãy xương hông, một trong những nguyên nhân tử vong ở Mỹ. 
Không cần phải tập luyện khó khăn như chạy marathon mà chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu tập thêm những phương pháp giữ gìn gân cốt như yoga, tai chi thì càng tốt.
4/ Ăn ngũ cốc high fiber mỗi buổi sáng
Các nhà khảo cứu đều xác nhận là 90 % các chứng bệnh mãn tính ở Mỹ như bệnh tim mạch, ung thư đường ruột đều có thể tránh được nếu biết dinh dưỡng đúng phép. Cần ăn sáng bằng những loại ngũ cốc có nhiều sớ như oat meal, quinoa và gần đây loại hạt Chia seed (Salvia Hispaniola) giống như hạt é (basil) vì có nhiều dầu omega 3 và giúp cho no lâu, có nhiều năng lực. Hạt Chia giúp tránh được bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch hết sức phổ biến ở Mỹ. Hiện nay ở Mỹ có khoảng 22 triệu người bị bệnh tiểu đường làm cho ngân sách Y tế tốn trên 200 tỷ USD mỗi năm. 
Bữa ăn sáng rất quan trọng giúp cho cơ thể có đủ năng lực hoạt động trong ngày và đường trong máu được ổn định.
5/ Vệ sinh giấc ngủ
Cần điều độ trong giấc ngủ, ít nhất từ 5 đến 6 tiếng mỗi tối. Không nên thức khuya xem phim bộ, phim chưởng vì theo lời BS Ferruci thì trong khi ngủ, cơ thể phục hồi lại các chức năng bị hao mòn trong ngày. Não bộ rất cần giấc ngủ được yên và nhất là giấc ngủ REM (ngủ say) giúp cho các tế bào não bộ thu xếp lại các dữ kiện ban ngày giống như các máy điện toán hoạt động off line processing. Những người sống trên 100 tuổi đều hết sức coi trọng giấc ngủ được bình yên.
6/ Thực phẩm hoàn toàn
Một số sinh tố, enzyms và chất muối khoáng hết sức cần thiết cho tuổI thọ và chỉ có trong những thực phẩm tươi tốt mà các dược thảo (dietary supplements) không thể thay thế được. Những hoá chất như carotenoids, flavonoids thường có trong các loại hoa quả có màu như cà chua, cà rốt, rau xanh, mè đen nên cần được tiêu thụ mỗI ngày. Có thể đem pha lẫn với sữa đậu nành hay hạt Chia, hạt é. Nên tránh hay giảm bớt các loại gạo trắng, tinh bột vì thiếu những hóa chất kể trên và dễ làm cho mập phì, tiểu đường làm cho cơ thể mau bị lão hóa, nói chung mau già. 
Một vài khảo cứu trên những người sống trên 100 tuổi cho thấy là họ ăn rất ít vào buổI tối hoặc như trường hợp của ông Breuning, người sống lâu nhất ở Mỹ 113 tuổi, là đã bỏ hẳn bữa ăn tối từ 35 năm qua.
7/ Tâm thần bình an
Tất cả những người sống trên 100 tuổi đều có đầu óc lạc quan, yêu đời, ít bon chen, ganh đua, nóng giận, tham sân si. Họ có sức chịu đựng stress rất giỏi và trải qua những khó khăn dễ dàng. Tất cả những phương pháp tĩnh tâm như yoga, tai chi, cầu nguyện, khí công đều tốt cả . Không nên tìm cách giải trí bằng xem TV, uống rượu, cờ bạc, xem soap opera, ăn junk food, gây căng thẳng trí não..
8/ Nếp sống tinh thần
Một khảo cứu trên Giáo phái Seventh day Adventist tại Loma Linda cho biết là tuổi thọ trung bình là 89 trên mức trung bình chỉ có 82. Ngoài việc tránh ăn thịt, người Adventist không hút thuốc, không uống rượu và ăn nhiều trái cây, rau cỏ, đời sống gia đình ổn đình, thể chất lành mạnh. Một BS người Adventist 94 tuổi vẫn làm việc giải phẫu tim mạch như thường lệ. 
Người Adventist có chủ trương rằng thân thể là một món quà do Thượng Đế ’’cho vay‘’ (on loan) nên cần phải được bảo vệ kỹ càng.
9/ Thói quen điều độ
Những người cao niên có thói quen rất chừng mực, ăn uống điều độ, sáng dậy và tối đi ngủ hết sức mực thước, ít khi ra ngoài thông lệ. 
BS Ferruci cho biết là những thay đổi bất thường trong đời sống dễ làm cho hệ thống miễn dịch (immune system) bị xáo trộn, lệch lạc mất quân bình khiến dễ đưa đến những trường hợp nhiễm trùng, cảm cúm.
10/ Quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè
Kinh nghiệm của ngườI Adventist và Okinawa cho thấy là những liên hệ mật thiết với gia đình, bạn bè hết sức quan trọng trong việc tránh chứng bệnh buồn chán, suy nhược thần kinh và tổn thọ. Liên hệ thường xuyên với người thân sẽ giúp cho người cao niên có được sự tự tin, có nơi nương tựa nếu chẳng may hữu sự. 

Nói chung là trong khi chờ đợi những phát minh mớI nhất giúp cho con người sống được trên 100 tuổi thì chúng ta đã có ngay trong tầm tay những phương pháp giản dị nhất để thực hiện điều này qua kinh nghiệm những người đã trải qua cuộc đời .. trên một thế kỷ !

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

NỮ ẢO THUẬT GIA ALANA

NỮ ẢO THUẬT GIA ALANA
(Le Plus Grand Cabaret Du Monde)
Trình diễn trên Truyền hình Pháp quốc

Mời vào đường dẫn dưới đây để xem:
http://www.flixxy.com/fashionable-magician-alana.htm



VIỆT NAM NĂM 1948

VIỆT NAM NĂM 1948
(TRONG LOẠT ẢNH CỦA TẠP CHÍ LIFE)

Thiếu nữ Pháp mặc áo tắm, những người đàn ông Việt Nam "đậu" như chim trên hàng rào, xe điện chạy trên đường phố Sài Gòn v.v... là những hình ảnh độc đáo do phóng viên tạp chí Life chụp ở Đông Dương năm 1948.




Xe bò kéo chạy qua tòa nhà sau này trở thành thương xá Tax ở Sài Gòn.

Nơi để xe đạp trên vỉa hè đại lộ Charner, nay là đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn.

Băng-rôn quảng cáo phim treo đầy trên một đường phố ở trung tâm Sài Gòn.

Hai thầy dòng người Pháp đi dạo trên phố Catinat, nay là đường Đồng Khởi.

Cảnh buôn bán trên đường phố Sài Gòn.

Những người đàn ông "đậu" như chim trên hàng rào để xem đua ngựa ngày chủ nhật ở trường đua ngựa Sài Gòn.

Người lính Việt Nam phục vụ chính quyền Pháp tên Trần Đăng Mẫn thực hiện một nghi thức nhà binh.

Tàu vận tải Pháp đậu gần những con thuyền lụp xụp của người Việt trên sông Sài Gòn.

Chân dung Bảy Viễn, một tướng cướp lừng danh trước năm 1945, về sau tham gia tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp, sau ly khai trở về hợp tác với chính quyền Bảo Đại. Bảy Viễn cũng là thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên chống đối và bị Ngô Đình Diệm dẹp tan vào năm 1955.

Một nhóm lính Pháp tại căn cứ hải quân ở Sài Gòn.

Cảnh bếp núc trong một trại lính người Việt của chính quyền thuộc địa.

Binh lính trên một tháp canh tại một trục đường giao thông quan trọng.

Cảnh họp chợ tại một vùng quê.

Đài tưởng niệm quân Pháp chết trận tại Đông Dương trong Chiến tranh thế giới II ở Hải Phòng.

Nghĩa trang chôn 600 quân Pháp bị lính Nhật giết hại trong xung đột ở Đông Dương thời gian Chiến tranh thế giới II.

Lính Pháp tán gẫu trong một quán cà phê vỉa hè.

Người Pháp thư giãn tại hồ bơi ở Sài Gòn.

Các nhân viên thuộc địa chơi tennis tại CLB thể thao cạnh công viên Tao Đàn.

Cạu bé bán báo ngủ gục bên quầy bán báo tiếng Pháp ở Sài Gòn.

Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Xe điện chạy trên đường phố Sài Gòn.

Chân dung Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân của chính quyền thân Pháp ở miền Nam Việt Nam được treo trên cổng chợ Bến Thành.

Cầu quay Khánh Hội, Sài Gòn.

Ba người phụ nữ tạo dáng chụp ảnh trong công viên ở Sài Gòn.

Các sĩ quan Pháp xem đua ngựa tại trường đua Phú Thọ, Sài Gòn.


Công nhân người Việt xây dựng các ụ súng bên bờ sông Sài Gòn.

Sửa đường ven bờ hồ Hoàn Kiếm, gần nhà Thủy Tạ, Hà Nội.

Người dân khấn vái tại một miếu thờ nhỏ ở Hà Nội.

Người phụ nữ thắp hương tại một am thờ, Hà Nội.

Cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một ngôi làng ở miền Bắc Việt Nam.

Những ngôi nhà bị phá hủy do giao tranh vũ trang.

Đoàn xe quân sự của Pháp dừng lại nghỉ trên hành trình của mình.

Binh lính người Việt canh gác tại một đồn điền cao su của Pháp.

Một người phụ nữ tát nước trên thửa ruộng của mình.

Nông dân người Hoa quay trở về Trung Quốc trên một con đường ở Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Trung tâm thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Nữ dân quân của giáo phái Hòa Hảo tập trận trong một cánh rừng ở miền Nam Việt Nam.

Nữ dân quân Hòa Hảo trong hàng ngũ.
Theo KIẾN THỨC

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

SAIGON NGÀY XƯA, SAIGON NGÀY NAY

SAIGON NGÀY XƯA, SAIGON NGÀY NAY
Lý Thuỵ Ý
(Hồng Nguyễn sưu tầm)


Sài Gòn vẫn rất dễ thương

Cái tên dù lạ con đường vẫn quen

Tôi hay “viện dẫn” hai câu thơ của mình mỗi khi phải hồi âm một cánh thư xa nào đó, thường là câu hỏi “Sài Gòn bây giờ ra sao?”
Thật ra trong cảm nhận của tôi, Sài Gòn vẫn thế. Bởi dù trải qua nhiêu bao biến cố thăng trầm thì Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, thủ đô trong những trái tim miền Nam ngày nào vẫn không bao giờ thay đổi: Sài Gòn của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino (Sài Gòn). Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng. Gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur) v.v…...
Sài Gòn của tôi “sáng nắng chiều mưa”. Mưa như được lập trình sẵn hoặc chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ bát phố khi “cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ. Điều này những năm gần đây hình như thay đổi, mưa dầm và mưa… mất trật tự, người Sài Gòn vốn quen kiểu “xưa” chẳng biết đâu mà lần! Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ qua màu áo lụa Hà Đông.
Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình.
Sài Gòn của tôi, nơi quốc vương Cam-bốt từng du học, người Sài Gòn chê hàng Thái, không thèm xài Colgate vì đã có kem Hynos “anh yêu em, anh yêu luôn kem” xịn hơn.
Sài Gòn của tôi trẻ - luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Sài Gòn không thích “ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm.
Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hóa cách mấy. Chỉ giản dị như lời hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình Điền là coi như đến nhà.
Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Sài Gòn như giữ chính cuộc đời mình. Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ. Có thể thay vào sẽ là một tòa nhà đẹp hơn, nhưng Eden của ngày nào:

“Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm 
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm 
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím 
Anh quen rồi, không lạnh - lính mà em!”

Thì không bao giờ còn nữa
Vẫn biết có những sự đổi thay tốt hơn, đôi khi cần thiết nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng. Hơn sáu mươi năm hãnh diện làm “dân Sài Gòn”, bỗng chợt giật mình tự hỏi: Có khi nào người ta phù phép để Sài Gòn biến mất không nhỉ? Có khi nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành, bưu điện Sài Gòn, một sớm mai thức dậy người Sài Gòn ngơ ngác hay tin sẽ trở thành trung tâm thương mại, cao ốc chọc trời…?

Ôi! Sài Gòn của tôi!!
Tôi vẫn nói vui rằng mình giữ lại “Sài Gòn xưa” từng tên đường, góc phố, giữ lại những buổi chiều hẹn hò: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” và giữ lại mãi mãi,những dấu yêu xưa!
Và rồi lại buốt tim khi nghĩ đến một ngày nào “Sài Gòn của tôi” sẽ chỉ còn là hoài niệm. Vô tình ai đó sẽ tìm thấy trong những trang sách hằn dấu thời gian ở một hiệu sách cũ.
Sài Gòn ơi!
Tôi gặp lại họ rất tình cờ, trong một… tiệm sách cũ, nơi thường lưu lại những gì mà ta còn nhớ hay đã quên.
Những trang giấy đã không còn nguyên màu trắng. Những dòng chữ như cũng nhạt theo năm tháng. Nhưng hình ảnh, dù phôi pha, thì nụ cười, ánh mắt cũng gợi nhớ một thời ta đã sống. Thời mà tên tuổi họ trên môi người hâm mộ Nghệ thuật thứ bảy và họ được gọi một cách trang trọng là tài tử minh tinh.
Chưa xa lắm nhưng cũng đủ để quên những gì không muốn nhớ. Khi mà muốn xem phim người ta không thể làm gì khác hơn là đến rạp và cứ có phim hay là rạp chật như nêm… Và rạp hát nào cũng treo đầy ảnh minh tinh tài tử, không phải Hồng Kông, Hàn Quốc như bây giờ mà toàn Việt Nam. Tôi say mê điện ảnh, dù chưa tới tuổi “đến rạp một mình” và yêu họ, dĩ nhiên…
Dạo đó chưa có những chương trình giao lưu, tài tử điện ảnh, ca sĩ tân nhạc cũng chưa phải “chạy sô” như bây giờ. Họ coi nghệ thuật như cứu cánh của đam mê và cả cuộc sống thực tế, nghề tay trái hầu như không có. 
Chẳng ai nghe nói Thẩm Thúy Hằng phải đi… biểu diễn tân nhạc để kiếm thêm, cũng không thấy Kiều Chinh tham gia chương trình “đại nhạc hội”. Họ cũng chẳng đóng cùng lúc hai, ba phim như các diễn viên “đắt khách” bây giờ dù đó là những tên tuổi lớn của điện ảnh Sài Gòn thuở ấy, những tên tuổi mà lứa tuổi 40, 50 hôm nay, nếu yêu điện ảnh khó mà quên được.
Một Kiều Chinh tuyệt vời trong “Hồi Chuông Thiên Mụ”, Thẩm Thúy Hằng với “Người Đẹp Bình Dương”, Kiều Nguyệt Nga - Thu Trang trong “Lục Vân Tiên”, Túy Phượng diễm kiều với vai Công chúa của “Thạch Sanh - Lý Thông”… Tôi yêu nét thùy mị của Thu Trang, vẻ sắc sảo của Kiều Chinh và nét đẹp duyên dáng Thẩm Thúy Hằng. Nam tài tử có La Thoại Tân, Anh Tứ, Lê Quỳnh, Anh Sơn, Đoàn Châu Mậu, Tâm Phan, Huy Cường, Trần Quang… Vân Hùng chuyên đóng kịch với kỳ nữ Kim Cương, thỉnh thoảng cũng “lên phim”. Rất nhiều, thời nào thì nghệ thuật cũng cần rất nhiều dù trong số họ không phải ai cũng đến được vinh quang và để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật, không chỉ có diễn viên chính.
Tình cờ gặp lại họ trong tiệm sách cũ, nơi mà quá khứ lẫn với hiện tại, nơi mà thời gian chừng như bất lực, tôi thấy chút vui pha lẫn ngậm ngùi khi bắt gặp Lê Hoàng Hoa thời “mới làm quen với máy quay”, một Lê Mộng Hoàng hơn ba mươi năm về trước vẫn nhăn nhó… như bây giờ. Nụ cười Kiều Chinh và ánh mắt Thu Trang vẫn còn đó.
Một thời tôi đã lớn lên cùng với tên tuổi họ. Rồi tất cả bỗng như không còn, bỗng như chưa từng có. Người ta trôi theo nhịp sống bằng những cách khác nhau và lưu giữ hay xóa đi dĩ vãng tùy thuộc mỗi người. Có điều chắc chắn rằng những gì đã có thì vẫn còn đâu đó và ta sẽ gặp khi tình cờ một lúc nào đó đảo ngược được thời gian…
Và… thời gian đã đảo ngược với tôi, trong một tiệm sách cũ… Tình cờ!
28-05-2010


Lời tự giới thiệu của nhà thơ Lý Thuỵ Ý :
  Tên thật: Nguyễn Thị Phước Lý
  Sinh nhật: 02-04-1947
  Quê nội: Quảng Nam
  Quê ngoại: Thừa Thiên - Huế
  Trình độ: đủ để làm thơ, viết văn, viết báo ở đất Sài Gòn từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX.